2010–2019
Giảng Dạy với Quyền Năng và Thẩm Quyền của Thượng Đế
Tháng mười 2013


Giảng Dạy với Quyền Năng và Thẩm Quyền của Thượng Đế

Chúa đã cung ứng cách thức đó cho tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau xứng đáng để giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Chúng tôi biết ơn không thể nào tả xiết đối với các giảng viên trong khắp Giáo Hội. Chúng tôi yêu mến các anh chị em và tin tưởng các anh chị em rất nhiều. Các anh chị em là một trong những phép lạ lớn lao của phúc âm phục hồi.

Quả thật, có một bí quyết để trở thành một giảng viên phúc âm thành công, để giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế. Tôi sử dụng từ bí quyết vì các nguyên tắc dẫn đến sự thành công của giảng viên chỉ có thể hiểu được bởi những người đã có một chứng ngôn về điều đã diễn ra vào buổi sáng của một ngày đẹp trời quang đãng, đầu mùa xuân năm 1820.

Để đáp ứng lời cầu nguyện khiêm nhường của một cậu bé 14 tuổi, các tầng trời đã mở ra. Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến và phán bảo cùng Tiên Tri Joseph Smith. Kỳ muôn vật đổi mới được chờ đợi từ lâu đã bắt đầu và nguyên tắc của sự mặc khải đã được thiết lập đời đời trong gian kỳ của chúng ta. Sứ điệp của Joseph, và sứ điệp của chúng ta cho thế gian, có thể được tóm tắt trong bốn từ: “Thượng Đế phán bảo.” Ngài đã phán bảo cùng những người thời xưa, Ngài phán bảo cùng Joseph, và Ngài sẽ phán bảo cùng các anh chị em. Đây là điều đã làm cho các anh chị em khác biệt với tất cả các giảng viên khác trên thế giới. Đây là lý do tại sao các anh chị em không thể thất bại.

Các anh chị em đã được kêu gọi bởi tinh thần tiên tri và mặc khải và đã được phong nhiệm qua thẩm quyền của chức tư tế. Điều này có nghĩa là gì?

Trước hết, điều này có nghĩa là các anh chị em đang làm công việc của Chúa. Các anh chị em là người đại diện của Ngài, và các anh chị em được cho phép và ủy thác để đại diện cho Ngài và hành động thay cho Ngài. Là người đại diện cho Ngài, các anh chị em có quyền được Ngài giúp đỡ. Các anh chị em phải tự hỏi: “Đấng Cứu Rỗi sẽ nói gì nếu Ngài giảng dạy lớp học của mình ngày hôm nay, và Ngài sẽ nói điều đó như thế nào?” Rồi các anh chị em cũng phải làm như thế.

Trách nhiệm này có thể làm cho một số người cảm thấy không thích hợp hoặc thậm chí còn sợ hãi một chút. Cách giảng dạy không khó khăn. Chúa đã cung ứng cách thức đó cho tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau xứng đáng để giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Thứ hai, các anh chị em được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em không được giảng dạy những ý tưởng hay triết lý riêng của mình, thậm chí được trộn lẫn với thánh thư. Phúc âm là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin,”1 và chỉ qua phúc âm chúng ta mới được cứu.

Thứ ba, các anh chị em được truyền lệnh để giảng dạy các nguyên tắc của phúc âm được tìm thấy trong các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội, để giảng dạy những lời của các sứ đồ và tiên tri cận đại, và giảng dạy điều Đức Thánh Linh giảng dạy cho các anh chị em.

Vậy thì chúng ta bắt đầu từ đâu?

Trách nhiệm đầu tiên và trước hết của chúng ta là phải sống sao cho chúng ta có thể có Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn và đồng hành của mình. Khi Hyrum Smith tìm cách tham gia vào công việc ngày sau này, Chúa đã phán: “Này, đây là công việc của ngươi, tuân giữ các giáo lệnh của ta, phải, với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình.”2 Đây là điểm khởi đầu. Lời khuyên bảo do Chúa ban cho Hyrum, là lời khuyên giống như Ngài đã ban cho Các Thánh Hữu trong mọi thời đại.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã cho biết khi ngỏ lời cùng các giảng viên ngày nay: “Phần quan trọng nhất của sự phục vụ của các anh chị em sẽ là sự chuẩn bị phần thuộc linh hàng ngày, gồm có cầu nguyện, học thánh thư, và tuân theo các giáo lệnh. Chúng tôi khuyến khích các anh chị em nên hiến dâng bản thân mình cho việc sống theo phúc âm với mục đích lớn hơn bao giờ hết.”3

Điều quan trọng là Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã không nói rằng phần quan trọng nhất trong sự phục vụ của các anh chị em là phải chuẩn bị kỹ bài học hoặc thông thạo các kỹ thuật giảng dạy khác nhau. Dĩ nhiên, các anh chị em phải siêng năng chuẩn bị mỗi bài học và cố gắng tìm hiểu cách giảng dạy để có thể giúp các học viên sử dụng quyền tự quyết của họ và cho phép phúc âm ảnh hưởng đến tâm hồn của họ, nhưng phần đầu tiên và quan trọng nhất của sự phục vụ của các anh chị em là chuẩn bị bản thân về phần thuộc linh. Khi các anh chị em tuân theo lời khuyên này như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã hứa: “Đức Thánh Linh sẽ giúp các anh chị em biết phải làm gì. Chứng ngôn của các anh chị em sẽ phát triển, sự cải đạo của các anh chị em sẽ gia tăng, và các anh chị em sẽ được củng cố để đáp ứng những thử thách của cuộc sống.”4

Một giảng viên có thể mong muốn những phước lành lớn hơn nào?

Tiếp theo, Chúa đã truyền lệnh rằng trước khi tìm cách rao truyền lời của Ngài, thì chúng ta phải tìm cách để có được lời đó đã.5 Các anh chị em phải trở thành những người đàn ông và phụ nữ hiểu biết vững chắc bằng cách siêng năng tra cứu thánh thư, và tích lũy những lời này trong lòng mình. Sau đó khi các anh chị em cầu xin Chúa giúp đỡ, thì Ngài sẽ ban phước cho các anh chị em với Thánh Linh và lời nói của Ngài. Các anh chị em sẽ có quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người.

Phao Lô cho chúng ta biết rằng phúc âm đến với loài người bằng hai cách, bằng lời nói và bằng quyền năng.6 Lời phúc âm được viết trong thánh thư, và chúng ta có thể có được lời phúc âm bằng cách siêng năng tìm kiếm. Quyền năng của phúc âm đến với cuộc sống của những người sống sao cho Đức Thánh Linh sẽ là người đồng hành của họ, và là những người tuân theo những thúc giục họ nhận được. Một số người chỉ tập trung sự chú ý của họ vào việc học hỏi phúc âm và họ trở thành chuyên gia trong việc cung cấp thông tin. Những người khác lơ là sự chuẩn bị của họ và hy vọng rằng bằng cách nào đó, với lòng nhân từ của Ngài, Chúa sẽ giúp họ dạy cho xong hết buổi học. Các anh chị em không thể trông mong Thánh Linh sẽ giúp các anh chị em ghi nhớ các câu thánh thư và nguyên tắc mà mình đã không học hoặc suy ngẫm. Để giảng dạy phúc âm một cách thành công, các anh chị em cần phải có lời nói lẫn quyền năng của phúc âm trong cuộc sống của mình.

An Ma đã hiểu những nguyên tắc này khi ông vui mừng về các con trai của Mô Si A và cách họ giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế. Chúng ta đọc:

“Họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế.

“Nhưng như vậy chưa phải là hết; họ đã hết lòng cầu nguyện và nhịn ăn; vậy nên họ có được tinh thần … mặc khải.”7

Kế tiếp, các anh chị em phải học cách lắng nghe. Anh Cả Jeffery R. Holland giảng dạy nguyên tắc này cho những người truyền giáo. Những gì ông nói áp dụng cho tất cả các giảng viên. Tôi sẽ trích dẫn từ lời nhận xét của Anh Cả Holland nhưng tôi đã tự ý thay thế từ những người truyền giáonhững người tầm đạo với từ các giảng viênhọc viên tương ứng: “Trách nhiệm quan trọng thứ nhất của các [giảng viên] là phải lắng nghe Thánh Linh, và trách nhiệm quan trọng thứ nhì là phải lắng nghe [học viên]. … Nếu chúng ta chịu lắng nghe với đôi tai thuộc linh … thì [các học viên của chúng ta] sẽ cho chúng ta biết họ cần phải nghe bài học nào.”

Anh Cả Holland nói tiếp: “Sự thật là [các giảng viên] vẫn còn quá tập trung vào việc đưa ra nội dung bài học dễ dàng, lặp đi lặp lại thay vì tập trung vào các học viên của họ là các cá nhân.”8

Sau khi các anh chị em đã chuẩn bị bản thân mình và bài học của mình với hết khả năng, thì các anh chị em phải sẵn lòng để cho Thánh Linh hướng dẫn điều mình phải giảng dạy. Khi những thúc giục âm thầm của Thánh Linh đến, thì các anh chị em phải có can đảm để bỏ qua một bên những đại cương và điều ghi chú của mình và giảng dạy những gì Thánh Linh thúc giục các anh chị em giảng dạy. Khi làm điều này, thì bài học các anh chị em đang đưa ra không còn là bài học của mình nữa mà đã trở thành bài học của Đấng Cứu Rỗi.

Khi các anh chị em tự dâng hiến bản thân mình cho việc sống theo phúc âm với mục đích lớn hơn bao giờ hết và tra cứu thánh thư, thì hãy tích lũy những lời này trong lòng mình, và cùng một Đức Thánh Linh, là Đấng đã tiết lộ những lời này cho các vị sứ đồ và các vị tiên tri thời xưa, sẽ làm chứng cho các anh chị em về lẽ trung thực của những lời này. Về cơ bản, Đức Thánh Linh sẽ một lần nữa tiết lộ những lời này cho các anh chị em. Khi điều này xảy ra, những lời mà các anh chị em đọc không chỉ còn là những lời của Nê Phi hoặc Phao Lô hay An Ma, mà trở thành lời nói của các anh chị em. Rồi, khi các anh chị em giảng dạy, Đức Thánh Linh sẽ có thể nhắc lại cho các anh chị em nhớ mọi điều. Thật vậy, ″điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó.”9 Khi điều này xảy ra, các anh chị em sẽ thấy mình đang nói một điều gì đó mà các anh chị em đã không có ý định nói. Sau đó, nếu chịu chú ý, thì các anh chị em sẽ học được một điều gì đó từ những điều mình nói khi giảng dạy. Chủ Tịch Marion G. Romney nói: “Tôi luôn luôn biết được khi nào tôi nói dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh vì tôi luôn luôn học được một điều gì đó từ những gì tôi đã nói.”10 Hãy nhớ rằng, một giảng viên cũng là một học viên.

Cuối cùng, các anh chị em phải là một nhân chứng độc lập với những điều mình giảng dạy và không phải chỉ là tiếng vang của những lời nói trong sách hoặc những ý nghĩ của người khác. Khi suy ngẫm những lời của Đấng Ky Tô, cố gắng sống theo phúc âm với mục đích lớn hơn bao giờ hết, thì Đức Thánh Linh sẽ biểu hiện với các anh chị em những điều các anh chị em giảng dạy là đúng sự thật. Đây là tinh thần mặc khải, và cũng tinh thần này sẽ mang sứ điệp của các anh chị em vào lòng của những người mong muốn và sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp đó.

Bây giờ chúng ta sẽ kết thúc ở chỗ chúng ta bắt đầu—ở Khu Rừng Thiêng Liêng. Bởi vì những gì đã xảy ra vào buổi sáng đẹp trời đó cách đây không lâu, nên các anh chị em được phép giảng dạy với quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế.

Ghi Chú

  1. Rô Ma 1:16.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 11:20.

  3. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong Teaching the Gospel in the Savior’s Way: A Guide to Come, Follow Me: Learning Resources for Youth (2012), 2.

  4. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong Teaching the Gospel in the Savior’s Way, 2.

  5. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 11:21.

  6. Xin xem 1 Tê Sa Lô Ni Ca 1:5.

  7. An Ma 17:2–3.

  8. Jeffrey R. Holland, “The Divine Companionship” (bài nói chuyện được đưa ra tại hội nghị dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 26 tháng Sáu năm 2009), 7, 8, Thư Viện Lịch Sử của Giáo Hội, Salt Lake City; sự nhấn mạnh là từ bài gốc.

  9. Giáo Lý và Giao Ước 100:6.

  10. Marion G. Romney, trong Boyd K. Packer, Teach Ye Diligently (1975), 304.