2010–2019
Các Giáo Lý và Nguyên Tắc Được Chứa Đựng trong Những Tín Điều
Tháng mười 2013


Các Giáo Lý và Nguyên Tắc Được Chứa Đựng trong Những Tín Điều

Mỗi tín điều thêm vào giá trị độc nhất vô nhị đối với sự hiểu biết của chúng ta về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi được chỉ định để nói chuyện trong phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương, ngay lập tức tôi nghĩ đến một giảng viên tuyệt vời trong Hội Thiếu Nhi. Ước muốn lớn của bà là chuẩn bị cho chúng tôi được xứng đáng để tiếp nhận chức tư tế. Lúc ấy, bà thường trắc nghiệm chúng tôi tại chỗ về những điều kiện tốt nghiệp Hội Thiếu Nhi—bằng cách nhớ tên của các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và Những Tín Điều. Bà cũng bắt chúng tôi hứa rằng—nếu tất cả chúng tôi có thể đọc thuộc lòng mười ba Tín Điều, thì chúng tôi có thể chọn một địa điểm sinh hoạt cho buổi học cuối cùng của chúng tôi.

Chúng tôi chọn một địa điểm đặc biệt chúng tôi thích để đi bộ lên trên các sườn núi đá ngay phía trên cái đập đầu tiên ở lối vào Hẽm Núi Logan, ở miền Bắc Utah. Trong những vách núi đá này có chỗ bằng phẳng, trên đó có một lò nướng thiên nhiên để nấu hotdog và nướng kẹo dẻo. Khi chúng tôi chọn địa điểm đó thì chúng tôi đã không nghĩ tới giảng viên của mình, là người lớn tuổi và chắc chắn không phải là người chơi thể thao. Nếu chúng tôi đã nghĩ về điều đó kỹ hơn, thì chúng tôi có thể thấy là rất khó khăn để bà ấy leo lên khu vực đó. Bà quyết tâm giữ lời hứa của mình và bà đã can đảm đi theo chúng tôi.

Trước hết, chúng tôi leo lên ngọn đồi nhỏ. Trong thời của chúng tôi, không có đường dây điện để chặn đường đi. Với sự giúp đỡ, giảng viên của chúng tôi đã lên được đỉnh đồi. Sau khi đã lên tới đỉnh, chúng tôi đi xuống một sườn núi đá đến một nơi chúng tôi gọi là “Turtle Back” (Lưng Rùa).

Sau khi đến nơi, thì giảng viên của chúng tôi phải dành ra một lúc để nghỉ. Đến lúc chúng tôi chuẩn bị ngồi xuống ăn, thì bà đã lấy lại sức đủ để giảng dạy cho chúng tôi bài học cuối cùng. Bà nói với chúng tôi là bà thích giảng dạy cho chúng tôi biết bao trong Hội Thiếu Nhi suốt hai năm qua. Bà khen chúng tôi đã thuộc lòng Những Tín Điều rất giỏi. Bà có thể nói bất cứ số của tín điều nào và chúng tôi có thể đọc tín điều đó cho bà nghe. Sau đó bà nói rằng việc thuộc lòng Những Tín Điều sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu chỉ để biết rất nhiều từ, trừ khi chúng ta hiểu được các giáo lý và nguyên tắc được chứa đựng trong Những Tín Điều. Bà đã khuyến khích chúng tôi nghiên cứu giáo lý phúc âm được giảng dạy trong mỗi Tín Điều. Bà giải thích rằng giáo lý được tìm thấy trong Những Tín Điều đã được chia ra thành nhiều phần.

I. Thiên Chủ Đoàn và Giáo Lý Cơ Bản của Đấng Ky Tô

Chúng ta biết được từ tín điều thứ nhất rằng Thiên Chủ Đoàn là ba Đấng: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Giê Su Ky Tô, và Đức Thánh Linh.

Tín điều thứ hai dạy rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình trên thế gian.

Tín điều thứ ba mô tả sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi vì sự cứu rỗi của con cái của Cha Thiên Thượng.

Tín điều thứ tư dạy về tầm quan trọng của các nguyên tắc và giáo lễ cơ bản.

Điều giảng viên chúng tôi nói thật là mạnh mẽ và đã là một nguồn soi dẫn cho tôi vì bà đã nhấn mạnh đến việc nghiên cứu phúc âm. Thánh thư hướng dẫn chúng ta đến một tiêu chuẩn của lẽ thật để nhờ đó chúng ta có thể xét đoán sự hiểu biết mình nhận được, cho dù đó là đúng hay sai. Các giáo lý chân chính đến từ Thượng Đế, nguồn gốc và nền tảng của mọi lẽ thật. Những điều giảng dạy và khái niệm về giáo lý chân chính được tìm thấy trong phúc âm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Những điều giảng dạy sai lạc đến từ Sa Tan, là cha của mọi điều dối trá. Ước muốn của nó là làm sai lạc, thay đổi, và sửa đổi lẽ thật đã được mặc khải. Nó muốn đánh lừa chúng ta để một số người trong chúng ta sẽ bị lạc lối trong cuộc hành trình trở về căn nhà thiên thượng.

Thánh thư dạy chúng ta cách tránh xa những lời giảng dạy sai lạc. Ví dụ, trong thư của Phao Lô gửi cho Ti Mô Thê, chúng ta đọc:

“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình,

“Hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti Mô Thê 3:16–17).

Đối với Giáo Hội, giáo lý này giống như cục pin của điện thoại di động. Khi nào anh em tháo pin ra khỏi điện thoại di động, thì nó sẽ trở thành vô dụng. Một giáo hội mà không còn giảng dạy giáo lý chân chính nữa thì cũng là vô ích. Giáo hội như vậy không thể hướng dẫn chúng ta trở về với Cha Thiên Thượng và ngôi nhà vĩnh cửu của mình.

II. Tổ Chức và Thứ Tự của Chức Tư Tế

Sau khi chúng ta bắt đầu hiểu giáo lý cơ bản của Đấng Ky Tô, thì tín điều thứ nămthứ sáu dạy chúng ta về tổ chức và thứ tự của chức tư tế. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, Joseph Smith tổ chức Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi bằng cách sử dụng thẩm quyền của chức tư tế—quyền năng của Thượng Đế. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là cùng một tổ chức mà Đấng Ky Tô đã tổ chức và hướng dẫn trong khi Ngài ở trên thế gian.

Thật là một ngày vinh quang đối với Joseph Smith và Oliver Cowdery vào tháng Năm năm 1829 khi họ đi vào rừng để cầu nguyện về giáo lý của phép báp têm để xá miễn các tội lỗi họ đã đọc được trong khi phiên dịch Sách Mặc Môn. Có nhiều điều giảng dạy về phép báp têm đã được các giáo hội khác nhau giảng dạy vào đầu thập niên 1800, và Joseph cùng Oliver biết rằng những điều giảng dạy này là không chân chính. Họ muốn biết về cách thức làm phép báp têm đúng cũng như ai có thẩm quyền để làm phép báp têm.

Để đáp ứng cho những lời cầu xin của họ lên Chúa, một sứ giả từ thiên thượng là Giăng Báp Tít, đã hiện ra cùng họ. Ông đặt tay lên đầu họ và truyền giao cho họ thẩm quyền làm phép báp têm với những lời này: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn” (GLGƯ 13:1).

Thật là một ngày tuyệt vời trong lịch sử của thế gian! Chức tư tế đã được phục hồi trên thế gian.

Khi nhận được chức tư tế, chúng ta nhận được thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế và hướng dẫn theo các đường lối của lẽ thật và sự ngay chính. Thẩm quyền này là một nguồn quyền năng và ảnh hưởng ngay chính vì lợi ích của con cái của Thượng Đế trên thế gian và sẽ ở với chúng ta sau khi chúng ta chết. Chức tư tế cần phải được phục hồi trước khi Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô có thể được tổ chức. Đây là bài học cơ bản mà chúng ta học được từ tín điều thứ nămthứ sáu.

III. Các Nguồn Lực Vĩnh Cửu trong một Cuộc Sống Trần Thế

Ba tín điều kế tiếp—bảy, tám, và chín—giảng dạy về các nguồn lực có sẵn để chỉ dẫn chúng ta trong cuộc sống trần thế. Chúng ta được ban cho các ân tứ thuộc linh để hướng dẫn chúng ta khi tuân theo những lời dạy của Chúa và để bảo vệ chúng ta khỏi điều ác. Thánh thư là một sự hướng dẫn khác; nếu cố gắng đọc kỹ lời của Thượng Đế, thì Ngài sẽ mặc khải con đường của chúng ta dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Tín điều thứ chín dạy chúng ta rằng Thượng Đế đã mặc khải, đang mặc khải, và sẽ mặc khải trong tương lai nhiều lẽ thật lớn lao và quan trọng cho các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải của Ngài. Chúng ta biết được rằng ngoài việc lắng nghe tiếng nói êm nhỏ của Thánh Linh và đọc thánh thư ra, thì còn có một nguồn hướng dẫn khác là các vị lãnh đạo Giáo Hội, họ đã được lựa chọn, kêu gọi, và phong nhiệm để ban phước cho cuộc sống của chúng ta qua những bài học họ giảng dạy.

IV. Các Tín Hữu là Những Người Truyền Giáo

Tín điều thứ mười, mười một, và mười hai chỉ dẫn chúng ta cách thực hiện công việc truyền giáo và chia sẻ phúc âm trong một thế giới có nhiều quốc gia và nhiều luật lệ khác nhau. Chúng ta biết về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta được chỉ dẫn rằng những người đàn ông và phụ nữ có quyền quản lý chính mình, và họ có thể chấp nhận hoặc từ chối lời của Thượng Đế theo lương tâm của họ. Cuối cùng, chúng ta biết là khi chúng ta truyền bá phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đến khắp nơi trên thế giới thì chúng ta phải tôn trọng chính phủ của mỗi quốc gia nơi Giáo Hội được phép vào. Quả thật, chúng ta tin ở việc tuân thủ, tôn trọng, và hỗ trợ luật pháp của mỗi đất nước.

V. Cố Gắng Để Đạt Được Các Thuộc Tính

Tín điều thứ mười ba mang đến sự hiểu biết sâu sắc đặc biệt về cách chúng ta nên sống cuộc sống của mình và giao tiếp với những người khác. Tín điều này ghi rằng: “Chúng tôi tin ở sự lương thiện, chân thành, trinh khiết, bác ái, đạo đức và làm điều thiện cho tất cả mọi người; thật vậy, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi theo lời khuyên răn của Phao Lô—Chúng tôi tin tất cả mọi điều, chúng tôi hy vọng tất cả mọi điều, chúng tôi đã chịu đựng được nhiều điều, và hy vọng có thể chịu đựng được tất cả mọi điều. Nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen, thì chúng tôi theo đuổi những điều này.”

Tất cả chúng ta nên cố gắng đạt được các thuộc tính này và sống sao cho chúng ta có thể là tấm gương sáng về các thuộc tính này. Các lẽ thật được giảng dạy trong Những Tín Điều được xây dựng dựa trên nhau giống như các bộ phận khác nhau cùng nhau hỗ trợ ở bên trong một cái điện thoại di động. Giống như tiến trình sản xuất chi tiết để thêm vào các bộ phận cho một cái điện thoại di động, Các Tín Điều cung cấp cho chúng ta các giáo lý chính của Sự Phục Hồi. Mỗi tín điều thêm vào giá trị duy nhất cho sự hiểu biết của chúng ta về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Giảng viên Hội Thiếu Nhi của tôi đã giúp tôi có được quyết tâm học hỏi các giáo lý của vương quốc. Bà ấy đã dạy tôi cách tìm kiếm ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong các Tín Điều giản dị này. Bà đã hứa với tôi rằng nếu tôi chịu dành ra thời giờ để học hỏi những lẽ thật thiêng liêng này thì sự hiểu biết tôi đạt được sẽ cải tiến cuộc sống của tôi, và tôi làm chứng với các anh chị em là đúng như thế.

Sau bài học tuyệt vời của giảng viên của tôi trên núi đó trong Hẽm Núi Logan, chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã ở lại lâu hơn một chút so với dự định. Màn đêm sắp buông xuống, và chúng tôi nhận biết là chúng tôi gặp một vấn đề.

Giảng viên của tôi đã vất vả để đi lên đến địa điểm đặc biệt của chúng tôi, nhưng việc trở về cũng sẽ là một thử thách to lớn đối với chúng tôi. Sự kiện này cho thấy việc chúng tôi chọn đi đến địa điểm này để sinh hoạt còn là một quyết định tệ hại nữa. Việc leo xuống là đã khó khăn đối với chúng tôi, và càng khó khăn hơn nữa đối với người có độ tuổi như bà.

Trong khi chúng tôi vất vả để giúp bà đi xuống đồi, thì có hai cảnh sát xuất hiện. Chủ tịch Hội Thiếu Nhi đã nhờ họ đi tìm chúng tôi, vì sợ là chúng tôi bị lạc đường. Đó là một kinh nghiệm khó quên trong cuộc đời của tôi, vì đó là một sự kiện xúc động cũng như là vì các bài học mà chúng tôi đã học được.

Các em thiếu niên thân mến—tôi khuyến khích các em sử dụng trí thông minh của mình để học hỏi và tìm hiểu Những Tín Điều và các giáo lý mà những tín điều này giảng dạy. Những Tín Điều là lời tuyên bố quan trọng nhất và chắc chắn là ngắn gọn nhất về giáo lý trong Giáo Hội. Nếu các em chịu sử dụng các tín điều đó để chỉ hướng cho việc học hỏi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì các em sẽ thấy mình sẵn sàng làm chứng về lẽ thật đã được phục hồi cho thế gian. Các em sẽ có thể tuyên bố trong một cách giản dị, thẳng thắn và sâu sắc về niềm tin cơ bản mà các em quý trọng với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi thêm chứng ngôn của mình vào lẽ trung thực của mười ba Tín Điều trong tôn danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.