2010–2019
Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng tư 2014


Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô

Hình Ảnh

Chúa Giê Su ở Na Xa Rét là Đấng Cứu Chuộc phục sinh, và tôi làm chứng về mọi điều khác đều là kết quả của sự kiện về Sự Phục Sinh của Ngài.

Các môn đồ của Chúa Giê Su cảm thấy tuyệt vọng và thất bại khi Chúa Giê Su chịu đau khổ và chết trên cây thập tự và xác Ngài được đặt vào ngôi mộ. Mặc dù Đấng Cứu Rỗi nhiều lần nói về cái chết của Ngài và sau đó sẽ sống lại, nhưng họ đã không hiểu. Tuy nhiên, buổi chiều ảm đạm khi Chúa bị đóng đinh đã mang đến sau đó một buổi sáng vui tươi của Sự Phục Sinh của Ngài. Nhưng niềm vui đó chỉ có được khi các môn đồ trở thành nhân chứng của Sự Phục Sinh, vì chính lời tuyên bố của các thiên sứ rằng Ngài đã sống lại mà thoạt tiên không ai có thể hiểu được—là một điều hoàn toàn chưa từng có trước đó.

Ma Ri Ma Đơ Len và một vài phụ nữ trung tín khác đến ngôi mộ của Đấng Cứu Rỗi vào buổi sáng sớm Chủ Nhật đó, mang đến các loại hương liệu và dầu xức để hoàn tất việc xức dầu đã bắt đầu khi xác của Chúa được vội vàng đặt vào trong ngôi mộ trước ngày Sa Bát. Vào buổi sáng đặc biệt này, khi đến, họ thấy ngôi mộ mở ra, tảng đá ở cửa đã bị lăn ra, và hai thiên sứ tuyên bố:

“Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết?

“Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại. Hãy nhớ khi Ngài còn ở xứ Ga Li Lê, phán cùng các ngươi thể nào,

“Ngài đã phán rằng: Con người phải bị nộp trong tay kẻ có tội, phải bị đóng đinh trên cây thập tự, và ngày thứ ba phải sống lại.”1

“Hãy đến xem chỗ Ngài đã nằm;

“Và hãy đi mau nói cho môn đồ Ngài hay rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại.”2

Như các thiên sứ đã truyền lệnh, Ma Ri Ma Đơ Len nhìn vào ngôi mộ, nhưng dường như chỉ có một điều mà bà thấy là không còn xác của Chúa ở đó nữa. Bà vội vã chạy đi kể lại cho Các Sứ Đồ biết, và đi tìm Phi E Rơ và Giăng rồi nói với họ: “Người ta đã dời Chúa khỏi mộ, chẳng hay để Ngài tại đâu.”3 Phi E Rơ và Giăng chạy đến nơi đó và thấy rõ rằng quả thật là ngôi mộ trống không, và nhìn thấy “vải bỏ dưới đất … và cái khăn liệm trùm đầu Đức Chúa Giê Su … nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác.”4 Giăng dường như là người đầu tiên hiểu được sứ điệp tuyệt vời về sự phục hồi. Ông viết rằng “[ông] … thấy và tin,” trong khi những người khác đến lúc đó “chưa hiểu lời Kinh Thánh rằng Đức Chúa Giê Su phải từ kẻ chết sống lại.”5

Phi E Rơ và Giăng ra về, nhưng Ma Ri ở lại vẫn còn than khóc. Trong khi đó, các thiên sứ đã trở lại và dịu dàng hỏi bà: “Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Người thưa rằng: Vì người ta đã dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở đâu.”6 Vào lúc đó, Đấng Cứu Rỗi phục sinh lúc này đã đứng đằng sau bà và phán: “Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai? Người ngỡ rằng đó là kẻ làm vườn bèn nói rằng: Hỡi chúa, ví thật ngươi là kẻ đã đem Ngài đi, xin nói cho ta biết ngươi để Ngài đâu, thì ta sẽ đến mà lấy.”7

Anh Cả James E. Talmage đã viết: “Bà đã nói chuyện với chính Chúa Giê Su, là Chúa yêu quý của bà, mặc dù bà đã không hề biết điều đó. Một lời phán từ miệng Ngài đã thay đổi nỗi đau buồn thống khổ của bà thành niềm vui ngây ngất. ‘Chúa Giê Su phán rằng: Hỡi Ma Ri.’ Tiếng nói đó, giọng nói dịu dàng đó mà bà từng nghe và yêu thương trong những ngày trước đó đã giúp bà cảm thấy không còn buồn phiền nữa. Bà quay lại, và thấy Chúa. Lòng cảm thấy vui mừng, bà đưa tay ra để ôm lấy Ngài, và chỉ thốt ra một lời yêu thương và tôn thờ: ‘Ra Bu Ni,’ có nghĩa là Đức Thầy kính mến của Tôi.”8

Và như vậy, người phụ nữ được phước này đã trở thành người trần thế đầu tiên nhìn thấy và nói chuyện với Đấng Ky Tô phục sinh. Về sau, cùng ngày đó, Ngài hiện đến cùng Phi E Rơ ở tại hoặc ở gần thành Giê Ru Sa Lem;9 hiện đến cùng hai môn đồ trên đường đi đến Em Ma Út;10 và vào buổi tối hiện đến cùng 10 Vị Sứ Đồ và những người khác, bất ngờ xuất hiện ở giữa họ, phán rằng: “Hãy xem tay chân ta: thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem; thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có.”11 Sau đó, để thuyết phục họ thêm “vì cớ môn đồ vui mừng nên chưa tin chắc, và lấy làm lạ,”12 Ngài ăn cá nướng và mật ong trước mặt họ.13 Về sau, Ngài dạy họ: “Các ngươi … làm chứng về ta tại thành Giê Ru Sa Lem, cả xứ Giu Đê, xứ Sa Ma Ri, cho đến cùng trái đất.”14

Ngoài các nhân chứng đã được xác nhận này ở Giê Ru Sa Lem, chúng ta còn có một giáo vụ độc nhất vô nhị của Chúa phục sinh cho người dân thời xưa của Tây Bán Cầu. Ở xứ Phong Phú, Ngài đã giáng xuống từ trời và mời gọi đám đông quy tụ lại, khoảng 2.500 người, để từng người một tiến đến cho đến khi tất cả họ đều đến, để đặt tay lên hông Ngài và rờ thấy vết đinh đóng trên tay chân Ngài.15

“Và khi tất cả mọi người đều được tiến lên và được tận mắt chứng kiến, họ bèn cùng nhau cất tiếng hô to lên rằng:

“Hô Sa Na! Phước thay danh Thượng Đế Tối Cao! Rồi họ đồng phủ phục xuống chân Chúa Giê Su mà thờ lạy Ngài.”16

Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô cho thấy cuộc sống của Ngài là độc lập và trường cửu. “Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy.”17 Chúa Giê Su phán:

“Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại.

“Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại.”18

Đấng Cứu Rỗi không phụ thuộc vào thức ăn hay nước uống hay khí oxy hay bất cứ chất gì khác, quyền lực hay người nào khác để sống. Ngài là Đấng Giê Hô Va lẫn Đấng Mê Si, Ngài là Đấng Hằng Hữu Vĩ Đại, Đấng Thượng Đế tự tồn tại.19 Ngài hoàn toàn tồn tại và sẽ luôn tồn tại.

Qua Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục mọi khía cạnh của Sự Sa Ngã. Cái chết thể xác sẽ chỉ là tạm thời, và cả cái chết thuộc linh cũng kết thúc, vì tất cả chúng ta sẽ đều trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế, ít nhất là tạm thời, để được phán xét. Chúng ta có thể có được sự tin cậy và tin tưởng tột bậc nơi quyền năng của Ngài để khắc phục tất cả mọi điều khác và ban cho chúng ta cuộc sống trường cửu.

“Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết.

“Như trong A Đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Ky Tô mọi người đều sẽ sống lại.”20

Theo lời của Anh Cả Neal A. Maxwell: “Sự chiến thắng của Đấng Ky Tô đối với cái chết đã kết thúc tình trạng khó khăn của loài người. Giờ đây chỉ còn tình trạng khó khăn của riêng cá nhân, và từ những tình trạng này, chúng ta cũng có thể được giải cứu bằng cách tuân theo những lời dạy của Ngài là Đấng đã giải cứu chúng ta khỏi cái chết chung.”21

Sau khi thỏa mãn các đòi hỏi của công lý, giờ đây Đấng Ky Tô bước vào vị trí của công lý; hay là chúng ta có thể nói, Ngài là công lý, cũng giống như Ngài là tình yêu thương.22 Tương tự như vậy, ngoài việc là một Thượng Đế hoàn hảo công chính, Ngài còn là một Thượng Đế hoàn hảo đầy lòng thương xót.23 Vì vậy, Đấng Cứu Rỗi làm cho tất cả mọi điều được trở thành đúng. Không có sự bất công nào trên trần thế là vĩnh viễn, ngay cả cái chết, vì Ngài phục hồi sự sống một lần nữa. Không có thương tích, khuyết tật, sự phản bội, hoặc lạm dụng nào không được bù đắp vào lúc cuối cùng nhờ vào công lý và lòng thương xót tột bậc của Ngài.

Tương tự như vậy, chúng ta đều có trách nhiệm với Ngài cho cuộc sống, những điều lựa chọn, và hành động, thậm chí cả những ý nghĩ của chúng ta. Vì Ngài đã cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã nên cuộc sống của chúng ta trong thực tế thuộc về Ngài. Ngài phán:

“Này, ta đã ban phúc âm của ta cho các ngươi, và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến.

“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, ngõ hầu cho một khi ta đã bị loài người nhấc lên như thể nào thì loài người cũng sẽ được Đức Chúa Cha nhấc lên thể ấy, để họ đứng trước mặt ta và chịu sự phán xét qua những việc làm của mình.”24

Hãy cân nhắc trong một giây phút ý nghĩa của Sự Phục Sinh trong việc giải quyết một cách dứt khoát về danh tính thực sự của Chúa Giê Su ở Na Xa Rét và những tranh cãi về triết lý sâu xa và những thắc mắc về cuộc sống. Nếu Chúa Giê Su đã thật sự phục sinh, thì tiếp theo đó nhất định Ngài là một Đấng thánh. Không có một người trần thế nào có quyền năng đối với chính mình để sống lại sau khi chết cả. Vì Ngài đã phục sinh nên Chúa Giê Su không thể chỉ là một người thợ mộc, một giáo viên, một giáo sĩ, hay một vị tiên tri. Vì Ngài đã phục sinh, nên Chúa Giê Su phải là một Thượng Đế, chính là Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha.

Do đó, những gì Ngài dạy là chân chính; Thượng Đế không thể nói dối.25

Do đó, Ngài là Đấng Sáng Tạo của thế gian, như Ngài đã phán.26

Do đó, thiên thượng và ngục giới là có thật, như Ngài đã dạy.27

Do đó, có một thế giới linh hồn mà Ngài đã đến thăm sau khi chết.28

Do đó, Ngài sẽ tái lâm, như các thiên sứ đã nói,29 và “thân hành trị vì trên thế gian.”30

Do đó, có một sự phục sinh và một sự phán xét cuối cùng cho tất cả mọi người.31

Vì Sự Phục Sinh thật sự của Đấng Ky Tô, nên những mối nghi ngờ về sự toàn năng, toàn tri, và lòng nhân từ của Thượng Đế Đức Chúa Cha—Đấng đã ban Con Độc Sinh của Ngài để cứu chuộc thế gian đều không có căn cứ. Những mối nghi ngờ về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống đều là vu vơ. Trong thực tế, Chúa Giê Su Ky Tô là danh hoặc con đường duy nhất để nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với nhân loại. Ân điển của Đấng Ky Tô là có thật, và cung ứng sự tha thứ lẫn thanh tẩy cho người phạm tội biết hối cải. Đức tin thực sự còn nhiều hơn trí tưởng tượng hoặc tài phát minh của trí óc. Chúng ta có lẽ thật tột bậc và phổ quát, và có những tiêu chuẩn đạo đức khách quan và không thay đổi được do Ngài giảng dạy.

Vì Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô là có thật, nên sự hối cải về bất cứ điều gì vi phạm luật pháp và lệnh truyền nào của Ngài cũng là một vấn đề có thể xảy ra và cấp bách. Các phép lạ của Đấng Cứu Rỗi là có thật, như lời hứa của Ngài với các môn đồ của Ngài rằng họ cũng có thể làm như vậy, và thậm chí các công việc lớn lao hơn nữa.32 Chức tư tế của Ngài nhất định phải là một quyền năng có thật mà “điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế. Vậy nên, trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”33 Vì Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô là có thật, nên cái chết không phải là kết thúc đối với chúng ta, và mặc dù sâu mọt phá hủy thi hài chúng ta, nhưng trong xác thịt chúng ta sẽ nhìn thấy Thượng Đế.”34

Chủ Tịch Thomas S. Monson kể về một người tên là Robert Blatchford, là người cách đây 100 năm, “trong quyển sách God and My Neighbor (Thượng Đế và Người Láng Giềng của Tôi), đã tấn công mãnh liệt những tín ngưỡng Ky Tô giáo đã được chấp nhận, chẳng hạn như Thượng Đế, Đấng Ky Tô, sự cầu nguyện, và sự bất diệt. Ông đã táo bạo quả quyết rằng: ‘Tôi cho là tôi đã chứng tỏ mọi điều mà tôi muốn chứng minh rất đầy đủ và dứt khoát rằng không có người Ky Tô hữu nào, cho dù người ấy có thể vĩ đại hoặc có khả năng đến đâu, có thể bác bỏ lập luận của tôi hoặc làm đảo lộn trường hợp của tôi.’ Ông xây lên một bức tường hoài nghi xung quanh mình. Rồi một điều ngạc nhiên xảy ra. Bức tường hoài nghi của ông bất ngờ sụp đổ thành bụi đất. … Dần dần, ông bắt đầu cảm thấy con đường trở lại với đức tin mà ông đã từng khinh miệt và chế nhạo. Điều gì đã thay đổi quan điểm của ông một cách sâu sắc như vậy? Vợ ông qua đời. Với tấm lòng đau khổ, ông đi vào phòng nơi đặt thi hài của bà. Ông nhìn một lần nữa vào khuôn mặt mà ông đã yêu vô cùng. Khi đi ra, ông nói với một người bạn: ‘Chính là vợ tôi đó, tuy nhiên cũng không phải là nàng. Mọi việc đều thay đổi. Một điều gì đó có ở đó trước đây bây giờ đã bị cất đi rồi. Vợ tôi không còn như trước nữa. Điều gì có thể đã rời đi rồi nếu không phải là linh hồn?’”35

Chúa đã thật sự chết và sống lại chăng? Vâng. “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, rồi thăng lên trời; và tất cả những điều có liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ thuộc cho chứng ngôn đó thôi.”36

Khi sự giáng sinh đã được tiên tri của Chúa Giê Su sắp xảy ra, trong số dân Nê Phi và La Man thời xưa, có những người đã tin mặc dù họ đã từng nghi ngờ nhiều nhất. Cuối cùng, điềm triệu về sự giáng sinh của Ngài đã đến—một ngày và một đêm và một ngày không có bóng tối—và tất cả mọi người đều biết.37 Ngay cả như vậy trong ngày nay, một số người tin vào Sự Phục Sinh thật sự của Đấng Ky Tô, và nhiều người nghi ngờ hoặc không tin. Nhưng một số người biết. Cuối cùng, tất cả mọi người sẽ thấy và tất cả mọi người sẽ biết; quả thật, “mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận trước mặt Ngài.”38

Cho đến lúc đó, tôi tin rằng nhiều nhân chứng về Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi là những người có những kinh nghiệm và chứng ngôn được tìm thấy trong Kinh Tân Ước—như Phi E Rơ và các bạn đồng hành trong Nhóm Túc Số Mười Hai của ông và Ma Ri thân mến, thanh khiết ở Ma Ga Đan, và nhiều người khác. Tôi tin các chứng ngôn được tìm thấy trong Sách Mặc Môn—của Sứ Đồ Nê Phi với vô số nguời vô danh ở xứ Phong Phú, và nhiều người khác. Và tôi tin rằng chứng ngôn của Joseph Smith và Sidney Rigdon, là những người mà sau nhiều chứng ngôn khác đã tuyên bố lời chứng tuyệt vời của gian kỳ sau cùng này “rằng Ngài hằng sống! Vì chúng tôi đã trông thấy Ngài.”39 Dưới mắt nhìn thấu suốt của Ngài, tôi tự mình làm chứng rằng Chúa Giê Su ở Na Xa Rét là Đấng Cứu Chuộc phục sinh, và tôi làm chứng về mọi điều khác đều là kết quả của sự kiện về Sự Phục Sinh của Ngài. Cầu xin cho các anh chị em có thể có được lòng tin chắc và an ủi đối với cùng lời chứng đó, tôi cầu nguyện trong tôn danh củaChúa Giê Su Ky Tô, A Men.