2010–2019
“Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?”
Tháng tư 2015


“Há Chẳng Phải Là Sự Kiêng Ăn Mà Ta Chọn Lựa Hay Sao?”

Của lễ nhịn ăn của các anh chị em sẽ làm được nhiều điều hơn là chỉ phụ giúp cho thức ăn và quần áo. Điều đó sẽ chữa lành và thay đổi tấm lòng con người.

Các anh chị em thân mến, thật là một niềm vui đối với tôi để bày tỏ tình yêu thương của tôi đối với các anh chị em trong đại hội trung ương của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Niềm vui đó đến từ sự làm chứng của Thánh Linh rằng tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đến với mỗi anh chị em và tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Cha Thiên Thượng muốn ban phước cho con cái của Ngài về phần thuộc linh lẫn vật chất. Ngài hiểu từng nhu cầu, nỗi đau khổ và hy vọng của họ.

Khi chúng ta giúp đỡ bất cứ người nào thì Đấng Cứu Rỗi cảm thấy như là chúng ta dang tay ra để giúp đỡ Ngài.

Ngài phán với chúng ta rằng điều đó là có thật khi Ngài mô tả một thời điểm đều sẽ xảy đến với chúng ta trong tương lai khi thấy Ngài sau khi cuộc sống trên thế gian này chấm dứt. Hình ảnh trong tâm trí của tôi về ngày đó đã trở nên rõ ràng hơn trong những ngày qua khi tôi cầu nguyện và nhịn ăn để biết phải nói điều gì vào buổi sáng hôm nay. Lời của Chúa mô tả về cuộc phỏng vấn trong tương lai đó đã được ban cho các môn đồ của Ngài, và điều đó mô tả điều mà chúng ta hết lòng mong muốn cũng sẽ đúng đối với chúng ta:

“Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất.

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta;

“Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta.

“Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho?

“Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”1

Các anh chị em và tôi đều mong muốn được Đấng Cứu Rỗi chào đón nồng nhiệt. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể xứng đáng để được như thế? Có nhiều con cái của Cha Thiên Thượng đang đói khát, vô gia cư, và cô đơn hơn là chúng ta có thể giúp đỡ được. Và số người trong tình cảnh đó càng ngày càng nhiều hơn vượt xa quá tầm tay với của chúng ta.

Vì vậy, Chúa đã ban cho chúng ta một điều mà mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Đó là một lệnh truyền đơn giản đến nỗi một đứa trẻ cũng có thể hiểu được. Đó là một lệnh truyền với một lời hứa tuyệt vời dành cho những người đang hoạn nạn và cho chúng ta.

Đó là luật nhịn ăn. Sách Ê Sai có chứa đựng lời mô tả của Chúa về lệnh truyền và phước lành có sẵn cho chúng ta là những người thuộc vào Giáo Hội của Ngài:

“Sự kiêng ăn mà ta chọn lựa, há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?

“Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục mình, hay sao?

“Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê Hô Va sẽ gìn giữ sau ngươi.

“Bấy giờ ngươi cầu, Đức Giê Hô Va sẽ ứng; ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây! Nếu ngươi cất-bỏ cái ách khỏi giữa ngươi, không chỉ tay và không nói bậy;

“Nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khổ, thì sự sáng ngươi sẽ sáng ra trong tối tăm, và sự tối tăm ngươi sẽ như ban trưa.

“Đức Giê Hô Va sẽ cứ dắt đưa ngươi; làm cho ngươi no lòng giữa nơi khô hạn lớn; làm cho cứng mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới, như nước suối chẳng hề khô vậy.”2

Vì vậy, Chúa đã ban cho chúng ta một lệnh truyền đơn giản với một lời hứa tuyệt vời. Trong Giáo Hội ngày nay, chúng ta được ban cho cơ hội để nhịn ăn mỗi tháng một lần và hiến tặng một của lễ nhịn ăn rộng rãi qua vị giám trợ hay chủ tịch chi nhánh vì lợi ích của người nghèo túng. Một số những gì các anh chị em hiến tặng sẽ được sử dụng để giúp đỡ những người xung quanh các anh chị em, có lẽ một người nào đó trong gia đình của các anh chị em. Các tôi tớ của Chúa sẽ cầu nguyện và nhịn ăn để nhận được sự mặc khải nhằm biết người nào cần được giúp đỡ và cần giúp đỡ về điều gì. Phần của lễ nhịn ăn nào không cần đến để giúp đỡ những người trong đơn vị Giáo Hội địa phương sẽ dùng để ban phước cho các tín hữu đang gặp hoạn nạn khác của Giáo Hội trên khắp thế giới.

Có nhiều phước lành gắn liền với lệnh truyền phải nhịn ăn vì lợi ích của người nghèo khó. Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói rằng nếu không tuân theo luật đó thì sẽ mắc một tội về sự thiếu sót kèm theo một hình phạt nghiêm trọng. Ông viết: “Những lời hứa quý báu là do Chúa lập với những người nhịn ăn và trợ giúp người hoạn nạn. … Sự soi dẫn và hướng dẫn thuộc linh sẽ đi kèm với sự ngay chính và gần gũi với Cha Thiên Thượng. Nếu bỏ qua và không thi hành việc nhịn ăn ngay chính này thì chúng ta sẽ bị cất đi những phước lành này.”3

Tôi đã nhận được một trong các phước lành đó chỉ cách đây một vài tuần. Vì đại hội trung ương sẽ rơi vào tuần thường có buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện để biết làm thế nào tôi vẫn có thể tuân theo lệnh truyền để chăm sóc cho những người đang hoạn nạn.

Vào một ngày thứ Bảy, trong khi vẫn còn nhịn ăn, tôi thức dậy lúc 6 giờ và cầu nguyện một lần nữa. Tôi cảm thấy có ấn tượng để xem tin tức thế giới. Tôi đã đọc bài tường thuật này:

“Cơn Bão Nhiệt Đới Pam phá hủy nhiều nhà cửa khi thổi ngang qua Port Vila, thủ đô của Vanuatu. Bão đã làm thiệt mạng ít nhất sáu người ở Vanuatu, đây là báo cáo đầu tiên xác nhận số người tử vong do một trong những cơn bão mạnh nhất giáng xuống đất liền từ trước đến nay.

“Hầu như không có một cái cây nào có thể đứng thẳng nổi [khi cơn bão] thổi qua đảo quốc Thái Bình Dương này.4

“Đội đánh giá tình trạng khẩn cấp World Vision dự định sẽ xem xét thiệt hại sau khi bão tan. 

“Họ khuyên các cư dân nên tìm nơi trú ẩn trong các tòa nhà vững chắc như trường đại học và trường học.

Và rồi họ nói: “Inga Mepham [thuộc tổ chức] CARE Quốc Tế nói: ‘Thứ vững chắc nhất mà họ có là nhà thờ bằng xi măng. Một số người không có. Thật khó để tìm thấy một cấu trúc mà ta nghĩ rằng sẽ có thể chịu nổi bão cấp 5.’”5

Khi đọc đến đó, tôi nhớ đã đến thăm các căn nhà nhỏ ở Vanuatu. Tôi có thể hình dung ra những người đã tụ tập trong những căn nhà bị gió bão phá hủy. Và rồi tôi nhớ rằng tôi đã được dân chúng ở Vanuatu đón tiếp nồng nhiệt biết bao. Tôi nghĩ tới họ và những người hàng xóm của họ chạy đi tìm kiếm sự an toàn ở ngôi giáo đường bằng xi măng của chúng ta.

Rồi tôi hình dung vị giám trợ và chủ tịch Hội Phụ Nữ đi giữa họ, an ủi họ, mang đến cho họ chăn mền, thức ăn và nước uống. Tôi có thể hình dung ra các trẻ em đầy sợ hãi túm tụm lại với nhau.

Họ ở rất xa căn nhà nơi tôi đọc bản báo cáo đó, nhưng tôi biết điều Chúa sẽ làm qua các tôi tớ của Ngài. Tôi biết rằng điều đã có thể làm cho họ cứu giúp được những con cái đó của Cha Thiên Thượng chính là nhờ của lễ nhịn ăn, được các môn đồ của Chúa sẵn lòng hiến tặng. Họ là những người ở rất xa những người hoạn nạn nhưng lại rất gần Chúa.

Vì vậy, tôi đã không chờ cho đến ngày Chủ Nhật. Tôi mang một của lễ nhịn ăn đến vị giám trợ của tôi vào buổi sáng hôm đó. Tôi biết rằng của lễ dâng của tôi có thể được vị giám trợ và chủ tịch Hội Phụ Nữ sử dụng để giúp một người nào đó trong khu xóm của tôi. Số tiền của lễ nhịn ăn nhỏ nhoi của tôi có thể không được cần đến ở gần nơi gia đình tôi và tôi sinh sống, nhưng số tiền của lễ nhịn ăn thặng dư ở địa phương có thể được sử dụng ở nơi xa xôi như Vanuatu.

Các cơn bão và những thảm cảnh khác sẽ xảy đến với những người mà Chúa yêu thương và cảm nhận được nỗi buồn khổ của họ trên khắp thế giới. Một phần của lễ nhịn ăn của các anh chị em và của tôi trong tháng này sẽ được sử dụng để giúp đỡ một người nào đó, ở một nơi nào đó, mà Chúa sẽ cảm thấy việc cứu trợ họ giống như là cứu trợ chính Ngài.

Của lễ nhịn ăn của các anh chị em sẽ làm được nhiều điều hơn là chỉ phụ giúp cho thức ăn và quần áo. Điều đó sẽ chữa lành và thay đổi tấm lòng con người. Kết quả của một của lễ tự nguyện đóng góp có thể là ước muốn trong lòng của người đã nhận của lễ rộng rãi đó để giúp đỡ người hoạn nạn khác. Điều đó xảy ra trên khắp thế giới.

Điều đó đã xảy ra trong cuộc sống của Chị Abie Turay sống ở Sierra Leone. Vào năm 1991, có một cuộc nội chiến xảy ra. Nó đã tàn phá đất nước đó trong nhiều năm. Sierra Leone đã là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. “Trong lúc chiến tranh, người ta còn không biết rõ ai chỉ huy đất nước. Ngân hàng … đóng cửa, văn phòng chính phủ đóng cửa, lực lượng cảnh sát chống lại lực lượng nổi dậy một cách vô hiệu quả, … và đầy cảnh hỗn loạn, giết nhau, và khổ đau. Hàng chục ngàn người thiệt mạng, và hơn hai triệu người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa để tránh bị tàn sát.”6

Ngay cả trong những lúc như vậy, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vẫn tăng trưởng.

Một trong các chi nhánh đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố nơi chị Turay sinh sống. Chồng chị là chủ tịch chi nhánh đầu tiên. Anh đã phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo hạt trong thời gian cuộc nội chiến.

[Bây giờ], khi khách đến thăm nhà chị Turay, chị thích chỉ cho họ thấy hai [báu vật] từ thời chiến tranh: một cái áo sơ mi sọc xanh trắng mà [chị nhận] được từ một kiện quần áo cũ [do các tín hữu của Giáo Hội tặng] và một tấm chăn, bây giờ đã sờn mòn và thủng lỗ.”7

Chị nói: “Cái áo sơ mi này là cái áo đầu tiên … tôi [nhận được]. Tôi từng mặc áo đó để đi làm. Cái áo rất tốt. [Tôi cảm thấy xinh đẹp khi mặc cái áo đó.] Tôi không có quần áo nào khác.”

“Trong lúc chiến tranh, tấm chăn này giữ cho chúng tôi, tôi và các con tôi, được ấm áp. Khi các phiến quân đến tấn công chúng tôi, đây là thứ duy nhất tôi [có thể] mang theo [khi chúng tôi chạy trốn vào bụi rậm]. Vì thế, chúng tôi [thường] mang theo mình tấm chăn này. Nó giữ cho chúng tôi ấm áp và để không bị muỗi chích.”8

“Chị Turay nói về lòng biết ơn của mình đối với một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo; ông là người sẽ đến đất nước đang bị chiến tranh tàn phá với [tiền] trong túi.” Những số tiền đó, từ khoản tặng dữ của lễ nhịn ăn của những người như các anh chị em, đã cho phép các Thánh Hữu mua thức ăn mà hầu hết dân Sierra Leone không có đủ khả năng để mua.9

Khi nói về những người rộng lượng đến mức đã hiến tặng để cho họ được sống sót, Chị Turay nói: “Khi nghĩ [về] những người đã làm điều này, tôi cảm thấy rằng [họ đã được] Thượng Đế gửi đến, vì những người bình thường đã làm cử chỉ tử tế như vậy cho [chúng tôi].”10

Cách đây không lâu, có một người khách đến từ Hoa Kỳ đã ngồi với Abie Turay. Trong thời gian ngồi với chị, người ấy “đã thấy một bộ thánh thư nằm trên bàn.” Người ấy có thể nói rằng bộ thánh thư này là một kho báu, “được đánh dấu với những điều ghi chú trong cột. Các trang đã [bị sờn cũ]; một số trang bị rách. Cái bìa đã rớt ra khỏi quyển sách.”

Người ấy đã cầm quyển thánh thư “lên và nhẹ nhàng lật các trang. Trong khi [làm điều đó, người ấy đã bắt gặp] một bản màu vàng của phiếu đóng tiền thập phân. [Người ấy] có thể thấy rằng trong một đất nước mà [một đồng đô la có giá trị rất lớn], thì Abie Turay đã trả một đô la làm tiền thập phân của mình, một đô la cho quỹ truyền giáo, và một đô la làm của lễ nhịn ăn cho những người mà theo lời của chị là “rất nghèo.”

Người khách đó đóng lại quyển thánh thư của Chị Turay và suy nghĩ, trong khi đứng với người mẹ Châu Phi trung tín này rằng mình đang đứng trên đất thánh.11

Giống như việc nhận được phước lành từ của lễ nhịn ăn của các anh chị em và của tôi có thể thay đổi tấm lòng của con người, thì việc nhịn ăn cũng là vì lợi ích của người khác vậy. Ngay cả một đứa trẻ cũng có thể cảm thấy như vậy.

Nhiều trẻ em, và một số người lớn, có thể vì các lý do riêng thấy rằng việc nhịn ăn trong 24 giờ là quá khó đối với họ. Theo lời của Ê Sai, điều đó có thể được cảm thấy rằng sự nhịn ăn “làm tâm hồn họ đau đớn.” Các bậc cha mẹ sáng suốt nhận ra khả năng đó và vì vậy phải cẩn thận tuân theo lời dạy của Chủ Tịch Joseph F. Smith: “Tốt hơn là dạy cho chúng nguyên tắc và để cho chúng tuân thủ theo khi chúng đủ tuổi để lựa chọn một cách thông minh.”12

Mới gần đây tôi thấy được phước lành trong lời khuyên dạy đó. Một trong mấy đứa cháu trai của tôi đã thấy rằng việc nhịn ăn trong 24 giờ vượt quá sức chịu đựng của nó. Nhưng cha mẹ đầy sáng suốt của nó vẫn dạy kỹ nguyên tắc đó cho nó. Một trong những người bạn học của nó mới vừa mất người em họ vì tai nạn. Cháu tôi hỏi mẹ nó vào ngày nhịn ăn, vào khoảng thời gian mà nó luôn luôn cảm thấy việc nhịn ăn là quá khó để tiếp tục, rằng điều đó có làm cho người bạn đang buồn phiền của nó cảm thấy đỡ hơn không nếu nó tiếp tục nhịn ăn.

Câu hỏi của nó thể hiện sự công nhận lời khuyên của Chủ Tịch Joseph F. Smith. Đứa cháu trai của tôi đã có thể không những hiểu rõ nguyên tắc nhịn ăn, nhưng nguyên tắc đó cũng đã ghi sâu vào trong lòng nó nữa. Nó đã bắt đầu cảm thấy rằng việc nhịn ăn và cầu nguyện của nó sẽ dẫn đến một phước lành từ Thượng Đế cho một người nào đó đang hoạn nạn. Nếu nó sống theo nguyên tắc này đủ thường xuyên, thì nguyên tắc này sẽ mang lại những hiệu quả tuyệt vời trong cuộc sống của nó như Chúa đã hứa. Nó sẽ có phước lành thuộc linh về quyền năng tiếp nhận nguồn soi dẫn và nhiều khả năng hơn để chống lại cám dỗ.

Chúng ta không biết tất cả những lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đã đi vào vùng hoang dã để nhịn ăn và cầu nguyện. Nhưng chúng ta biết ít nhất một trong các hiệu quả: Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn chống lại những cám dỗ của Sa Tan để lạm dụng quyền năng thiêng liêng của Ngài.

Thời gian ngắn ngủi khi chúng ta nhịn ăn mỗi tháng và số tiền nhỏ chúng ta hiến tặng cho người nghèo có thể tạo ra chỉ một phần nhỏ của sự thay đổi đó trong chúng ta mà đưa đến việc không có ước muốn để làm điều ác nữa. Nhưng có một lời hứa tuyệt vời được ban cho chúng ta khi chúng ta làm tất cả mọi điều hết sức mình một cách hợp lý để cầu nguyện, nhịn ăn, và hiến tặng cho những người đang hoạn nạn:

“Bấy giờ sự sáng ngươi sẽ hừng lên như sự sáng ban mai, ngươi sẽ được chữa lành lập tức; sự công bình ngươi đi trước mặt ngươi, sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ sau ngươi.

“Bấy giờ ngươi cầu, Đức Giê Hô Va sẽ ứng; ngươi kêu, Ngài sẽ phán rằng: Có ta đây.”13

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ thỉnh cầu những phước lành lớn lao đó cho bản thân mình và cho gia đình mình.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, trong Giáo Hội của Ngài chúng ta được mời gọi để giúp đỡ Ngài khi Ngài chăm sóc cho người nghèo khó theo đường lối của Ngài, và rằng Ngài hứa các phước lành trường cửu sẽ đến từ việc chúng ta giúp đỡ Ngài. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 25:34–40.

  2. Ê Sai 58:6–11.

  3. Spencer W. Kimball, The Miracle of Forgiveness (1969), 98.

  4. Xin xem Steve Almasy, Ben Brumfield, và Laura Smith-Spark, “Cleanup Begins in Vanuatu after Cyclone Batters Islands,” ngày 14 tháng Ba năm 2015, edition.cnn.com.

  5. Xin xem Sean Morris, Steve Almasy, và Laura Smith-Spark, “‘Unbelievable Destruction’ Reported in Tropical Cyclone Pam’s Wake,” ngày 14 tháng Ba năm 2015, edition.cnn.com.

  6. Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story,” bản thảo chưa xuất bản.

  7. Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story.”

  8. Abie Turay, được trích dẫn trong Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story.”

  9. Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story.”

  10. Abie Turay, được trích dẫn trong Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story.”

  11. Peter F. Evans, “Sister Abie Turay’s Story”; một video về Chị Turay, “We Did Not Stand Alone,” có sẵn tại lds.org/media-library.

  12. Joseph F. Smith, “Editor’s Table,” Improvement Era, tháng Mười Hai năm 1903, 149.

  13. Ê Sai 58:8–9.