2010–2019
Có Lòng Chân Thật
Tháng tư 2015


Có Lòng Chân Thật

Tôi cầu nguyện rằng khi chúng ta sẽ chống lại cám dỗ để chú ý vào bản thân mình và thay vì thế, cố gắng để có được một vinh dự lớn hơn nhiều: để trở thành các môn đồ khiêm nhường, chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vào cuối thế kỷ 18, Đại Nữ Hoàng Catherine của Nga loan báo rằng bà sẽ đi tham quan khu vực phía nam của đế quốc mình, có vài đại sứ nước ngoài đã tháp tùng với bà. Thống đốc của khu vực, là Grigory Potemkin, rất muốn gây ấn tượng cho những khách tham quan này. Và do đó, ông đã bỏ ra hết nỗ lực để phô trương những thành tựu của đất nước đó.

Trong một đoạn của cuộc hành trình, trong khi thuyền của Catherine đang trôi trên Sông Dnieper, Catherine tự hào chỉ cho các đại sứ thấy các thôn ấp phát triển mạnh dọc theo bờ sông, đông đảo dân cư cần cù và hạnh phúc trong thị trấn đó. Chỉ có một vấn đề: cảnh đó hoàn toàn là để phô trương. Người ta nói rằng Potemkin đã ghép tạm các cửa hàng và nhà cửa giả tạo từ những tấm bìa cứng. Ông còn bố trí những người nông dân trông có vẻ bận rộn để tạo ấn tượng về một nền kinh tế thịnh vượng. Một khi nhóm người tham quan đi khuất sau khúc quanh của dòng sông, thì người của Potemkin thu dọn ngôi làng giả tạo và vội vã chạy đến nguồn hạ lưu để chuẩn bị cho ngôi làng kế tiếp mà Catherine sẽ đi qua.

Mặc dù các nhà sử học thời nay đã đặt câu hỏi về tính chất thực của câu chuyện này, nhưng từ “ngôi làng Potemkin” đã được gồm vào từ vựng của thế giới. Giờ đây từ đó dùng để ám chỉ bất cứ nỗ lực nào làm cho người khác tin rằng chúng ta tốt hơn là con người thật của mình.

Chúng Ta Có Chủ Ý Tốt Không?

Đó là một phần của bản chất tự nhiên của con người là muốn được làm ra vẻ tốt nhất. Đó là lý do tại sao nhiều người trong chúng ta cố gắng rất nhiều để trang trí ở bên ngoài căn nhà của mình và tại sao các em Tư Tế A Rôn trẻ tuổi của chúng ta phải chắc chắn rằng mọi sợi tóc phải nằm đúng chỗ, trong trường hợp họ gặp một người đặc biệt nào đó. Không có điều gì sai trái với việc đánh bóng giày, xịt nước hoa thơm phức, hoặc thậm chí còn đem giấu chén dĩa bẩn trước khi các giảng viên tại gia đến nhà. Tuy nhiên, khi lên đến cực độ, ước muốn để gây ấn tượng này có thể chuyển từ hữu ích đến lừa đảo.

Các vị tiên tri của Chúa đã luôn luôn cất cao tiếng nói cảnh cáo những người “chỉ lấy miệng tới gần [Chúa], lấy môi miếng tôn [Ngài], mà lòng chúng nó thì cách xa [Ngài].”1

Đấng Cứu Rỗi hiểu và thương hại những người tội lỗi nhưng có lòng khiêm nhường và chân thành. Nhưng Ngài hành động trong cơn giận dữ ngay chính chống lại những kẻ đạo đức giả giống như các thầy thông giáo, người Pha Ri Si, và Sa Đu Sê–những người đã cố gắng làm ra vẻ ngay chính để nhận được lời khen ngợi, ảnh hưởng, và sự giàu có của thế gian, và đồng thời đàn áp những người mà họ cần phải ban phước. Đấng Cứu Rỗi so sánh họ với “mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy.”2

Trong thời kỳ chúng ta, Chúa cũng đã đưa ra những lời hùng hồn cho những người nắm giữ chức tư tế cố gắng “che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tính kiêu ngạo, lòng ham muốn vô bổ của chúng ta.” Khi họ làm như vậy, Ngài phán: “thiên thượng sẽ tự rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy.”3

Tại sao điều này xảy ra? Tại sao đôi khi chúng ta cố gắng làm ra vẻ tích cực, thịnh vượng, và tận tụy ở bề ngoài khi ở bên trong—chúng ta đã “bỏ lòng kính mến ban đầu”—như Đấng Mặc Khải đã phán về người Ê Phê Sô?4

Trong một số trường hợp, chúng ta chỉ có thể đã mất tập trung vào mục đích chính của phúc âm, tưởng lầm “hình thức của sự tin kính” là “quyền năng của sự tin kính.”5 Điều này đặc biệt nguy hiểm khi chúng ta hướng những biểu hiện bên ngoài về vai trò môn đồ của mình để gây ấn tượng với người khác nhằm mục đích có lợi hoặc ảnh hưởng cá nhân. Bấy giờ, chúng ta có nguy cơ trở thành giống như người Pha Ri Si, và bây giờ là lúc đánh giá những cảm nghĩ trong lòng mình để có những sửa đổi cần thiết.

Chương Trình Potemkin

Cám dỗ này để làm ra vẻ tốt hơn con người thật của mình được tìm thấy không chỉ trong cuộc sống cá nhân mà còn trong những chỉ định của Giáo Hội cho chúng ta.

Ví dụ, tôi biết một giáo khu mà các vị lãnh đạo đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng trong năm. Mặc dù các mục tiêu đều dường như đáng giá, nhưng chúng lại tập trung vào những lời tuyên bố xa vời và gây ấn tượng hoặc về các con số và tỷ lệ phần trăm.

Sau khi các mục tiêu này đã được thảo luận và đồng ý rồi, thì một điều gì đó bắt đầu làm cho vị chủ tịch giáo khu phiền muộn. Ông nghĩ về các tín hữu của giáo khu mình—giống như người mẹ trẻ với con cái còn nhỏ mới trở thành góa phụ. Ông nghĩ về các tín hữu đang vất vả với những nỗi nghi ngờ hoặc cô đơn hay điều kiện sức khỏe nghiêm trọng và không có bảo hiểm sức khỏe. Ông nghĩ về các tín hữu đang vật lộn với hôn nhân tan vỡ, thói nghiện ngập, cảnh thất nghiệp, và bệnh tâm thần. Và ông càng nghĩ về họ, thì ông càng tự hỏi mình một câu hỏi khiêm nhường: các mục tiêu mới của chúng ta sẽ tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của các tín hữu này không?

Ông bắt đầu tự hỏi các mục tiêu của giáo khu mình có thể đã khác biệt như thế nào nếu thoạt đầu họ đã hỏi: “Giáo vụ của chúng ta là gì?”

Vì vậy, vị chủ tịch giáo khu này nói chuyện lại với các hội đồng của mình, và họ cùng nhau thay đổi hướng tập trung. Họ quyết tâm rằng họ sẽ không để “cho những kẻ đói khát, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật, đau đớn đi qua trước mặt mình mà không được [họ] để ý tới.”6

Họ đặt ra các mục tiêu mới, nhận ra rằng mức độ thành công với những mục tiêu mới này có thể không luôn luôn được đo lường, ít nhất là không phải bởi con người—vì làm thế nào người ta đo lường được chứng ngôn cá nhân, tình yêu thương Thượng Đế, hay lòng trắc ẩn đối với người khác?

Nhưng họ cũng biết rằng “có rất nhiều thứ ta có thể đếm được lại thật sự không đếm được. Có nhiều thứ ta không thể đếm được lại thật sự đếm được.”7

Tôi tự hỏi các mục tiêu của tổ chức và cá nhân của chúng ta đôi khi có thể là một ví dụ hiện đại về một ngôi làng Potemkin không. Các mục tiêu này có vẻ có ấn tượng từ phía xa nhưng không giải quyết được các nhu cầu thực sự của đồng bào thân yêu của chúng ta không?

Các bạn và những người đồng nắm giữ chức tư tế thân mến, nếu Chúa Giê Su Ky Tô ngồi xuống với chúng ta và yêu cầu giải thích về vai trò quản lý của chúng ta, thì tôi không chắc rằng Ngài sẽ tập trung nhiều vào các chương trình và số thống kê. Điều mà Đấng Cứu Rỗi muốn biết là những cảm nghĩ trong lòng của chúng ta là gì. Ngài muốn biết chúng ta yêu thương và phục sự như thế nào cho những người mà chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc, cách chúng ta thể hiện tình yêu thương đối với người phối ngẫu và gia đình, và cách chúng ta làm nhẹ gánh nặng hàng ngày của họ. Và Đấng Cứu Rỗi sẽ muốn biết xem anh em và tôi đến gần gũi hơn với Ngài và Cha Thiên Thượng như thế nào.

Tại Sao Chúng Ta Có Mặt Ở Đây?

Có thể là điều hữu ích để tự vấn lòng mình. Ví dụ, chúng ta có thể tự hỏi, tại sao chúng ta phục vụ trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Chúng ta còn có thể hỏi, tại sao chúng ta có mặt ở đây tại buổi họp này ngày hôm nay?

Tôi cho rằng nếu phải trả lời câu hỏi đó một cách hời hợt, thì tôi có thể nói rằng tôi có mặt ở đây vì Chủ Tịch Monson đã chỉ định cho tôi nói chuyện.

Vì vậy tôi thực sự không có một sự lựa chọn nào cả.

Ngoài ra, vợ tôi là người tôi yêu thương rất nhiều, muốn tôi đến tham dự. Và làm thế nào tôi có thể từ chối bà chứ?

Nhưng chúng ta đều biết là có những lý do tốt hơn để tham dự các buổi họp của mình và sống cuộc sống của chúng ta với tư cách là các môn đồ đầy cam kết của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi có mặt ở đây vì tôi hết lòng mong muốn noi theo Đức Thầy của tôi, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi khao khát để làm tất cả những gì Ngài đòi hỏi nơi tôi trong đại nghĩa này. Tôi khao khát được Đức Thánh Linh gây dựng và nghe tiếng nói của Thượng Đế khi Ngài phán qua các tôi tớ đã được sắc phong của Ngài. Tôi có mặt ở đây để trở thành một người tốt hơn, để được nâng đỡ nhờ các tấm gương đầy soi dẫn của các anh em trong Đấng Ky Tô, và để học cách phục sự những người đang hoạn nạn một cách hữu hiệu hơn.

Nói tóm lại, tôi có mặt ở đây vì tôi yêu mến Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi chắc chắn rằng đây cũng là lý do của các anh em. Đây là lý do tại sao chúng ta sẵn lòng hy sinh chứ không chỉ tuyên bố là noi theo Đấng Cứu Rỗi mà thôi. Đây là lý do tại sao chúng ta vinh dự mang thánh chức tư tế của Ngài.

Từ Tia Lửa đến Đống Lửa

Cho dù chứng ngôn của các anh em đang phát triển và vững mạnh hoặc sinh hoạt của các anh em trong Giáo Hội rất giống một ngôi làng Potemkin, tin mừng là các anh em có thể xây dựng trên bất cứ sức mạnh nào của mình. Ở đây trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh em có thể trưởng thành về phần thuộc linh và đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn bằng cách áp dụng các nguyên tắc phúc âm hàng ngày.

Với lòng kiên nhẫn và kiên trì, ngay cả hành động nhỏ nhất của người môn đồ hay một mức độ tin tưởng nhỏ nhất có thể trở thành một đống lửa rực cháy của một cuộc sống hiến dâng. Trong thực tế, đó là cách bắt đầu hầu hết các đống lửa—là một tia lửa đơn giản.

Vì vậy, nếu các anh em cảm thấy nhỏ bé và yếu kém, thì xin chỉ đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng làm cho những điều yếu kém thành mạnh mẽ.8 Người yếu kém nhất ở giữa chúng ta, nhờ ân điển của Thượng Đế, có thể trở thành một người mạnh mẽ theo phần thuộc linh, vì Thượng Đế “chẳng hề vị nể ai.”9 Ngài là “Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài.”10

Tôi tin rằng nếu Thượng Đế có thể tìm đến giúp đỡ một người Đức tị nạn nghèo khó xuất thân từ một gia đình khiêm tốn trong một đất nước có chiến tranh tàn phá ở rất xa trụ sở của Giáo Hội, thì Ngài cũng có thể tìm đến với các anh em.

Các anh em thân mến trong Đấng Ky Tô, Thượng Đế của Sự Sáng Tạo, là Đấng hà hơi sự sống vào vũ trụ, thì chắc chắn có quyền năng để hà hơi sự sống vào các anh em. Chắc chắn Ngài có thể làm cho các anh em thành người chân thật, thiêng liêng với ánh sáng và lẽ thật mà các anh em mong muốn trở thành.

Những lời hứa của Thượng Đế là chắc chắn. Chúng ta có thể được tha thứ các tội lỗi của mình và thanh tẩy khỏi mọi sự bất chính.11 Và nếu chúng ta tiếp tục hoàn toàn chấp nhận và sống theo các nguyên tắc đúng trong hoàn cảnh cá nhân và trong gia đình của mình, thì cuối cùng đến mức chúng ta “sẽ không đói không khát nữa; … Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa [chúng ta] đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt [chúng ta].”12

Giáo Hội Là một Nơi Chữa Bệnh, chứ Không Phải Nơi Giấu Giếm

Nhưng điều này không thể xảy ra nếu chúng ta giấu giếm đằng sau diện mạo cá nhân, tôn giáo hay tổ chức. Vai trò môn đồ giả tạo như vậy không những ngăn giữ chúng ta nhìn thấy con người thật sự của mình mà còn ngăn cản chúng ta khỏi việc thay đổi thực sự qua phép lạ của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Giáo Hội không phải là một phòng trưng bày ô tô—một nơi để trưng bày bản thân mình cho những người khác có thể ngưỡng mộ nếp sống thuộc linh, khả năng, hoặc sự thịnh vượng của mình. Giáo Hội giống như một trung tâm dịch vụ, nơi mà các chiếc xe cần sửa chữa đến để bảo trì và phục hồi chức năng.

Và chúng ta, tất cả chúng ta, không phải cần được sửa chữa, bảo trì, và phục hồi chức năng sao?

Chúng ta đến nhà thờ không phải để che giấu những vấn đề của mình mà để sửa chữa các vấn đề đó.

Và với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta có thêm một trách nhiệm—để “(hãy) chăn bầy của Đức Chúa Trời … đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm; chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy.”13

Thưa các anh em, hãy ghi nhớ “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”14

Người vĩ đại nhất, có khả năng nhất, xuất sắc nhất đã từng sống trên thế gian này cũng là người khiêm nhường nhất. Ngài đã thực hiện một số công việc phục vụ gây ấn tượng nhất trong những giây phút riêng, chỉ có một vài người quan sát, là những người mà Ngài “cấm nói lại … với ai” điều Ngài đã làm.15 Khi một người nào đó gọi Ngài là “nhân lành,” thì Ngài nhanh chóng đổi hướng lời khen, khẳng định rằng chỉ Thượng Đế mới thật sự là nhân lành.16 Rõ ràng lời khen ngợi của thế gian không có ý nghĩa gì đối với Ngài; Mục đích duy nhất của Ngài là để phục vụ Cha Ngài và “hằng làm sự đẹp lòng Ngài.”17 Thật là tốt để chúng ta noi gương theo Đức Thầy của mình.

Cầu Xin cho Chúng Ta Có Thể Yêu Thương như Ngài Đã Yêu Thương

Thưa các anh em, đây là sự kêu gọi cao cả và thiêng liêng—để làm người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương như Ngài đã yêu thương, phục vụ như Ngài đã phục vụ, để “nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược,”18 “chăm sóc những người nghèo khổ và những người túng thiếu,”19 và để chu cấp các quả phụ và cô nhi.20

Thưa các anh em, tôi cầu nguyện rằng khi chúng ta phục vụ trong gia đình, nhóm túc số, tiểu giáo khu, giáo khu, cộng đồng và quốc gia, thì chúng ta sẽ chống lại cám dỗ để chú ý vào bản thân mình và thay vì thế, cố gắng để có được một vinh dự lớn hơn nhiều: để trở thành các môn đồ khiêm nhường, chân thật của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ thấy mình bước đi trên con đường dẫn đến con người tốt nhất, chân thật nhất, và cao quý nhất của chúng ta. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Đức Thầy chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.