2010–2019
Gìn Giữ Quyền Tự Quyết, Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo
Tháng tư 2015


Gìn Giữ Quyền Tự Quyết, Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo

Việc sử dụng trung thành quyền tự quyết tùy thuộc vào việc chúng ta có được tự do tôn giáo không.

Hôm nay là ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh: một ngày tri ân và tưởng nhớ để tôn vinh Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô Đấng Cứu Rỗi dành cho tất cả nhân loại. Chúng ta thờ phượng Ngài, biết ơn về quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do ngôn luận, và quyền tự quyết mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta.

Như các vị tiên tri đã báo trước về những ngày sau này, là thời kỳ chúng ta đang sống, có nhiều người nhầm lẫn với việc chúng ta là ai và điều chúng ta tin. Một số người “phao vu, … [và] thù người lành.”1 Những người khác “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ; lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”2

Khi những người xung quanh chúng ta lựa chọn cách để đáp ứng với tín ngưỡng của chúng ta, thì chúng ta không được quên rằng quyền tự quyết về mặt đạo đức là một phần thiết yếu của kế hoạch của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài. Kế hoạch vĩnh cửu đó, được trình bày cho chúng ta trong Đại Hội tiền dương thế trên Thiên Thượng, bao gồm ân tứ về quyền tự quyết.3

Trong Đại Hội này, Lu Xi Phe, cũng được gọi là Sa Tan, đã sử dụng quyền tự quyết của nó để chống đối kế hoạch của Thượng Đế. Thượng Đế phán: “Vì … Sa Tan phản nghịch chống lại ta, và tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người, là quyền được ta, Đức Chúa Trời, ban cho, và cũng muốn ta ban cho nó quyền năng của ta; nên … ta khiến nó phải bị ném xuống.”4

Ngài phán tiếp: “Một phần ba muôn quân trên trời rời bỏ ta vì chúng có quyền tự quyết của chúng.”5

Do đó, các con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng là những người đã chọn khước từ kế hoạch của Ngài và đi theo Lu Xi Phe đã mất đi số mệnh thiêng liêng của họ.

Bằng cách sử dụng quyền tự quyết của mình, Chúa Giê Su Ky Tô đã nói:

“Tôi đây, xin phái tôi đi.”6

“Xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”7

Chúa Giê Su, là Đấng sử dụng quyền tự quyết của Ngài để tán trợ kế hoạch của Cha Thiên Thượng, đã được Đức Chúa Cha nhận ra và chỉ định với tư cách là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, được tiền sắc phong để thực hiện sự hy sinh chuộc tội cho tất cả mọi người. Tương tự như vậy, việc sử dụng quyền tự quyết để tuân giữ các giáo lệnh làm cho chúng ta có khả năng hiểu được trọn vẹn về việc chúng ta là ai và nhận được tất cả các phước lành mà Cha Thiên Thượng có—kể cả cơ hội để có được một thể xác, để tiến triển, để có được niềm vui, có một gia đình, và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.

Để tuân giữ các giáo lệnh, chúng ta cần phải biết giáo lý chính thức của Giáo Hội để không bị đi trệch hướng khỏi sự lãnh đạo của Đấng Ky Tô vì những ý tưởng bất chợt luôn luôn thay đổi của cá nhân.

Các phước lành chúng ta vui hưởng hiện nay là nhờ vào việc chọn noi theo Đấng Cứu Rỗi trước khi có cuộc sống này. Đối với những ai đang nghe hay đọc những lời này, cho dù các anh chị em là ai đi nữa và có thể có quá khứ như thế nào đi nữa, thì hãy nhớ điều này: không phải là quá muộn để lặp lại lựa chọn đó một lần nữa và noi theo Ngài.

Nhờ vào đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, tin tưởng vào Sự Chuộc Tội của Ngài, hối cải các tội lỗi, và chịu phép báp têm, chúng ta có thể nhận được ân tứ thiêng liêng của Đức Thánh Linh. Ân tứ này cung cấp sự hiểu biết, hướng dẫn và sức mạnh để học hỏi và đạt được một chứng ngôn, quyền năng, sự thanh tẩy để khắc phục tội lỗi, và sự an ủi cùng lời khuyến khích để luôn trung thành trong khi hoạn nạn. Các phước lành vô song này của Chúa gia tăng quyền tự do và quyền năng của chúng ta để làm điều đúng, vì “Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó.”8

Khi cố gắng sống theo sự tự do của Thánh Linh trong những ngày sau cùng này, chúng ta phải hiểu rằng việc sử dụng trung thành quyền tự quyết tùy thuộc vào việc chúng ta có được tự do tôn giáo không. Chúng ta đã biết rằng Sa Tan không muốn chúng ta có được sự tự do này. Nó đã cố gắng hủy diệt quyền tự quyết về mặt đạo đức ở trên thiên thượng, và bây giờ trên thế gian, nó đang quyết liệt phá hoại, chống đối, và lan truyền sự nhầm lẫn về tự do tôn giáo—ý nghĩa của tự do tôn giáo và tại sao lại thiết yếu cho cuộc sống thuộc linh và chính cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta phải dựa vào và bảo vệ bốn nền tảng của sự tự do tôn giáo.

Nền tảng đầu tiên là tự do tin tưởng. Không một ai phải bị cá nhân hay chính phủ chỉ trích, ngược đãi, hoặc tấn công vì điều mà người ấy tin về Thượng Đế. Tự do này rất riêng tư và quan trọng. Một bản tuyên ngôn ban đầu về tín ngưỡng của chúng ta liên quan đến sự tự do tôn giáo nói rằng:

“Không một chính phủ nào có thể tồn tại trong hòa bình, trừ phi những luật pháp như vậy được thiết lập và giữ cho không bị vi phạm để bảo đảm cho mỗi cá nhân sự tự do hành động theo lương tâm. …

“… Các pháp quan cần phải chế ngự những tội phạm, nhưng không bao giờ được kiểm soát lương tâm, … không bao giờ được áp chế quyền tự do tín ngưỡng của tâm hồn.”9

Quyền tự do tín ngưỡng cơ bản này kể từ lúc đó đã được Liên Hiệp Quốc và các tài liệu khác của quốc gia và quốc tế về nhân quyền công nhận trong Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền.10

Nền tảng thứ hai về sự tự do tôn giáo là quyền tự do chia sẻ đức tin và tín ngưỡng của mình với những người khác. Chúa truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy dạy [phúc âm] lại cho con cái mình … hoặc khi ngươi ngồi ở trong nhà.”11 Ngài cũng phán với các môn đồ của Ngài: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.”12 Là cha mẹ, những người truyền giáo toàn thời gian, và các tín hữu truyền giáo, chúng ta dựa trên quyền tự do tôn giáo để dạy giáo lý của Chúa trong gia đình mình và trên khắp thế giới.

Nền tảng thứ ba của sự tự do tôn giáo là tự do thành lập một tổ chức tôn giáo, một nhà thờ để thờ phượng một cách hòa thuận với những người khác. Tín điều thứ mười một tuyên bố: “Chúng tôi xin đặc ân thờ phượng Đấng Thượng Đế Toàn Năng theo tiếng gọi lương tâm riêng của chúng tôi, và cũng xin dành cho tất cả mọi người có được cùng đặc ân này, để họ thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn.” Các tài liệu quốc tế về nhân quyền và nhiều hiến pháp quốc gia đều ủng hộ nguyên tắc này.

Nền tảng thứ tư của sự tự do tôn giáo là quyền được tự do sống theo tôn giáo của mình—tự do sử dụng đức tin không những trong nhà và giáo đường mà còn ở những nơi công cộng nữa. Chúa truyền lệnh cho chúng ta không những cầu nguyện nơi kín đáo13 mà còn đi ra và “sự sáng [của chúng ta] hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của [chúng ta], và ngợi khen Cha [chúng ta] ở trên trời.”14

Một số người bị xúc phạm khi chúng ta mang tôn giáo của mình ra nơi công chúng, tuy nhiên cũng những người đó, là những người khăng khăng cho rằng quan điểm và hành động của họ được chấp nhận trong xã hội, đều thường rất chậm để chấp nhận điều đó cho những người tin mà cũng muốn quan điểm và hành động của mình được chấp nhận. Việc thiếu tôn trọng về quan điểm tôn giáo đã nhanh chóng gia tăng trong việc xã hội và chính trị không chấp nhận những người có đạo và các tổ chức tôn giáo.

Khi chúng ta đương đầu với nhiều áp lực để quy phục các tiêu chuẩn của mình theo các tiêu chuẩn của thế gian, từ bỏ quyền tự do tôn giáo, và thỏa hiệp quyền tự quyết của mình, thì hãy xem xét điều mà Sách Mặc Môn dạy về trách nhiệm của chúng ta. Trong sách An Ma, chúng ta đọc về Am Li Si, một người “rất xảo quyệt” và “độc ác,” tìm cách lên làm vua cai trị dân chúng và “tước đoạt hết những quyền hạn cùng quyền lợi của [họ],” “là một điều đáng lo ngại cho dân của giáo hội.”15 Họ đã được Vua Mô Si A dạy phải cất cao tiếng nói của họ về điều họ cảm thấy đúng.16 Do đó, “dân chúng khắp nơi trong xứ cùng nhau quy tụ lại thành từng nhóm riêng biệt, mỗi người theo ý kiến riêng của mình là theo hay chống lại Am Li Si. Họ cãi vã và tranh chấp với nhau rất dữ dội.”17

Trong những cuộc thảo luận này, các tín hữu của Giáo Hội và những người khác đã có cơ hội đến với nhau, có được kinh nghiệm về tinh thần đoàn kết, và được Đức Thánh Linh ảnh hưởng. “Và chuyện rằng, tiếng nói của dân chúng đã chống lại Am Li Si, để hắn không được lập lên làm vua.”18

Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có trách nhiệm phải cùng cộng tác với những người tin cùng một chí hướng, để lên tiếng bênh vực điều đúng. Mặc dù các tín hữu không nên đòi hỏi hoặc thậm chí ngụ ý rằng họ đang nói thay cho Giáo Hội, nhưng chúng ta đều được mời, với tư cách là những công dân, để chia sẻ chứng ngôn cá nhân của mình với lòng tin chắc và tình yêu thương—“mỗi người theo ý kiến riêng của mình.”19

Tiên Tri Joseph Smith nói:

“Tôi dũng cảm để tuyên bố trước Thiên Thượng rằng tôi hoàn toàn sẵn sàng chết để bảo vệ quyền của một người tín đồ đạo Presbyterian, đạo Báp Tít, hoặc một người tốt của bất cứ giáo phái nào [như là một người Mặc Môn]; vì cùng một nguyên tắc là nếu có điều nào chà đạp quyền của một tín đồ Công Giáo La Mã, hoặc của bất cứ giáo phái nào khác mà có thể là không nổi tiếng và quá yếu kém để tự bênh vực mình.

“Chính là sự yêu mến tự do đã soi dẫn tâm hồn của tôi—sự tự do của một công dân và tôn giáo cho toàn thể nhân loại.”20

Thưa các anh chị em, chúng ta có trách nhiệm để bảo vệ quyền tự do và quyền hạn thiêng liêng này cho bản thân và cho con cháu chúng ta. Các anh chị em và tôi có thể làm gì?

Trước hết, chúng ta có thể trở thành người nắm được tình hình. Hãy biết các vấn đề trong cộng đồng của các anh chị em mà có thể có một ảnh hưởng về sự tự do tôn giáo.

Thứ hai, với tư cách cá nhân, hãy tham gia với những người khác để chia sẻ cam kết của mình đối với sự tự do tôn giáo. Hãy sát cánh làm việc để bảo vệ sự tự do tôn giáo.

Thứ ba, sống cuộc sống của mình để làm một tấm gương sáng về điều các anh chị em tin tưởng—trong lời nói và việc làm. Cách chúng ta sống theo tôn giáo của mình là quan trọng hơn nhiều so với điều chúng ta có thể nói về tôn giáo của mình.

Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi đã gần kề. Chúng ta đừng trì hoãn trong đại chính nghĩa này. Hãy nhớ tới Lãnh Binh Mô Rô Ni. Ông đã giơ cao lá cờ tự do có ghi những dòng chữ “Để tưởng nhớ đến Thượng Đế, tôn giáo, sự tự do, hòa bình, và vợ con của chúng ta.”21 Chúng ta hãy nhớ tới phản ứng của dân chúng: bằng cách sử dụng quyền tự quyết của mình, họ “cùng nhau kéo đến” với một giao ước để hành động theo.22

Các anh chị em thân mến, đừng đi mà hãy chạy! Chạy đến để lãnh nhận các phước lành về quyền tự quyết bằng cách noi theo Đức Thánh Linh và sử dụng các quyền tự do mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta để làm theo ý muốn của Ngài.

Tôi chia sẻ chứng ngôn đặc biệt của mình vào ngày lễ Phục Sinh đặc biệt này rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã sử dụng quyền tự quyết của Ngài để làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha.

Chúng ta hát về Đấng Cứu Rỗi của mình: “Dòng huyết Giê Su quý báu Ngài cho; Chẳng nề thân Ngài đớn đau.”23 Và vì Ngài đã làm như vậy, nên chúng ta mới có cơ hội vô giá để “lựa chọn sự tự do và cuộc sống vĩnh cửu” nhờ vào quyền năng và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.24 Cầu xin cho chúng ta có thể được tự ý lựa chọn để noi theo Ngài hôm nay và mãi mãi, tôi cầu nguyện trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 2 Ti Mô Thê 3:3.

  2. Ê Sai 5:20.

  3. Xin xem Môi Se 6:56.

  4. Môi Se 4:3.

  5. GLGƯ 29:36.

  6. Áp Ra Ham 3:27.

  7. Môi Se 4:2.

  8. 2 Cô Rinh Tô 3:17.

  9. GLGƯ 134:2, 4.

  10. Xin xem Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 Tháng Mười Hai năm 1948, un.org/en/documents/udhr. Điều khoản 18 quy định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do, hoặc một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác và ở nơi công cộng hay nơi kín đáo, biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của người đó trong việc giảng dạy, thực hành, thờ phượng và tuân thủ.” Xin xem thêm điều khoản 9 của Hiệp Định Châu Âu để Bảo Vệ Nhân Quyền và Quyền Tự Do Cơ Bản, được phê chuẩn vào ngày 3 tháng Chín năm 1953, conventions.coe.int/treaty/en/treaties/html/005.htm.

  11. Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:19.

  12. Mác 16:15.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 6:6.

  14. Ma Thi Ơ 5:16.

  15. Xin xem An Ma 2:1–4.

  16. Xin xem Mô Si A 29:25–26.

  17. An Ma 2:5; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  18. An Ma 2:7.

  19. An Ma 2:5.

  20. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 345.

  21. An Ma 46:12.

  22. An Ma 46:21.

  23. “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19.

  24. 2 Nê Phi 2:27.