2010–2019
Chúa Là Sự Sáng của Tôi
Tháng tư 2015


Chúa Là Sự Sáng của Tôi

Khả năng của chúng ta để luôn đứng vững và trung tín cùng noi theo Đấng Cứu Rỗi bất chấp những thăng trầm của cuộc sống sẽ được củng cố bởi các gia đình ngay chính và sự đoàn kết được tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta.

Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta suy ngẫm và hân hoan về sự cứu chuộc do Đấng Cứu Rỗi, Giê Su Ky Tô, mang lại.1

Những náo động lan tràn khắp nơi vì sự tà ác của thế gian tạo ra những cảm giác dễ bị tổn thương. Qua phương tiện truyền thông hiện đại, tác động của sự bất chính, bất bình đẳng, bất công khiến cho nhiều người cảm thấy rằng cuộc sống vốn đã không công bằng. Mặc dù những thử thách này có thể là đáng kể nhưng không thể làm cho chúng ta xao lãng khỏi nỗi vui mừng và lời cầu nguyện thiêng liêng của Đấng Ky Tô thay cho chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã thật sự “chiến thắng được sự chết.” Với lòng thương xót và trắc ẩn, Ngài mang lấy sự bất chính và phạm giới của chúng ta, do đó cứu chuộc chúng ta và đáp ứng những đòi hỏi của công lý cho những người chịu hối cải và tin vào danh Ngài.2

Sự hy sinh chuộc tội tuyệt vời của Ngài có ý nghĩa siêu việt vượt quá sự hiểu biết của người trần thế. Hành động về ân điển này mang lại bình an vượt quá sự hiểu biết.3

Vậy thì, làm thế nào chúng ta đối phó với thực tế khắc nghiệt vây quanh chúng ta?

Hình Ảnh
Some yellow flowers on a mound of dirt.

Vợ tôi là Mary, luôn luôn thích hoa hướng dương. Bà rất vui khi thấy chúng mọc lên gần lề đường ở những chỗ khá bất ngờ. Khi chúng tôi lái xe trên con đường đất dẫn đến ngôi nhà ông bà tôi đang sống, Mary thường kêu lên: “Anh có nghĩ rằng hôm nay chúng ta sẽ thấy những bông hoa hướng dương tuyệt vời đó không?” Chúng tôi rất ngạc nhiên thấy rằng hoa hướng dương mọc lên rất nhanh trong loại đất bị ảnh hưởng bởi máy móc nông nghiệp và máy dọn tuyết cùng việc tích tụ những vật mà sẽ không được coi là loại đất lý tưởng cho các loài hoa dại.

Hình Ảnh
Yellow flowers by some water

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của hoa hướng dương hoang dại còn non nớt, ngoài việc mọc lên từ loại đất xấu, là làm thế nào các nụ hoa nhỏ có thể mọc theo hướng mặt trời trên bầu trời. Khi làm như vậy, nó nhận được năng lượng để duy trì sự sống trước khi nở ra một đóa hoa màu vàng rực rỡ.

Cũng giống như đóa hoa hướng dương còn non nớt, khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Vị Nam Tử của Thượng Đế, thì chúng ta phát triển mạnh và trở nên vinh quang mặc dù có nhiều hoàn cảnh khủng khiếp vây quanh. Ngài thật là sự sáng và sự sống của chúng ta.

Trong truyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng, Đấng Cứu Rỗi đã phán với các môn đồ của Ngài rằng những người xúc phạm và làm điều bất chính sẽ bị tập hợp ra khỏi vương quốc của Ngài.4 Nhưng khi nói đến người trung tín, Ngài phán: “Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình.”5 Là các cá nhân, các môn đồ của Đấng Ky Tô, đang sống trong một thế giới thù địch thật sự đang hỗn loạn, chúng ta có thể phát triển và thịnh vượng nếu được bắt nguồn từ tình yêu thương của mình nơi Đấng Cứu Rỗi và khiêm nhường tuân theo lời dạy của Ngài.

Khả năng của chúng ta để luôn đứng vững và trung tín cùng noi theo Đấng Cứu Rỗi bất chấp những thăng trầm của cuộc sống sẽ được củng cố bởi các gia đình ngay chính và sự đoàn kết được tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của mình.6

Đúng Vào Giờ Này ở Nhà

Vai trò của gia đình trong kế hoạch của Thượng Đế là “để mang lại cho chúng ta hạnh phúc, để giúp chúng ta học các nguyên tắc đúng đắn trong một bầu không khí yêu thương, và để chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu.”7 Những truyền thống tuyệt vời của sinh hoạt tôn giáo trong gia đình cần phải được ghi sâu vào trong tâm hồn của con cái chúng ta.

Cậu Vaughn Roberts Kimball của tôi là một sinh viên giỏi, mong muốn được trở thành nhà văn, và là một vận động viên chơi ở vị trí quarterback của đội bóng bầu dục trường BYU. Vào ngày 8 Tháng Mười Hai năm 1941, một ngày sau cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, ông gia nhập Hải Quân Mỹ. Trong khi thi hành công tác tuyển mộ ở Albany, New York, ông đã gửi một bài viết ngắn cho tạp chí Reader Digest. Tạp chí này trả cho ông 200 đô la và đăng bài của ông có tựa đề là “Đúng Vào Giờ Này ở Nhà,” trong số báo tháng Năm năm 1944.

Đóng góp của ông cho tạp chí Reader Digest, mà ông viết theo quan điểm của một thủy thủ, có một phần được viết như sau:

“Đúng Vào Giờ Này ở Nhà:

“Một buổi tối ở Albany, New York, tôi hỏi một thủy thủ là mấy giờ rồi. Anh ta lấy ra một cái đồng hồ rất to và đáp: ‘7 giờ 20.’ Tôi biết lúc ấy là trễ hơn. Tôi hỏi: ‘Đồng hồ của anh ngừng chạy rồi phải không?’

“Anh ta nói: ‘Không. Tôi vẫn còn dùng Giờ Tiêu Chuẩn Vùng Núi. Tôi là người từ miền nam Utah. Khi tôi gia nhập Hải Quân, cha tôi tặng cho tôi chiếc đồng hồ này. Ông nói là nó sẽ giúp tôi nhớ tới nhà.

“‘Khi đồng hồ của tôi chỉ 5 giờ sáng. Tôi biết là Cha tôi đang đi ra để vắt sữa bò. Và bất cứ đêm nào khi nó chỉ 7 giờ 30 thì tôi biết là toàn thể gia đình đang ngồi quanh cái bàn ăn dọn đầy thức ăn, và Cha tôi đang cảm tạ Thượng Đế về thức ăn ở trên bàn và cầu xin Ngài che chở cho tôi,’ … anh ta kết luận: ‘Tôi có thể dễ dàng biết được mấy giờ chỗ tôi đang ở. Điều tôi muốn biết là mấy giờ ở Utah thôi.’”8

Ngay sau khi gửi bài viết đó, Cậu Vaughn được chỉ định phục vụ trên một chiếc tàu ở Thái Bình Dương. Vào ngày 11 tháng năm Năm 1945, trong khi phục vụ trên tàu sân bay USS Bunker Hill gần Okinawa, con tàu bị hai chiếc máy bay tự sát đánh bom.9 Gần 400 người trong thủy thủ đoàn thiệt mạng, trong đó có Cậu Vaughn của tôi.

Trong một buổi họp, Anh Cả Spencer W. Kimball đã bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với cha của Cậu Vaughn, đề cập đến sự xứng đáng của Cậu Vaughn và sự bảo đảm của Chúa rằng “những người nào chết trong ta thì sẽ không nếm sự chết, vì nó sẽ ngọt ngào đối với họ.”10 Cha của Cậu Vaughn xúc động nói rằng mặc dù thể xác của Cậu Vaughn đã bị chìm sâu dưới lòng biển bao la, nhưng Thượng Đế sẽ đưa Cậu Vaughn đến ngôi nhà thiên thượng của ông.11

Hai mươi tám năm sau, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói về Cậu Vaughn trong đại hội trung ương. Ông nói một chút như sau: “Tôi biết rõ gia đình này. … Tôi đã quỳ xuống cất tiếng cầu nguyện mãnh liệt cùng với [họ]. … Cách dạy dỗ trong nhà đã đưa đến các phước lành vĩnh cửu của gia đình đông con này.” Chủ tịch Kimball đã yêu cầu mọi gia đình “hãy quỳ xuống … cầu nguyện cho các con trai và con gái của họ hai lần mỗi ngày.”12

Thưa các anh chị em, nếu chúng ta trung thành cầu nguyện chung với gia đình, học thánh thư, buổi họp tối gia đình, các phước lành chức tư tế, và tuân giữ ngày Sa Bát, thì con cái chúng ta sẽ biết bây giờ là mấy giờ ở nhà. Chúng sẽ được chuẩn bị cho một ngôi nhà vĩnh cửu trên thiên thượng bất kể điều gì xảy đến trong một thế giới khó khăn. Thật là vô cùng quan trọng để con cái chúng ta biết rằng chúng được yêu thương và an toàn ở nhà.

Vợ chồng là hai người cộng sự bình đẳng.13 Họ có trách nhiệm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Người vợ có thể sinh con, là điều ban phước cho toàn thể gia đình. Người chồng có thể nhận được chức tư tế, là điều ban phước cho toàn thể gia đình. Nhưng trong hội đồng gia đình, vợ chồng, là hai người cộng sự bình đẳng, đều chọn các quyết định quan trọng nhất. Họ quyết định cách con cái sẽ được giảng dạy và kỷ luật, cách tiền bạc sẽ được chi tiêu, cách họ sẽ sống, và nhiều quyết định khác trong gia đình. Những quyết định này được họ cùng nhau đưa ra sau khi tìm kiếm sự hướng dẫn từ Chúa. Mục tiêu là có được một gia đình vĩnh cửu.

Ánh Sáng của Đấng Ky Tô gieo sâu vào lòng tất cả con cái của Thượng Đế tính chất vĩnh cửu của gia đình. Một trong những nhà văn ưa thích của tôi, không thuộc vào tín ngưỡng của chúng ta, đã nói như sau: “Có nhiều điều trong cuộc sống là không quan trọng, [nhưng] … gia đình là điều có thật, điều đáng kể, điều vĩnh cửu; điều để trông nom và chăm sóc và trung thành.”14

Giáo Hội Giúp Chúng Ta Tập Trung vào Đấng Cứu Rỗi với tính cách là một Gia Đình Đoàn Kết

Ngoài gia đình ra, vai trò của Giáo Hội cũng quan trọng. “Giáo Hội cung cấp tổ chức và phương tiện để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho tất cả con cái của Thượng Đế. Giáo Hội cung cấp thẩm quyền chức tư tế để thực hiện các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao cho tất cả những người xứng đáng và sẵn lòng chấp nhận các giáo lễ này.”15

Trên thế giới, có đầy dẫy tình trạng tranh chấp, bất chính lan tràn, và nhiều sự nhấn mạnh vào các nền văn hóa khác nhau và sự bất bình đẳng. Trong Giáo Hội, trừ các đơn vị nhóm họp theo ngôn ngữ ra, thì các tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta được phân chia theo địa lý. Chúng ta không phân chia theo tầng lớp hoặc giai cấp.16 Chúng ta vui mừng trước sự thật rằng tất cả các chủng tộc và các nền văn hóa đều được pha trộn với nhau trong một giáo đoàn ngay chính. Gia đình tiểu giáo khu của chúng ta rất quan trọng đối với sự tiến bộ, hạnh phúc, và nỗ lực cá nhân của chúng ta để được giống như Đấng Ky Tô hơn.

Các nền văn hóa thường phân chia dân chúng và đôi khi là một nguồn bạo lực và kỳ thị.17 Trong Sách Mặc Môn, một số lời lẽ gây rắc rối nhất được sử dụng để mô tả những truyền thống của các tổ phụ tà ác mà dẫn đến bạo lực, chiến tranh, những hành vi tà ác, sự bất chính và ngay cả sự hủy diệt dân tộc và quốc gia.18

Trong thánh thư, không có điểm khởi đầu nào hay hơn sách 4 Nê Phi trong việc mô tả về nền văn hóa của Giáo Hội mà rất cần thiết cho tất cả chúng ta. Trong câu 2 có viết một phần đó: “Tất cả dân chúng khắp nơi trong xứ đều được cải đạo theo Chúa, cả người Nê Phi lẫn người La Man, và không có một sự bất hòa hay tranh luận nào xảy ra giữa họ. Mọi người đều đối xử với nhau rất công bình.” Trong câu 16, chúng ta đọc: “Và quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.” Thật ra không có chuyện tranh chấp nào xảy ra nhờ vào “tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.”19 Đây là nền văn hóa mà chúng ta mong muốn.

Các giá trị văn hóa và niềm tin tưởng sâu sắc là phần cơ bản của con người chúng ta. Những truyền thống của sự hy sinh, lòng biết ơn, đức tin, và sự ngay chính là để được yêu thương và bảo tồn. Gia đình cần phải vui hưởng và bảo vệ các truyền thống xây đắp đức tin.20

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của bất cứ nền văn hóa nào là ngôn ngữ. Ở khu vực San Francisco, California, nơi tôi đã từng sống, có bảy đơn vị nhóm họp theo các ngôn ngữ không thuộc bản xứ. Giáo lý của chúng ta đối với ngôn ngữ được ghi trong tiết 90, câu 11 sách Giáo Lý và Giao Ước: “Vì chuyện sẽ xảy ra rằng, vào ngày ấy, mọi người sẽ được nghe phúc âm trọn vẹn bằng ngôn ngữ của mình, và bằng tiếng của mình.”

Khi con cái của Thượng Đế cầu nguyện lên Ngài bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, thì đó là ngôn ngữ mà họ sử dụng để bày tỏ những ý nghĩ và mối cảm xúc sâu đậm của họ. Rõ ràng ngôn ngữ đó của tâm hồn là quý giá đối với tất cả mọi người.

Anh trai Joseph của tôi là một bác sĩ y khoa và hành nghề này trong nhiều năm ở khu vực Vịnh San Francisco. Một bệnh nhân mới đến phòng mạch của anh tôi là một tín hữu lớn tuổi người Samoa. Người này đang đau đớn vô cùng. Ông ta được xác định là bị sỏi thận, và đang được điều trị thích hợp. Người tín hữu trung thành này nói rằng mục tiêu ban đầu của ông ấy là chỉ để hiểu điều gì đã không ổn để ông ta có thể cầu nguyện bằng tiếng Samoa lên Cha Thiên Thượng về vấn đề sức khỏe của mình.

Thật quan trọng cho các tín hữu để hiểu được phúc âm bằng ngôn ngữ của tâm hồn họ để họ có thể cầu nguyện và hành động phù hợp với các nguyên tắc phúc âm.21

Mặc dù các ngôn ngữ và các truyền thống văn hóa tuyệt vời làm nâng cao tinh thần thật là đa dạng, nhưng chúng ta cũng phải đồng lòng trong tình đoàn kết và yêu thương.22 Chúa đã phán một cách dứt khoát: “Mọi người phải quý mến anh em mình như chính mình vậy… . Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”23 Trong khi chúng ta trân quý những văn hóa đa dạng thích hợp, thì mục tiêu của chúng ta là phải được đoàn kết trong văn hóa, phong tục và truyền thống của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi phương diện.

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô Chưa Bao Giờ Được Vững Mạnh Hơn

Chúng tôi nhận ra rằng một số tín hữu có thắc mắc và bày tỏ mối quan tâm khi họ tìm cách củng cố đức tin và chứng ngôn của họ. Chúng ta nên cẩn thận không nên chỉ trích hoặc xét đoán những người có mối quan tâm đó—dù lớn hay nhỏ. Đồng thời, những người có mối quan tâm đó nên làm mọi điều họ có thể làm để xây đắp đức tin và chứng ngôn của mình. Việc học hỏi, suy ngẫm, cầu nguyện, sống theo các nguyên tắc phúc âm, cùng kiên nhẫn và khiêm nhường hội ý với các vị lãnh đạo thích hợp là cách tốt nhất để giải quyết những thắc mắc hoặc mối quan tâm.

Một số người cho rằng hiện giờ đang có nhiều tín hữu hơn đang rời bỏ Giáo Hội và có thêm nhiều điều nghi ngờ và không tin hơn trong quá khứ. Điều này hoàn toàn không đúng sự thật. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chưa bao giờ vững mạnh hơn. Con số các tín hữu yêu cầu xóa bỏ tên của họ ra khỏi hồ sơ của Giáo Hội luôn luôn là rất nhỏ và giảm đi đáng kể trong những năm gần đây hơn trong quá khứ.24 Số thống kê gia tăng rõ ràng trong vài lãnh vực, như các tín hữu được làm lễ thiên ân với giấy giới thiệu đi đền thờ, những người thành niên đóng tiền thập phân đầy đủ, và những người phục vụ truyền giáo, đều rất đáng kể. Tôi xin được nói một lần nữa, Giáo Hội chưa bao giờ được vững mạnh hơn. Nhưng, “hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.”25 Chúng ta tìm đến tất cả mọi người.

Nếu các anh chị em hiện đang đối phó với những khó khăn nghiệt ngã mà dường như tuyệt vọng và hầu như không thể chịu đựng nổi, thì hãy nhớ rằng trong nỗi đau khổ của linh hồn Chúa ở Vườn Ghết Sê Ma Nê và sự tra tấn cùng nỗi đau đớn không thể hiểu nổi ở Đồi Sọ, Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện Sự Chuộc Tội, là điều loại bỏ những gánh nặng khủng khiếp nhất có thể xảy ra trong cuộc đời này. Ngài đã làm điều đó cho các anh chị em, và Ngài đã làm điều đó cho tôi. Ngài đã làm điều đó vì Ngài yêu thương chúng ta và vì Ngài vâng lời và yêu thương Cha Ngài. Chúng ta sẽ được giải cứu khỏi cái chết—cho dù thể xác của chúng ta đã chìm sâu dưới đáy biển.

Những sự bảo vệ của chúng ta trong cuộc sống này và thời vĩnh cửu sẽ đến với chúng ta một cách riêng tư và qua sự ngay chính trong gia đình, các giáo lễ và giáo lý của Giáo Hội, và việc noi theo Đấng Cứu Rỗi. Đây là nơi dung thân của chúng ta khỏi cơn bão tố. Đối với những người cảm thấy đang cô đơn một mình, các anh chị em có thể hành động trong sự ngay chính vì biết rằng Sự Chuộc Tội sẽ bảo vệ và ban phước cho các anh chị em vượt quá khả năng của các anh chị em để hoàn toàn hiểu thấu.

Chúng ta nên tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi, tuân giữ các giao ước của mình, và noi theo Vị Nam Tử của Thượng Đế như đóa hoa hướng dương non nớt mọc theo hướng ánh nắng mặt trời. Việc noi theo ánh sáng và tấm gương của Ngài sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc và bình an. Như sách Thi Thiên 27 và bài thánh ca ưa thích của tôi, cả hai đã dạy: “Đức Giê Hô Va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi.”26

Vào ngày cuối tuần lễ Phục Sinh này, với tư cách là một trong Các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi, tôi long trọng làm chứng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi biết rằng Ngài hằng sống. Tôi biết tiếng nói của Ngài. Tôi làm chứng về thiên tính và sự thực tế của Sự Chuộc Tội, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 2 Nê Phi 9:20–22.

  2. Xin xem Mô Si A 15:8–9.

  3. Xin xem Phi Líp 4:7.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 13:41.

  5. Ma Thi Ơ 13:43.

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 115:5–6.

  7. Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 1.1.4.

  8. Vaughn R. Kimball, “The Right Time at Home,” Reader’s Digest, tháng Năm năm 1944, 43.

  9. Xin xem thư của Thuyền Trưởng G. A. Seitz, Hải Quân Hoa Kỳ, USS Bunker Hill, đề ngày 25 tháng Năm năm 1945, gửi cho cha của Vaughn Kimball, Crozier Kimball, Draper, Utah.

  10. Xin xem thư của Spencer W. Kimball, đề ngày 2 tháng Sáu năm 1945, gửi cho Crozier Kimball; Giáo Lý và Giao Ước 42:46.

  11. Xin xem Crozier Kimball, trong Marva Jeanne Kimball Pedersen, Vaughn Roberts Kimball: A Memorial (1995), 53.

  12. Spencer W. Kimball, “The Family Influence,” Ensign, tháng Bảy năm 1973, 17. Spencer W. Kimball lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

  13. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  14. Carla Carlisle, “Pray, Love, Remember,” Country Life, ngày 29 tháng Chín năm 2010, 120.

  15. Sách Hướng Dẫn 2, 1.1.5.

  16. Xin xem 4 Nê Phi 1:26.

  17. Văn hóa được thảo luận nhiều trong thế giới ngày nay. Trong năm 2014 từ văn hóa thậm chí còn được đặt tên từ của năm bởi Merriam-Webster.com.

  18. Xin xem An Ma 9; Hê La Man 5.

  19. 4 Nê Phi 1:15.

  20. Nhà triết học người Đức Goethe đã viết một câu nổi tiếng: “Để thực sự sở hữu được điều gì cha bạn truyền lại cho bạn, bạn phải tự mình kiếm được điều đó!” (Johann Wolfgang von Goethe, Faust, do Bayard Taylor dịch [1912], 1:28).

  21. Đây là một trong những lý do Giáo Hội giảng dạy phúc âm bằng 50 ngôn ngữ và dịch Sách Mặc Môn thành 110 ngôn ngữ. Tuy nhiên, một trong những thử thách trên toàn thế giới là để học ngôn ngữ của quốc gia mà các anh chị em đang sống. Là cha mẹ, chúng ta cần phải hy sinh để giúp thế hệ vươn lên học ngôn ngữ của quốc gia nơi họ đang sinh sống. Hãy giúp họ làm cho ngôn ngữ đó là ngôn ngữ của lòng họ.

  22. Xin xem Mô Si A 18:21.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 38:25, 27.

  24. Trong hơn 25 năm qua, con số thực sự các tín hữu rời bỏ Giáo Hội đã giảm và Giáo Hội đã tăng gần gấp đôi con số tín hữu. Tỷ lệ bỏ đi đang giảm đáng kể.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 18:10.

  26. Thi Thiên 27:1; Xin xem thêm “The Lord Is My Light,” Hymns, số 89.