2010–2019
Chuyện Ngụ Ngôn về Người Gieo Giống
Tháng tư 2015


Chuyện Ngụ Ngôn về Người Gieo Giống

Điều này tùy thuộc vào mỗi người chúng ta phải sắp xếp các ưu tiên và làm những điều mà làm cho đất của mình được tốt và mùa thu hoạch của mình được dồi dào.

Đề tài cho các bài nói chuyện trong đại hội trung ương không phải được một người trần thế có thẩm quyền chỉ định mà là bởi những ấn tượng của Thánh Linh. Nhiều đề tài thường đề cập đến những mối quan tâm của người trần thế mà tất cả chúng ta đều chia sẻ. Nhưng cũng giống như Chúa Giê Su đã không dạy cách khắc phục những thử thách của người trần thế hoặc tình trạng áp bức chính trị của thời kỳ Ngài, Ngài thường soi dẫn các tôi tớ thời hiện đại của Ngài để nói về điều chúng ta phải làm nhằm thay đổi cuộc sống cá nhân của chúng ta để chuẩn bị cho chúng ta trở về căn nhà thiên thượng của mình. Vào ngày cuối tuần Lễ Phục Sinh này, tôi đã cảm thấy có ấn tượng để nói về những lời giảng dạy quý báu và vô tận chứa đựng ở một trong số các chuyện ngụ ngôn của Chúa Giê Su.

Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống là một trong số ít các chuyện ngụ ngôn được tường thuật trong tất cả ba sách Phúc Âm tóm tắt. Câu chuyện này cũng còn là một trong nhóm nhỏ hơn trong số các chuyện ngụ ngôn mà Chúa Giê Su đã giải thích cho các môn đồ của Ngài. Hạt giống được gieo là “đạo nước thiên đàng” (Ma Thi Ơ 13:19), “đạo” (Mác 4:14), hay “đạo Đức Chúa Trời” (Lu Ca 8:11)—là những lời dạy của Đức Thầy và các tôi tớ của Ngài.

Các loại đất khác nhau nơi những hạt giống rơi xuống tượng trưng cho những cách thức khác nhau người trần thế nhận được và tuân theo những lời dạy này. Do đó, những hạt giống bị “rơi dọc đường” (Mác 4:4) đã không rơi xuống được trần gian là nơi chúng có thể phát triển được. Chúng giống như những giáo lý rơi vào một con tim chai đá hay không sẵn sàng. Tôi sẽ không nói gì thêm nữa về những hạt giống này. Sứ điệp của tôi liên quan đến những người trong chúng ta đã cam kết làm tín đồ của Đấng Ky Tô. Chúng ta làm gì với những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong khi chúng ta sống cuộc sống của mình?

Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống cảnh báo chúng ta về hoàn cảnh và thái độ mà có thể ngăn giữ bất cứ ai đã nhận được hạt giống của sứ điệp phúc âm nhưng không sẵn lòng tuân theo.

I. Đất Đá Sỏi, Không Có Rễ

Một số hạt giống “rơi nhằm nơi đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, tức thì mọc lên, vì bị lấp không sâu; “nhưng khi mặt trời đã mọc, thì bị đốt, và bởi không có rễ, nên phải héo” (Mác 4:5–6).

Chúa Giê Su giải thích rằng điều này mô tả những người “nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy,” nhưng vì “trong lòng họ không có rễ, … nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra sự cực khổ, bắt bớ, thì liền vấp phạm” (Mác 4:16–17).

Điều gì gây ra cho người nghe “trong lòng họ không có rễ”? Đây là trường hợp của các tín hữu mới, những người chỉ được cải đạo theo những người truyền giáo hay vì nhiều đặc tính hấp dẫn của Giáo Hội, hoặc nhiều thành quả vĩ đại của các tín hữu Giáo Hội. Vì niềm tin của những người này không được đặt trên Đấng Cứu Rỗi, nên khi sự chống đối nảy sinh thì họ có thể xa rời lẽ thật. Nhưng ngay cả những người lớn lên trong Giáo Hội—các tín hữu lâu đời—cũng có thể trở thành không có rễ ở trong lòng. Tôi có biết một số người này—các tín hữu không có sự cải đạo vững chắc và lâu dài theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chúng ta không nắm vững và thường xuyên tuân theo những lời dạy của phúc âm, thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nảy sinh ra một sự chai đá trong lòng để chấp nhận các lẽ thật phúc âm.

Món ăn tinh thần là cần thiết cho sự sống còn của phần thuộc linh, nhất là trong một thế giới đang rời xa niềm tin nơi Thượng Đế và những điều tuyệt đối giữa đúng và sai. Trong một thời đại chi phối bởi Internet, có nhiều thông điệp mà có thể làm nguy hại cho đức tin của một người, chúng ta phải gần gũi hơn với lẽ thật thiêng liêng nhằm củng cố đức tin của mình và bám chặt vào phúc âm.

Các em trẻ tuổi thân mến, nếu lời giảng dạy đó dường như quá tổng quát thì đây là một ví dụ cụ thể. Nếu trong khi Tiệc Thánh đang được những người nắm giữ chức tư tế chuyền đến và các em đang gõ tin nhắn trên điện thoại hoặc thì thầm hay chơi trò chơi video hay làm bất cứ điều gì khác để từ chối món ăn tinh thần cần thiết cho bản thân mình, thì các em đang làm suy yếu chứng ngôn của mình và làm cho các em khó cảm nhận được Thánh Linh hơn. Các em đang làm cho mình dễ bị trở nên suy yếu về phần thuộc linh khi gặp hoạn nạn như bị cô lập, bị đe dọa hay nhạo báng. Và điều đó cũng áp dụng cho những người lớn nữa.

Một điều khác có khả năng hủy diệt rễ thuộc linh—được gia tăng bởi công nghệ hiện nay nhưng không phải là chỉ duy nhất điều này thôi—đó là cái nhìn hạn hẹp đối với phúc âm hay Giáo Hội. Cái nhìn hạn hẹp này tập trung vào một giáo lý, hoặc cách thực hành hay cách nhận thức khiếm khuyết cụ thể ở một người lãnh đạo mà bỏ qua cái nhìn toàn diện của kế hoạch phúc âm và các phước lành dành cho cá nhân và các nhóm vì tuân theo phúc âm. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã đưa ra một phần mô tả sinh động về một khía cạnh của cái nhìn hạn hẹp này. Ông nói với một cử toạ tại trường BYU về những nhà bình luận chính trị “đã bừng bừng phẫn nộ” trước một tin thời sự mới xảy ra lúc bấy giờ. “Họ khéo léo thốt ra những lời nói đầy giận dữ và xúc phạm. … Ông kết luận “Chắc chắn đây là thời đại và thời điểm chấp nhận dễ dàng lời lẽ đầy xúc phạm như vậy.”1 Ngược lại, để được đứng vững vàng và an toàn trong phúc âm, chúng ta phải ôn hòa và không chỉ trích cùng luôn luôn tìm cách hiểu tất cả các khía cạnh của công việc uy nghi của Thượng Đế.

II. Gai Góc: Những Mối Bận Tâm của Thế Gian Này và Lòng Ham Mê Của Cải

Chúa Giê Su dạy rằng “một phần khác rơi nhằm bụi gai; gai mọc rậm lên làm cho nghẹt ngòi, và không kết quả” (Mác 4:7). Ngài giải thích rằng đây là “kẻ đã nghe đạo, song sự lo lắng về đời nầy, sự mê đắm về giàu sang, và các sự tham muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt ngòi đạo, và trở nên không trái” (Mác 4:18–19). Đây chắc chắn là một lời cảnh báo cần phải được tất cả chúng ta lưu tâm đến.

Trước hết, tôi sẽ nói về lòng ham mê của cải. Bất cứ nơi nào chúng ta đang ở trong cuộc hành trình thuộc linh của mình—bất cứ tình trạng cải đạo của chúng ta là gì—chúng ta đều bị cám dỗ bởi điều này. Khi các thái độ hay ưu tiên được đặt vào việc mua sắm, sử dụng hoặc sở hữu tài sản, thì chúng ta gọi đó là của cải vật chất. Có rất nhiều điều đã được nói ra và viết về của cải vật chất mà không cần phải thêm vào ở đây.2 Những người tin vào điều đã được gọi là thuyết thịnh vượng đều đang “mê đắm giàu sang.” Sự giàu sang về của cải hoặc thu nhập đáng kể đều không phải là một dấu hiệu về ân huệ của thiên thượng, và việc thiếu thốn những điều này không phải là bằng chứng của sự ghét bỏ của thiên thượng. Khi Chúa Giê Su phán với một tín đồ trung thành rằng người này có thể hưởng được cuộc sống vĩnh cửu nếu chịu ban phát tất cả những gì người này có cho người nghèo khó (xin xem Mác 10:17–24), Ngài không nhận ra điều ác trong việc sở hữu của cải mà là điều ác trong thái độ của người tín đồ đối với của cải. Như chúng ta đều biết, Chúa Giê Su khen ngợi Người Sa Ma Ri Nhân Lành đã dùng cùng đồng tiền đó để phục vụ đồng bào mình nhưng Giu Đa đã dùng đồng tiền đó để phản bội Đấng Cứu Rỗi của mình. Gốc rễ của mọi tội lỗi không phải là tiền bạc mà là lòng ham mê tiền bạc (xin xem 1 Ti Mô Thê 6:10).

Sách Mặc Môn kể về một thời gian mà Giáo Hội của Thượng Đế “bắt đầu suy yếu trên đà tiến triển của nó” (An Ma 4:10) vì “dân của giáo hội đã bắt đầu … đặt hết lòng yêu thích vào của cải cùng những ảo ảnh của thế gian” (An Ma 4:8). Bất cứ ai có được của cải vật chất dồi dào đều ở trong nguy cơ là tinh thần “bị mê hoặc” bởi sự giàu có và những thứ khác của thế gian.3 Đó là một lời giới thiệu phù hợp với những lời dạy kế tiếp của Đấng Cứu Rỗi.

Các cây gai tinh tế nhất để làm suy yếu tác dụng của phúc âm trong cuộc sống của chúng ta là các lực lượng của thế gian mà Chúa Giê Su gọi là “sự lo lắng, giàu sang, sung sướng đời nầy” (Lu Ca 8:14). Những điều này thì có quá nhiều để kể ra, chỉ một số ví dụ cũng đủ.

Vào một dịp nọ, Chúa Giê Su khiển trách Vị Sứ Đồ trưởng của Ngài khi phán cùng Phi E Rơ: “Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta” (Ma Thi Ơ 16:23; xin xem thêm GLGƯ 3:6–7; 58:39). Nghĩ đến việc người ta có nghĩa là đặt những lo lắng của thế gian trước những sự việc của Thượng Đế trong những hành động, ưu tiên, và lối suy nghĩ của chúng ta.

Chúng ta đầu hàng sự “sung sướng đời này” (1) khi bị nghiện ngập, làm suy yếu ân tứ quý báu của quyền tự quyết của Thượng Đế; (2) khi chúng ta bị cám dỗ bởi những thú tiêu khiển tầm thường, mà làm cho chúng ta rời xa những sự việc có tầm quan trọng vĩnh cửu; và (3) khi chúng ta có một tâm lý hưởng thụ mà làm suy giảm sự phát triển cá nhân cần thiết để làm cho chúng ta có đủ điều kiện cho số mệnh vĩnh cửu của mình.

Chúng ta bị “những nỗi lo lắng của cuộc đời này” chế ngự khi chúng ta lo ngại cho tương lai đến nỗi không hành động hay quyết định gì cả, điều này ngăn cản chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế và lời hứa của Ngài. Cách đây hai mươi lăm năm, người thầy đáng kính của tôi ở trường BYU, là Hugh W. Nibley, đã nói về những nguy hiểm của việc đầu hàng những nỗi lo lắng trần tục. Ông được hỏi trong một cuộc phỏng vấn là những tình trạng của thế giới và bổn phận của chúng ta để truyền bá phúc âm có làm cho người khác mong muốn tìm cách nào đó để “thay đổi điều chúng ta làm trong Giáo Hội giống với điều được làm trên thế gian” không.4

Ông đáp: “Điều đó đã là toàn bộ câu chuyện về Giáo Hội này, phải không? Quý vị phải sẵn lòng để xúc phạm người khác ở đây, quý vị phải sẵn lòng để chấp nhận rủi ro. Đó là lúc phải có đức tin. … Cam kết của chúng tôi coi như là một cuộc trắc nghiệm, coi như là rất khó, coi như là không thực tế theo những điều kiện của thế gian này.”5

Ưu tiên của phúc âm này đã được khẳng định trong khuôn viên trường BYU chỉ cách đây một vài tháng bởi một vị lãnh đạo Công Giáo đáng kính, vị Tổng Giám Mục Philadelphia, là Charles J. Chaput. Khi nói về “mối quan tâm của hai cộng đồng Thánh Hữu Ngày Sau và Công Giáo,” chẳng hạn như “về hôn nhân và gia đình, tính chất tình dục của chúng ta, sự thiêng liêng của mạng sống con người, và tính cấp thiết của tự do tôn giáo,” ông nói như sau:

“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa đến tầm quan trọng của việc thật sự sống theo điều chúng ta cho là mình tin tưởng. Điều đó cần phải là một ưu tiên—không chỉ trong cuộc sống cá nhân và gia đình của chúng ta không thôi, mà còn trong các nhà thờ của chúng ta nữa, sự lựa chọn chính trị, mối giao dịch kinh doanh của chúng ta, cách chúng ta đối xử với người nghèo; nói cách khác, trong tất cả mọi việc chúng ta làm.”

Ông nói tiếp: “Đây là lý do tại sao điều đó là quan trọng. Hãy học hỏi từ kinh nghiệm của Công Giáo. Chúng tôi là Người Công Giáo tin rằng mục đích của chúng tôi là trở thành chất men trong xã hội. Nhưng có một ranh giới tinh vi giữa việc là ảnh hưởng tốt đến xã hội, và trở thành một phần tử của xã hội.”6

Lời cảnh báo của Đấng Cứu Rỗi đối với việc có những nỗi lo lắng của thế gian này làm suy yếu những lời của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ thử thách chúng ta để giữ chặt các ưu tiên và ước muốn của mình trong việc tập trung vào các giáo lệnh của Thượng Đế và các vị lãnh đạo của Giáo Hội Ngài.

Các ví dụ của Đấng Cứu Rỗi có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ về chuyện ngụ ngôn này là về các loại đất. Để xác định xem đất có thích hợp không phụ thuộc vào tấm lòng của mỗi người trong chúng ta là những người gần gũi với hạt giống phúc âm. Đối với việc sẵn lòng với những lời dạy thiêng liêng, một số người cứng lòng và không sẵn sàng, một số người khác lạnh lùng bỏ đi không sử dụng, và một số người đặt lòng mình vào của cải vật chất thế gian.

III. Rơi nhằm Chỗ Đất Tốt thì Sanh Trái

Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống kết thúc với phần mô tả của Đấng Cứu Rỗi về hạt giống “rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái” trong nhiều mức độ khác nhau (Ma Thi Ơ 13:8). Bằng cách nào chúng ta có thể chuẩn bị cho bản thân mình để được là loại đất tốt đó và có thu hoạch tốt như thế?

Chúa Giê Su giải thích rằng “song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật thà tử tế nghe đạo, gìn giữ và kết quả một cách bền lòng.” (Lu Ca 8:15). Chúng ta có hạt giống của lời phúc âm. Điều này tùy thuộc vào mỗi người chúng ta phải sắp xếp các ưu tiên và làm những điều mà làm cho đất của mình được tốt và mùa thu hoạch của mình được dồi dào. Chúng ta cần phải tìm cách đứng vững vàng trong phúc âm và cải đạo theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Cô Lô Se 2:6–7). Chúng ta đạt được sự cải đạo này bằng cách cầu nguyện, bằng cách đọc thánh thư, bằng cách phục vụ, và bằng cách thường xuyên dự phần Tiệc Thánh để luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Chúng ta cũng cần phải tìm kiếm sự thay đổi lớn lao đó trong lòng mình (xin xem An Ma 5:12–14) mà thay thế những ước muốn xấu xa và những mối bận tâm ích kỷ với tình yêu mến Thượng Đế và ước muốn phục vụ Ngài và con cái Ngài.

Tôi làm chứng về lẽ thật của những sự việc này và tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, mà những lời dạy của Ngài chỉ ra con đường và Sự Chuộc Tội của Ngài làm cho mọi điều đều có thể thực hiện được, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Gordon B. Hinckley, “Let Not Your Heart Be Troubled” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 29 tháng Mười năm 1974), 1; speeches.byu.edu.

  2. Xin xem ví dụ Dallin H. Oaks, “Materialism,” chương 5 trong Pure in Heart (1988), 73–87.

  3. Tôi mang ơn Anh Cả Neal A. Maxwell về hình ảnh đáng nhớ này (xin xem “These Are Your Days,” Ensign, tháng Mười năm 2004, 26).

  4. James P. Bell, trong “Hugh Nibley, in Black and White,” BYU Today, tháng Năm năm 1990, 37.

  5. Hugh Nibley, trong “Hugh Nibley, in Black and White,” 37–38.

  6. Charles J. Chaput, “The Great Charter at 800: Why It Still Matters,” First Things, ngày 23 tháng Giêng năm 2015, firstthings.com/web-exclusives/2015/01/the-great-charter-at-800; xin xem thêm Tad Walch, “At BYU, Catholic Archbishop Seeks Friends, Says U.S. Liberty Depends on Moral People,” Deseret News, ngày 23 tháng Giêng năm 2015, deseretnews.com/article/865620233/At-BYU-Catholic-archbishop-seeks-friends-says-US-liberty-depends-on-moral-people.html. Tổng Giám Mục Chaput cũng nói rằng “một số tổ chức Công Giáo tốt nhất của chúng tôi đã bị mất hay bị làm suy yếu rất nhiều bản sắc tôn giáo của họ. … Brigham Young là một trường đại học phi thường … vì đó là một trung tâm học tập được bản sắc tôn giáo của mình phong phú hóa. Đừng bao giờ đánh mất điều đó” (“The Great Charter at 800”).