2010–2019
Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích
Tháng tư 2015


Ngày Sa Bát Là Ngày Vui Thích

Làm thế nào các anh chị em có thể bảo đảm rằng hành vi của các anh chị em vào ngày Sa Bát sẽ dẫn đến niềm vui và sự vui sướng?

Các anh chị em thân mến, hai ngày đại hội vừa qua thật là tuyệt vời. Chúng ta đã được nâng cao tinh thần nhờ vào âm nhạc đầy soi dẫn và những lời cầu nguyện tuyệt vời. Chúng ta đã được củng cố tinh thần nhờ vào các sứ điệp đầy ánh sáng và lẽ thật. Vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh này, một lần nữa chúng ta đoàn kết và chân thành cám ơn Thượng Đế đã ban cho một vị tiên tri.

Câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta là: với những gì tôi đã nghe và cảm nhận được trong đại hội này, tôi sẽ thay đổi như thế nào? Dù câu trả lời của các anh chị em có thể là gì đi nữa thì tôi cũng có thể mời các anh chị em cùng xem xét những cảm nghĩ của các anh chị em, và hành vi của mình về ngày Sa Bát.

Tôi rất thích những lời của Ê Sai. Ông đã gọi ngày Sa Bát là “một ngày vui thích.”1 Tuy nhiên, tôi tự hỏi là ngày Sa Bát có thực sự là một ngày vui thích đối với các anh chị em và tôi không?

Lần đầu tiên tôi cảm thấy vui thích về ngày Sa Bát là cách đây nhiều năm khi còn là một bác sĩ phẫu thuật bận rộn, tôi đã biết rằng ngày Sa Bát đã trở thành một ngày để chữa lành riêng cho cá nhân tôi. Vào cuối mỗi tuần, bàn tay của tôi bị đau nhức vì cọ rửa thường xuyên bằng xà phòng, nước, và bàn chải cứng. Tôi cũng cần xả hơi khỏi gánh nặng của một nghề nghiệp đòi hỏi khắt khe. Ngày Chủ Nhật làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm, là điều tôi rất cần.

Đấng Cứu Rỗi đã có ý nói gì khi Ngài phán rằng: “Vì loài người mà lập ngày Sa Bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa Bát mà dựng nên loài người”?2 Tôi tin rằng Ngài muốn chúng ta hiểu rằng ngày Sa Bát là món quà của Ngài dành cho chúng ta, ban cho thời gian nghỉ ngơi thực sự khỏi những khó khăn của cuộc sống hàng ngày và một cơ hội để đổi mới về tinh thần và thể xác. Thượng Đế đã ban cho chúng ta ngày đặc biệt này, không phải để giải trí vui chơi hoặc lao động hàng ngày mà là để nghỉ ngơi khỏi bổn phận, để được nhẹ nhõm về mặt thể xác và tinh thần.

Trong tiếng Hê Bơ Rơ từ Sa Bát có nghĩa là “nghỉ ngơi.” Mục đích của ngày Sa Bát có từ lúc Sáng Tạo của thế gian, khi sau sáu ngày làm việc, Chúa nghỉ ngơi khỏi công việc sáng tạo.3 Khi về sau Ngài mặc khải Mười Điều Giáo Lệnh cho Môi Se, thì Thượng Đế truyền lệnh rằng chúng ta “hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”4 Về sau, ngày Sa Bát đã được tuân thủ như là một lời nhắc nhở về sự giải thoát dân Y Sơ Ra Ên khỏi vòng nô lệ của họ ở Ai Cập.5 Có lẽ điều quan trọng nhất, là ngày Sa Bát đã được đưa ra như là một giao ước đời đời, một lời nhắc nhở thường xuyên rằng Chúa có thể thánh hóa dân Ngài.6

Ngoài ra, bây giờ chúng ta dự phần Tiệc Thánh vào ngày Sa Bát để tưởng nhớ đến Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.7 Một lần nữa, chúng ta giao ước rằng chúng ta sẵn lòng mang lấy thánh danh của Ngài.8

Đấng Cứu Rỗi đã tự nhận rằng Ngài là Chúa của ngày Sa Bát.9 Đó là ngày của Ngài! Nhiều lần, Ngài đã phán bảo chúng ta hãy giữ ngày Sa Bát10 hoặc thánh hóa ngày này.11 Chúng ta đã lập một giao ước để làm như vậy.

Chúng ta thánh hóa ngày Sa Bát như thế nào? Khi còn rất trẻ, tôi đã nghiên cứu các bản liệt kê mà những người khác đã lập ra về những việc cần làm và những việc không được làm vào ngày Sa Bát. Mãi cho đến sau này tôi đã học được từ thánh thư rằng hành động và thái độ của tôi về ngày Sa Bát tạo thành một dấu hiệu giữa tôi và Cha Thiên Thượng.12 Với sự hiểu biết đó, tôi không còn cần bản liệt kê về những việc cần làm và không nên làm. Khi tôi phải đưa ra một quyết định về một sinh hoạt có thích hợp cho ngày Sa Bát hay không, tôi chỉ cần tự hỏi: “Tôi muốn dâng lên Thượng Đế dấu hiệu gì?” Câu hỏi đó làm cho sự lựa chọn của tôi về ngày Sa Bát rất rõ ràng.

Mặc dù giáo lý liên quan đến ngày Sa Bát có nguồn gốc cổ xưa, nhưng nó đã được đổi mới trong những ngày sau này như là một phần của giao ước mới với một lời hứa. Hãy lắng nghe về quyền năng của sắc lệnh thiêng liêng này:

“Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta;

“Vì thật vậy, đây là ngày đã được định để cho các ngươi nghỉ ngơi khỏi phải lao nhọc, và để trả sự ngoan đạo cho Đấng Tối Cao. …

“Và vào ngày này, … thức ăn được chuẩn bị với một tấm lòng duy nhất, để việc nhịn ăn của các ngươi có thể được hoàn toàn, hay nói cách khác, để niềm vui của các ngươi có thể được trọn vẹn. …

“Và nếu các ngươi làm những điều này với sự cảm tạ, với tấm lòng vui vẻ và gương mặt hớn hở, … trọn thế gian này là của các ngươi.”13

Hãy tưởng tượng lời phán này vĩ đại biết bao! Sự đầy đủ của thế gian này được hứa ban cho những người giữ ngày Sa Bát được thánh.14 Thảo nào Ê Sai đã gọi ngày Sa Bát là “ngày vui thích.”

Làm thế nào các anh chị em có thể bảo đảm rằng hành vi của các anh chị em vào ngày Sa Bát sẽ mang đến niềm vui và sự vui sướng? Ngoài việc các anh chị em đi nhà thờ, dự phần Tiệc Thánh, và tận tụy trong chức vụ kêu gọi cụ thể của mình để phục vụ, thì những sinh hoạt nào khác sẽ giúp làm cho ngày Sa Bát là một ngày vui thích cho các anh chị em? Các anh chị em sẽ dâng lên Chúa dấu hiệu nào để cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Ngài?

Ngày Sa Bát mang đến một cơ hội tuyệt vời để củng cố các mối quan hệ gia đình. Xét cho cùng, Thượng Đế muốn mỗi người chúng ta, với tư cách là con cái của Ngài, phải trở về với Chúa với tư cách là Các Thánh Hữu đã được làm lễ thiên ân, được làm lễ gắn bó chung với gia đình trong đền thờ, với tổ tiên, và với con cháu chúng ta.15

Chúng ta làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích khi chúng ta dạy phúc âm cho con cái mình. Trách nhiệm của chúng ta với tư cách là cha mẹ thật là rõ ràng. Chúa phán: “Và lại nữa, nếu những bậc cha mẹ trong Si Ôn, … có con cái đã lên tám tuổi mà không dạy chúng biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh bởi phép đặt tay, thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy.”16

Cách đây nhiều năm, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về chất lượng của thời gian gia đình sinh hoạt chung với nhau. Họ đã viết:

“Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ nên dành hết các nỗ lực tốt nhất để dạy dỗ và nuôi dưỡng con cái của mình theo các nguyên tắc phúc âm mà sẽ giữ cho chúng gần gũi với Giáo Hội. Mái gia đình là nền tảng của một cuộc sống ngay chính, và không có một tổ chức nào khác có thể chiếm vị trí hoặc làm tròn chức năng cần thiết của gia đình trong việc thực hiện trách nhiệm đã được Thượng Đế ban cho này.

“Chúng tôi khuyên nhủ các bậc cha mẹ và con cái hãy dành ưu tiên số một cho việc cầu nguyện chung gia đình, buổi họp tối gia đình, học và dạy phúc âm, và các sinh hoạt lành mạnh khác của gia đình. Cho dù các đòi hỏi và sinh hoạt khác có thể xứng đáng và thích hợp đến đâu đi nữa thì cũng đừng để cho chúng chiếm chỗ của các bổn phận đã được Chúa quy định mà chỉ có cha mẹ và gia đình mới có thể thực hiện được một cách thích hợp mà thôi.”17

Khi suy ngẫm về lời khuyên dạy này, tôi gần như muốn mình một lần nữa là một người cha trẻ tuổi. Bây giờ các bậc cha mẹ có sẵn nguồn tài liệu tuyệt vời để giúp họ làm cho thời gian sinh hoạt cùng với gia đình có ý nghĩa nhiều hơn, vào ngày Sa Bát cũng như những ngày khác. Họ có các trang mạng LDS.org, Mormon.org, video Kinh Thánh, Mormon Channel, Media Library, tạp chí Liahona, và còn nhiều nữa—rất nhiều nữa. Các nguồn tài liệu này vô cùng hữu ích cho các bậc cha mẹ trong việc làm tròn bổn phận thiêng liêng của họ để dạy dỗ con cái. Không có công việc nào quan trọng hơn vai trò làm cha mẹ ngay chính và thận trọng!

Khi các anh chị em giảng dạy phúc âm, thì các anh chị em sẽ học hỏi thêm. Đây là cách của Chúa để giúp các anh chị em thấu hiểu phúc âm của Ngài. Ngài phán:

“Ta ban cho các ngươi một lệnh truyền rằng các ngươi phải giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc.

“Các ngươi hãy siêng năng giảng dạy lẫn nhau … , để các ngươi có thể được chỉ dẫn một cách hoàn hảo hơn … về giáo lý, và về luật pháp của phúc âm, về tất cả mọi sự việc liên quan đến vương quốc của Thượng Đế.”18

Việc học phúc âm như vậy làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích. Lời hứa này áp dụng bất kể kích thước, thành phần hoặc địa điểm của gia đình.

Ngoài thời gian với gia đình ra, các anh chị em còn có thể vui thích thật sự vào ngày Sa Bát từ công việc lịch sử gia đình. Tìm kiếm những người trong gia đình đã sống trước thời của các anh chị em trên thế gian—những người không có cơ hội để chấp nhận phúc âm trong khi ở đây—có thể mang lại niềm vui lớn lao.

Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này. Cách đây vài năm, người vợ yêu quý của tôi là Wendy, đã quyết tâm học cách sưu tầm lịch sử gia đình. Tiến bộ của bà lúc đầu còn chậm, nhưng dần dần, bà đã học được cách dễ dàng để làm công việc thiêng liêng này. Và tôi chưa bao giờ thấy bà vui hơn thế. Các anh chị em cũng không cần phải đi đến các nước khác hoặc thậm chí phải đến một trung tâm lịch sử gia đình. Ở nhà, với sự trợ giúp của một máy vi tính hoặc thiết bị di động, các anh chị em có thể nhận ra những người đang khao khát nhận được giáo lễ của họ. Hãy làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích bằng cách tìm kiếm các tổ tiên của mình và giải thoát họ ra khỏi ngục tù linh hồn!19

Hãy làm cho ngày Sa Bát thành một ngày vui thích bằng cách phục vụ những người khác, nhất là những người đang cảm thấy không khỏe hoặc những người cô đơn hay đang hoạn nạn.20 Việc nâng cao tinh thần của họ cũng sẽ nâng cao tinh thần của các anh chị em.

Khi Ê Sai mô tả ngày Sa Bát là “một ngày vui thích,” ông cũng đã dạy chúng ta cách làm cho ngày ấy trở thành thú vị nữa. Ông nói:

“Nếu ngươi ngừa giữ … không làm vừa ý mình trong ngày thánh của ta; nếu ngươi xưng ngày Sa Bát là ngày vui thích, … coi ngày thánh của Đức Giê Hô Va là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình:

“Bấy giờ ngươi sẽ lấy Đức Giê Hô Va. làm vui thích.”21

Việc “không theo ý riêng mình” vào ngày Sa Bát đòi hỏi kỷ luật tự giác. Các anh chị em có thể phải tránh làm một điều gì đó mà các anh chị em có thể thích. Nếu chọn làm hài lòng mình trong Chúa, các anh chị em sẽ không cho phép mình xem ngày Sa Bát như bất cứ ngày nào khác. Các sinh hoạt thường lệ và có tính cách giải trí có thể được thực hiện trong một thời gian khác.

Hãy nghĩ về điều này: Trong việc đóng tiền thập phân, chúng ta hiến tặng một phần mười số thu nhập của mình cho Chúa. Trong việc giữ ngày Sa Bát được thánh, chúng ta để dành ra một ngày trong bảy ngày làm ngày của Ngài. Vì vậy, đó là đặc ân của chúng ta để dâng hiến cả tiền bạc lẫn thời gian lên Ngài, là Đấng ban cho chúng ta sự sống mỗi ngày.22

Đức tin nơi Thượng Đế nảy sinh một niềm yêu thích ngày Sa Bát; đức tin trong ngày Sa Bát nảy sinh một tình yêu mến dành cho Thượng Đế. Ngày Sa Bát thánh thật sự là một ngày vui thích.

Giờ đây, khi đại hội này sắp kết thúc, chúng ta biết rằng dù đang sống ở bất cứ nơi nào thì chúng ta cũng phải là tấm gương cho những người tin, ở giữa gia đình, hàng xóm, và bạn bè của mình.23 Những người tin chân chính là những người giữ ngày Sa Bát được thánh.

Tôi kết thúc với lời từ giã khẩn thiết của Mô Rô Ni, khi ông kết thúc Sách Mặc Môn. Ông viết: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì … các người sẽ được thánh hóa trong Đấng Ky Tô.”24

Với tình yêu thương sâu đậm, tôi để lại với các anh chị em lời cầu nguyện, chứng ngôn và phước lành của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.