2010–2019
Nước Cha Được Đến
Tháng tư 2015


Nước Cha Được Đến

Ý nghĩ về sự giáng lâm của Ngài làm cho lòng tôi phấn khởi. Điều đó sẽ thật là tuyệt vời! Phạm vi và vẻ hùng vĩ, sự bao la và lộng lẫy, sẽ vượt quá mọi ánh mắt của người trần thế từng nhìn thấy hay trải nghiệm.

Trong khi chúng ta hát, tôi vô cùng cảm động với ý nghĩ rằng trong chính giây phút này đây đã có hàng trăm ngàn, có lẽ là hàng triệu Thánh Hữu có niềm tin trong hơn 150 quốc gia bằng 75 ngôn ngữ khác nhau một cách kỳ diệu,1 chúng ta cùng nhau cất tiếng ca ngợi Thượng Đế:

Xin Ngài Hãy Đến, Hỡi Ngài là Vua của các vị Vua!

Chúng con đã chờ đợi Ngài lâu lắm,

Với quyền năng chữa lành của Ngài,

Để giải thoát dân Ngài.2

“Xin Ngài Hãy Đến, Hỡi Ngài là Vua của các vị Vua!”3 Chúng ta là một gia đình đông đảo những người tin, các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta đã mang lấy danh Ngài, và mỗi tuần khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta hứa rằng mình sẽ tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta còn lâu mới được hoàn hảo, nhưng chúng ta nghiêm túc trong đức tin của mình. Chúng ta tin tưởng vào Ngài. Chúng ta thờ phượng Ngài. Chúng ta noi theo Ngài. Chúng ta yêu mến Ngài biết bao. Chính nghĩa của Ngài là chính nghĩa lớn nhất trên toàn thế giới.

Thưa các anh chị em, chúng ta đang sống trong thời kỳ trước Ngày Tái Lâm của Chúa, một thời kỳ đã từ lâu được những người tin mong đợi trong suốt các thời đại. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh, thời kỳ đầy thiên tai, thời kỳ mà thế giới đầy dẫy những xung đột với hỗn loạn và náo động.

Nhưng chúng ta cũng sống trong thời kỳ Phục Hồi vinh quang, khi phúc âm đã được thuyết giảng trên khắp thế gian—một thời kỳ mà Chúa đã hứa rằng Ngài “sẽ lập lên … một dân tộc thanh khiết”4 là những người mà Ngài sẽ trang bị “bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế.”5

Chúng ta hân hoan trong thời kỳ này và cầu nguyện rằng sẽ có thể dũng cảm đối phó với những vất vả và bấp bênh của mình. Những khó khăn của một số người có thể nghiêm trọng hơn so với những khó khăn của những người khác, nhưng không một ai được miễn trừ cả. Anh Cả Neal A. Maxwell có lần đã nói với tôi: “Nếu tất cả mọi điều đang diễn ra một cách hoàn hảo đối với em vào lúc này, thì hãy đợi đi.”

Mặc dù Chúa đã nhiều lần trấn an chúng ta rằng chúng ta “không cần phải sợ hãi,”6 nhưng việc giữ một quan điểm rõ ràng và nhìn vượt quá cuộc sống trần thế này không phải lúc nào cũng dễ dàng khi chúng ta đang ở giữa những thử thách.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy tôi một bài học quan trọng về việc giữ gìn một quan điểm vĩnh cửu.

Cách đây 18 năm trong khi đi trên một chuyến xe lửa ở Thụy Sĩ với Chủ Tịch Monson, tôi có hỏi ông về trách nhiệm nặng nề của ông. Câu trả lời của ông đã củng cố đức tin của tôi. Ông nói: “Trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, chúng tôi làm tất cả mọi thứ mình có thể làm được để xúc tiến công việc này. Nhưng đây là công việc của Chúa, và Ngài hướng dẫn công việc đó. Ngài ở cương vị chỉ huy. Chúng ta kinh ngạc khi thấy Ngài tạo ra những cơ hội mà chúng ta không thể tạo ra được và làm các phép lạ mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được.”7

Thưa các anh chị em, việc nhìn thấy và tin vào các phép lạ của Chúa trong việc thiết lập vương quốc của Ngài trên thế gian cũng có thể giúp chúng ta nhìn thấy và tin rằng bàn tay của Ngài đang hướng dẫn cuộc sống chúng ta.

Chúa phán: “Ta có thể làm lấy công việc của ta.”8 Mỗi người chúng ta cố gắng làm phần vụ của mình, nhưng Ngài là Đấng sáng tạo vĩ đại. Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Ngài đã tạo dựng thế gian này. “Tất cả mọi vật đều được Ngài dựng nên; và chẳng vật chi được dựng lên mà không do Ngài.”9 Khi tỉnh táo và cảnh giác về phần thuộc linh, thì chúng ta nhìn thấy ảnh hưởng của Ngài trên khắp thế gian và trong cuộc sống cá nhân của mình.

Tôi xin chia sẻ một ví dụ.

Năm 1831, chỉ với 600 tín hữu của Giáo Hội, Chúa phán: “Các chìa khóa của vương quốc của Thượng Đế được giao phó cho loài người trên trái đất, và từ đó phúc âm sẽ trải ra tới các nơi tận cùng của trái đất, chẳng khác chi hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại, sẽ lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian.”10

Tiên tri Nê Phi đã nhìn thấy trước rằng trong thời kỳ chúng ta sẽ có “rất ít” tín hữu của Giáo Hội khi so với dân số của thế giới, nhưng họ sẽ “hiện diện khắp trên mặt đất.”11

Ba ví dụ tuyệt vời về bàn tay của Chúa trong việc thiết lập vương quốc của Ngài là các đền thờ đã được Chủ Tịch Monson loan báo trong ngày hôm nay. Chỉ cách đây một vài thập niên, ai có thể tưởng tượng ra được các đền thờ ở Haiti, Thái Lan, và Bờ Biển Ngà?

Địa điểm của một đền thờ không phải là một quyết định thuận tiện về mặt địa lý, mà đến qua sự mặc khải từ Chúa cho vị tiên tri của Ngài, đánh dấu một công việc vĩ đại sẽ được thực hiện, và công nhận sự ngay chính của Các Thánh Hữu là những người sẽ trân quý và chăm sóc ngôi nhà của Ngài qua nhiều thế hệ.12

Hình Ảnh
Thomas S. Monson of the Quorum of the Twelve Apostles, visiting Haiti. On April 17, 1983 he dedicated Haiti for the preaching of the gospel and also dedicated a site for the first meetinghouse to be built in Haiti. It was the first visit to the island by a member of the Quorum of the Twelve. (Ensign Aug. 1983, p. 79; Church News, May 22, 1983, p. 4)
Hình Ảnh
A group of Missionaries with Elder Andersen

Vợ tôi Kathy, và tôi đến thăm Haiti chỉ cách đây hai năm. Khi đứng trên đỉnh núi cao nhìn ra thành phố Port-au-Prince, chúng tôi cùng với Các Thánh Hữu Haiti nhớ lại lễ cung hiến đất nước này do Anh Cả Thomas S. Monson lúc bấy giờ thực hiện chỉ 30 năm trước đó. Không một ai trong chúng ta sẽ quên được trận động đất đầy sức tàn phá ở Haiti vào năm 2010. Với các tín hữu trung thành và một nhóm người truyền giáo can đảm, phần lớn là người Haiti, Giáo Hội tại quốc đảo này đã tiếp tục phát triển và tăng trưởng. Đức tin của tôi được nâng cao để hình dung ra Các Thánh Hữu ngay chính này của Thượng Đế, mặc toàn đồ trắng, có được quyền năng cúa thánh Chức Tư Tế để chỉ dẫn và thực hiện các giáo lễ thiêng liêng trong ngôi nhà của Chúa.

Hình Ảnh
Sathit and Juthamas Kaivaivatana of Bangkok Thailand.
Hình Ảnh
President Kaivaivatana and other members of the Thailand Bangkok Thailand North Stake leadership..

Ai có thể tưởng tượng ra một ngôi nhà của Chúa trong thành phố Bangkok xinh đẹp? Các Ky Tô hữu chỉ là 1 phần trăm dân số của quốc gia phần đông theo Phật Giáo này. Như ở Haiti, chúng ta cũng thấy rằng Chúa đã quy tụ dân chọn lọc của thế gian ở Bangkok. Trong khi ở đó cách đây một vài tháng, chúng tôi đã gặp Sathit và Juthamas Kaivaivatana và con cái tận tụy của họ. Sathit gia nhập Giáo Hội khi anh mới 17 tuổi và phục vụ truyền giáo ở quê hương của mình. Về sau, anh gặp Juthamas tại viện giáo lý, và họ đã được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Manila Philippines. Vào năm 1993, gia đình Kaivaivatana bị một chiếc xe tải đụng vào vì tài xế ngủ gật trong khi lái, và Sathit bị liệt từ ngực trở xuống. Đức tin của họ đã không bao giờ nao núng. Sathit là một giáo viên được ngưỡng mộ tại Trường Quốc Tế ở Bangkok. Anh ấy phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu Thái Lan Bangkok North. Chúng ta thấy các phép lạ của Thượng Đế trong công việc kỳ diệu của Ngài và trong cuộc sống cá nhân của chúng ta.

Hình Ảnh
Couples in the Ivory Coast

Chúng ta không thể kể về phép lạ của Giáo Hội tại Bờ Biển Ngà mà không đề cập đến tên của hai cặp vợ chồng: Philippe và Annelies Assard, và Lucien và Agathe Affoue. Họ gia nhập Giáo Hội khi còn là hai cặp vợ chồng trẻ tuổi, một ở Đức và một ở Pháp. Vào thập niên 1980, Philippe và Lucien cảm thấy rằng họ cần phải trở về quê hương ở châu Phi của họ vì mục đích xây dựng vương quốc của Thượng Đế. Đối với Chị Assard, là người Đức, thì việc rời xa gia đình, và cho phép Anh Assard từ bỏ việc làm là một kỹ sư cơ khí thành công, đã đòi hỏi một đức tin phi thường. Hai cặp vợ chồng này gặp nhau lần đầu tiên tại Bờ Biển Ngà và bắt đầu tổ chức một Trường Chủ Nhật. Đó là cách đây 30 năm. Hiện nay có tám giáo khu và 27.000 tín hữu ở đất nước châu Phi tuyệt đẹp này. Gia đình Affoue cũng như gia đình Assard tiếp tục phục vụ một cách cao quý. Họ vừa mới hoàn tất công việc truyền giáo ở Đền Thờ Accra Ghana.

Các anh chị em có thể nhìn thấy bàn tay của Thượng Đế đang xúc tiến công việc của Ngài không? Các anh chị em có thể nhìn thấy bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của những người truyền giáo ở Haiti hoặc gia đình Kaivalvatanas ở Thái Lan không? Các anh chị em có thể nhìn thấy bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của gia đình Assard và Affoue không? Các anh chị em có thể nhìn thấy bàn tay của Thượng Đế trong cuộc sống của chính mình không?

“Và loài người không xúc phạm Thượng Đế … ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc.”13

Phép lạ của Thượng Đế không phải chỉ xảy ra ở Haiti, Thái Lan, hay ở Bờ Biển Ngà. Hãy nhìn xung quanh các anh chị em.14 “Thượng Đế nhớ tới tất cả mọi sắc dân, … phải, Ngài đã đếm từng người dân của Ngài, và lòng thương xót của Ngài ban trải ra cùng khắp thế gian.”15

Đôi khi chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của những người khác nhưng lại tự hỏi: “Làm thế nào tôi có thể thấy rõ hơn bàn tay của Ngài trong cuộc sống của chính tôi?”

Đấng Cứu Rỗi phán:

“Không nghi ngờ chi hết.”16

“Đừng sợ, …”17

“ … Chẳng hề một con [chim sẻ] nào rơi xuống đất. …Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi. …

“Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.”18

Hãy ghi nhớ người thanh niên đã kêu cầu tiên tri Ê Li Sê khi họ bị kẻ thù bao vây: “Hỡi ôi! …, chúng ta sẽ làm sao?”19

Ê Li Sê đáp:

“Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó.

“Đoạn, Ê Li Sê cầu nguyện mà rằng: Đức Giê Hô Va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giê Hô Va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa.”20

Khi các anh chị em tuân giữ các giáo lệnh và cầu nguyện trong đức tin để nhìn thấy bàn tay của Chúa trong cuộc sống của mình, thì tôi hứa với các anh chị em rằng Ngài sẽ mở rộng mắt thuộc linh của các anh chị em hơn nữa, và các anh chị em sẽ thấy rõ hơn rằng mình không hề cô đơn.

Thánh thư dạy rằng chúng ta dám “[đứng vững] trong đức tin đối với những điều sẽ phải xảy đến.”21 Điều gì sẽ phải xảy đến? Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện:

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh.

“Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!”22

Chúng ta vừa cùng hát bài “Come, O Thou King of Kings” (Xin Ngài Hãy Đến, Hỡi Ngài Là Vua của Các Vị Vua).

Đức tin của chúng ta phát triển trong khi chúng ta mong đợi ngày tái lâm vinh quang của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian. Ý nghĩ về sự giáng lâm của Ngài làm cho lòng tôi phấn khởi. Điều đó sẽ thật là tuyệt vời! Phạm vi và vẻ hùng vĩ, sự bao la và lộng lẫy, sẽ vượt quá mọi ánh mắt của người trần thế từng nhìn thấy hay trải nghiệm.

Trong ngày đó, Ngài sẽ không đến theo như cách “được bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ,”23 mà Ngài sẽ xuất hiện “giữa đám mây trên trời, khoác quyền năng và vinh quang lớn lao; cùng với tất cả các thiên sứ thánh.”24 Chúng ta sẽ nghe được “tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời.”25 Mặt trời và mặt trăng sẽ được biến đổi, và “các ngôi sao [sẽ] phải sa khỏi chỗ của mình.”26 Các anh chị em và tôi, hoặc những người đi theo sau chúng ta, “các thánh hữu … từ [bốn phương trời] của thế gian,”27 “sẽ được biến hóa và được cất lên để gặp Ngài,”28 và những người đã chết trong sự ngay chính cũng sẽ “được cất lên để gặp Ngài giữa … trời.”29

Sau đó, một kinh nghiệm hầu như không thể tưởng tượng nổi: Chúa phán: “Mọi xác thịt sẽ cùng trông thấy ta.”30 Điều này sẽ xảy ra như thế nào? Chúng ta không biết. Nhưng tôi làm chứng rằng điều đó sẽ xảy ra—đúng như đã được tiên tri. Chúng ta sẽ quỳ xuống trong sự tôn kính, “và Chúa sẽ cất tiếng nói của Ngài, và tất cả các nơi tận cùng của trái đất đều sẽ nghe tiếng nói đó.”31 “Và tiếng nói đó sẽ như tiếng nhiều dòng nước, và như tiếng sấm lớn.”32 “[Và] Chúa, … Đấng Cứu Rỗi, sẽ đứng giữa dân Ngài.”33

Sẽ có các cuộc đoàn tụ không thể nào quên được với các thiên sứ trên trời và Các Thánh Hữu trên thế gian.34 Nhưng quan trọng nhất, như Ê Sai tuyên bố: “Mọi đầu cùng đất đã thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng ta,”35 và Ngài “sẽ trị vì mọi xác thịt.”36

Vào ngày đó, những người hoài nghi sẽ im lặng, “vì mọi tai đều nghe được tiếng nói ấy, mọi đầu gối đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải thú tội”37 rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian.

Hôm nay là lễ Phục Sinh. Chúng ta hân hoan cùng với các Ky Tô Hữu trên khắp thế giới trong Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài và trong sự phục sinh đã được hứa của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta có thể chuẩn bị cho ngày tái lâm của Ngài bằng cách nghiên cứu đi nghiên cứu lại các sự kiện vinh quang này trong tâm trí của chúng ta cùng với những người chúng ta yêu thương, và cầu xin rằng lời cầu nguyện của Ngài sẽ là lời cầu nguyện của chúng ta: “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời.”38 Tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống, “Xin Ngài Hãy Đến, Hỡi Ngài là Vua của Các Vị Vua.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mặc dù đại hội trung ương nói chung được phiên dịch sang 94 ngôn ngữ, không phải tất cả các ngôn ngữ cũng như tất cả phiên họp đều được phát sóng trực tiếp. Đối với phiên họp trưa Chủ Nhật của đại hội trung ương này, 75 ngôn ngữ được phát sóng trực tiếp.

  2. “Come, O Thou King of Kings,” Hymns, số 59.

  3. Vào Thứ Ba, ngày 31 tháng Ba năm 2015, văn phòng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã gửi cho tôi một email giải thích rằng tôi sẽ nói chuyện vào trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng Tư, ngay sau khi bài thánh ca do giáo đoàn hát: “Come, O Thou King of Kings.” Lời bài thánh ca tuyệt vời này về Sự Phục Sinh, do Parley P. Pratt viết, là một lời khẩn cầu khiêm nhường lên Đấng Cứu Rỗi trở lại thế gian. Bài này gồm có sứ điệp của bài nói chuyện của tôi trong đại hội có lẽ mạnh mẽ hơn bất cứ bài thánh ca nào khác mà chúng ta hát. Tôi vô cùng xúc động trước ý nghĩa của việc Các Thánh Hữu đầy tin tưởng ở khắp mọi nơi cùng nhau tham gia vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh, đồng thanh cất cao tiếng hát của mình lên Thượng Đế: “Xin Ngài Hãy Đến, Hỡi Ngài là Vua của các vị Vua! Chúng con đã chờ đợi Ngài lâu lắm.” Vì nhận thấy rằng cá nhân tôi không có dự phần vào việc chọn nhạc cho đại hội trung ương, tôi tự hỏi những người chịu trách nhiệm về âm nhạc đã có đọc bài nói chuyện của tôi trong đại hội có tựa đề “Nước Cha Được Đến” và sau đó chọn bài thánh ca này về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Về sau, tôi biết rằng các nhạc trưởng của Đại Ca Đoàn Tabernacle đã đề nghị bài thánh ca này lên Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào đầu tháng Ba, nhiều tuần trước khi bài nói chuyện của tôi được gửi tới Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn để phiên dịch. Lần cuối cùng mà bài “Come, O Thou King of Kings” được hát là một bài thánh ca để giáo đoàn hát trong đại hội trung ương tháng Mười năm 2002. Mỗi người chúng ta cố gắng để làm phần vụ của mình, nhưng Ngài là Đấng kiến trúc sư vĩ đại.

  4. Giáo Lý và Giao Ước 100:16.

  5. 1 Nê Phi 14:14.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 10:55.

  7. Kinh nghiệm cá nhân, tháng Năm năm 1997.

  8. 2 Nê Phi 27:20.

  9. Giăng 1:3.

  10. Giáo Lý và Giao Ước 65:2.

  11. 1 Nê Phi 14:12.

  12. Vào mùa thu năm 2001, trong khi sống ở Brazil, tôi nhiệt tình chia sẻ với Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nhiều sự kiện đầy ấn tượng về Các Thánh Hữu sống ở thành phố Curitiba, hy vọng rằng ông sẽ truyền lại thông tin này đến Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Chủ Tịch Faust đã chặn tôi lại giữa lúc đang nói. Ông nói: “Neil à, chúng ta không vận động với Chủ Tịch. Quyết định về nơi nào để xây cất một đền thờ là giữa Chúa và vị tiên tri của Ngài.” Đền Thờ Curitiba Brazil được làm lễ cung hiến vào năm 2008.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 59:21.

  14. Một trong những phép lạ vĩ đại của bàn tay của Chúa là sự lan rộng của vương quốc của Ngài trên khắp Hoa Kỳ vào các thành phố và thị trấn ở mọi tiểu bang. Sau đây là một ví dụ. Vào tháng Năm năm 2006, tôi được chỉ định đến dự một đại hội giáo khu ở Denton, Texas. Tôi ở nhà của vị chủ tịch giáo khu, Chủ Tịch Vaughn A Andrus. Chị Andrus nói với tôi về Giáo Hội lúc ban đầu ở Denton, bắt đầu với cha mẹ của chị, John và Margaret Porter. Lúc đầu chỉ có một Trường Chủ Nhật. Nhưng gia đình Porter đã chia sẻ phúc âm với gia đình Ragsdale, là những người lại lần lượt chia sẻ phúc âm với hai gia đình khác là Noble và Martino. Dĩ nhiên, những người truyền giáo đã thêm vào phần đóng góp quan trọng của họ. Nhiều gia đình gia nhập Giáo Hội. Những người khác từ miền tây dọn nhà đến Denton. Ngày nay, ở chỗ mà xưa kia chỉ có một chi nhánh nhỏ, nay đã có bốn giáo khu, và một người con trai của gia đình Martino, Anh Cả James B. Martino, là người đã gia nhập Giáo Hội khi 17 tuổi, đang phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội.

  15. An Ma 26:37.

  16. Ma Thi Ơ 21:21.

  17. Mác 5:36.

  18. Ma Thi Ơ 10:29, 31.

  19. 2 Các Vua 6:15.

  20. 2 Các Vua 6:16–17.

  21. Mô Si A 4:11.

  22. Ma Thi Ơ 6:9–10; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 65:6.

  23. Lu Ca 2:12.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 45:44.

  25. 1 Tê Sa Lô Ni Ca 4:16.

  26. Giáo Lý và Giao Ước 133:49.

  27. Giáo Lý và Giao Ước 45:46.

  28. Giáo Lý và Giao Ước 88:96.

  29. Giáo Lý và Giao Ước 88:97.

  30. Giáo Lý và Giao Ước 101:23.

  31. Giáo Lý và Giao Ước 45:49.

  32. Giáo Lý và Giao Ước 133:22.

  33. Giáo Lý và Giao Ước 133:25.

  34. Xin Môi Se 7:63.

  35. Ê Sai 52:10.

  36. Giáo Lý và Giao Ước 133:25.

  37. Giáo Lý và Giao Ước 88:104.

  38. Ma Thi Ơ 6:10.