2010–2019
Thực Sự Tốt Bụng và Không Gian Xảo
Tháng tư 2015


Thực Sự Tốt Bụng và Không Gian Xảo

Tin lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là những ước muốn trong lòng chúng ta, có thể được biến đổi và những động lực của chúng ta có thể được cải thiện và tinh tế.

Rủi thay, có một thời gian trong cuộc sống của tôi, tôi đã bị thúc đẩy bởi chức danh và quyền hành. Điều đó thực sự đã bắt đầu một cách rất tự nhiên. Khi tôi chuẩn bị đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian, thì anh tôi đã được làm người lãnh đạo khu bộ truyền giáo của anh ấy. Tôi nghe được rất nhiều điều tốt lành nói về anh ấy mà tôi không thể không muốn những điều đó cũng được nói về mình như vậy. Tôi hy vọng và có lẽ đã cầu nguyện để có được một chức vụ tương tự.

May thay, khi tôi phục vụ truyền giáo thì tôi đã học được một bài học thật quan trọng. Tôi đã được nhắc nhở về bài học đó vào đại hội kỳ trước.

Vào tháng Mười, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã nói: “Trong cuộc đời tôi, tôi đã có cơ hội để quen biết với một số người tài giỏi và thông minh nhất trên thế giới này. Khi còn nhỏ, tôi đã cảm kích trước những người có học thức, tài giỏi, thành công, và được người đời khen ngợi. Nhưng trong những năm qua, tôi đã bắt đầu nhận thức được rằng tôi cảm kích nhiều hơn đối với những người tuyệt vời và được phước, là những người thực sự tốt bụng và không gian xảo.”1

Người anh hùng của tôi trong Sách Mặc Môn là một tấm gương hoàn hảo của một người tuyệt vời và được phước, một người thực sự tốt bụng và không gian xảo. Síp Lân là một người con trai của An Ma Con. Chúng ta đã quen thuộc hơn với hai người anh em của ông là Hê La Man là người noi theo cha mình với tư cách là người lưu giữ các biên sử và là vị tiên tri của Thượng Đế, và Cô Ri An Tôn, là người đã nổi tiếng là một người truyền giáo cần một số lời khuyên dạy từ cha của mình. Đối với Hê La Man, An Ma đã viết 77 câu (xin xem An Ma 36–37). Đối với Cô Ri An Tôn, An Ma đã dùng 91 câu (xin xem An Ma 39–42). Đối với Síp Lân, con trai giữa của ông, An Ma đã viết vỏn vẹn có 15 câu (xin xem An Ma 38). Tuy nhiên, những lời của ông trong 15 câu đó thật hùng hồn và mang tính chỉ dạy.

“Và giờ đây, hỡi con trai của cha, cha tin rằng cha sẽ có được sự vui mừng lớn lao nơi con, vì sự vững vàng và lòng thành tín của con nơi Thượng Đế; vì từ thuở thanh xuân con đã biết hướng về Chúa, Thượng Đế của con, do đó cha hy vọng con sẽ tiếp tục tuân giữ các lệnh truyền của Ngài; vì phước thay cho kẻ biết kiên trì đến cùng.

“Hỡi con trai của cha, cha nói cho con hay, cha đã có được sự vui mừng lớn lao nơi con vì lòng thành tín, sự chuyên tâm, lòng kiên nhẫn, và sự nhịn nhục của con đối với dân Giô Ram” (An Ma 38:2–3).

Ngoài việc nói chuyện với Síp Lân, An Ma cũng nói về ông với Cô Ri An Tôn. An Ma nói: “Con không để ý đến sự vững vàng, lòng thành tín và sự chuyên tâm của anh con trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế sao? Này, anh con không phải đã nêu lên một gương tốt cho con sao?” (An Ma 39:1).2

Dường như Síp Lân là một người con trai muốn làm hài lòng cha của mình và đi khắp nơi làm điều đúng vì đó là điều đúng để làm, chứ không phải vì lời khen ngợi, chức vụ, quyền lực, vinh dự, hoặc quyền hành. Chắc hẳn Hê La Man phải biết và tôn trọng em trai của mình vì điều này, vì ông giao cho Síp Lân gìn giữ các biên sử thiêng liêng ông đã nhận được từ cha của ông. Chắc chắn là Hê La Man đã tin cậy Síp Lân vì “ông là một người công minh, và ông bước đi ngay thẳng trước mặt Thượng Đế; và ông luôn luôn cố gắng làm điều thiện và tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, Thượng Đế của ông” (An Ma 63:2). Vì dường như đó là cá tính thực sự của Síp Lân, nên không có nhiều điều ghi chép về ông kể từ thời gian ông nắm giữ các biên sử thiêng liêng cho đến khi ông giao chúng cho Hê La Man, là con trai của Hê La Man (xin xem An Ma 63:11).

Síp Lân là người thực sự tốt bụng và không gian xảo. Ông là một người đã hy sinh thời gian, tài năng, và nỗ lực của mình để giúp đỡ và nâng đỡ những người khác vì tình yêu mến đối với Thượng Đế và đồng loại của mình (xin xem An Ma 48:17–19; 49:30). Ông được mô tả một cách hoàn hảo bởi những lời của Chủ Tịch Spencer W. Kimball: “Những người đàn ông và phụ nữ vĩ đại luôn luôn thiết tha phục vụ hơn là cai trị.”3

Trong một thế giới mà lời khen ngợi, chức vụ, quyền lực, vinh dự, và quyền hành được người ta tìm kiếm bằng mọi cách, tôi vinh danh những người tuyệt vời và được phước là những người thực sự tốt bụng và không gian xảo, những người được thúc đẩy bởi tình yêu mến Thượng Đế và người lân cận, những người phụ nữ và đàn ông vĩ đại “thiết tha phục vụ hơn là cai trị.”

Ngày nay có một số người muốn chúng ta tin rằng việc chúng ta tìm cách để được thích đáng có thể được thỏa mãn chỉ bằng cách đạt được chức vụ và quyền lực. Tuy nhiên, may thay, có rất nhiều người đã không bị ảnh hưởng bởi quan điểm này. Họ trở nên thích đáng trong việc cố gắng để được là người thực sự tốt bụng và không gian xảo. Tôi đã tìm thấy họ trong mọi tầng lớp xã hội và trong nhiều tôn giáo. Và tôi tìm thấy họ rất đông trong số các tín đồ được thực sự cải đạo của Đấng Ky Tô.4

Tôi kính trọng những người quên mình phục vụ mỗi tuần trong các tiểu giáo khu và chi nhánh trên khắp thế giới bằng cách làm việc nhiều hơn được đòi hỏi trong việc làm tròn những chức vụ kêu gọi. Nhưng những chức vụ kêu gọi đến rồi đi. Thậm chí điều gây ấn tượng nhiều hơn nữa đối với tôi là có rất nhiều người tuy không được chính thức kêu gọi những đã tìm cách để thường xuyên phục vụ và nâng đỡ người khác. Một anh tín hữu đến nhà thờ sớm để xếp ghế và ở lại sau để dọn dẹp giáo đường. Một chị tín hữu cố tình chọn một chỗ ngồi gần một chị tín hữu khác bị mù trong tiểu giáo khu của mình không những để chị ấy có thể chào hỏi chị tín hữu mù mà còn có thể hát những bài thánh ca đủ to để chị tín hữu mù có thể nghe được lời của bài hát và hát theo. Nếu quan sát kỹ trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình thì các anh chị em sẽ thấy những tấm gương như vậy. Luôn luôn có những tín hữu dường như biết ai là người cần giúp đỡ và khi nào cần đưa ra sự giúp đỡ đó.

Có lẽ bài học đầu tiên của tôi về Các Thánh Hữu thực sự tốt bụng và không gian xảo mà tôi học được là khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi. Tôi được chuyển đến một khu vực với một anh cả mà tôi không biết. Tôi đã nghe những người truyền giáo khác nói về việc anh ấy chưa bao giờ nhận được bất cứ công việc lãnh đạo nào và anh ấy đã vật lộn với tiếng Hàn Quốc như thế nào mặc dù đã ở trong nước đó một thời gian dài. Nhưng khi trở nên quen biết với anh cả ấy, tôi đã thấy anh ấy là một trong những người truyền giáo biết vâng lời và trung tín nhất mà tôi từng biết. Anh ấy học khi đến giờ học; anh ấy làm việc khi đến giờ làm việc. Anh ấy rời căn hộ đúng giờ và trở về đúng giờ. Anh ấy siêng năng học tiếng Hàn Quốc mặc dù ngôn ngữ này rất khó đối với anh.

Khi nhận ra rằng những điều tôi đã nghe nói là không đúng sự thật, thì tôi cảm thấy như là người truyền giáo này đã bị đánh giá sai là không thành công. Tôi muốn nói với toàn thể phái bộ truyền giáo điều tôi đã khám phá ra về anh cả này. Tôi chia sẻ với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo ước muốn của tôi để sửa chỉnh sự hiểu lầm này. Câu trả lời của ông là: “Cha Thiên Thượng biết người thanh niên này là một người truyền giáo thành công, và tôi cũng biết như vậy.” Ông nói thêm: “Và bây giờ anh cũng biết, vậy thì có thực sự quan trọng không nếu có thêm người khác biết?” Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đầy thông sáng này đã dạy cho tôi điều gì là quan trọng trong sự phục vụ, và điều đó không phải là lời khen ngợi, chức vụ, quyền lực, vinh dự, hoặc quyền hành. Đây là một bài học quan trọng cho một người truyền giáo trẻ tuổi đang quá tập trung vào chức danh.

Với bài học này trong tâm trí, tôi bắt đầu nhìn lại cuộc đời của mình và thấy đã bao lần tôi được ảnh hưởng bởi những người đàn ông và phụ nữ đã không nắm giữ chức danh hoặc chức vụ nào vào lúc ấy. Một trong những người này mà có đức tính giống như Síp Lân chính là giảng viên lớp giáo lý của tôi trong năm đầu ở trường trung học. Người đàn ông tốt bụng này đã dạy lớp giáo lý chỉ hai hoặc ba năm, nhưng ông đã ảnh hưởng đến tâm hồn tôi trong một cách mà giúp tôi đạt được một chứng ngôn. Ông có thể không phải là giảng viên nổi tiếng ở trường, nhưng ông luôn luôn chuẩn bị trước và ảnh hưởng của ông đến tôi rất mạnh mẽ và lâu dài. Một trong số ít lần tôi thấy ông ấy trong suốt 40 năm kể từ khi ông dạy tôi là khi ông đến thăm tôi tại tang lễ của cha tôi. Quả thật, đó là một hành động không bị thúc đẩy bởi chức danh hay quyền lực.

Tôi kính trọng người giảng viên tận tâm đó và nhiều người khác giống như ông, là những người thực sự tốt bụng và không gian xảo. Tôi kính trọng giảng viên Trường Chủ Nhật đã không những dạy các học viên của mình trong lớp học vào ngày Chủ Nhật mà còn dạy dỗ và ảnh hưởng đến họ bằng cách mời họ có mặt với gia đình của ông trong bữa ăn sáng. Tôi kính trọng những người lãnh đạo giới trẻ đã tham dự các buổi sinh hoạt thể thao và văn hóa của các thiếu niên và thiếu nữ trong tiểu giáo khu của họ. Tôi kính trọng người đàn ông đã viết những lá thư ngắn đầy khích lệ cho hàng xóm và người phụ nữ không gửi thiệp Giáng Sinh bằng bưu điện mà đích thân mang đưa tận tay các tấm thiệp này đến những người trong gia đình và bạn bè đang cần được thăm hỏi. Tôi kính trọng người anh em thường xuyên lái xe chở một người hàng xóm đi chơi trong những ngày đen tối của người hàng xóm bị bệnh lú lẫn (Alzheimer)—giúp cho vợ chồng người hàng xóm này và vợ ông một sự thay đổi rất cần thiết trong thói quen hàng ngày.

Những điều này không được thực hiện vì lời khen ngợi hoặc ca tụng. Những người đàn ông và phụ nữ này không bị thúc đẩy bởi việc có thể nhận được các chức danh hoặc quyền hành. Họ là môn đồ của Đấng Ky Tô, luôn luôn đi làm điều thiện, và giống như Síp Lân, họ đang cố gắng làm hài lòng Cha Thiên Thượng.

Tôi rất buồn khi nghe một số người đã ngừng phục vụ hay thậm chí tham dự nhà thờ vì họ được giải nhiệm từ một sự kêu gọi hay cảm thấy không được ban cho một chức vụ hoặc chức danh mà họ mong muốn. Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ học được cùng một bài học tôi đã học được khi là một người truyền giáo trẻ tuổi—rằng sự phục vụ quan trọng nhất thường được chỉ Thượng Đế công nhận mà thôi. Trong việc theo đuổi những lợi ích của mình, chúng ta có quên đi những lợi ích của Thượng Đế không?

Một số người có thể nói: “Nhưng đến nay tôi đã có rất nhiều tiến bộ trong việc trở thành giống như những người anh mô tả.” Tin lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là những ước muốn trong lòng chúng ta, có thể được biến đổi và những động lực của chúng ta có thể được cải thiện và tinh tế. Khi chịu phép báp têm vào đàn chiên chân chính của Thượng Đế, chúng ta bắt đầu tiến trình trở thành những sinh linh mới (xin xem 2 Cô Rinh Tô 5:17; Mô Si A 27:26). Mỗi lần lập lại giao ước báp têm bằng cách dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tiến thêm một bước gần hơn với mục tiêu tột bậc đó.5 Khi kiên trì chịu đựng trong giao ước đó, chúng ta tiếp cận với sức mạnh để than khóc với những ai than khóc và an ủi những ai cần an ủi (xin xem Mô Si A 18:9). Trong giao ước đó, chúng ta thấy được ân điển mà làm cho chúng ta có khả năng phục vụ Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, kể cả việc hết lòng yêu mến Thượng Đế và yêu mến người lân cận của mình như chính mình vậy.6 Trong giao ước đó Thượng Đế và Đấng Ky Tô giúp đỡ chúng ta để chúng ta có thể giúp đỡ những người cần được chúng ta giúp đỡ (xin xem Mô Si A 4:16; xin xem thêm các câu 11–15).

Tất cả những gì tôi thực sự muốn trong đời là làm hài lòng hai người cha của tôi—cả ở dưới thế gian lẫn trên thiên thượng—được giống như Síp Lân nhiều hơn.7

Tôi cám ơn Cha Thiên Thượng về những người giống như Síp Lân; tấm gương của họ mang đến cho tôi cũng như tất cả chúng ta, niềm hy vọng. Trong cuộc sống của họ, chúng ta thấy một bằng chứng về Cha Thiên Thượng nhân từ và Đấng Cứu Rỗi đầy lòng trắc ẩn. Tôi thêm chứng ngôn của mình vào với chứng ngôn của họ với một cam kết để cố gắng được giống như họ, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Dieter F. Uchtdorf, “Lạy Chúa, Có Phải Tôi Không?” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, 58; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Hê La Man không đi giảng dạy dân Giô Ram, để chúng ta biết rằng An Ma đang nói về Síp Lân khi ông nói “anh con” (xin xem An Ma 31:7; 39:2).

  3. Spencer W. Kimball, “The Role of Righteous Women,” Ensign, tháng Mười Một năm 1979, 104.

  4. “Chúa đã dạy chúng ta rằng khi chúng ta thực sự cải đạo theo phúc âm của Ngài, tâm hồn của chúng ta sẽ được chuyển từ những mối bận tâm ích kỷ và hướng tới việc phục vụ để nâng đỡ những người khác trong khi họ tiến đến cuộc sống vĩnh cửu. Để nhận được sự cải đạo đó, chúng ta có thể cầu nguyện và cố gắng để trở thành một sinh linh mới mà có thể được thực hiện bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cầu nguyện để có được đức tin để hối cải về tính ích kỷ và ân tứ về việc chăm sóc cho người khác nhiều hơn bản thân mình. Chúng ta có thể cầu nguyện để có được khả năng để bỏ qua một bên tính kiêu hãnh và lòng ghen tị” (Henry B. Eyring, “Testimony and Conversion,” Liahona, tháng Hai năm 2015, 4–5).

  5. “[Thượng Đế] là bất diệt và toàn hảo. Chúng ta là hữu diệt và không hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng ta tìm kiếm những cách thức ngay cả trên trần thế mà qua đó chúng ta có thể hợp nhất với Ngài về phần thuộc linh. Khi làm như vậy, chúng ta tiếp cận được ân điển lẫn vẻ uy nghi về quyền năng của Ngài. Những giây phút đặc biệt gồm có … lễ báp têm và lễ xác nhận … [và] dự phần biểu tượng của buổi ăn tối của Chúa” (Jeffrey R. Holland, To My Friends [2014], 80).

  6. “Các Thánh Hữu Ngày Sau nhìn thấy mình trong tất cả những gì họ làm với tư cách là con cái của Thượng Đế để lập và tuân giữ những cam kết một cách tự động. Kế hoạch cứu rỗi được đánh dấu bằng giao ước. Chúng ta hứa sẽ tuân theo các giáo lệnh. Đổi lại, Thượng Đế hứa các phước lành trong cuộc sống này và thời vĩnh cửu. Ngài rất chính xác nơi những gì Ngài đòi hỏi, và Ngài rất toàn hảo trong việc giữ lời hứa của Ngài. Vì Ngài yêu thương chúng ta và vì mục đích của kế hoạch là trở thành giống như Ngài, nên Ngài đòi hỏi sự chính xác ở chúng ta. Và những lời hứa Ngài lập với chúng ta luôn luôn gồm có quyền năng để gia tăng khả năng để tuân giữ các giao ước. Ngài làm cho chúng ta có thể biết được các luật lệ của Ngài. Khi chúng ta hết sức cố gắng để đáp ứng các tiêu chuẩn của Ngài, thì Ngài ban cho chúng ta sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Đổi lại, cả hai điều đó gia tăng khả năng của chúng ta để giữ những cam kết và để phân biệt điều gì là tốt và chân chính. Và đó là khả năng để học hỏi, cả trong những sự học tập trên trần thế lẫn trong sự học hỏi chúng ta cần cho thời vĩnh cửu” (Henry B. Eyring, “A Child of God” [Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 21 tháng Mười năm 1997], 4–5; speeches.byu.edu). Xin xem thêm David A. Bednar, “Mang Những Gánh Nặng của Họ Một Cách Dễ Dàng,” Liahona, tháng Năm năm 2014, 87–90.

  7. Theo ký ức sớm nhất của mình, tôi đã muốn làm hài lòng cha tôi. Khi lớn lên và nhận được một chứng ngôn, tôi cũng nhận được ước muốn để làm hài lòng Cha Thiên Thượng. Về sau trong cuộc sống của mình, tôi đã học được về Síp Lân và lập thêm vào các mục tiêu trong cuộc sống của mình để được giống như Ngài nhiều hơn.