2010–2019
Bị Thử Thách và Cám Dỗ—nhưng Được Giúp Đỡ
Tháng mười 2015


Bị Thử Thách và Cám Dỗ—nhưng Được Giúp Đỡ

Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng trong những thử thách và cám dỗ của chúng ta.

Trong cuộc sống, chúng ta bị thử thách và cám dỗ. Chúng ta cũng có cơ hội để sử dụng quyền tự quyết và giúp đỡ lẫn nhau. Những lẽ thật này là một phần của kế hoạch tuyệt vời và hoàn hảo của Cha Thiên Thượng.

Chủ Tịch John Taylor dạy: “Trong một dịp nọ, tôi nghe Tiên Tri Joseph nói, khi ngỏ lời với Nhóm Túc Số Mười Hai: ‘Các anh em sẽ trải qua đủ loại thử thách. Và là điều khá cần thiết cho các anh em cũng như cho Áp Ra Ham và những người nam khác của Thượng Đế để được thử thách, và (ông nói) Thượng Đế sẽ thử thách các anh em, và Ngài sẽ thử thách các anh em đến mức chịu đựng của các anh em.’”1

Một khi chúng ta đạt đến tuổi hiểu biết trách nhiệm, thì những thử thách và cám dỗ là điều thông thường. Đôi khi, chúng có thể trở thành gánh nặng, nhưng cũng mang đến cho chúng ta sức mạnh và mức tăng trưởng khi chúng ta thành công khắc phục được chúng.

May thay, chúng ta không cần phải mang những gánh nặng này một mình. An Ma dạy: “Các người muốn gia nhập đàn chiên của Thượng Đế và để được gọi là dân Ngài, và sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ.”2 Những lời này cho thấy rằng chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Trách nhiệm này có thể đến từ một sự kêu gọi của Giáo Hội, một công việc chỉ định, một tình bạn, hoặc là một phần bổn phận thiêng liêng của chúng ta với tư cách là cha mẹ, vợ chồng, hoặc người trong gia đình— hoặc chỉ là một phần của gia đình Thượng Đế.

Tôi sẽ đưa ra bốn ví dụ về gánh nặng của chúng ta được làm cho nhẹ nhàng như thế nào khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau.

1. Đấng Cứu Rỗi phán: “Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ.”3 Ví dụ, chúng ta được yêu cầu tham dự đền thờ thường xuyên, khi hoàn cảnh cá nhân của chúng ta cho phép. Việc tham dự đền thờ đòi hỏi sự hy sinh thời gian và phương tiện, nhất là cho những người phải đi một khoảng đường xa. Tuy nhiên, sự hy sinh này có thể được coi như là một phần của sự đòi hỏi thứ nhất.

Chúng ta bắt đầu hy sinh thêm khi chúng ta hiểu những lời “tìm kiếm, tiếp nhận, giảng dạy,”4 khi chúng ta tìm kiếm và chuẩn bị tên của tổ tiên của chúng ta để làm giáo lễ đền thờ, khi chúng ta giúp đỡ trong việc lập dữ liệu chỉ mục lịch sử gia đình, khi chúng ta phục vụ với tư cách là những người làm việc trong đền thờ, và khi chúng ta tìm cách giúp đỡ những người khác để có được kinh nghiệm có ý nghĩa trong đền thờ.

Trong khi tôi đang phục vụ với tư cách là một Thầy Bảy Mươi có thẩm quyền Giáo Vùng, một trong những giáo khu trong hội đồng điều phối của tôi tham dự với một nhóm đông người trong chuyến đi đền thờ. Ngôi đền thờ mà các tín hữu tham dự rất nhỏ. Có một vài tín hữu, mặc dù đã trải qua một cuộc hành trình dài 12 tiếng đồng hồ, nhưng rủi thay đã không thể vào bên trong vì đền thờ đã chật ních người ngày hôm đó rồi.

Một vài ngày sau chuyến đi này, tôi đến thăm giáo khu này và xin vị chủ tịch cho tôi có thể nói chuyện với một số các tín hữu đã không thể tham dự đền thờ ngày hôm đó. Một trong số các anh em tôi đến thăm nói với tôi: “Anh Cả đừng lo. Tôi đã ở trong nhà của Chúa. Tôi đã ngồi trên một chiếc ghế trong vườn và suy ngẫm về các giáo lễ. Sau đó, tôi đã được cho cơ hội để vào, nhưng thay vì thế tôi đã để cho một anh khác vào thay chỗ của tôi. Anh ấy đến đền thờ lần đầu tiên để được làm lễ gắn bó với vợ của anh ấy. Sau đó, họ đã có cơ hội để tham dự hai phiên lễ ngày hôm đó. Chúa biết tôi, và Ngài đã ban phước cho tôi, và chúng tôi bằng lòng như thế.”

2. Mỉm cười. Hành động nhỏ này có thể giúp những người đang bị chồng chất với gánh nặng. Trong phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương tháng Tư vừa qua, tôi ngồi trên bục chủ tọa với tư cách là một trong số năm Vị Thẩm Quyền Trung Ương mới được kêu gọi. Chúng tôi đang ngồi ở chỗ các chị trong các chủ tịch đoàn bổ trợ hiện đang ngồi. Tôi đã cảm thấy rất lo lắng và choáng ngợp với chức vụ kêu gọi mới của mình.

Khi chúng tôi đang hát bài thánh ca giữa phiên họp thì tôi cảm thấy một ấn tượng mạnh mẽ rằng có ai đó đang nhìn tôi. Tôi tự nghĩ: “Có hơn 20.000 người đang ở trong tòa nhà này, và đa số họ đang nhìn về phía này. Dĩ nhiên, là có ai đó đang nhìn mình rồi.”

Trong khi vẫn tiếp tục hát, tôi lại cảm thấy ấn tượng mạnh mẽ rằng có ai đó đang nhìn tôi. Tôi nhìn về phía hàng ghế nơi Mười Hai Vị Sứ Đồ đang ngồi đó và thấy Chủ Tịch Russell M. Nelson xoay cả người lại và nhìn vào nơi chúng tôi đang ngồi. Tôi bắt gặp ánh mắt của ông, và ông đã nở một nụ cười thật tươi với tôi. Nụ cười đó làm cho trái tim đang bị choáng ngợp của tôi được an tâm.

Sau khi Ngài phục sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã đến thăm đàn chiên khác của Ngài. Ngài kêu gọi và sắc phong mười hai vị sứ đồ, và với thẩm quyền đó, họ đã phục sự cho dân chúng. Chính Chúa Giê Su Ky Tô đã đứng ở giữa họ. Chúa đã phán bảo họ phải quỳ xuống và cầu nguyện. Tôi không biết chắc là mười hai môn đồ mới được kêu gọi và sắc phong có bị choáng ngợp với chức vụ kêu gọi của họ không, nhưng thánh thư có chép rằng: “Và chuyện rằng Chúa Giê Su ban phước lành cho họ trong khi họ cầu nguyện Ngài; và nét mặt Ngài tươi cười với họ, và ánh hào quang trên nét mặt Ngài chiếu sáng họ.”5 Trong đại hội vừa qua, một nụ cười đã làm nhẹ gánh nặng của tôi ngay lập tức và đầy phi thường.

3. Bày tỏ những cảm nghĩ trắc ẩn với người khác. Nếu là một người nắm giữ chức tư tế, thì hãy sử dụng quyền năng của của mình để giúp đỡ con cái của Thượng Đế, ban phước lành cho họ. Bày tỏ những lời an ủi và vỗ về với những người đang đau khổ hoặc hay gặp điều phiền não.

4. Nền tảng của kế hoạch của Thượng Đế là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ít nhất một lần một tuần, chúng ta nên suy ngẫm như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã làm về “tình thương yêu bao la và kỳ diệu mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã biểu hiện qua sự giáng thế của Đấng Cứu Chuộc; tình yêu tuyệt vời được biểu lộ bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con trong sự hiện đến của Đấng Cứu Chuộc.”6 Việc mời những người khác đến nhà thờ và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng sẽ cho phép nhiều con cái của Cha Thiên Thượng hơn suy ngẫm về Sự Chuộc Tội. Và nếu không xứng đáng, chúng ta có thể hối cải. Hãy nhớ rằng Vị Nam Tử của Đấng Chí Tôn đã xuống thấp hơn tất cả mọi vật và mang lấy những sự phạm tội, tội lỗi, phạm giới, bệnh tật, đau đớn, phiền não, và cô đơn của chúng ta. Thánh thư dạy chúng ta rằng Đấng Ky Tô “đã thăng lên cao, cũng giống như Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật, để qua đó Ngài hiểu thấu tất cả mọi vật.”7

Cho dù những nỗi vất vả khó khăn cá nhân của chúng ta là gì đi nữa—cho dù đó là bệnh tật hay nỗi cô đơn kéo dài hoặc cám dỗ và thử thách của kẻ nghịch thù—Đấng Chăn Hiền Lành cũng có mặt ở đó. Ngài gọi tên chúng ta và phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”8

Tôi muốn tóm tắt bốn điểm:

Thứ nhất: đi thêm dặm thứ hai.

Thứ hai: hãy mỉm cười. Nụ cười của các anh chị em sẽ giúp đỡ người khác.

Thứ ba: bày tỏ lòng trắc ẩn.

Thứ tư: mời người khác đến nhà thờ.

Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và Ngài hằng sống. Tôi biết rằng Ngài tán trợ kế hoạch của Đức Chúa Cha với tất cả sức mạnh và quyền năng của Ngài. Tôi biết rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri tại thế. Ông nắm giữ tất cả các chìa khóa để thực hiện công việc của Thượng Đế trên thế gian một cách thành công. Tôi biết rằng chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là con cái của Cha Thiên Thượng trong những thử thách và cám dỗ của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.