2010–2019
Rằng Họ Luôn Luôn Tưởng Nhớ tới Ngài
Tháng mười 2015


Rằng Họ Luôn Luôn Tưởng Nhớ tới Ngài

Tôi thích nghiên cứu và suy ngẫm về cuộc đời của Ngài là Đấng đã ban mọi điều cho tôi và cho tất cả chúng ta.

Tôi rất thích bài hát của Hội Thiếu Nhi có những lời sau đây:

Xin kể cho tôi nghe những câu chuyện về Chúa Giê Su mà tôi thích nghe,

Những điều tôi sẽ xin Ngài nói cho tôi biết nếu Ngài có mặt ở đây.

Những câu chuyện về điều xảy ra bên đường, những câu chuyện khi Ngài ở trên biển,

Xin hãy kể cho tôi nghe những câu chuyện về Chúa Giê Su1

Tôi tin rằng một sinh hoạt rất đặc biệt trong số mọi sinh hoạt của gia đình mà chúng ta có thể làm để giữ ngày Sa Bát được thánh trong nhà của mình là tạo ra một truyền thống kể chuyện về Đấng Ky Tô cho con cái và gia đình của chúng ta nghe.

Điều này chắc chắn sẽ mang lại một tinh thần đặc biệt cho nhà chúng ta và cung cấp cho gia đình chúng ta các tấm gương từ chính Đấng Cứu Rỗi.

Tôi thích nghiên cứu và suy ngẫm về cuộc đời của Ngài là Đấng đã ban mọi điều cho tôi và cho tất cả chúng ta.

Tôi thích đọc các đoạn thánh thư về cuộc sống vô tội của Ngài, và sau khi đọc những câu thánh thư kể về những sự kiện Ngài trải qua, tôi nhắm mắt lại và cố gắng hình dung ra những giây phút thiêng liêng này mà giảng dạy cho tôi và củng cố phần thuộc linh của tôi.

Những giây phút này là như sau:

  • Khi Ngài nhổ nước bọt xuống đất, và lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù và phán cùng người ấy: “Hãy đi, rửa nơi ao Si Lô Ê.” Và người đó vâng lời, “rửa, và trở lại, thì được thấy rõ.”2

  • Khi Ngài chữa lành người đàn bà bị bệnh mất huyết đã chạm tay vào trôn áo Ngài cùng tin rằng chỉ bằng cách chạm tay vào Ngài thì người ấy sẽ được chữa lành.3

  • Khi Ngài hiện ra cùng các môn đồ của Ngài và bước đi trên mặt biển.4

  • Khi Ngài đi với các môn đồ trên con đường đến Em Ma Út và khai mở sự hiểu biết của họ về thánh thư.5

  • Khi Ngài hiện đến cùng dân chúng ở châu Mỹ và phán bảo họ đến cùng Ngài và sờ tay vào hông Ngài và sờ các dấu đóng đinh ở chân tay Ngài để họ có thể biết rằng Ngài chính là “Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên, và là Thượng Đế của cả thế gian này, và ta đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian.”6

Tôi vui mừng khi biết có những bậc cha mẹ đã kể những câu chuyện về Đấng Ky Tô cho con cái của họ. Tôi nhận thấy điều này khi tôi xem các trẻ em trong Giáo Hội trong các chương trình của Hội Thiếu Nhi và vào các dịp khác.

Tôi biết ơn cha mẹ tôi vì đã dạy tôi biết về Đấng Ky Tô. Tôi tiếp tục thấy tấm gương của Đấng Cứu Rỗi đã giúp người vợ thân yêu của tôi và tôi như thế nào khi chúng tôi dạy dỗ con cái mình.

Lòng tôi tràn đầy niềm vui khi tôi thấy con cái tôi kể những câu chuyện về Đấng Ky Tô cho các cháu của tôi nghe. Điều này nhắc tôi nhớ đến một trong những câu thánh thư ưa thích của tôi trong 3 Giăng, chương 1, câu 4, có chép rằng: “Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.” Và tại sao không phải là các cháu của chúng ta nữa chứ?

Tôi biết ơn các vị lãnh đạo của chúng ta, là những người thường xuyên dạy chúng ta về Đấng Ky Tô, về việc giữ ngày Sa Bát được thánh, và về việc dự phần Tiệc Thánh mỗi Chủ Nhật để tỏ lòng tôn kính Đấng Cứu Rỗi.

Ngày Sa Bát và Tiệc Thánh trở nên thú vị hơn nhiều khi chúng ta học những câu chuyện về Đấng Ky Tô. Khi làm như vậy, chúng ta tạo ra những truyền thống làm xây đắp đức tin và chứng ngôn của mình cũng như bảo vệ gia đình mình.

Vài tuần trước đây, trong khi nghiên cứu một lần nữa sứ điệp mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đưa ra trong đại hội trung ương lần trước, và trong khi suy ngẫm về ngày Sa Bát, thì tôi cảm thấy vô cùng biết ơn về phước lành và đặc ân của việc có thể dự phần Tiệc Thánh. Đối với tôi đó là một giây phút rất trang trọng, thiêng liêng và thuộc linh. Tôi rất thích lễ Tiệc Thánh.

Trong khi suy ngẫm, tôi đã nghiên cứu kỹ phước lành về bánh và nước. Tôi đọc và ngẫm nghĩ về những lời cầu nguyện và giáo lễ Tiệc Thánh. Tôi bắt đầu suy ngẫm những sự kiện liên quan đến giáo lễ đó.

Trong tinh thần suy ngẫm, tôi đã ngẫm nghĩ về ngày hôm đó, ngày đầu tiên của lễ bánh không men, khi trả lời cho câu hỏi của các môn đồ của Ngài về việc phải chuẩn bị cho lễ Vượt Qua ở đâu, Ngài đã đáp: “Hãy vào thành, đến nhà của một người kia, mà nói rằng: Thầy nói; giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ vượt qua trong nhà ngươi.”7

Tôi đã cố gắng hình dung ra trong tâm trí mình cảnh các môn đồ đi mua thức ăn và chuẩn bị kỹ bàn ăn với Ngài vào ngày đặc biệt đó: một bàn ăn dành cho 13 người, Ngài và mười hai môn đồ của Ngài, là những người mà Ngài yêu thương.

Tôi đã khóc khi hình dung ra cảnh Đấng Ky Tô ăn với họ, khi Ngài phán: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng, có một người trong các ngươi sẽ phản ta.”8

Tôi nghĩ về các môn đồ buồn rầu hỏi Ngài: “Lạy Chúa, có phải tôi không?”9

Và khi Giu Đa hỏi Ngài cùng một câu hỏi đó thì Ngài điềm tĩnh đáp: “Thật như ngươi đã nói.”10

Tôi có thể hình dung ra hai bàn tay mà đã chữa lành, an ủi, gây dựng, và ban phước, bẻ bánh khi Chúa Giê Su phán: “Hãy lấy ăn đi, này là thân thể ta.”11

Rồi Ngài cầm lấy chén đầy rượu và cảm tạ và đưa chén cho họ, rồi phán rằng: “Hãy thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”12

Trong tâm trí của mình, tôi đã thấy từng môn đồ một và nhìn thấy trong mắt họ mối quan tâm đối với Đấng Thầy là Đấng mà họ yêu thương rất nhiều. Thể như tôi đang ngồi đó với họ, nhìn thấy tất cả. Tôi cảm thấy lòng mình đau đớn mãnh liệt, vô cùng đau buồn và đau khổ về điều Ngài sắp trải qua cho tôi.

Tâm hồn tôi tràn ngập ước muốn để trở thành một người tốt hơn. Qua sự hối cải và trong nỗi buồn phiền, tôi thiết tha mong muốn có thể lau khô và tránh việc đổ ra ít nhất một vài giọt máu của Ngài rơi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.

Rồi tôi suy nghĩ về Tiệc Thánh chúng ta dự phần mỗi tuần để tưởng nhớ đến Ngài. Trong khi làm như vậy, tôi ngẫm nghĩ mỗi từ của việc ban phước cho bánh và nước. Tôi suy nghĩ kỹ những lời “để họ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” trong việc ban phước cho bánh, và “rằng họ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài” trong sự ban phước cho nước.13

Tôi ngẫm nghĩ về ý nghĩa của việc luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.

Đối với tôi, điều đó có nghĩa là:

  • Để tưởng nhớ đến cuộc sống tiền dương thế của Ngài, khi hành tinh đẹp đẽ này do Ngài làm ra.14

  • Để tưởng nhớ đến sự giáng sinh thấp hèn của Ngài trong một máng ăn tại Bết Lê Hem ở Giu Đê.15

  • Để tưởng nhớ khi Ngài chỉ là một thiếu niên 12 tuổi đã dạy và thuyết giảng cho các nhà thông thái trong đền thờ.16

  • Để tưởng nhớ khi Ngài đã đi riêng ra ngoài vào một nơi vắng vẻ để chuẩn bị cho giáo vụ trần thế của Ngài.17

  • Để tưởng nhớ khi Ngài biến hóa trước mặt các môn đồ của Ngài.18

  • Để tưởng nhớ khi Ngài lập ra Tiệc Thánh trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng với họ.19

  • Để tưởng nhớ khi Ngài đi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê và chịu đựng dữ dội vì tội lỗi, nỗi đau đớn, thất vọng, và bệnh tật của chúng ta đến nỗi Ngài bị rớm máu từ mỗi lỗ chân lông.20

  • Để tưởng nhớ, sau quá nhiều đau khổ và đau đớn trầm trọng, thậm chí còn chưa ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê nữa, Ngài đã bị phản bội với một nụ hôn bởi một trong các môn đồ mà Ngài gọi là bạn.21

  • Để tưởng nhớ khi Ngài bị giải đến trước Phi Lát và Hê Rốt để xét xử.22

  • Để tưởng nhớ khi Ngài bị sỉ nhục, hành hạ, nhổ nước bọt vào mặt, đánh đập, và đánh đòn bằng roi xé da thịt Ngài.23

  • Để tưởng nhớ khi một mão gai đã được tròng lên đầu Ngài một cách tàn nhẫn24

  • Để tưởng nhớ rằng Ngài đã phải mang thập tự giá của Ngài lên Đồi Sọ và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá ở đó, chịu đựng mọi đau khổ thể xác và tinh thần.25

  • Để tưởng nhớ khi ở trên thập tự giá, với tấm lòng đầy bác ái, Ngài nhìn những người đã đóng đinh Ngài và ngước mắt lên trời, cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”26

  • Để tưởng nhớ khi Ngài, vì biết rằng Ngài đã hoàn thành sứ mệnh cứu rỗi tất cả nhân loại, trút linh hồn vào tay của Cha Ngài, Cha của chúng ta.27

  • Để tưởng nhớ Sự Phục Sinh của Ngài, mà bảo đảm sự phục sinh của chúng ta và việc chúng ta có thể được sống bên cạnh Ngài suốt vĩnh cửu, tùy thuộc vào những lựa chọn của chúng ta.28

Hơn nữa, việc ngẫm nghĩ về lời cầu nguyện Tiệc Thánh và những từ rất đặc biệt và có ý nghĩa trong lời cầu nguyện nhắc nhở tôi rằng thật là tuyệt vời biết bao để nhận được lời hứa, trong lúc ban phước Tiệc Thánh, rằng khi chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, chúng ta sẽ luôn luôn có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.29

Tôi tin rằng Chúa có kỳ định riêng của Ngài về khi nào thì ban cho chúng ta mặc khải. Tôi hiểu rất rõ điều này trong khi nghiên cứu sách Truyền Đạo 3:1, 6, chúng ta đọc:

“Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định: …

Có kỳ tìm và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ.”

Tiệc Thánh cũng là thời gian để Cha Thiên Thượng dạy chúng ta về Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử Yêu Quý của Ngài—Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô–và cho chúng ta tiếp nhận sự mặc khải về điều đó. Đó là một thời gian để “Hãy gõ cửa, sẽ mở cho,”30 để cầu xin và nhận được sự hiểu biết này. Đó là thời gian để chúng ta phải nghiêm trang cầu xin Chúa ban cho sự hiểu biết này. Và nếu làm như vậy, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được sự hiểu biết này, mà sẽ ban phước rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta.

Tôi yêu thích ngày Sa Bát, Tiệc Thánh, và ý nghĩa của chúng. Tôi hết lòng yêu mến Đấng Cứu Rỗi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.