2010–2019
Xuyên Qua Góc Nhìn của Thượng Đế
Tháng mười 2015


Xuyên Qua Góc Nhìn của Thượng Đế

Để phục vụ những người khác một cách hữu hiệu, chúng ta cần phải nhìn họ xuyên qua góc nhìn của người cha hay người mẹ, qua góc nhìn của Cha Thiên Thượng.

Các anh chị em thân mến, cám ơn các anh chị em đã tán trợ tôi ngày hôm qua với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Thật khó để diễn tả điều đó có ý nghĩa với tôi biết bao nhiêu. Tôi đặc biệt biết ơn về sự biểu quyết tán trợ của hai người phụ nữ phi thường trong đời tôi: Ruth, vợ tôi và Ashley con gái thân yêu của chúng tôi.

Việc tôi được ban cho sự kêu gọi này là bằng chứng hiển nhiên về lẽ trung thực của lời phán của Chúa lúc bắt đầu gian kỳ này: “Để cho phúc âm trọn vẹn của ta có thể được những kẻ yếu kém và những kẻ tầm thường rao truyền đến các nơi tận cùng của thế giới.”1 Tôi là một trong những kẻ yếu kém và tầm thường đó. Cách đây nhiều thập niên, khi tôi được kêu gọi để làm giám trợ của một tiểu giáo khu ở miền đông Hoa Kỳ, thì anh trai của tôi, lớn hơn tôi một chút và khôn ngoan hơn tôi nhiều, gọi điện thoại cho tôi. Anh tôi nói: “Em cần phải biết rằng Chúa đã không kêu gọi em vì bất cứ điều gì em đã làm đâu. Trong trường hợp của em, có lẽ là bất kể điều gì em đã làm. Chúa đã kêu gọi em vì điều Ngài cần phải làm qua em, và điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu em làm theo cách của Ngài mà thôi.” Tôi nhận ra rằng sự khôn ngoan này từ một người anh trai còn áp dụng nhiều hơn ngày hôm nay.

Trong công việc phục vụ của một người truyền giáo, một điều gì đó tuyệt vời xảy ra khi anh ấy hoặc chị ấy nhận biết rằng sự kêu gọi không phải là vì mình; mà thay vì thế là vì Chúa, công việc của Ngài, và con cái của Cha Thiên Thượng. Tôi cảm thấy điều đó cũng đúng đối với một Sứ Đồ. Sự kêu gọi này không phải là vì tôi. Đó là vì Chúa, công việc của Ngài, và con cái của Cha Thiên Thượng. Cho dù công việc chỉ định hay chức vụ kêu gọi là gì đi nữa trong Giáo Hội, thì để phục vụ giỏi, một người phải phục vụ khi biết rằng mỗi người chúng ta phục vụ “là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, … có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.”2

Trước đây tôi hành nghề bác sĩ tim mạch chuyên về bệnh suy tim và cấy ghép với nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng. Vợ tôi nói đùa rằng việc trở thành một trong những bệnh nhân của tôi là một điềm báo trước rất xấu. Để lời nói đùa qua một bên, tôi đã thấy rất nhiều người chết, và tôi đã phát triển một khoảng cách tình cảm khi tình trạng của họ bắt đầu suy yếu. Bằng cách đó, tôi có thể kiềm chế được cảm giác buồn bã và thất vọng.

Năm 1986, một thanh niên tên là Chad mắc bệnh suy tim và cần phải được ghép tim. Anh ấy đã sống khỏe mạnh trong một thập niên rưỡi. Chad đã làm tất cả những gì có thể làm để được khỏe mạnh và có thể sống một cuộc sống bình thường. Anh ấy đã phục vụ truyền giáo, làm việc, và là một người con tận tụy với cha mẹ của mình. Tuy nhiên, vài năm cuối cùng của đời anh thật là đầy thử thách và anh là bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện.

Một buổi tối nọ, anh được đưa đến phòng cấp cứu của bệnh viện vì tim ngừng đập. Những người cộng sự của tôi và tôi đã làm việc trong một thời gian dài để phục hồi khả năng lưu thông máu của anh. Cuối cùng, rõ ràng là Chad không thể hồi sinh được nữa. Chúng tôi dừng lại những nỗ lực vô ích của mình, và tôi chính thức tuyên bố là anh ta đã chết. Mặc dù buồn bã và thất vọng, nhưng tôi giữ một thái độ chuyên nghiệp. Tôi tự nghĩ: “Chad đã được chăm sóc tốt. Anh ấy đã sống được thêm nhiều năm rồi” Chẳng bao lâu, tôi không thể kiềm chế xúc động của mình, khi cha mẹ của anh ấy đi vào phòng cấp cứu và nhìn thấy người con trai đã chết của họ nằm ở bàn phẫu thuật. Vào giây phút đó, tôi đã thấy Chad xuyên qua góc nhìn của cha mẹ anh. Tôi đã nhìn thấy những hy vọng và kỳ vọng lớn lao mà họ đã dành cho anh ấy, họ ước muốn là anh ấy được sống lâu hơn một chút và tốt hơn một chút thôi. Với nhận thức này, tôi bắt đầu khóc. Việc cha mẹ của Chad an ủi tôi là ngược lại với điều thường xảy ra, và đó là một hành động tử tế mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Bây giờ tôi nhận ra rằng trong Giáo Hội, để phục vụ hữu hiệu những người khác, chúng ta cần phải nhìn xuyên qua góc nhìn của người cha hay người mẹ, qua góc nhìn của Cha Thiên Thượng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu thấu hiểu giá trị thật sự của một con người. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng đã dành cho tất cả con cái của Ngài. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được mối quan tâm chu đáo của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ. Chúng ta không thể hoàn toàn làm tròn bổn phận và giao ước của chúng ta để than khóc với những người đang than khóc và an ủi những người đang cần được an ủi trừ khi chúng ta nhìn họ xuyên qua góc nhìn của Thượng Đế.3 Quan điểm mở rộng này sẽ làm cho chúng ta cảm thông với những nỗi thất vọng, sợ hãi, và đau lòng của người khác. Nhưng Cha Thiên Thượng sẽ phụ giúp và an ủi chúng ta, giống như cha mẹ của Chad đã an ủi tôi cách đây nhiều năm. Chúng ta cần phải có mắt để thấy, tai để nghe và tấm lòng để cảm thông nếu chúng ta muốn thực hiện sự giải cứu mà Chủ Tịch Thomas S. Monson thường khuyến khích.4

Chỉ khi nào nhìn xuyên qua góc nhìn của Cha Thiên Thượng, chúng ta mới có thể được tràn đầy “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô.”5 Mỗi ngày chúng ta nên cầu khẩn Thượng Đế ban cho tình yêu thương này. Mặc Môn đã dạy: “Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô.”6

Tôi hết lòng muốn được làm một tín đồ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô.7 Tôi yêu mến Ngài. Tôi tôn thờ Ngài. Tôi làm chứng về sự thực tế hằng sống của Ngài. Tôi làm chứng rằng Ngài là Đấng Được Xức Dầu, Đấng Mê Si. Tôi là nhân chứng về lòng thương xót, lòng trắc ẩn và tình yêu thương độc nhất vô nhị của Ngài. Tôi thêm chứng ngôn của tôi với chứng ngôn của Các Sứ Đồ trong năm 2000 đã tuyên bố “rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô Hằng Sống, Con Trai bất diệt của Thượng Đế. … Ngài là sự sáng, sự sống, và niềm hy vọng của thế gian.”8

Tôi làm chứng rằng vào một ngày của năm 1820 trong một khu rừng ở vùng quê New York, Chúa phục sinh, cùng với Thượng Đế, Cha Thiên Thượng, đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith như Joseph Smith đã nói. Hai Ngài quả thật đã hiện đến. Các chìa khóa của chức tư tế hiện ở trên thế gian ngày nay làm cho các giáo lễ cứu rỗi và sự tôn cao có thể thực hiện được. Tôi biết điều này là đúng như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giáo Lý và Giao Ước 1:23.

  2. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129; do Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đọc với tính cách là một phần sứ điệp của ông tại buổi họp Hội Phụ Nữ trung ương tổ chức vào ngày tháng Chín năm 1995, ở Salt Lake City, Utah.

  3. Xin xem Mô Si A 18:8–10.

  4. Để có ví dụ, xin xem Thomas S. Monson, “Đến Giải Cứu,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 57–60; “Trách Nhiệm của Chúng Ta để Giải Cứu,” Liahona, tháng Mười năm 2013, 4–5. Chủ Tịch Monson đã đề cập lại các khái niệm này trong sứ điệp của ông cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương vào ngày 30 tháng Chín năm 2015, nhắc nhở những người quy tụ lại rằng ông đã nhấn mạnh lại sứ điệp ông đưa ra cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và Các Thầy Bảy Mươi Giáo Vùng trong các buổi họp huấn luyện tại đại hội trung ương vào tháng Tư năm 2009.

  5. Mô Rô Ni 7:47.

  6. Mô Rô Ni 7:48.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:27–28:

    “Và Mười Hai người đó sẽ là môn đồ của ta, và họ sẽ mang danh ta, và Mười Hai người đó là những người sẽ ước muốn được mang danh ta một cách hết lòng.

    “Và nếu họ ước muốn được mang danh ta một cách hết lòng, thì họ được kêu gọi để đi khắp nơi trên thế gian thuyết giảng phúc âm của ta cho mọi người.”

  8. “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 3. Trong khi trích dẫn điều này ở đây, tôi muốn được thêm chữ ký của mình vào tài liệu này và làm chứng y như chứng ngôn do Các Sứ Đồ đó đưa ra.