2010–2019
Các Anh Em Không Đơn Độc trong Công Việc của Ngài
Tháng mười 2015


Các Anh Em Không Đơn Độc trong Công Việc của Ngài

Khi chuyển từ một sự phục vụ chức tư tế này đến sự phục vụ khác, các em sẽ nhìn thấy Chúa đang cùng với các em làm công việc đó.

Thưa các anh em, chúng ta biết ơn Chúa đã kêu gọi Anh Cả Ronald A. Rasband, Anh Cả Gary E. Stevenson, và Anh Cả Dale G. Renlund với tư cách là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta tán trợ họ với tất cả tấm lòng, những lời cầu nguyện và đức tin.

Chúng ta biết khả năng lớn lao của họ. Nhưng họ sẽ cần được bảo đảm chắc chắn một lần nữa, như chúng ta đều cần, rằng Chúa ở cùng họ trong công việc của Ngài. Người thầy trợ tế mới nhất cần sự tự tin đó, cũng giống như người thầy thượng phẩm dày dạn kinh nghiệm nhất khi nhận một chức vụ kêu gọi mới.

Sự tự tin đó gia tăng khi các anh em thấy rằng Ngài kêu gọi các anh em qua các tôi tớ của Ngài. Lời khuyến khích của tôi là nhằm giúp các anh em biết điều đó khi các anh em làm phần vụ của mình, thì Chúa sẽ thêm quyền năng của Ngài vào nỗ lực của các anh em.

Bất cứ chức vụ kêu gọi nào chúng ta nhận được trong vương quốc của Chúa cũng đều đòi hỏi nhiều hơn óc xét đoán của loài người và khả năng của cá nhân chúng ta. Những chức vụ kêu gọi đó đòi hỏi sự giúp đỡ từ Chúa, mà sự giúp đỡ đó sẽ đến. Thậm chí người thầy trợ tế mới sẽ học được rằng điều đó là đúng, và em ấy sẽ tiếp tục học hỏi trong nhiều năm.

Một trong những đứa cháu trai của tôi đang ở đây buổi tối hôm nay tham dự buổi họp chức tư tế đầu tiên của nó. Nó được sắc phong làm thầy trợ tế cách đây sáu ngày. Nó có lẽ đang trông mong rằng lần đầu tiên được thi hành bổn phận chức tư tế sẽ là được chuyền Tiệc Thánh vào Chủ Nhật tuần sau. Tôi cầu nguyện rằng nó sẽ nhìn vào khoảnh khắc đó theo đúng ý nghĩa của việc đó.

Cháu tôi có thể nghĩ rằng công việc duy nhất của nó là chuyền những cái khay Tiệc Thánh đến các tín hữu ngồi trong buổi lễ Tiệc Thánh. Nhưng mục đích của Chúa không phải chỉ để cho mọi người dự phần bánh và nước, mà là để cho họ tuân giữ một giao ước mà sẽ giúp họ tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Và để cho điều đó có thể xảy ra, Chúa cần phải ban cho người nhận Tiệc Thánh từ người thầy trợ tế một kinh nghiệm thuộc linh.

Tôi đã thấy điều đó xảy ra một lần trong một viện dưỡng lão khi một thầy trợ tế nghiêng về phía trước để chuyền khay Tiệc Thánh cho một phụ nữ tóc bạc. Bà ấy nhìn vào bánh như là một vật quý báu. Tôi không bao giờ quên nụ cười của bà trong khi bà dự phần bánh rồi sau đó với tay lên vỗ nhẹ vào đầu người thầy trợ tế, và nói to: “Ôi, cám ơn cháu!”

Người thầy trợ tế đó chỉ đơn thuần thi hành bổn phận chức tư tế của mình. Nhưng rồi Chúa gia tăng gấp bội hành động của người thầy trợ tế đó. Thật là rõ ràng rằng người phụ nữ ấy đã nhớ đến Đấng Cứu Rỗi khi bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự phục vụ của một người thầy trợ tế. Người phụ nữ ấy cảm thấy yên tâm khi được em ấy mang Tiệc Thánh đến cho mình và rằng bà sẽ có được Thánh Linh ở bên mình. Người phụ nữ ấy không đơn độc ngày hôm đó trong viện dưỡng lão. Và người thầy trợ tế đó cũng không đơn độc trong sự phục vụ khiêm tốn của mình.

Người thầy giảng trẻ tuổi trong Chức Tư Tế A Rôn có thể không ý thức được rằng mình là bạn đồng hành với Chúa trong công việc của Ngài khi em ấy đi giảng dạy một gia đình. Tôi vẫn còn nhớ chứng ngôn giản dị của một người đồng hành giảng dạy tại gia trẻ tuổi đã đến nhà chúng tôi. Thánh Linh đã xác nhận những lời của em ấy với tôi và với gia đình tôi. Em ấy có thể không nhớ cái ngày hôm đó, nhưng tôi còn nhớ.

Chúa sẽ một lần nữa làm vinh hiển các nỗ lực của một thiếu niên khi em ấy được kêu gọi trở thành thầy tư tế. Phép báp têm đầu tiên em ấy thực hiện chẳng hạn có thể là của một người trẻ tuổi nào đó mà em ấy không quen biết. Em ấy có thể lo lắng rằng mình sẽ nói đúng những lời cần nói và thực hiện giáo lễ đúng cách hay không.

Nhưng Chúa, mà em ấy là tôi tớ của Ngài, sẽ làm vinh hiển sự kêu gọi của em ấy. Người mà em ấy báp têm đã chọn đi theo con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Chúa sẽ làm phần vụ lớn lao hơn của Ngài. Ngài đã làm điều đó cho tôi một lần khi cậu bé tôi báp têm vừa khóc vừa nói vào tai tôi, “Em được trong sạch rồi, em được trong sạch rồi.”

Khi chuyển từ một sự phục vụ chức tư tế này đến sự phục vụ khác, các em sẽ nhìn thấy Chúa đang cùng với các em làm công việc đó. Tôi học được điều này khi gặp người chủ tịch nhóm túc số các anh cả trong một đại hội giáo khu cách đây nhiều năm. Trong đại hội đó, có hơn 40 tên được đệ trình để nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Vị chủ tịch giáo khu nghiêng người về phía tôi và thì thầm: “Tất cả những người này đều từng là các anh cả tương lai kém tích cực đấy.” Vô cùng ngạc nhiên, tôi hỏi ông ấy có chương trình gì mà đã giải cứu những người này.

Ông ấy chỉ vào một thanh niên ngồi ở dãy ghế ở phía cuối của giáo đường. Ông ấy nói: “Anh ấy kia kìa. Hầu hết những người này đã được mang trở lại là nhờ người chủ tịch nhóm túc số các anh cả đó.” Anh ta ngồi ở dãy ghễ cuối, ăn mặc bình thường, đôi chân duỗi thẳng với đôi ủng mòn vẹt vắt tréo ở trước mặt.

Sau buổi họp, tôi yêu cầu vị chủ tịch giáo khu giới thiệu người chủ tịch ấy cho tôi. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi nói với người thanh niên này rằng tôi rất ngạc nhiên trước điều anh đã làm và hỏi bằng cách nào anh đã làm được điều đó. Anh ta nhún vai. Hiển nhiên là anh ta không nghĩ mình đáng được khen ngợi.

Rồi anh ta nói khẽ: “Tôi biết mỗi người đàn ông kém tích cực trong thị trấn này. Hầu hết họ đều có xe tải loại nhỏ cả. Tôi cũng có một chiếc xe tải. Tôi rửa chiếc xe tải của tôi ở cùng chỗ họ rửa xe của họ. Với thời gian, chúng tôi trở thành bạn.

“Rồi tôi chờ cho đến khi có điều gì không ổn xảy ra trong cuộc sống của họ. Điều đó luôn luôn xảy ra. Họ kể cho tôi nghe về điều đó. Tôi lắng nghe và tôi không bới lỗi. Rồi khi họ nói: ‘Có điều gì sai trái trong cuộc sống của tôi. Chắc hẳn phải có điều gì tốt hơn thế này chứ.’ Tôi nói với họ điều gì họ thiếu sót và họ có thể tìm thấy điều đó ở đâu. Đôi khi họ tin tôi, và khi họ tin rồi thì tôi đưa họ đến nhà thờ với tôi.”

Các anh em có thể thấy tại sao anh ta khiêm tốn như vậy. Đó là vì anh ta biết mình đã làm phần vụ nhỏ của mình và Chúa làm phần còn lại. Chính Chúa là Đấng đã làm cảm động tấm lòng của những người này giữa những khó khăn của họ. Chính Chúa là Đấng đã ban cho họ cảm giác rằng phải có điều gì tốt hơn dành cho họ và một niềm hy vọng họ có thể tìm thấy được.

Người thanh niên đó—cũng như các anh em—là một tôi tớ của Chúa, chỉ tin tưởng rằng nếu anh ta làm phần vụ nhỏ của mình, thì Chúa sẽ giúp những người đó trên con đường trở về nhà và dẫn đến niềm hạnh phúc mà chỉ có Ngài mới có thể ban cho họ. Người này cũng biết rằng Chúa đã kêu gọi anh ta với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả bởi vì anh ta sẽ làm phần vụ của mình.

Sẽ có lúc trong sự phục vụ của các anh em khi các anh em không có thành công đáng kể và rõ rệt như của người chủ tịch trẻ tuổi đó của nhóm túc số các anh cả. Đó là thời gian mà các anh em sẽ cần để tin tưởng rằng Chúa sẽ kêu gọi các anh em qua các tôi tớ có thẩm quyền của Ngài, vì biết rằng các anh em sẽ làm phần vụ của mình trong công việc này. Việc có đức tin nơi sự kêu gọi từ các tôi tớ của Chúa là điều thiết yếu trong công việc phục vụ truyền giáo của ông cố của tôi là Henry Eyring.

Ông chịu phép báp têm vào ngày 11 tháng Ba năm 1855 ở St. Louis, Missouri. Eratus Snow đã sắc phong cho ông chức phẩm thầy tư tế không lâu sau đó. Chủ tịch Giáo Khu St. Louis, là John H. Hart, đã kêu gọi ông đi phục vụ truyền giáo với Dân Tộc Cherokee vào ngày 6 tháng Mười.1 Ông được sắc phong làm anh cả vào ngày 11 tháng Mười. Ông đi ngựa đến Phái Bộ Truyền Giáo Cherokee vào ngày 24 tháng Mười. Lúc đó ông 20 tuổi và chỉ mới được cải đạo có bảy tháng.

Có bất cứ ai nắm giữ chức tư tế có lý do nào để cảm thấy không hội đủ điều kiện hoặc là thiếu chuẩn bị, thì đó là Henry Eyring. Lý do duy nhất ông có thể có can đảm để đi là vì trong thâm tâm ông biết rằng Thượng Đế đã kêu gọi ông qua các tôi tớ có thẩm quyền của Ngài. Đó chính là nguồn gốc của lòng can đảm của ông. Đó cần phải là nguồn gốc của lòng can đảm của chúng ta để kiên trì, bất kể sự kêu gọi của chúng ta trong chức tư tế là gì đi nữa.

Sau khi Anh Cả Eyring đã phục vụ trong suốt ba năm đầy khó khăn và trước sự qua đời của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, Henry đã được chọn và được tán trợ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo tại một buổi họp được tổ chức vào ngày 6 tháng Mười năm 1858. Ông vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt như một người thầy trợ tế mới thường cảm thấy. Ông viết: “Thật là bất ngờ đối với tôi để được kêu gọi vào chức phẩm đầy trọng trách đó nhưng nếu đó là ước muốn của các anh em thì tôi hân hoan chấp nhận, cùng một lúc cảm thấy mình có nhiều yếu kém và thiếu kinh nghiệm.”2

Chủ tịch Eyring giờ đây đã đi đến các Dân Tộc Cherokee, Creek, và Choctaw vào năm 1859. Qua các nỗ lực của ông, Chúa đã thêm vào “một con số cho giáo hội,” theo như Henry ghi lại. Ông tổ chức hai chi nhánh nhưng ghi chú thêm rằng “chỉ còn có rất ít người sốt sắng theo đuổi và hỗ trợ chính nghĩa của Giáo Hội.”3

Một năm sau đó, Henry phải đối phó với sự thật khó khăn rằng những người lãnh đạo chính trị trong dân chúng nơi ông đang phục vụ không còn cho phép những người truyền giáo Thánh Hữu Ngày Sau phục vụ nữa. Khi suy ngẫm về điều mình nên làm, ông nhớ lại điều chỉ dẫn từ vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của ông trước đó mà đề cập đến việc ông nên gia hạn công việc truyền giáo của ông cho đến năm 1859.4

Vào tháng Mười năm đó, Henry viết cho Chủ Tịch Brigham Young để được hướng dẫn, nhưng không nhận được thư hồi âm cho câu hỏi của ông. Henry ghi lại: “Vì không thể nhận được hồi âm từ Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội, nên tôi đã cầu vấn Chúa trong lời cầu nguyện, cầu xin Ngài cho tôi biết ý định và ý muốn của Ngài đối với việc tôi nên ở lại lâu hơn hay là đi đến Si Ôn.”

Ông nói tiếp: “Giấc mơ sau đã được cho tôi thấy trong việc đáp ứng lời cầu nguyện của tôi. Tôi mơ thấy mình đã đến [Salt Lake] City và ngay lập tức đi đến văn phòng của [Chủ Tịch Brigham] Young, và thấy ông ở đó. Tôi nói với ông: ‘Thưa [Chủ Tịch] Young, tôi đã rời khỏi phái bộ truyền giáo của tôi, tôi đã tự ý làm điều đó, nhưng nếu điều đó là không đúng thì tôi sẽ sẵn lòng quay trở lại và hoàn tất công việc truyền giáo của mình.’ [Trong giấc mơ, vị tiên tri] đáp: ‘Anh đã ở đó đủ lâu rồi, không sao đâu.’”

Henry viết trong nhật ký: “Vì đã có những giấc mơ từ trước, mà đã thành hiện thực nên tôi đã có đức tin để tin tưởng, rằng lần này cũng sẽ như vậy và vì thế tôi bắt đầu lập tức chuẩn bị cho cuộc khởi hành.”

Ông đến Salt Lake City vào ngày 29 tháng Tám năm 1860, sau khi đã đi bộ hầu hết cả chặng đường. Hai ngày sau, ông đi vào văn phòng của Chủ Tịch Brigham Young.5

Henry mô tả kinh nghiệm này bằng những lời sau: “[Tôi] tìm đến [Chủ Tịch] Young. Ông chào đón [tôi] rất tử tế. Tôi nói với ông: ‘Thưa [Chủ Tịch] Young, tôi đã tự ý đến đây, nếu tôi đã làm sai, thì tôi sẵn lòng quay trở lại và hoàn tất công việc truyền giáo của tôi.’ [Brigham Young] trả lời: “Không sao cả, chúng tôi đang tìm anh đây.”

Henry mô tả niềm vui của mình và nói: “Giấc mơ của tôi quả thật đã trở thành hiện thực.”6

Niềm vui của ông đã đến từ sự xác nhận rằng Chúa đã cùng làm việc với ông và trông nom ông. Ông đã học được điều gì là đúng cho tất cả chúng ta—rằng các tôi tớ của Chúa đều được soi dẫn để biết ý muốn của Chúa. Và Henry Eyring đã xác nhận điều mà tôi cũng biết: rằng vị tiên tri, với tư cách là chủ tịch của chức tư tế, được Thượng Đế soi dẫn để trông nom và chăm sóc các tôi tớ của Chúa và để kêu gọi họ.

Dù chức vụ kêu gọi của các anh em là gì trong chức tư tế đi nữa, thì các anh em cũng đôi khi có thể cảm thấy Cha Thiên Thượng đã không biết mình. Các anh em có thể cầu nguyện để biết ý muốn của Ngài, và với ước muốn chân thật để làm bất cứ điều gì Ngài đòi hỏi các anh em làm, thì các anh em sẽ nhận được sự đáp ứng.

Cha Thiên Thượng sẽ cho phép các anh em cảm thấy rằng Ngài biết các anh em, rằng Ngài biết ơn sự phục vụ của các anh em, và các anh em đang trở nên xứng đáng với lời chào mừng từ Chúa mà các anh em mong mỏi được nghe: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.”7

Tôi cầu nguyện rằng mỗi người nắm giữ chức tư tế sẽ tìm đến trong đức tin để giải cứu mỗi người mà mình chịu trách nhiệm. Thượng Đế sẽ thêm quyền năng của Ngài vào nỗ lực của các tôi tớ Ngài. Tấm lòng của những người khác sẽ được cảm động để đưa ra những sự lựa chọn mà sẽ mang họ trên con đường phúc âm tiến đến niềm hạnh phúc và xa khỏi nỗi buồn phiền.

Tôi cũng cầu nguyện rằng mỗi người nắm giữ chức tư tế sẽ cảm thấy tình yêu thương và trông nom chăm sóc của Cha Thiên Thượng, của Đấng Cứu Rỗi, và của vị tiên tri của Thượng Đế trong chức vụ kêu gọi của mình trong chức tư tế.

Tôi đưa ra lời chứng đặc biệt rằng chúng ta đang phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh. Tôi làm chứng rằng Ngài đã kêu gọi các anh em và tôi vào sự phục vụ Ngài vì biết rõ khả năng của chúng ta và sự giúp đỡ chúng ta sẽ cần đến. Ngài sẽ ban phước cho nỗ lực của chúng ta vượt quá điều chúng ta trông mong nhiều nhất, khi chúng ta hết lòng phục vụ Ngài. Tôi làm chứng rằng vị tiên tri của Thượng Đế, là chủ tịch của tất cả chức tư tế trên thế gian, được Thượng Đế soi dẫn.

Tôi biết ơn về những tấm gương của những người nắm giữ chức tư tế trung tín ở khắp mọi nơi. Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi biết ơn rằng các anh em làm phần vụ của mình. Hai Ngài biết các anh em, hai Ngài trông nom các anh em và hai Ngài yêu thương các anh em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Minutes of the Conference,” St. Louis Luminary, ngày 13 tháng Mười năm 1855, 187.

  2. Thư của Henry Eyring gửi cho Brigham Young, ngày 7 tháng Mười năm 1858, Các Hồ Sơ trong Văn Phòng Brigham Young, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  3. Henry Eyring báo cáo với Văn Phòng Sử Gia của Giáo Hội, tháng Tám năm 1860, Những Báo Cáo của Người Truyền Giáo, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  4. Xin xem thư của Henry Eyring gửi cho Brigham Young, ngày 9 tháng Mười năm 1859, Các Hồ Sơ trong Văn Phòng Brigham Young, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  5. Xin xem President’s Office Journals, ngày 31 tháng Tám năm 1860, tập D, 137, Tài Liệu của Văn Phòng Brigham Young, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  6. Henry Eyring hồi tưởng, 1896, nguyên cảo, 27–28, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City.

  7. Ma Thi Ơ 25:23.