2010–2019
Ân Tứ Hướng Dẫn của Một Đứa Trẻ
Tháng tư 2016


Ân Tứ Hướng Dẫn của Một Đứa Trẻ

Làm thế nào chúng ta dạy cho con cái mình biết cách loại bỏ những ảnh hưởng của thế gian và tin cậy vào Thánh Linh?

Một người cha trẻ tuổi đã thực sự bị chìm xuống nước. Anh ta cùng hai đứa con của mình, và người cha vợ đi dạo quanh bờ hồ. Xung quanh họ là các dãy núi bao phủ đầy cây thông hùng vĩ, và bầu trời trong xanh, đầy mây trắng bay bổng, tỏa ra vẻ đẹp và sự thanh thản. Khi hai đứa trẻ bắt đầu cảm thấy nóng nực và mệt mỏi, thì hai người đàn ông đã quyết định cõng hai đứa trẻ trên lưng và bơi chỉ một khoảng cách ngắn ngang qua hồ.

Điều đó dường như rất dễ dàng---cho đến lúc mà người cha bắt đầu cảm thấy như bị kéo xuống nước, mọi thứ trở nên quá nặng. Anh ta bị nước đẩy xuống đáy hồ, và một cảm giác hoảng hốt tràn ngập khắp châu thân. Làm sao anh ta có thể làm cho mình nổi lên mặt nước được---và làm như vậy với đứa con gái nhỏ quý giá của mình ở trên lưng?

Tiếng kêu cứu của anh yếu dần theo khoảng cách; người cha vợ đang ở quá xa không thể đáp lời kêu cứu tuyệt vọng của anh để đến giúp. Anh ta cảm thấy cô đơn và bất lực.

Các anh chị em có thể tưởng tượng được cảm giác cô đơn như anh ta đã cảm thấy, không thể với được bất cứ thứ gì để nắm lấy và vùng vẫy trong tình trạng tuyệt vọng vì mạng sống của mình và đứa con của mình không? Rủi thay, tất cả chúng ta đều trải qua một phần nào cảm giác này khi chúng ta ở trong những tình huống mà mình rất cần tìm sự giúp đỡ để sống sót và để cứu những người mình yêu thương.

Gần như hoảng loạn, anh ta nhận ra rằng đôi giày ngập nước của anh ta đang kéo anh ta xuống. Trong khi cố gắng để được nổi lên mặt nước, anh ta bắt đầu cố gắng tháo đôi giày ngập nước ra khỏi chân. Nhưng dường như chúng bị hút vào chân. Dây cột giày thì thấm sũng nước, càng thắt chặt hơn nữa.

Trong giây phút dường như là tuyệt vọng cuối cùng của mình, anh ta xoay sở để tháo đôi giày ra khỏi chân, và cuối cùng đôi giày được tháo ra và nhanh chóng rơi xuống đáy hồ. Vì được thoát khỏi sức nặng mà đã kéo mình xuống, ngay lập tức anh ta tự đẩy được mình và con gái mình trồi lên. Bây giờ anh ta có thể bơi về phía trước, hướng tới sự an toàn ở phía bên kia hồ.

Đôi khi, chúng ta đều có thể cảm thấy như thể mình đang bị chìm xuống nước. Cuộc sống có thể đầy gánh nặng. Chúng ta đang sống trong “một thế giới ồn ào và bận rộn. … Nếu chúng ta không cẩn thận, những sự việc của thế gian này có thể làm [át đi] những sự việc của Thánh Linh.”1

Làm thế nào chúng ta có thể noi theo gương của người cha này và loại bỏ một số sức nặng của thế gian mà mình đang mang---để có thể giữ cho mình không bị tràn ngập bởi những sự việc của thế gian? Làm thế nào chúng ta có thể, như Phao Lô đã khuyên: “quăng hết gánh nặng”?2 Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho con cái của mình cho cái ngày mà chúng không còn có thể trông cậy vào chúng ta và chứng ngôn của chúng ta nữa---khi chúng chính là những người đang bơi?

Một câu trả lời đến khi chúng ta nhận ra nguồn sức mạnh thiêng liêng này. Đó là một nguồn sức mạnh thường bị xem thường, nhưng nó có thể được sử dụng hàng ngày để làm nhẹ gánh nặng của chúng ta và hướng dẫn con cái quý báu của chúng ta. Nguồn sức mạnh đó là ân tứ hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Trẻ em có thể chịu phép báp têm lúc tám tuổi. Chúng học hỏi và lập một giao ước với Thượng Đế. Những người chúng yêu thương vây quanh chúng khi chúng được dìm mình xuống nước và ra khỏi hồ nước với một cảm giác vui mừng lớn lao. Sau đó, chúng nhận được một ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể, một ân tứ mà có thể liên tục hướng dẫn chúng khi chúng sống xứng đáng với phước lành đó.

Anh Cả David A. Bednar nói: “Vẻ giản dị của [lễ xác nhận] có thể làm cho chúng ta không chú ý tới ý nghĩa của nó. Sáu chữ này---‘Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh’---không phải là một lời tuyên bốthụ động; thay vì thế, những chữ này cấu thành một mệnh lệnh của chức tư tế---lời khuyên nhủ có thẩm quyền để hành động chứ không phải chỉ bị tác động.”3

Trẻ em có một ước muốn tự nhiên để làm điều tốt và để được làm người tốt. Chúng ta có thể cảm thấy sự ngây thơ, thanh khiết của chúng. Chúng cũng có một sự nhạy cảm tuyệt vời đối với tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ đó.

Hình Ảnh
Phục sự trẻ em Nê Phi

Trong 3 Nê Phi 26, Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy khả năng thuộc linh của trẻ em:

“Ngài nới lưỡi chúng để chúng nói cho ông cha chúng nghe những điều vĩ đại và kỳ diệu, vĩ đại hơn cả những điều Ngài đã tiết lộ cho dân chúng biết. …

“… họ đã được thấy và nghe những trẻ nhỏ này nói; phải, ngay cả trẻ thơ cũng mở miệng nói lên những điều kỳ diệu.”4

Là cha mẹ, chúng ta gia tăng khả năng thuộc linh của con cái mình như thế nào? Làm thế nào chúng ta dạy cho chúng biết cách loại bỏ những ảnh hưởng của thế gian và tin cậy vào Thánh Linh khi chúng ta không ở bên chúng và chúng đang ở một mình giữa những lúc khó khăn của cuộc sống?

Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một số ý kiến.

Trước hết, chúng ta có thể bảo con cái của mình chú ý khi chúng nghe và cảm nhận được Thánh Linh. Hãy trở lại lịch sử thời Cựu Ước để xem cách Ê Li đã làm điều này cho Sa Mu Ên.

Thiếu niên Sa Mu Ên đã hai lần nghe một tiếng gọi và chạy tới Ê Li mà nói rằng: “Có tôi đây.”

Ê Li đáp: “Ta không có kêu.”

Nhưng “Sa Mu Ên chưa biết Giê Hô Va; lời Đức Giê Hô Va chưa được bày tỏ ra cho người.”

Đến lần thứ ba, Ê Li biết rằng Chúa đã gọi Sa Mu Ên và bảo Sa Mu Ên hãy nói: “Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe.”5

Sa Mu Ên đã bắt đầu cảm thấy, nhận ra và lắng nghe tiếng nói của Chúa. Nhưng thiếu niên này đã không bắt đầu hiểu cho đến khi được Ê Li giúp nhận ra điều này. Và khi đã được giảng dạy rồi, Sa Mu Ên có thể trở nên quen thuộc hơn với tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó.

Thứ hai, chúng ta có thể chuẩn bị cho gia đình và con cái của mình cảm nhận được tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ đó. “Nhiều giảng viên ngoại ngữ tin rằng trẻ em học một ngôn ngữ một cách tốt nhất trong ‘các chương trình học ngoại ngữ bằng cách đắm chìm trong ngôn ngữ đang hoc’ mà trong đó chúng được vây quanh bởi những người nói thứ tiếng đó và chúng bắt buộc phải nói thứ tiếng đó. Chúng không chỉ học cách nói những từ vựng, mà còn nói trôi chảy và thậm chí còn suy nghĩ bằng ngôn ngữ mới nữa. Bối cảnh của việc ‘đắm chìm’ tốt nhất cho một nền giáo dục thuộc linh là ở trong nhà, nơi mà các nguyên tắc thuộc linh có thể hình thành nền tảng cho cuộc sống hàng ngày.”6

“Khá ân cần dạy dỗ [lời của Chúa] cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”7 Việc làm cho gia đình mình đắm chìm trong Thánh Linh sẽ giữ cho tâm hồn con cái chúng ta mở rộng đối với ảnh hưởng của Ngài.

Thứ ba, chúng ta có thể giúp con cái mình hiểu cách Thánh Linh nói chuyện với chúng. Joseph Smith dạy: “Nếu Ngài đến với một trẻ nhỏ, thì Ngài sẽ tự thích nghi với lời lẽ và khả năng của một trẻ nhỏ.”8 Một người mẹ khám phá ra rằng vì trẻ em học hỏi khác nhau---một số học bằng cách nhìn, bằng cách nghe, bằng cách sờ tay, hoặc bằng cảm nhận---người ấy càng quan sát con cái mình thì càng nhận biết rằng Đức Thánh Linh đã dạy cho con cái của mình theo những cách mà mỗi đứa học được tốt nhất.9

Một người mẹ khác đã chia sẻ một kinh nghiệm để giúp con cái của mình học cách nhận ra Thánh Linh. Người ấy viết: “Đôi khi,[con cái] không nhận biết rằng một ý nghĩ xảy ra lại, một cảm giác an ủi sau khi chúng khóc, hoặc ghi nhớ một điều gì đó vào đúng lúc là tất cả những cách mà Đức Thánh Linh truyền đạt [với chúng].” Người ấy viết tiếp: “Tôi đang dạy [con cái] tôi cách tập trung vào điều chúng cảm thấy [và hành động theo].”10

Việc cảm thấy và nhận ra Thánh Linh sẽ mang lại khả năng thuộc linh vào cuộc sống của con cái chúng ta, và tiếng nói mà chúng bắt đầu biết sẽ trở nên càng ngày càng rõ ràng hơn đối với chúng. Điều đó sẽ giống như điều Anh Cả Richard G. Scott đã nói: “Khi các anh chị em đạt được kinh nghiệm của riêng mình và thành công trong việc được Thánh Linh hướng dẫn, thì sự tin tưởng của các anh chị em nơi các ấn tượng mình nhận được có thể trở nên chắc chắn hơn là chỉ tùy thuộc vào điều mình thấy hoặc nghe.”11

Chúng ta không cần phải lo sợ khi thấy con cái của mình gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, vì chúng ta đã giúp chúng tự loại bỏ những gánh nặng của thế gian. Chúng ta đã dạy chúng sống theo ân tứ hướng dẫn của Thánh Linh. Ân tứ này sẽ tiếp tục làm nhẹ gánh năng mà chúng đang mang và dẫn dắt chúng trở về nhà thiên thượng, nếu chúng sống theo ân tứ đó và tuân theo những thúc giục của ân tứ đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Joseph B. Wirthlin, “Ân Tứ Đức Thánh Linh Không Xiết Kể,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 27.

  2. Hê Bơ Rơ 12:1.

  3. David A. Bednar, “Nhận Được Đức Thánh Linh, ” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 95.

  4. 3 Nê Phi 26:14, 16.

  5. Xin xem 1 Sa Mu Ên 3:4–10.

  6. C. Terry and Susan L. Warner, “Helping Children Hear the Still, Small Voice,” Tambuli, tháng Tám năm 1994, 27.

  7. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7.

  8. Joseph Smith, trong History of the Church, 3:392.

  9. Xin xem Merrilee Browne Boyack, “Helping Children Recognize the Holy Ghost,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2013, 10–12.

  10. Irinna Danielson, “How to Answer the Toughest ‘Whys’ of Life,” ngày 30 tháng Mười năm 2015, lds.org/blog.

  11. Richard G. Scott, “Để Nhận Được Sự Hướng Dẫn Thuộc Linh, ” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 7.