2010–2019
Một Khuôn Mẫu Bình An
Tháng tư 2016


Một Khuôn Mẫu Bình An

Sự bình an chúng ta đều tìm kiếm đòi hỏi chúng ta phải hành động---bằng cách học hỏi nơi Chúa Giê Su Ky Tô, bằng cách lắng nghe những lời của Ngài, và bằng cách bước đi với Ngài.

Cách đây một vài năm, con gái và con rể của chúng tôi đã được kêu gọi để cùng giảng dạy một lớp trong Hội Thiếu Nhi với năm đứa bé trai bốn tuổi hiếu động. Con gái chúng tôi có trách nhiệm giảng dạy và con rể chúng tôi có trách nhiệm giữ cho các em luôn ngoan ngoãn học hành, chúng làm hết sức mình để duy trì một cảm giác bình yên, đôi khi giữa cảnh ầm ĩ, để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm cho các em.

Trong một buổi học đặc biệt khó khăn, sau khi đã đưa ra cho một cậu bé hiếu động nhiều lời cảnh cáo, thì con rể của chúng tôi đưa đứa bé bốn tuổi ra khỏi lớp học. Khi đã ở bên ngoài phòng học rồi, và nói chuyện với cậu bé về hành vi của nó và việc cần thiết phải tìm cha mẹ của nó, thì cậu bé ngăn con rể của chúng tôi lại trước khi con rể tôi có thể nói một lời và giơ tay lên và nói nhanh với cảm xúc mạnh mẽ: “Đôi khi---đôi khi---rất khó đối với em để nghĩ về Chúa Giê Su!”

Trong cuộc sống của chúng ta, đích tới mà chúng ta nhắm có thể là vinh quang đến thế nào và cuộc hành trình có thể là phấn khởi bao nhiêu đi nữa, thì chúng ta cũng đều sẽ phải trải qua những thử thách và đau khổ. Anh Cả Joseph B. Wirthlin dạy: “Nỗi buồn phiền rốt cuộc đều đến với mỗi người chúng ta. Vào lúc này hay lúc khác, mọi người đều phải trải qua nỗi buồn phiền. Không một ai được miễn trừ.”1 “Chúa trong sự thông sáng của Ngài không che chở bất cứ ai khỏi nỗi sầu khổ hay buồn phiền.”2Tuy nhiên, khả năng của chúng ta để đi con đường này trong bình an hay không thì phần lớn tùy thuộc vào việc có khó đối với chúng ta để nghĩ về Chúa Giê Su hay không.

Sự yên tĩnh trong tâm trí, sự thanh thản của lương tâm và sự bình an trong tâm hồn không được xác định bởi khả năng của chúng ta để tránh những thử thách, đau khổ, hoặc đau lòng. Bất kể những lời khẩn cầu của chúng ta, không phải cơn bão nào cũng sẽ thay đổi hướng đi, không phải mọi bệnh tật sẽ được chữa lành, và chúng ta có thể không hiểu được trọn vẹn mỗi giáo lý, nguyên tắc, hoặc lối thực hành đã được các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải giảng dạy. Tuy nhiên, chúng ta đã được hứa ban cho sự bình an---kèm theo một điều kiện.

Trong sách Phúc Âm của Giăng, Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng bất chấp những gian truân của cuộc đời, chúng ta cũng vẫn có thể vững lòng; chúng ta có thể hy vọng nhiều, và chúng ta không cần phải sợ hãi, vì Ngài phán: “các ngươi có lòng bình yên trong ta.”3 Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài là, mãi mãi sẽ là, nguyên tắc đầu tiên của phúc âm và nền tảng mà trên đó hy vọng của chúng ta về “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” được xây dựng.4

Trong việc tìm kiếm sự bình an ở giữa những thử thách hàng ngày của cuộc sống, chúng ta đã được ban cho một khuôn mẫu để giữ cho những ý nghĩ của mình được tập trung vào Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã phán: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta. Ta là Giê Su Ky Tô”5

Học hỏi, lắng nghe và bước đi—ba bước với một lời hứa.

Bước thứ nhất: “Học Hỏi nơi Ta”

Chúng ta đọc trong Ê Sai: “Và nhiều dân tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê Hô Va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia Cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường lối Ngài.”6

Với con số đền thờ tiếp tục gia tăng và nằm rải rác trên khắp thế gian, chúng ta học hỏi nơi Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài trong kế hoạch của Đức Chúa Cha là Đấng Tạo Hóa của thế gian này, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và là nguồn bình an của chúng ta.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Thế gian có thể là một chỗ gay go và khó khăn để sống. … Khi các anh chị em và tôi đi đến ngôi nhà thánh của Thượng Đế, nếu ghi nhớ các giao ước chúng ta lập ở bên trong đền thờ, thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mỗi cám dỗ. Trong chốn thánh này, chúng ta sẽ tìm thấy bình an.”7

Trong một chỉ định tại một đại hội giáo khu khi phục vụ ở Nam Mỹ cách đây một vài năm, tôi gặp một cặp vợ chồng đang đau buồn trước cái chết gần đây của đứa con trai sơ sinh của họ.

Chính là trong một cuộc phỏng vấn vào thời gian đại hội mà lần đầu tiên tôi đã gặp Anh Tumiri và biết về cái chết của con trai anh. Trong khi chúng tôi nói chuyện, anh đã chia sẻ rằng anh không những rất buồn trước cái chết của con trai anh mà anh còn đau khổ với ý nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp nó nữa. Anh giải thích rằng, là các tín hữu khá mới của Giáo Hội, nên họ đã dành dụm được đủ tiền để đi đền thờ chỉ một lần trước khi đứa con của họ ra đời, nơi mà họ đã được làm lễ gắn bó và hai đứa con gái của họ đã được làm lễ gắn bó với họ. Sau đó anh mô tả cách họ đã dành dụm tiền cho một chuyến đi trở lại đền thờ nhưng vẫn chưa thể mang đứa con trai của họ đi để làm lễ gắn bó với nó.

Vì nhận thấy đây có thể là một sự hiểu lầm, nên tôi đã giải thích rằng anh sẽ thực sự gặp lại con trai của mình một lần nữa, nếu anh vẫn trung thành, vì giáo lễ gắn bó đã ràng buộc anh với vợ và các con gái của anh cũng đủ để ràng buộc anh cùng với con trai của anh đã được sinh ra trong giao ước.

Anh ấy ngạc nhiên hỏi điều này có thật sự đúng không, và khi tôi khẳng định rằng đó là sự thật, sau đó anh ấy hỏi tôi có sẵn sàng để nói chuyện với vợ của anh, chị ấy đã không thể nguôi ngoai nỗi buồn trong suốt hai tuần kể từ khi đứa con trai của họ qua đời.

Chiều Chủ Nhật, sau đại hội, tôi gặp Chị Tumiri và cũng giải thích giáo lý vinh quang này với chị. Với nỗi đau về sự mất mát của vẫn còn nặng trĩu, nhưng giờ đây với một tia hy vọng, chị đã hỏi trong nước mắt: “Liệu tôi thực sự có thể ôm đứa con trai bé nhỏ của tôi trong vòng tay của tôi một lần nữa không? Nó có thực sự là của tôi vĩnh viễn không?” Tôi nói với chị ấy rằng nếu chị ấy tuân giữ các giao ước của chị, thì quyền năng gắn bó được tìm thấy trong đền thờ sẽ có hiệu quả nhờ vào thẩm quyền của Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ thực sự cho phép chị ấy sống với con trai của mình một lần nữa và ôm nó trong vòng tay của chị.

Dù đau khổ trước cái chết của con trai mình, Chị Tumiri rời buổi họp của chúng tôi với giọt lệ biết ơn và lòng tràn đầy bình an vì các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ, có thể thực hiện được nhờ vào Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Mỗi lần chúng ta tham dự đền thờ---trong tất cả những gì chúng ta nghe, làm, và nói; trong mỗi giáo lễ mà chúng ta tham dự; và trong mọi giao ước mà chúng ta lập---chúng ta đều được Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn. Chúng ta cảm thấy bình an khi nghe những lời của Ngài và học hỏi từ tấm gương của Ngài. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Hãy đi đến nhà của Chúa và ở đó cảm nhận được Thánh Linh và giao tiếp với Ngài, và các anh chị em sẽ biết được sự bình an mà các anh chị em sẽ không tìm thấy được ở nơi nào khác.”8

Bước thứ hai: “Lắng Nghe Những Lời của Ta”

Chúng ta đọc trong Giáo Lý và Giao Ước: “Dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau.”9 Từ thời kỳ của A Đam và trong suốt lịch sử cho đến vị tiên tri hiện tại của chúng ta, Thomas Spencer Monson, Chúa đã phán qua những người đại diện được phép của Ngài. Những người nào chọn lắng nghe và lưu tâm đến những lời nói của Chúa, được truyền lại qua các vị tiên tri của Ngài, đều sẽ tìm thấy sự an toàn và bình an.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta tìm thấy nhiều ví dụ về tầm quan trọng của việc noi theo lời dạy của vị tiên tri và tuân theo vị tiên tri, kể cả một bài học được học từ khải tượng của Lê Hi về cây sự sống, được tìm thấy trong 1 Nê Phi chương 8. Chưa bao giờ có tòa nhà rộng lớn và vĩ đại nào lại đông đúc hoặc tiếng ồn đến từ các cửa sổ đang mở ra của nó lại làm cho dễ lạc lối, đầy chế giễu, và gây hoang mang hơn trong thời kỳ của chúng ta. Trong đoạn này chúng ta đọc về hai nhóm người và phản ứng của họ với tiếng la hét từ tòa nhà.

Hình Ảnh
Giấc mơ của Lê Hi

Bắt đầu ở câu 26, chúng ta đọc:

“Rồi cha cũng đưa mắt nhìn quanh, và thấy phía bên kia sông có một tòa nhà rộng lớn vĩ đại. …

“ Trong đó đầy nghẹt những người, … và họ có hành động chế giễu và chỉ trỏ những người vừa đến và đang ăn trái cây ấy.

“Và sau khi đã nếm trái cây ấy, họ lấy làm hổ thẹn vì thấy những người kia đang chế nhạo mình; và họ đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”10

Trong câu 33 chúng ta đọc về những người đã có phản ứng khác nhau đối với lời nhạo báng và chế nhạo đến từ tòa nhà. Tiên Tri Lê Hi giải thích rằng những người ở trong tòa nhà “lấy tay chỉ trỏ khinh miệt tôi cùng những người khác đang ăn trái cây, nhưng chúng tôi không lưu ý đến họ.”11

Một sự khác biệt quan trọng giữa những người cảm thấy hổ thẹn, đi lạc, và bị lạc mất với những người không chú ý đến lời chế nhạo từ tòa nhà và tuân theo vị tiên tri được tìm thấy trong hai cụm từ: trước hết, “sau khi đã nếm,” và thứ hai, “những người khác đang ăn.”

Nhóm đầu tiên đã đi đến cái cây, đứng đó một lúc với vị tiên tri, nhưng chỉ nếm trái cây. Vì không tiếp tục ăn, nên họ đã để cho sự châm chọc từ tòa nhà ảnh hưởng đến họ, lôi kéo họ rời xa vị tiên tri và đi vào con đường cấm, nơi mà họ đã bị lạc mất.

Ngược lại với những người đã nếm thử và đi lang thang là những người đã được tìm thấy tiếp tục ăn trái cây ấy. Những người này đã không lưu tâm đến những hành động từ tòa nhà, tuân theo vị tiên tri, và vui hưởng sự an toàn và bình an đi kèm theo. Sự cam kết của chúng ta với Chúa và các tôi tớ của Ngài không thể là một sự cam kết bán thời gian. Nếu như vậy, thì chúng ta để cho mình bị tổn thương bởi những người tìm cách phá hủy sự bình an của mình. Khi chúng ta lắng nghe Chúa qua các tôi tớ có thẩm quyền của Ngài, thì chúng ta đứng ở những nơi thánh thiện và không thể bị lay chuyển.

Kẻ nghịch thù đưa ra những giải pháp giả mạo mà có thể dường như cung cấp các câu trả lời nhưng đưa chúng ta còn đi xa hơn nữa khỏi sự bình an mà mình tìm kiếm. Kẻ nghịch thù đưa ra một ảo ảnh mà có vẻ như là hợp pháp và an toàn nhưng cuối cùng, giống như tòa nhà rộng lớn và vĩ đại, sẽ sụp đổ, hủy diệt tất cả những người tìm kiếm sự bình an ở bên trong các bức tường của tòa nhà.

Lẽ thật được tìm thấy trong lời giản dị của một bài hát trong Hội Thiếu Nhi: “Những lời của vị tiên tri: Tuân giữ các giáo lệnh. Ở đó có sự an toàn bình an.12

Bước thứ ba: “Bước Đi trong Sự Nhu Mì của Thánh Linh Ta”

Cho dù chúng ta có thể đi lang thang xa khỏi con đường nhưng Đấng Cứu Rỗi cũng mời gọi chúng ta trở lại và bước đi với Ngài. Lời mời gọi để bước đi với Chúa Giê Su Ky Tô là một lời mời gọi để đi cùng với Ngài đến Vườn Ghết Sê Ma Nê và từ Vườn Ghết Sê Ma Nê đến Đồi Sọ và từ Đồi Sọ đến Khu Vườn Mộ. Đó là một lời mời gọi để tuân theo và áp dụng sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Ngài, mà tầm với của sự hy sinh này đối với mỗi cá nhân là vô hạn. Đó là một lời mời gọi phải hối cải, nhận lấy quyền năng thanh tẩy của Ngài, và ôm ghì lấy vòng tay yêu thương và luôn dang ra của Ngài. Đó là một lời mời gọi để được bình an.

Hình Ảnh
Chúng ta được mời gọi đi với Ngài.

Vào một số thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình, chúng ta đều cảm thấy nỗi đau đớn và đau khổ liên quan tới tội lỗi và sự phạm giới, vì “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.”13 Tuy nhiên, “Dầu tội [chúng ta] như hồng điều,” khi chúng ta áp dụng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và bước đi với Ngài qua sự hối cải chân thành, thì cũng “sẽ trở nên trắng như tuyết .”14 Mặc dù đã trĩu nặng tội lỗi, nhưng chúng ta cũng sẽ được bình an.

Hình Ảnh
Chúng ta được mời gọi phải hối cải.

An Ma Con buộc phải trực diện với tội lỗi của mình khi được một thiên sứ của Chúa hiện đến. Ông mô tả kinh nghiệm của mình trong những lời này:

“Nhưng cha đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé, tâm hồn cha bị ray rứt vô cùng và bị xâu xé với tất cả các tội lỗi của mình.

“… Phải, cha thấy cha đã chống lại Thượng Đế của cha, và cha đã không tuân giữ những lệnh truyền thánh của Ngài.”15

Vì tội lỗi của ông thật nghiêm trọng, và ở giữa thử thách này, ông nói tiếp:

“Cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân chúng biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.

“… Cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con.”16

“Cho đến khi cha kêu cầu Chúa Giê Su Ky Tô thương xót cha, nếu không thì chẳng bao giờ cha được xá miễn tội lỗi. Nhưng này, cha đã khẩn cầu Ngài, và cha đã tìm được sự bình an cho linh hồn cha.17

Giống như An Ma, chúng ta cũng sẽ tìm thấy bình an cho tâm hồn mình khi chúng ta bước đi với Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của mình, và áp dụng quyền năng chữa lành của Ngài trong cuộc sống.

Sự bình an chúng ta đều tìm kiếm đòi hỏi nhiều hơn là một ước muốn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải hành động---bằng cách học hỏi nơi Ngài, bằng cách lắng nghe những lời của Ngài, và bằng cách bước đi với Ngài. Chúng ta có thể không có khả năng kiểm soát tất cả những gì xảy ra xung quanh mình, nhưng chúng ta có thể chi phối cách chúng ta áp dụng khuôn mẫu về sự bình an mà Chúa đã cung cấp---một khuôn mẫu mà làm cho việc thường xuyên nghĩ về Chúa Giê Su được dễ dàng.

Hình Ảnh
Chúng ta có thể áp dụng mẫu mực của Đấng Cứu Rỗi.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là “con đường, lẽ thật và sự sống”18 và rằng chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể có được sự bình an thật sự trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.