2010–2019
Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình
Tháng tư 2016


Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình

Bằng quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh là người bạn đồng hành thường xuyên, chúng ta có thể luôn được xá miễn các tội lỗi của mình.

Một cụm từ sâu sắc mà Vua Bên Gia Min sử dụng trong những lời giảng dạy của ông về Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài đã từng là một đề tài được lặp đi lặp lại trong việc nghiên cứu và suy ngẫm của tôi trong nhiều năm.

Trong bài giảng giã từ của ông gây xúc động về phần thuộc linh cho những người ông đã phục vụ và yêu thương, Vua Bên Gia Min đã mô tả tầm quan trọng của việc hiểu biết về vinh quang của Thượng Đế và nếm được tình yêu thương của Ngài, việc nhận được sự xá miễn các tội lỗi, và luôn luôn ghi nhớ sự vĩ đại của Thượng Đế, và việc cầu nguyện hàng ngày cùng đứng vững trong đức tin.1 Ông cũng hứa rằng khi làm những điều này, “thì các người luôn luôn được vui sướng, và được tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế, và luôn luôn được xá miễn các tội lỗi của mình.”2

Sứ điệp của tôi tập trung vào nguyên tắc luôn luôn được xá miễn các tội lỗi của chúng ta. Lẽ thật được biểu lộ trong cụm từ này có thể củng cố đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và giúp chúng ta trở thành các môn đồ tốt hơn. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi dẫn và gây dựng chúng ta khi chúng ta cùng nhau xem xét các lẽ thật thuộc linh thiết yếu.

Sự Tái Sinh về Phần Thuộc Linh

Trên trần thế, chúng ta trải qua kinh nghiệm về sự sinh nở phần thể xác và cơ hội tái sinh về phần thuộc linh.3 Chúng ta được các vị tiên tri và sứ đồ khuyên bảo phải “[thức tỉnh] trong Thượng Đế,”4 được “tái sinh,”5 và “nếu ai ở trong Đấng Ky Tô, thì [trở thành] người dựng nên mới”6 bằng cách tiếp nhận vào cuộc sống của chúng ta các phước lành có thể nhận được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các “công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh”7 có thể giúp chúng ta khắc phục được những khuynh hướng của con người thiên nhiên là tự cho mình là trung tâm và ích kỷ và trở nên vị tha, nhân từ và thánh thiện hơn. Chúng ta được khuyên nhủ phải sống sao cho chúng ta có thể “đứng không tì vết trước mặt [Chúa] vào ngày sau cùng.”8

Đức Thánh Linh và Các Giáo Lễ của Chức Tư Tế

Tiên Tri Joseph Smith tóm tắt vai trò thiết yếu của các giáo lễ chức tư tế trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như sau: “Chúng ta có thể được sinh ra một lần nữa là nhờ Thánh Linh của Thượng Đế qua các giáo lễ.”9 Lời phát biểu sâu sắc này nhấn mạnh đến vai trò của Đức Thánh Linh lẫn các giáo lễ thiêng liêng trong tiến trình tái sinh thiêng liêng.

Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn. Ngài là Đấng linh hồn và làm chứng về tất cả mọi lẽ thật. Trong thánh thư Đức Thánh Linh được gọi là Đấng An Ủi,10 Đấng giảng dạy,11 và Đấng mặc khải.12 Ngoài ra, Đức Thánh Linh còn là một Đấng thánh hóa13 thanh tẩy và giống như lửa đốt cháy cặn bã và điều ác ra khỏi linh hồn con người.

Các giáo lễ thiêng liêng là thiết yếu trong phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và trong tiến trình đến cùng Ngài và tìm kiếm sự tái sinh phần thuộc linh. Các giáo lễ là những hành động thiêng liêng có mục đích thuộc linh, ý nghĩa vĩnh cửu, và liên quan đến các luật pháp và luật lệ của Thượng Đế.14 Tất cả các giáo lễ cứu rỗi và giáo lễ Tiệc Thánh cần phải được một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế cần thiết cho phép.

Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao được thực hiện trong Giáo Hội phục hồi của Chúa có ý nghĩa nhiều hơn là việc thực hiện các nghi lễ hoặc những biểu tượng. Thay vì thế, các giáo lễ này gồm có những phương pháp được cho phép mà qua đó các phước lành và quyền năng của thiên thượng có thể tuôn chảy vào cuộc sống cá nhân của chúng ta.

“Và chức tư tế cao hơn này điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.

“Vậy nên, trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.

“Và nếu không có những giáo lễ thuộc chức tư tế này cùng thẩm quyền của chức tư tế, thì quyền năng của sự tin kính không được biểu hiện cho loài người trong thể xác biết được.”15

Các giáo lễ nhận được và được tôn kính với sự liêm chính là cần thiết để nhận được quyền năng của sự tin kính và tất cả các phước lành được dành sẵn nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Đạt Được và Gìn Giữ Sự Xá Miễn Các Tội Lỗi qua Các Giáo Lễ

Để thấu hiểu trọn vẹn hơn về tiến trình mà qua đó chúng ta có thể đạt được và luôn luôn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình, trước hết chúng ta cần phải hiểu mối quan hệ không thể tách rời giữa ba giáo lễ thiêng liêng mà cho phép tiếp cận với các quyền năng của thiên thượng: phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, phép đặt tay để ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, và Tiệc Thánh.

Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn các tội lỗi “là giáo lễ khởi đầu của phúc âm”16 của Chúa Giê Su Ky Tô và đòi hỏi trước tiên là phải có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và sự hối cải chân thành. Giáo lễ này “là một dấu hiệu và một lệnh truyền mà Thượng Đế đã thiết lập cho [con cái của Ngài] để bước vào vương quốc của Ngài.”17 Phép báp têm được thực hiện trong thẩm quyền của Chức Tư Tế A Rôn. Trong tiến trình đến cùng Đấng Cứu Rỗi và sự tái sinh phần thuộc linh, phép báp têm mang đến một sự thanh tẩy đầu tiên khỏi tội lỗi, là điều cần thiết cho tâm hồn của chúng ta.

Giao ước báp têm gồm có ba điều cam kết cơ bản: (1) tình nguyện mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, (2) luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và (3) tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Phước lành đã được hứa đối với việc tôn trọng giao ước này là “để [chúng ta] có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta].”18 Như vậy, phép báp têm là sự chuẩn bị thiết yếu để tiếp nhận cơ hội đã được cho phép tiếp tục có được sự đồng hành thường xuyên của Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn.

“Phép báp têm [bằng] nước … phải được kèm theo phép báp têm của Thánh Linh để được đầy đủ.”19 Như Đấng Cứu Rỗi đã dạy Ni Cô Đem: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.”20

Ba lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith nhấn mạnh đến mối liên hệ thiết yếu giữa các giáo lễ báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn các tội lỗi và phép đặt tay để có được ân tứ Đức Thánh Linh.

Lời phát biểu 1: “Phép báp têm là một giáo lễ thiêng liêng để chuẩn bị cho việc tiếp nhận Đức Thánh Linh; đó là cách thức và chìa khóa mà qua đó Đức Thánh Linh sẽ được ban cho.”21

Lời phát biểu 2: “Ta cũng có thể làm phép báp têm cho một túi cát thay vì cho một người, nếu giáo lễ đó không được thực hiện theo cách để được xá miễn các tội lỗi và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Phép báp têm bằng nước chỉ là một nửa phép báp têm, và không mang lại lợi ích gì nếu không có nửa kia---tức là phép báp têm bằng Đức Thánh Linh.”22

Lời phát biểu 3: “Phép báp têm bằng nước, nếu không có phép báp têm bằng lửa và Đức Thánh Linh tham dự, thì vô ích; các giáo lễ này cần phải được kết hợp chặt chẽ.”23

Sự kết hợp kiên định giữa nguyên tắc hối cải, các giáo lễ báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và phước lành vinh quang của sự xá miễn các tội lỗi được nhấn mạnh nhiều lần trong thánh thư.

Nê Phi tuyên bố: “Vì cổng mà các người phải đi vào tức là sự hối cải và phép báp têm bằng nước vậy; và tiếp đó là sự xá miễn các tội lỗi của các người bằng lửa và Đức Thánh Linh.24

Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Này, đây là lệnh truyền: Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh,, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng.”25

Phép đặt tay để ban cho ân tứ Đức Thánh Linh là một giáo lễ được thực hiện bằng thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Trong tiến trình đến cùng Đấng Cứu Rỗi và sự tái sinh phần thuộc linh, tiếp nhận quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta tạo ra khả năng có được sự thanh tẩy liên tục tâm hồn của chúng ta khỏi tội lỗi. Phước lành tuyệt vời này là thiết yếu vì “không một vật gì dơ bẩn có thể ở được cùng Thượng Đế.”26

Là tín hữu của Giáo Hội phục hồi của Chúa, chúng ta được ban phước bởi sự thanh tẩy đầu tiên của chúng ta khỏi tội lỗi được liên kết với phép phép báp têm và bởi tiềm năng của một sự thanh tẩy liên tục khỏi tội lỗi đã có thể được thực hiện nhờ vào sự đồng hành và quyền năng của Đức Thánh Linh---chính là Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn.

Hãy xem cách một người nông dân phụ thuộc vào khuôn mẫu bất biến của việc trồng trọt và thu hoạch. Việc hiểu được mối liên hệ giữa việc gieo trồng và thu hoạch là một nguồn hiểu biết liên tục của mục đích và ảnh hưởng đến tất cả các quyết định và hành động của một người nông dân lao động suốt năm. Tương tự như vậy, sự kết nối chặt chẽ giữa các giáo lễ báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn các tội lỗi và phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh cần phải ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của vai trò môn đồ của chúng ta trong suốt cuộc sống của mình.

Tiệc Thánh là giáo lễ thứ ba cần có để tiếp cận được với quyền năng của sự tin kính. Để có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, chúng ta được truyền lệnh phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của Chúa.27 Xin hãy xem xét rằng những biểu tượng về thể xác và máu của Chúa, tức là bánh và nước, đều được ban phước lẫn thánh hóa. “Hỡi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong tôn danh Con của Cha là Chúa Giê Su Ky Tô, chúng con cầu xin Cha ban phước và thánh hóa bánh này [hay nước này] cho linh hồn của tất cả những ai cùng chia xẻ bánh này [hay nước này], để họ được phép ăn [hay uống].”28 Thánh hóa là làm cho thanh khiết và thánh thiện. Các biểu tượng Tiệc Thánh được thánh hóa để tưởng nhớ đến sự thanh khiết của Đấng Ky Tô, về sự phụ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Sự Chuộc Tội của Ngài, và về trách nhiệm của chúng ta để tôn trọng các giáo lễ và các giao ước của chúng ta để chúng ta có thể “đứng không tì vết trước mặt [Ngài] vào ngày sau cùng.”29

Giáo lễ Tiệc Thánh là một lời mời thiêng liêng và được lặp đi lặp lại để phải hối cải chân thành và được đổi mới về phần thuộc linh. Hành động dự phần Tiệc Thánh, tự nó, không thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng khi chúng ta tận tình chuẩn bị và tham dự giáo lễ thiêng liêng này với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối thì lời hứa là chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Chúa ở cùng chúng ta. Và bằng quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh là người bạn đồng hành thường xuyên, chúng ta có thể luôn được xá miễn các tội lỗi của mình.

Chúng ta thật sự được phước mỗi tuần với cơ hội để đánh giá cuộc sống của mình qua giáo lễ Tiệc Thánh, để lập lại giao ước, và nhận được lời hứa của giao ước này.30

Chịu Phép Báp Têm Một Lần Nữa

Đôi khi Các Thánh Hữu Ngày Sau bày tỏ ước muốn là họ có thể được làm báp têm một lần nữa---và do đó trở nên trong sạch và xứng đáng như vào cái ngày mà họ nhận được giáo lễ phúc âm cứu rỗi đầu tiên của họ. Tôi xin trân trọng gợi ý rằng Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Quý của Ngài không có ý định cho chúng ta trải qua một cảm giác như vậy về việc được làm mới, đổi mới và hồi phục lại phần thuộc linh mà chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời của chúng ta mà thôi. Các phước lành để đạt được và luôn luôn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi qua các giáo lễ phúc âm giúp chúng ta hiểu rằng phép báp têm là một điểm khởi đầu trong cuộc hành trình thuộc linh trên trần thế; đó không phải là điểm đến mà chúng ta nên khao khát để trở lại nhiều lần.

Các giáo lễ báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, phép đặt tay để ban cho ân tứ Đức Thánh Linh, và Tiệc Thánh không phải là những giáo lễ riêng rẽ và rời rạc; thay vì thế, các giáo lễ này là những yếu tố trong một khuôn mẫu bổ sung và có liên quan với nhau trong tiến trình cứu chuộc. Mỗi giáo lễ liên tiếp đều làm nâng cao và mở rộng mục đích, ước muốn, và sự thực hiện về phần thuộc linh của chúng ta. Kế hoạch của Đức Chúa Cha, Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và các giáo lễ phúc âm mang đến ân điển chúng ta cần có để tiến bước và tiến triển theo từng hàng chữ một và từng lời giáo huấn một hướng đến vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Chúng ta là những con người không hoàn hảo đang cố gắng sống trên trần thế theo kế hoạch hoàn hảo về sự tiến triển vĩnh cửu của Cha Thiên Thượng. Những đòi hỏi của kế hoạch Ngài là vinh quang, thương xót, và nghiêm ngặt. Đôi khi chúng ta có thể tràn đầy quyết tâm và vào những lúc khác lại cảm thấy hoàn toàn không thích đáng. Chúng ta có thể tự hỏi liệu phần thuộc linh của mình có bao giờ có thể làm tròn lệnh truyền phải đứng không tì vết trước mặt Ngài vào ngày sau cùng không.

Với sự giúp đỡ của Chúa và qua quyền năng của Thánh Linh của Ngài để “dạy dỗ [chúng ta] mọi sự,”31 quả thực chúng ta có thể được phước để nhận biết các khả năng thuộc linh của mình. Các giáo lễ mời gọi mục đích và quyền năng của Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta cố gắng được sinh lại và trở thành những người nam và người nữ của Đấng Ky Tô.32 Những yếu kém của chúng ta có thể được củng cố và những giới hạn của chúng ta có thể được khắc phục.

Mặc dù không ai trong chúng ta có thể được hoàn hảo trong cuộc sống này, nhưng chúng ta có thể trở nên ngày càng xứng đáng và không tì vết khi chúng ta “được tẩy sạch bởi máu của Chiên Con.”33 Tôi hứa và làm chứng rằng chúng ta sẽ được phước với đức tin mạnh mẽ hơn nơi Đấng Cứu Rỗi và sự bảo đảm lớn hơn về phần thuộc linh khi chúng ta tìm cách luôn luôn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình, và cuối cùng, đứng không tì vết trước mặt Chúa vào ngày sau cùng. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.