2010–2019
Ngươi Hãy Khiêm Nhường
Tháng tư 2016


Ngươi Hãy Khiêm Nhường

Lòng khiêm nhường làm cho chúng ta có khả năng để làm các bậc cha mẹ, con trai và con gái, vợ chồng, người hàng xóm và bạn bè tốt hơn.

Trong Giáo Hội, chúng ta được phước vì có được một bộ sưu tập các bài thánh ca mà giúp chúng ta thờ phượng qua bài hát. Trong các buổi họp của Giáo Hội của mình, “các bài thánh ca mời Thánh Linh của Chúa đến, tạo ra một cảm giác tôn kính, đoàn kết chúng ta là các tín hữu, và mang đến cho chúng ta một cách để dâng lên lời ngợi khen Chúa. Một số bài giảng quan trọng nhất được thuyết giảng bằng cách hát các bài thánh ca.”1

Chỉ một vài tháng sau khi Giáo Hội được tổ chức, Tiên Tri Joseph Smith nhận được một mặc khải cho vợ của ông là Emma. Chúa chỉ thị cho bà phải “lựa chọn những bài thánh ca thiêng liêng, như nó sẽ được ban cho ngươi, điều mà làm vừa lòng ta, để được dùng trong giáo hội của ta.”2

Emma Smith thu thập một bộ sưu tập các bài thánh ca mà lần đầu tiên xuất hiện trong quyển thánh ca này ở Kirtland vào năm 1836.3 Chỉ có 90 bài hát gồm vào trong cuốn sách nhỏ và mỏng này. Nhiều bài hát này là những bài thánh ca từ các tôn giáo Tin Lành khác. Có ít nhất 26 bài do William W. Phelps viết. Ông là người sau này đã chuẩn bị và phụ giúp trong việc in ra quyển thánh ca. Chỉ có lời bài hát được viết; không có nốt nhạc kèm theo lời. Quyển thánh ca nhỏ khiêm tốn này chứng tỏ là một phước lành lớn lao cho các tín hữu ban đầu của Giáo Hội.

Hình Ảnh
Trang từ quyển thánh ca của Emma Smith
Hình Ảnh
Trang tựa từ quyển thánh ca của Emma Smith

Phiên bản mới nhất của quyển thánh ca bằng tiếng Anh của chúng ta được xuất bản vào năm 1985. Nhiều bài do Emma tuyển chọn trước đó rất nhiều năm vẫn được gồm vào trong quyển thánh ca của chúng ta như “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống” và “Tìm Đâu Cho Thấy Được Một Nền Vững Vàng.”4

Một bài hát mới trong quyển thánh ca xuất bản vào năm 1985 là: “Ngươi Hãy Khiêm Nhường.”5 Bài thánh ca êm ái này do Grietje Terburg Rowley viết. Chị đã qua đời năm ngoái. Chị gia nhập Giáo Hội vào năm 1950 ở Hawaii, là nơi chị đã làm nghề dạy học. Chị Rowley phục vụ trong Ủy Ban Trung Ương Âm Nhạc và giúp sửa chỉnh các bài thánh ca cho thích hợp để dịch sang nhiều ngôn ngữ. Lời của bài hát “Ngươi Hãy Khiêm Nhường” của chị được dựa trên hai câu thánh thư: Giáo Lý và Giao Ước 112:10Ê The 12:27. Câu thánh thư trong Ê The là: “Và nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”

Giống như tất cả các bài thánh ca của Giáo Hội, bài “Ngươi Hãy Khiêm Nhường” giảng dạy các lẽ thật thuần túy và đơn giản. Bài hát này dạy chúng ta rằng nếu chúng ta hạ mình, thì những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp ứng; tâm hồn của chúng ta sẽ được yên tĩnh; chúng ta phục vụ một cách hiệu quả hơn trong chức vụ kêu gọi của mình; và nếu tiếp tục trung thành, thì cuối cùng chúng ta sẽ trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy các tín đồ của Ngài rằng họ cần phải hạ mình như một trẻ nhỏ để vào được nước thiên đàng.6 Khi nuôi dạy con cái của mình, chúng ta cần phải giúp chúng luôn khiêm nhường khi chúng trưởng thành. Chúng ta không làm điều này bằng cách phá vỡ ý chí của chúng qua sự tàn nhẫn hoặc kỷ luật quá nghiêm khắc. Trong khi nuôi dưỡng lòng tự tin và tự trọng của chúng, chúng ta cần phải dạy cho chúng biết những đức tính vị tha, nhân từ, vâng lời, không kiêu ngạo, lễ độ, và khiêm tốn. Chúng ta cần chúng học cách vui mừng trước những thành công của các anh chị em ruột và bạn bè. Chủ Tịch Howard W. Hunter dạy rằng “mối quan tâm thật sự của chúng ta nên là sự thành công của người khác.”7 Nếu không, con cái của các anh chị em có thể trở nên tự làm lợi cho mình và qua mặt người khác, ganh tị và oán giận đối với những thành công của bạn bè. Tôi biết ơn mẹ tôi, khi thấy tôi đang trở nên kiêu ngạo lúc tôi còn bé, bà thường nói: “Con trai à, một chút khiêm nhường ngay bây giờ sẽ có lợi ích cho con rất nhiều đấy.”

Nhưng lòng khiêm nhường không phải là một điều gì đó chỉ dành để giảng dạy cho con cái không thôi. Chúng ta cũng đều phải cố gắng để trở nên khiêm nhường hơn. Lòng khiêm nhường là cần thiết để đạt được các phước lành của phúc âm. Lòng khiêm nhường làm cho chúng ta có khả năng để cảm thấy đau khổ khi phạm tội hoặc phạm lỗi lầm và làm cho chúng ta có thể hối cải. Lòng khiêm nhường làm cho chúng ta có khả năng để làm các bậc cha mẹ, con trai và con gái, vợ chồng, người hàng xóm và bạn bè tốt hơn.

Trái lại, tính kiêu ngạo không cần thiết có thể làm tổn thương các mối quan hệ gia đình, phá vỡ hôn nhân và hủy diệt tình bằng hữu. Là điều đặc biệt quan trọng để nhớ phải khiêm nhường khi các anh chị em cảm thấy có sự tranh chấp gia tăng trong nhà của mình. Hãy suy nghĩ về tất cả nỗi đau khổ các anh chị em có thể tránh được bằng cách hạ mình để nói: “Tôi xin lỗi”; “Đó là vì tôi thiếu suy nghĩ”; “Bạn muốn làm gì bây giờ?”; “Tôi đã không suy nghĩ”; hoặc “Tôi rất hãnh diện về bạn.” Nếu những câu ngắn này được sử dụng một cách khiêm nhường, thì sẽ có ít tranh chấp và có bình an nhiều hơn trong nhà của chúng ta.

Việc sống một cuộc sống đơn giản có thể và thường là một kinh nghiệm khiêm nhường. Tai nạn và bệnh tật, cái chết của những người thân yêu, những vấn đề trong mối quan hệ, thậm chí những khó khăn về tài chính có thể làm cho chúng ta khó hạ mình. Cho dù những kinh nghiệm khó khăn này xảy đến không phải là do lỗi của mình hoặc vì các quyết định sai lầm và óc xét đoán kém, nhưng những thử thách này đều làm cho chúng ta khiêm nhường. Nếu chúng ta chọn lĩnh hội và luôn khiêm nhường và dễ dạy thì những lời cầu nguyện của chúng ta trở nên tha thiết hơn và đức tin cùng chứng ngôn sẽ tăng trưởng khi chúng ta khắc phục được những gian truân của cuộc sống trần thế. Tất cả chúng ta đều mong đợi được tôn vinh, nhưng trước khi điều này có thể xảy ra, chúng ta cần phải kiên trì chịu đựng điều mà đã được gọi là “đáy sâu của lòng khiêm nhường.”8

Cách đây nhiều năm, đứa con trai 15 tuổi của chúng tôi là Eric bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu. Chúng tôi vô cùng đau đớn khi thấy nó ở trong tình trạng hôn mê suốt hơn một tuần. Các bác sĩ cho biết rằng họ không chắc điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Dĩ nhiên, chúng tôi rất xúc động khi thấy nó bắt đầu tỉnh lại. Vào lúc đó chúng tôi nghĩ là mọi việc sẽ được ổn thỏa, nhưng chúng tôi đã lầm.

Khi tỉnh lại, nó không thể đi hay nói hoặc tự ăn uống được. Tệ hại nhất là nó bị mất trí nhớ ngắn hạn. Nó có thể nhớ được gần như mọi việc xảy ra trước khi tai nạn, nhưng nó không có khả năng nhớ được những sự kiện xảy ra sau đó, thậm chí cả những gì xảy ra chỉ vài phút trước đó.

Đã có lúc chúng tôi lo sợ rằng mình sẽ có một đứa con trai với đầu óc trì trệ của một đứa trẻ 15 tuổi. Mọi việc đã rất suôn sẻ đối với con trai chúng tôi trước khi tai nạn này. Nó chơi thể thao, nổi tiếng và học giỏi. Trước đó, tương lai của nó dường như rất sáng lạn, giờ thì chúng tôi lo lắng rằng nó có thể không có tương lai, ít nhất là một tương lai nó có thể nhớ được. Giờ đây nó gặp khó khăn trong việc học lại các kỹ năng thật cơ bản. Đây là một thời gian vô cùng khiêm nhường đối với nó. Đó cũng là một thời gian vô cùng khiêm nhường đối với cha mẹ của nó.

Thực ra, chúng tôi tự hỏi làm thế nào chuyện như vậy có thể xảy ra được. Chúng tôi đã luôn luôn gắng sức làm điều đúng. Việc sống theo phúc âm là ưu tiên hàng đầu đối với gia đình chúng tôi. Chúng tôi đã không hiểu làm thế nào một điều vô cùng đau đớn như vậy có thể xảy đến cho chúng tôi. Chúng tôi càng cầu nguyện nhiều hơn khi nhận thấy rằng con trai mình sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để bình phục. Thật là khó hơn nữa khi chúng tôi dần dần nhận ra rằng con trai mình sẽ không trở lại như trước.

Trong thời gian này, chúng tôi đã khóc rất nhiều và những lời cầu nguyện càng trở nên chân thành và thành tâm hơn. Lòng đầy khiêm nhường, chúng tôi dần dần bắt đầu thấy những phép lạ nhỏ mà con trai chúng tôi trải qua trong thời gian đau đớn này. Nó bắt đầu khỏe dần. Thái độ và diện mạo của nó đã rất khả quan.

Ngày nay, con trai Eric của chúng tôi đã kết hôn với một người bạn đời tuyệt vời, và có năm đứa con xinh đẹp. Nó là một nhà giáo rất yêu nghề và đóng góp cho cộng đồng cũng như Giáo Hội. Quan trọng nhất, nó tiếp tục sống theo cùng tinh thần khiêm nhường nó đạt được cách đây rất lâu.

Nhưng nếu chúng ta có thể khiêm nhường trước khi bước qua “đáy sâu của lòng khiêm nhường” thì sao? An Ma đã dạy:

“Phước thay cho những ai biết hạ mình mà không vì bị bó buộc phải khiêm nhường”

“Phải, [họ là những kẻ] sẽ được ban phước nhiều hơn những người vì nghèo khó nên bó buộc phải khiêm nhường.”9

Tôi biết ơn các vị tiên tri, như An Ma, đã dạy cho chúng ta giá trị của thuộc tính cao quý này. Chủ Tịch thứ 12 của Giáo Hội, Spencer W. Kimball nói: “Làm thế nào một người có thể khiêm nhường được? Đối với tôi, một người phải liên tục được nhắc nhở về sự phụ thuộc của mình. Chúng ta phụ thuộc vào ai? Vào Chúa. Làm thế nào một người tự nhắc nhở mình về điều đó? Bằng lời cầu nguyện chân thành, liên tục, thành tâm và biết ơn.”10

Không có gì ngạc nhiên khi biết rằng bài thánh ca ưa thích của Chủ Tịch Kimball là “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn.”11 Anh Cả Dallin H. Oaks thuật lại rằng đây là bài thánh ca mở đầu được Các Anh Em Thẩm Quyền hát thường nhất trong đền thờ trong những năm đầu của ông trong Nhóm Túc Số Mười Hai. Ông nói: “Hãy hình dung ra ảnh hưởng thuộc linh của một nhóm nhỏ tôi tớ của Chúa hát bài hát đó trước khi cầu nguyện để có được sự hướng dẫn của Ngài trong việc làm tròn trách nhiệm quan trọng của họ.”12

Tôi làm chứng về tầm quan trọng của lòng khiêm nhường trong cuộc sống của chúng ta. Tôi biết ơn những người như Chị Grietje Rowley đã sáng tác những lời và nhạc đầy soi dẫn, giúp chúng ta học được giáo lý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà gồm có lòng khiêm nhường. Tôi biết ơn rằng chúng ta có một di sản thánh ca mà giúp chúng ta thờ phượng qua bài hát, và tôi biết ơn về lòng khiêm nhường. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ đều cố gắng để có được lòng khiêm nhường trong cuộc sống để có thể trở thành các bậc cha mẹ, các con trai và con gái, và môn đồ của Đấng Cứu Rỗi tốt hơn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “First Presidency Preface,” Hymns of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (1985), ix.

  2. Giáo Lý và Giao Ước 25:11.

  3. Trang tựa của ấn bản đầu tiên của quyển thánh ca Thánh Hữu Ngày Sau đề năm 1835, nhưng đã không được hoàn tất và có sẵn cho đến đầu năm 1836.

  4. Hai mươi sáu bài thánh ca nằm trong quyển thánh ca năm 1835 được gồm vào trong quyển thánh ca hiện tại của chúng ta (xin xem Kathleen Lubeck, “The New Hymnbook: The Saints Are Singing!” Ensign, tháng Chín năm 1985, 7).

  5. “Be Thou Humble,” Hymns, số 130.

  6. Xin xem Ma Thi Ơ 18:1–4.

  7. Howard W. Hunter, “The Pharisee and the Publican,” Ensign, tháng Năm năm 1984, 66.

  8. Anthon H. Lund, trong Conference Report, tháng Tư năm 1901, 22.

  9. An Ma 32:16, 15.

  10. The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball biên tập (1982), 233.

  11. “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 12; xin xem thêm Brent H. Nielson, “I Need Thee Every Hour,” Ensign, tháng Tư năm 2011, 16.

  12. Dallin H. Oaks, “Worship through Music,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 10.