2010–2019
Tôi Có Tin Không?
Tháng tư 2016


Tôi Có Tin Không?

Nếu những điều này là có thật, thì chúng ta có sứ điệp tuyệt vời nhất về niềm hy vọng và sự giúp đỡ mà thế giới chưa từng biết đến.

Vào ngày 30 tháng 3, cách đây đúng một năm, bé Ethan Carnesecca hai tuổi, ở American Fork, Utah, đã được đưa vào bệnh viện vì bị viêm phổi và phổi có nước. Hai ngày sau, tình trạng của bé đã trở nên trầm trọng đến nỗi bé cần phải được chở bằng trực thăng đến Bệnh Viện Nhi Đồng ở Salt Lake City. Michele, người mẹ đầy lo âu của bé, được đi theo con mình và ngồi ở ghế phía trước. Chị ấy được đưa cho một thiết bị nghe để có thể nói chuyện với những người khác trong chiếc máy bay trực thăng đó. Chị ấy có thể nghe các nhân viên y tế chăm sóc cho đứa con đang bị bệnh của chị, và vì cũng là một y tá nhi, nên Michele hiểu rằng Ethan đã gặp rắc rối trầm trọng.

Hình Ảnh
Ethan Carnesecca trong khi bị bệnh

Trong giây phút nguy kịch này, Michele thấy họ đang bay ở ngay phía trên Đền Thờ Draper Utah. Từ trên không, chị nhìn ra ngoài ngang qua thung lũng và cũng có thể nhìn thấy Đền Thờ Jordan River, Đền Thờ Oquirrh Mountain, và thậm chí cả Đền Thờ Salt Lake ở phía xa nữa. Ý nghĩ thoáng qua trong đầu chị: “Ta có tin hay không?”

Chị ấy nói về kinh nghiệm này:

“Tôi đã học được trong Hội Thiếu Nhi và Hội Thiếu Nữ về các phước lành của đền thờ và [rằng] ‘gia đình là vĩnh cửu’. Tôi đã chia sẻ sứ điệp về gia đình cho những người tốt ở Mexico khi đi truyền giáo. Tôi đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ với người bạn đời vĩnh cửu cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Tôi đã dạy các bài học về gia đình với tư cách là người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ, và tôi đã chia sẻ những câu chuyện về các gia đình được sống với nhau vĩnh viễn cho con cái nghe trong buổi họp tối gia đình. Tôi BIẾT đó là sự thật, nhưng tôi có TIN không? Câu trả lời của tôi đến nhanh như câu hỏi nảy ra trong đầu tôi: Thánh Linh đã xác nhận với tâm hồn tôi câu trả lời tôi đã biết---Tôi THẬT SỰ tin!

“Vào lúc đó, tôi dâng hết tâm hồn mình trong lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng, cám ơn Ngài về sự hiểu biết và niềm tin tôi đã có rằng gia đình thực sự là vĩnh cửu. Tôi cám ơn Ngài về Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã làm cho mọi việc đều có thể thực hiện được. Tôi cám ơn Ngài về con trai của tôi, và tôi thưa với Cha Thiên Thượng rằng nếu Ngài cần mang đứa con nhỏ Ethan của tôi về ngôi nhà thiên thượng của Ngài, thì cũng được. Tôi hoàn toàn tin cậy nơi Cha Thiên Thượng, và tôi biết là tôi sẽ gặp lại Ethan. Tôi vô cùng biết ơn rằng trong giây phút khủng hoảng đó, tôi đã có được sự hiểu biết VÀ niềm tin rằng phúc âm là chân chính. Tôi đã có sự bình an.”1

Ethan đã nằm trong bệnh viện nhiều tuần, được chăm sóc y tế chuyên môn. Những lời cầu nguyện, nhịn ăn, và đức tin của những người thân, kết hợp với sự chăm sóc như thế, đã cho phép Ethan ra viện và trở về nhà với gia đình của bé. Ngày nay, bé được mạnh khỏe rồi.

Hình Ảnh
Gia đình Carnesecca
Hình Ảnh
Ethan Carnesecca đã bình phục

Giây phút quan trọng này đối với Michele khẳng định với chị ấy rằng điều chị đã được dạy suốt cuộc đời có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ lời nói; điều này là có thật.

Đôi khi, phải chăng chúng ta có trở nên quen thuộc với các phước lành mà mình đã được ban cho với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đến nỗi chúng ta không thấu hiểu phép lạ và vẻ uy nghi của người môn đồ trong Giáo Hội chân chính của Chúa? Chúng ta đã bao giờ cảm thấy tội lỗi vì tự mãn về ân tứ lớn nhất mà mình có thể được ban cho trong cuộc sống này không? Chính Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”2

Chúng ta tin rằng Giáo Hội này có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một nơi tốt lành để đến tham dự vào ngày Chủ Nhật và học cách trở thành một người tốt. Giáo Hội có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một câu lạc bộ xã hội Ky Tô giáo ưa thích nơi mà chúng ta có thể kết giao với những người đạo đức tốt. Giáo Hội không phải chỉ là một tập hợp ý kiến tuyệt vời mà cha mẹ có thể dạy dỗ con cái ở nhà, để chúng sẽ là những người tốt và có trách nhiệm. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô còn có rất nhiều ý nghĩa hơn tất cả những điều này.

Hãy suy nghĩ chỉ trong một phút về những lời tuyên bố sâu sắc chúng ta đưa ra trong Giáo Hội này. Chúng ta tin rằng cùng một Giáo Hội mà Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập trong khi Ngài ở trên thế gian đã được phục hồi một lần nữa bởi một vị tiên tri được Thượng Đế kêu gọi trong thời kỳ của chúng ta và các vị lãnh đạo của chúng ta nắm giữ cùng một quyền năng và thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế như Các Sứ Đồ thời xưa đã nắm giữ. Điều này được gọi là chức tư tế của Thượng Đế. Chúng ta cho rằng, qua thẩm quyền được phục hồi này, chúng ta có thể nhận được các giáo lễ cứu rỗi chẳng hạn như phép báp têm và vui hưởng ân tứ thanh tẩy và ân tứ tôi luyện của Đức Thánh Linh luôn luôn ở với chúng ta. Chúng ta có các sứ đồ và các vị tiên tri hướng dẫn và chỉ dẫn Giáo Hội này qua các chìa khóa của chức tư tế, và tin rằng Thượng Đế phán bảo con cái Ngài qua các vị tiên tri này.

Chúng ta cũng tin rằng quyền năng của chức tư tế này làm cho việc lập các giao ước và tiếp nhận các giáo lễ trong các đền thờ thánh có thể thực hiện được để một ngày nào đó cho chúng ta khả năng để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế và sống với Ngài vĩnh viễn. Chúng ta cũng cho rằng, qua quyền năng này, các gia đình có thể được ràng buộc với nhau vĩnh viễn khi cặp vợ chồng lập giao ước hôn nhân mới và vĩnh viễn trong các tòa nhà thiêng liêng mà chúng ta thực sự tin là những ngôi nhà của Thượng Đế. Chúng ta tin rằng mình có thể nhận được các giáo lễ cứu rỗi này không chỉ cho bản thân mình thôi mà còn cho tổ tiên đã sống trên thế gian là những người không có cơ hội để tham gia vào các giáo lễ cứu rỗi thiết yếu này. Chúng ta tin rằng chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ cho tổ tiên của mình cũng trong những đền thờ thánh này.

Chúng ta tin rằng, qua một vị tiên tri và quyền năng của Thượng Đế, chúng ta đã nhận được thêm thánh thư, thêm chứng từ vào với chứng từ của Kinh Thánh khi tuyên bố rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian.

Chúng ta xác nhận rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Thượng Đế và là Giáo Hội chân chính duy nhất trên thế gian. Giáo Hội này được gọi là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô vì Ngài đứng đầu Giáo Hội; đây là Giáo Hội của Ngài, và tất cả những điều này đều có thể thực hiện được nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Ngài.

Chúng ta tin rằng những đặc điểm độc đáo này không thể nào tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu hoặc tổ chức nào khác trên thế gian này. Mặc dù các tôn giáo và giáo hội khác đều tốt và chân thành nhưng không có tổ chức nào trong số họ có được thẩm quyền để cung cấp các giáo lễ cứu rỗi mà có sẵn trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta có một sự hiểu biết về những điều này, nhưng chúng ta có tin những điều này không? Nếu những điều này là có thật, thì chúng ta có sứ điệp tuyệt vời nhất về niềm hy vọng và sự giúp đỡ mà thế giới chưa từng biết đến. Việc tin vào những điều này đều có ý nghĩa vĩnh cửu đặc biệt đối với chúng ta và những người mình yêu thương.

Muốn tin, chúng ta không những cần phải biết phúc âm mà còn cần phải cảm nhận lẽ trung thực của phúc âm nữa! Chúng ta có thể chỉ sống theo phúc âm một cách máy móc vì đó là điều kỳ vọng hoặc vì đó là nền văn hóa nơi chúng ta đã lớn lên hoặc vì đó là một thói quen. Có lẽ một số người đã không trải qua điều mà dân của Vua Bên Gia Min đã cảm thấy sau khi nghe bài giảng đầy thuyết phục của ông: “[Họ] đồng thanh kêu lên rằng: Vâng, chúng tôi tin mọi lời mà vua đã nói với chúng tôi; và hơn nữa, chúng tôi biết những lời ấy thật vững vàng và chân thật, vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”3

Chúng ta đều cần phải tìm cách thay đổi tấm lòng và bản tính của mình để không còn có ước muốn đi theo con đường của thế gian mà để làm hài lòng Thượng Đế. Sự cải đạo thật sự là một tiến trình diễn ra trong một khoảng thời gian và gồm có sự sẵn lòng để thực hành đức tin. Sự cải đạo đến khi chúng ta tìm kiếm thánh thư thay vì Internet. Sự cải đạo đến khi chúng ta tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Sự cải đạo đến khi chúng ta phục vụ những người xung quanh. Sự cải đạo đến từ lời cầu nguyện tha thiết, từ việc tham dự đền thờ thường xuyên, và trung thành làm tròn các trách nhiệm do Thượng Đế ban cho chúng ta. Điều này đòi hỏi phải kiên định và nỗ lực hàng ngày.

Tôi thường được hỏi: “Ngày nay, giới trẻ của chúng ta gặp phải thử thách lớn nhất nào?” Tôi đáp rằng tôi tin đó chính là ảnh hưởng luôn hiện diện của “tòa nhà rộng lớn và vĩ đại” trong cuộc sống của họ.4 Nếu Sách Mặc Môn được viết cho riêng thời kỳ chúng ta, thì chắc chắn chúng ta không thể không nhận ra sự liên quangiữa các sứ điệp trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống với tất cả chúng ta và ảnh hưởng của những người chỉ trỏ và chế giễu từ tòa nhà rộng lớn vĩ đại.

Điều đau lòng nhất đối với tôi là phần mô tả về những người đã khó khăn cố gắng để đi qua đám sương mù tối đen trên con đường chật và hẹp, đã bám vào thanh sắt, đã đạt đến mục tiêu của họ, và đã bắt đầu nếm trái tinh khiết và ngon ngọt của cây sự sống. Sau đó, thánh thư chép rằng những người ăn mặc sang trọng trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại đó “có hành động chế giễu và chỉ trỏ những người vừa đến và đang ăn trái cây ấy.

“Và sau khi đã nếm trái cây ấy, họ lấy làm hổ thẹn vì thấy những người kia đang chế nhạo mình; và họ đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”5

Những câu này mô tả những người trong chúng ta đã có phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình. Cho dù chúng ta đã được sinh ra trong phúc âm hay phải cố gắng rất nhiều để đi qua đám sương mù tối đen để tìm thấy phúc âm thì chúng ta cũng đã nếm trái cây này, là “quý giá và được hấp dẫn hơn hết thảy”6 và có tiềm năng để đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu, là “một ân tứ lớn lao hơn hết thảy mọi ân tứ khác của Thượng Đế.” Chúng ta chỉ cần tiếp tục dự phần chứ không chú ý đến những người chế giễu niềm tin của chúng ta hoặc những người vui sướng để tạo ra mối nghi ngờ hoặc những người chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội và giáo lý. Đó là sự lựa chọn của chúng ta hàng ngày--- để chọn đức tin hơn là nỗi nghi ngờ. Anh Cả M. Russell Ballard đã khuyên nhủ chúng ta phải “ở lại trong thuyền, sử dụng áo phao của mình, bám chặt bằng cả hai tay.”7

Là tín hữu của Giáo Hội chân chính của Chúa, chúng ta đã ở trong thuyền. Chúng ta không cần phải đi tìm kiếm các triết lý của thế gian về lẽ thật mà sẽ mang đến cho chúng ta niềm an ủi, giúp đỡ, và hướng dẫn để trải qua những thử thách của cuộc sống một cách an toàn---chúng ta đã có phúc âm rồi! Cũng như mẹ của Ethan đã có thể xem xét lại niềm tin bấy lâu nay của chị ấy và tự tin tuyên bố trong một giây phút khủng hoảng: “Tôi thật sự tin,” chúng ta cũng có thể làm như vậy!

Tôi làm chứng rằng vai trò tín hữu của chúng ta trong vương quốc của Chúa là một ân tứ vô giá. Tôi làm chứng rằng các phước lành và sự bình an mà Chúa đã chuẩn bị cho những người nào vâng lời và trung thành thì vượt quá bất cứ điều gì tâm trí con người có thể hiểu được. Tôi để lại chứng ngôn này với các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.