2010–2019
Hãy Tưởng Tượng Mình ở trong Đền Thờ
Tháng tư 2016


Hãy Tưởng Tượng Mình ở trong Đền Thờ

Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ tôn vinh Đấng Cứu Rỗi và có được bất cứ sự thay đổi cần thiết nào để tưởng tượng mình ở trong các đền thờ thánh của Ngài.

Sự trải rộng của kế hoạch cứu rỗi của Chúa trong gian kỳ này của thời kỳ trọn vẹn hầu như vượt quá sự hiểu biết của con người.1 Điều này được minh họa bằng lời thông báo của Chủ Tịch Thomas S. Monson về 4 ngôi đền thờ mới trong phiên họp đại hội này. Khi Chủ Tịch Monson được kêu gọi với tư cách là một Sứ Đồ vào năm 1963, đã có 12 đền thờ hoạt động trên thế giới.2 Với lễ cung hiến của Đền Thờ Provo City Center, hiện nay đã có 150 đền thờ, và sẽ có tất cả 177 đền thờ khi mọi đền thờ đã được loan báo làm lễ cung hiến. Điều này làm cho chúng ta khiêm nhường và vui mừng.

Cách đây một trăm tám mươi năm, cũng đúng vào ngày này, ngày 3 tháng Tư năm 1836, một khải tượng tuyệt vời đã được mở ra cho Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland. Điều này xảy ra chỉ một tuần sau khi lễ cung hiến của ngôi đền thờ đó. Trong khải tượng này họ trông thấy Chúa đứng trên bục gỗ trong đền thờ. Đấng Cứu Rỗi đã phán trong số những lời phán khác:

“Hãy để cho lòng của các anh em các ngươi hân hoan và lòng của tất cả dân ta hân hoan, là những người đã đem hết sức lực mình ra để xây dựng ngôi nhà này cho danh ta.

“Vì này, ta đã thu nhận ngôi nhà này, và danh ta sẽ ở nơi đây; và ta sẽ biểu hiện với lòng thương xót cho dân ta thấy trong ngôi nhà này.”3

Vào cái dịp thiêng liêng đó, các vị tiên tri thời xưa đã hiện đến, kể cả Ê Li, là người ban cho các chìa khóa cần thiết cho các giáo lễ đền thờ.

Chúng ta có cảm giác vui mừng khôn xiết nào đó đang diễn ra ở Quito, Ecuador; Harare, Zimbabwe; Belém, Brazil; và Lima, Peru, với các tín hữu lẫn những người truyền giáo, dựa trên những gì đã xảy ra ở Bangkok, Thái Lan, cách đây một năm khi đền thờ đó được loan báo. Chị Shelly Senior, vợ của David Senior, chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Thái Lan lúc bấy giờ đã gửi email cho gia đình và bạn bè kể rằng sau khi vợ chồng chị đã nghe Chủ Tịch Monson loan báo về ngôi đền thờ đó, đã có “12 tiếng đồng hồ không ngủ và có rất nhiều giọt lệ hạnh phúc.” Họ gọi điện thoại cho các phụ tá phái bộ truyền giáo của họ vào lúc 11 giờ 30 đêm và thông báo cho họ biết. Các phụ tá gọi điện thoại cho tất cả những người truyền giáo. Rồi sau đó họ được cho biết rằng “cả phái bộ truyền giáo đã thức dậy giữa đêm và vui mừng.” Chị Senior đã khuyên gia đình và bạn bè một cách hóm hỉnh: “Xin đừng nói cho Sở Truyền Giáo biết nhé!”4

Sự hưởng ứng nhiệt tình về mặt thuộc linh của các tín hữu ở Thái Lan cũng mạnh mẽ không kém. Tôi tin rằng họ đã chuẩn bị về mặt tinh thần trong lòng, trong các gia đình và những biểu hiện từ thiên thượng để chuẩn bị Các Thánh Hữu về địa điểm của những ngôi đền thờ mới.

Hình Ảnh
Thiếu nữ Thái với một tấm kính soi mặt mà ghi rằng: “Hãy Tưởng Tượng Mình ở trong Đền Thờ.”

Chị Senior, ở Thái Lan, đã có một số kính soi mặt đặc biệt để sử dụng trong việc giảng dạy cá nhân của chị, nhất là với các chị em phụ nữ. Những tấm kính soi mặt có khắc hình đền thờ với dòng chữ: “Hãy Tưởng Tượng Mình ở trong Đền Thờ.” Khi mọi người nhìn vào tấm kính soi mặt, họ nhìn thấy họ trong đền thờ. Vợ chồng Chủ Tịch Senior đã dạy cho những người tầm đạo và các tín hữu tự hình dung ra mình ở trong đền thờ và có những thay đổi cần thiết trong lối sống và sự chuẩn bị phần thuộc linh để đạt được mục tiêu này.

Lời yêu cầu của tôi buổi sáng hôm nay là dành cho mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta sinh sống ở đâu, hãy tưởng tượng mình ở trong đền thờ. Chủ Tịch Monson đã nói: “Các anh chị em sẽ không nhận được tất cả những gì mà Giáo Hội dành cho mình cho đến khi các anh chị em vào Nhà của Chúa và nhận được tất cả mọi phước lành đang chờ đợi mình trong đó. Các phước lành quan trọng và cao quý nhất của vai trò tín hữu trong Giáo Hội là các phước lành mà chúng ta nhận được trong đền thờ của Thượng Đế.”5

Mặc dù thế gian ngày nay thiếu sự ngay chính, nhưng chúng ta đang sống trong một thời kỳ thiêng liêng và thánh thiện. Với lòng nhân từ và yêu thương, các vị tiên tri đã mô tả thời kỳ của chúng ta trong nhiều thế kỷ.6

Tiên Tri Joseph Smith, trích dẫn Áp Đia7 trong Kinh Cựu Ước lẫn 1 Phi E Rơ 8 trong Kinh Tân Ước, đã nhận ra mục đích vĩ đại của Thượng Đế trong việc cung cấp phép báp têm cho người chết và cho phép chúng ta làm cứu tinh trên Núi Si Ôn.9

Chúa đã làm cho các tín hữu của chúng ta thịnh vượng và cung cấp các nguồn tài liệu và sự hướng dẫn của vị tiên tri để chúng ta có thể được xứng đáng trong việc chu toàn các trách nhiệm của mình đối với đền thờ cho cả người sống lẫn người chết.

Nhờ vào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta hiểu được mục đích của cuộc sống, kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài, sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi, và vai trò chính yếu của gia đình trong tổ chức của thiên thượng.10

Sự kết hợp giữa con số gia tăng của các đền thờ và công nghệ tiên tiến để làm tròn các trách nhiệm của chúng ta đối với lịch sử gia đình thiêng liêng cho các tổ tiên của mình làm cho điều này thành thời gian được phước nhất trong tất cả lịch sử. Tôi vui mừng về sự trung tín phi thường của giới trẻ của chúng ta trong khi làm công việc index (sắp xếp thông tin cá nhân cho lịch sử gia đình) cùng tìm kiếm tổ tiên của họ rồi sau đó làm phép báp têm và lễ xác nhận trong đền thờ. Các em thật sự thuộc vào trong số các cứu tinh đã được tiên tri trên Núi Si Ôn.

Làm Thế Nào Chúng Ta Chuẩn Bị cho Đền Thờ?

Chúng ta biết rằng sự ngay chính và sự thánh hóa là những phần thiết yếu của việc chuẩn bị cho đền thờ.

Trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 97, có ghi: “Và miễn là dân ta xây cất một ngôi nhà cho ta trong danh Chúa, và không để cho bất cứ một vật không thanh sạch nào vào trong đó, có nghĩa là không được để cho ngôi nhà ấy bị ô uế, thì vinh quang của ta sẽ ngự ở trong đó.”11

Cho đến năm 1891, Chủ Tịch của Giáo Hội đã ký vào mỗi giấy giới thiệu đi đền thờ để bảo vệ sự thiêng liêng của đền thờ. Sau đó, trách nhiệm này đã được ủy quyền cho các giám trợ và chủ tịch giáo khu.

Chúng tôi vô cùng mong muốn các tín hữu của Giáo Hội sẽ sống xứng đáng với một giấy giới thiệu đi đền thờ. Xin đừng nghĩ rằng đền thờ là một mục tiêu quá xa vời và có lẽ không thể đạt được. Nếu làm việc với giám trợ của mình, thì hầu hết các tín hữu đều có thể đạt được tất cả những điều kiện ngay chính trong một thời gian tương đối ngắn nếu họ có một quyết tâm để hội đủ điều kiện và hoàn toàn hối cải về tội lỗi. Điều này gồm có việc sẵn lòng tha thứ cho bản thân mình và không tập trung vào những điều không hoàn hảo hoặc tội lỗi của mình và cảm thấy là những điều đó làm cho chúng ta không xứng đáng để bước vào một đền thờ thiêng liêng.

Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã được thực hiện cho tất cả con cái của Thượng Đế. Sự hy sinh cứu chuộc của Ngài thỏa mãn những đòi hỏi của công lý cho tất cả những người thật sự hối cải. Thánh thư mô tả điều này trong một cách tuyệt vời nhất:

“Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết.”12

“Và [ta] chẳng nhớ tội chúng nó nữa.”13

Chúng tôi bảo đảm với các anh chị em rằng việc sống theo các nguyên tắc ngay chính sẽ mang lại hạnh phúc, sự mãn nguyện và bình an cho các anh chị em và gia đình.14 Các tín hữu, cả người lớn lẫn giới trẻ, 15 tự xác nhận sự xứng đáng của họ khi họ trả lời những câu hỏi để được giới thiệu đi đền thờ. Điều đòi hỏi thiết yếu là gia tăng chứng ngôn của chúng ta về Thượng Đế Đức Chúa Cha; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Sự Phục Hồi của phúc âm của Ngài và nhận được sự phục sự của Đức Thánh Linh.

Các Phước Lành của Đền Thờ Là Vô Số

Các phước lành chính của đền thờ là các giáo lễ tôn cao. Kế hoạch phúc âm là về sự tôn cao và bao gồm việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế. Ngoại trừ phép báp têm và lễ xác nhận, các giáo lễ và các giao ước này được thực hiện và tiếp nhận trong đền thờ cho người sống. Đối với người chết, tất cả các giáo lễ cứu rỗi và các giao ước đều được tiếp nhận trong đền thờ.

Brigham Young dạy: “Không có một điều nào mà Chúa có thể làm cho sự cứu rỗi của gia đình nhân loại mà Ngài lại không làm; … tất cả những gì có thể được thực hiện cho sự cứu rỗi của họ, mà không có sự phụ giúp của họ, đã được hoàn thành trong và qua Đấng Cứu Rỗi.”16

Các vị lãnh đạo Giáo Hội tổ chức các giáo khu, tiểu giáo khu, nhóm túc số, tổ chức bổ trợ Giáo Hội, phái bộ truyền giáo, và v.v…trong các giáo đường của chúng ta và các tòa nhà khác. Chúa chỉ tổ chức các gia đình vĩnh cửu trong các đền thờ mà thôi.

Rõ ràng là những người có tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối đã thực sự hối cải tội lỗi của họ đều hoàn toàn được Chúa chấp nhận vào trong ngôi nhà thánh của Ngài.17 Chúng ta biết “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai.”18 Một trong những điều quý báu mà tôi yêu thích về đền thờ là không hề có sự phân biệt nào về sự giàu sang, tầng lớp, hoặc địa vị trong số những người tham dự. Chúng ta đều bình đẳng trước Thượng Đế. Mọi người đều mặc đồ màu trắng để biểu thị rằng chúng ta là một dân tộc thanh khiết và ngay chính.19 Mọi người đều ngồi cạnh nhau với một ước muốn trong lòng là được làm những người con trai và con gái xứng đáng của Cha Thiên Thượng nhân từ.

Hình Ảnh
Phòng làm lễ gắn bó trong đền thờ

Chỉ cần nghĩ rằng, trên khắp thế gian, những người nam và người nữ có thể nhờ “các giáo lễ và và các giao ước thiêng liêng có sẵn trong các đền thờ thánh … trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và … được kết hợp vĩnh viễn.”20 Họ làm điều này trong một căn phòng thiêng liêng tuyệt đẹp dành để làm lễ gắn bó, có sẵn cho tất cả các tín hữu xứng đáng với đền thờ. Sau khi lập các giao ước này, họ có thể “nhìn thấy mình trong” những tấm kính đền thờ đối diện nhau. “Các tấm kính đền thờ cùng nhau phản ảnh hình ảnh trải dài bất tận dường như đến tận cõi vĩnh cửu.”21 Những hình ảnh phản chiếu này giúp chúng ta nhìn thấy cha mẹ, ông bà, và tất cả các thế hệ trước. Những hình ảnh này giúp chúng ta nhận ra các giao ước thiêng liêng mà kết nối chúng ta với tất cả các thế hệ tiếp theo. Điều này là vô cùng quan trọng, và bắt đầu khi các anh chị em “tưởng tượng mình ở trong đền thờ.”

Hình Ảnh
Các tấm kính trong một căn phòng làm lễ gắn bó của đền thờ

Chủ Tịch Howard W. Hunter khuyên bảo chúng ta phải “xem xét những lời giảng dạy hùng hồn trong lời cầu nguyện cung hiến Đền Thờ Kirtland, một lời cầu nguyện mà Tiên Tri Joseph Smith nói là đã được ban cho ông qua sự mặc khải. Đó là một lời cầu nguyện mà vẫn tiếp tục ban phước cho chúng ta với tư cách là các cá nhân, các gia đình và một dân tộc vì quyền năng của chức tư tế mà Chúa đã ban cho chúng ta để sử dụng trong các đền thờ thánh của Ngài.”22 Chúng ta cần phải nghiên cứu tiết 109 sách Giáo Lý và Giao Ước và tuân theo lời khuyên dạy của Chủ Tịch Hunter “phải thiết lập đền thờ của Chúa làm biểu tượng trọng đại về vai trò tín hữu [của chúng ta].”23

Đền thờ cũng là một nơi dung thân, nơi tạ ơn, chỉ dẫn, và hiểu biết, “để [chúng ta] có thể được hoàn hảo … về mọi điều liên quan tới vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.”24 Trong suốt cuộc đời của tôi, đền thờ là một nơi yên tĩnh và bình an trong một thế giới thật sự náo động.25 Thật là điều tuyệt vời để bỏ lại những lo lắng trần tục trong khung cảnh thiêng liêng đó.

Thường thì trong đền thờ và khi chúng ta tham gia vào việc nghiên cứu lịch sử gia đình, chúng ta cảm thấy những thúc giục và có ấn tượng từ Đức Thánh Linh.26 Thỉnh thoảng trong đền thờ, tấm màn che giữa chúng ta và những người ở phía bên kia trở nên rất mỏng. Chúng ta nhận thêm được sự trợ giúp trong các nỗ lực của mình để làm những cứu tinh trên núi Si Ôn.

Cách đây vài năm trong một đền thờ ở Trung Mỹ, người vợ của một trong các vị nay là Thẩm Quyền Trung Ương danh dự của chúng ta đã phụ giúp một người cha, người mẹ và con cái của họ trong việc tiếp nhận các giao ước vĩnh cửu trong căn phòng làm lễ gắn bó nơi mà có các tấm kính đền thờ. Khi họ kết thúc giáo lễ và đứng đối diện với các tấm kính đó thì bà nhận thấy có một khuôn mặt ở trong tấm kính mà không hiện diện ở trong căn phòng đó. Bà hỏi người mẹ và biết được rằng một cô con gái đã qua đời và vì thế đã không có mặt ở đó. Sau đó, người con gái đã qua đời đó đã được gồm vào trong giáo lễ thiêng liêng làm thay cho người chết.27 Đừng bao giờ xem thường sự phụ giúp được cung cấp trong đền thờ từ phía bên kia của bức màn che.

Xin hãy biết rằng chúng tôi tha thiết mong muốn rằng mọi người nên có bất cứ những thay đổi cần thiết nào để hội đủ điều kiện đi đền thờ. Hãy thành tâm cân nhắc xem tình trạng phần thuộc linh của mình như thế nào, tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh, và nói chuyện với giám trợ của các anh chị em về việc chuẩn bị bản thân mình để đi đền thờ. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Mục tiêu quan trọng nhất đối với các anh chị em để cố gắng đạt được là sống xứng đáng để đi đền thờ.”28

Đấng Cứu Rỗi “Là Đá Góc Nhà Chính và Vững Vàng của Đức Tin Chúng Ta và Giáo Hội của Ngài”

Tôi có đặc ân được tham gia với Chủ Tịch Henry B. Eyring tại buổi lễ tái cung hiến Đền Thờ Suva Fiji cách đây hai tháng. Đó là một dịp đặc biệt và thiêng liêng. Lòng dũng cảm và các ấn tượng thuộc linh mạnh mẽ của Chủ Tịch Eyring đã cho phép buổi lễ tái cung hiến được tiến hành bất chấp cơn bão dữ dội nhất từng biết đến ở Nam Bán Cầu. Những sự bảo vệ vật chất và thuộc linh đã được cung cấp cho giới trẻ, những người truyền giáo, và các tín hữu.29 Ảnh hưởng của Chúa được thấy rõ ràng. Lễ tái cung hiến Đền Thờ Suva Fiji là một nơi dung thân khỏi cơn bão. Thường thường khi trải qua những cơn bão của cuộc đời, chúng ta chứng kiến bàn tay của Chúa trong việc cung cấp những sự bảo vệ vĩnh cửu.

Lễ cung hiến ban đầu của Đền Thờ Suva Fiji vào ngày 18 tháng Sáu năm 2000, cũng rất phi thường. Khi ngôi đền thờ sắp được hoàn thành, thì các thành viên của quốc hội bị một nhóm phiến quân bắt cóc. Khu vực thành phố Suva, Fiji, bị cướp phá và đốt cháy. Quân đội tuyên bố thiết quân luật.

Với tư cách là Chủ Tịch Giáo Vùng, tôi đã đi với bốn chủ tịch giáo khu ở Fiji đến gặp những người lãnh đạo quân sự tại các doanh trại Nữ Hoàng Elizabeth. Sau khi chúng tôi giải thích về lễ cung hiến đã được hoạch định, thì họ đều ủng hộ nhưng lo ngại về sự an toàn của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Họ đề nghị một lễ cung hiến nhỏ không có các buổi lễ ở bên ngoài đền thờ, kể cả nghi lễ đặt viên đá góc nhà. Họ nhấn mạnh rằng bất cứ ai ở bên ngoài đền thờ cũng có khả năng là một mục tiêu để gây bạo động.

Chủ Tịch Hinckley đã chấp thuận làm một phiên lễ cung hiến nhỏ chỉ với chủ tịch đoàn đền thờ mới và một vài người lãnh đạo địa phương; không có những người nào khác được mời vì sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, ông nói dứt khoát: “Nếu làm lễ cung hiến đền thờ thì chúng ta sẽ có buổi lễ đặt viên đá góc nhà vì Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà chính, và đây là Giáo Hội của Ngài.”

Khi chúng tôi thực sự đi ra ngoài để làm lễ đặt viên đá góc nhà, thì không có sự hiện diện của những người ngoại đạo, trẻ em, giới truyền thông, hoặc những người nào khác. Nhưng một vị tiên tri trung tín đã cho thấy sự cam kết can đảm và vững chắc của ông đối với Đấng Cứu Rỗi.

Về sau, khi đề cập đến Đấng Cứu Rỗi, Chủ Tịch Hinckley nói: “Không có ai sánh bằng Ngài. Không bao giờ và cũng sẽ không bao giờ. Tạ ơn Thượng Đế về sự ban cho Con Trai Yêu Dấu của Ngài, là Đấng đã phó mạng sống của Ngài để chúng ta có thể được sống và là viên đá góc nhà chính, vững vàng của đức tin chúng ta và Giáo Hội của Ngài.”30

Thưa các anh chị em, tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ tôn vinh Đấng Cứu Rỗi và có được bất cứ sự thay đổi cần thiết nào để “tưởng tượng mình ở trong các đền thờ thánh của Ngài.” Khi làm như vậy, chúng ta có thể đạt được các mục đích thiêng liêng của Ngài và tự chuẩn bị mình và gia đình mình cho tất cả các phước lành mà Chúa và Giáo Hội của Ngài có thể ban cho trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu. Tôi đưa ra lời chứng chắc chắn rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men. [Note: Xin duyệt lại phần note vì có nhiều đoạn dài thêm vào]

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 112:30–32.

  2. Đền thờ thứ 12, Đền Thờ London England, được làm lễ cung hiến vào ngày 7 tháng Chín năm 1958.

  3. Giáo Lý và Giao Ước110:6–7.

  4. Shelly Senior, email, ngày 6 tháng Tư năm 2015.

  5. Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh---Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 93.

  6. Xin xem Ê Sai 2:2.

  7. Xin xem Áp Đia 1:21.

  8. Xin xem 1 Phi E Rơ 4:6.

  9. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 409.

  10. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (2004), 177, 192–93.

  11. Giáo Lý và Giao Ước97:15; xin xem thêm câu 17.

  12. Ê Sai 1:18.

  13. Giê Rê Mi 31:34.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  15. Ngoài giấy giới thiệu được những người thành niên đã làm lễ thiên ân nắm giữ, còn có một giấy giới thiệu sử dụng có giới hạn để làm phép báp têm cho người chết mà giới trẻ và những người thành niên chưa làm lễ thiên ân nhưng xứng đáng nhận được. Cả hai giấy giới thiệu đòi hỏi phải có chữ ký của người nhận xác nhận sự xứng đáng cá nhân. Giấy giới thiệu sử dụng có giới hạn có giá trị trong một năm và mang đến một cơ hội cho giám trợ đoàn để thảo luận với mỗi người về sự xứng đáng của họ hàng năm.

  16. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 32.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:42.

  18. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34; xin xem thêm Mô Rô Ni 8:12; Giáo Lý và Giao Ước1:35; 38:16.

  19. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 100:16.

  20. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 129.

  21. Gerrit W. Gong, “Những Tấm Kính Đền Thờ Chiếu Rọi đến Suốt Vĩnh Cửu: Chứng Ngôn về Gia Đình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 37.

  22. Teachings of the Presidents of the Church: Howard W. Hunter (2015), 183.

  23. Teachings: Howard W. Hunter, 178.

  24. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 97:13–14.

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 45:26–27.

  26. Chúng ta thường gọi đây là thần Ê Li. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng thần Ê Li là “một biểu hiện của Đức Thánh Linh làm chứng về thiên tính của gia đình” (“A New Harvest Time,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 34).

  27. Được cho phép chia sẻ.

  28. Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh---Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” 93.

  29. Những người truyền giáo và giới trẻ được mang vào từ hòn đảo bên ngoài biển được ở an toàn trong các trường học của Giáo Hội và các tòa nhà Giáo Hội và được an toàn từ các tác động dữ dội nhất của Cơn Lốc Winston.

  30. Gordon B. Hinckley, “Bốn Nền Tảng của Đức Tin,” Liahona, tháng Hai năm 2004, 4–5.