2010–2019
“Để Ta Có Thể Thu Hút Tất Cả Mọi Người Đến cùng Ta”
Tháng tư 2016


“Để Ta Có Thể Thu Hút Tất Cả Mọi Người Đến cùng Ta”

Khi chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, thì quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đi vào cuộc sống của chúng ta.

Các anh chị em thân mến, trong khi sống ở Châu Phi, tôi đã tìm kiếm lời khuyên từ Anh Cả Wilford W. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi về việc giúp đỡ Các Thánh Hữu đang sống trong cảnh nghèo khó. Trong số những điều hiểu biết sâu sắc đáng kể ông đã chia sẻ với tôi là câu này: “Khi khoảng cách giữa người cho và người nhận càng xa thì người nhận càng nảy sinh một cảm nghĩ về quyền được hưởng.”

Đây là nguyên tắc cơ bản của hệ thống an sinh của Giáo Hội. Khi các tín hữu không có khả năng đáp ứng nhu cầu riêng của mình thì đầu tiên họ phải tìm đến gia đình của họ. Sau đó, nếu cần, họ cũng có thể tìm đến các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương của họ để được phụ giúp với nhu cầu vật chất.1 Những người trong gia đình và các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương là những người hiểu rõ nhất về những người gặp hoạn nạn, thường có kinh nghiệm về những hoàn cảnh tương tự, và hiểu cách tốt nhất để giúp đỡ. Vì họ gần gũi với những người cho, nên những người nhận mà được giúp đỡ theo khuôn mẫu này đều biết ơn và có khả năng là ít cảm thấy được quyền hưởng.

Khái niệm—“khi khoảng cách giữa người cho và người nhận càng xa thì người nhận càng nảy sinh một cảm nghĩ về quyền được hưởng”—cũng có những sự áp dụng thuộc linh sâu sắc. Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô, là hai Đấng ban cho tột bậc. Chúng ta càng ở xa hai Ngài thì chúng ta càng cảm thấy là mình có quyền được hưởng. Chúng ta bắt đầu suy nghĩ rằng chúng ta xứng đáng với ân điển và các phước lành đang nợ chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng nhiều hơn để nhìn xung quanh, nhận ra những điều bất công, và cảm thấy bực tức---thậm chí còn bị phật lòng---bởi điều bất công mà chúng ta nhận thấy. Mặc dù sự bất công có thể thay đổi từ nhỏ nhặt đến đau lòng, nhưng khi chúng ta xa cách Thượng Đế, thì thậm chí những điều bất công nhỏ cũng dường như rất lớn. Chúng ta cảm thấy rằng Thượng Đế có nghĩa vụ phải sửa sai mọi điều---và sửa sai ngay bây giờ!

Sự khác biệt tạo ra bởi mối quan hệ gần gũi của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô được minh họa trong Sách Mặc Môn trong sự trái ngược hiển nhiên giữa Nê Phi và hai người anh, La Man và Lê Mu Ên:

  • Nê Phi có “khát vọng lớn lao muốn biết về những điều kín nhiệm của Thượng Đế, vậy nên tôi đã kêu cầu Chúa” và lòng ông đã được xoa dịu.2 Trái lại, La Man và Lê Mu Ên xa rời Thượng Đế---họ không biết Ngài.

  • Nê Phi chấp nhận những nhiệm vụ đầy thử thách mà không hề ta thán, nhưng La Man và Lê Mu Ên “đã ta thán nhiều điều.” Ta thán trong thánh thư đồng nghĩa với tiếng khóc nhè của trẻ con. Thánh thư ghi lại rằng “họ ta thán là vì họ không hiểu những việc làm của Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra họ.”3

  • Mối quan hệ gần gũi của Nê Phi với Thượng Đế cho phép ông nhận ra và biết ơn “tấm lòng thương xót dịu dàng”4của Thượng Đế. Trái lại, khi La Man và Lê Mu Ên thấy Nê Phi nhận được các phước lành, họ “tức giận ông vì họ không hiểu những việc làm của Chúa.”5 La Man và Lê Mu Ên tin rằng họ được quyền nhận các phước lành mà họ nhận được và tức giận nghĩ rằng họ nên có nhiều hơn nữa. Họ dường như coi các phước lành của Nê Phi là “những điều sai trái” để chống lại họ. Đây là ví dụ trong thánh thư về việc được quyền bất mãn.

  • Nê Phi thực hành đức tin nơi Thượng Đế để thực hiện điều mà ông đã được phán bảo phải làm.6 Trái lại, La Man và Lê Mu Ên, vì “lòng dạ họ chai đá nên họ đã không biết tìm tới Chúa như theo lẽ họ phải làm.”7 Họ dường như cảm thấy rằng Chúa đã bắt buộc phải cung cấp câu trả lời cho câu hỏi mà họ đã không đặt ra. Họ nói: “Chúa không tiết lộ cho các anh biết những điều như vậy”8 nhưng họ còn không bỏ ra nỗ lực để cầu vấn. Đây là ví dụ trong thánh thư về sự hoài nghi cùng nhạo báng về lẽ thật.

Vì xa cách Đấng Cứu Rỗi, nên La Man và Lê Mu Ên ta thán, hay gây gổ, và không có đức tin. Họ cảm thấy rằng cuộc đời là không công bằng và họ được quyền hưởng ân điển của Thượng Đế. Trái lại, vì ông đã đến gần Thượng Đế, nên Nê Phi chắc hẳn nhận ra rằng cuộc sống sẽ không công bằng nhất đối với Chúa Giê Su Ky Tô. Mặc dù hoàn toàn vô tội, nhưng Đấng Cứu Rỗi phải chịu đau khổ nhiều nhất.

Chúng ta càng gần Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi ý nghĩ và ý định trong lòng thì chúng ta càng biết ơn nỗi đau khổ vô tội của Ngài, càng biết ơn nhiều hơn về ân điển và sự tha thứ, và càng muốn hối cải và trở nên giống như Ngài. Khoảng cách tuyệt đối của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng, nhưng hướng chúng ta đang đi lại còn quan trọng hơn nữa. Thượng Đế hài lòng hơn với người phạm tội biết hối cải, đang cố gắng đến gần Ngài hơn là những người tự cho là ngay chính, bắt bẻ người khác, giống như những người Pha Ri Si và những thầy thông giáo thời xưa, đã không nhận ra là họ cần phải hối cải biết bao.9

Khi còn nhỏ, tôi đã hát một bài ca Giáng Sinh của Thụy Điển giảng dạy một bài học đơn giản nhưng hùng hồn---việc đến gần Đấng Cứu Rỗi khiến cho chúng ta thay đổi. Lời bài hát là như sau:

Khi buổi sáng Giáng Sinh mới đến

Tôi muốn đi đến chuồng gia súc,

Nơi có Thượng Đế ở ban đêm

Đang nằm nghỉ ngơi trên rơm rạ.

Ngài rất mong muốn

Xuống thế gian!

Bây giờ, tôi không muốn lãng phí

Những tháng ngày thơ ấu trong tội lỗi nữa!

Chúa Giê Su ơi, chúng con cần Ngài,

Ngài là bạn thân của trẻ em.

Con không còn muốn làm Ngài buồn

Với các tội lỗi của con nữa.10

Giả dụ, khi chúng ta tự mình đi đến chuồng gia súc ở Bết Lê Hem “nơi có Thượng Đế ở ban đêm nằm nghỉ ngơi trên rơm rạ,” thì chúng ta có thể nhận ra rõ hơn Đấng Cứu Rỗi là một sự ban cho từ một Cha Thiên Thượng nhân từ, đầy lòng yêu thương. Thay vì cảm thấy được quyền hưởng các phước lành và ân điển của Ngài, chúng ta nên phát triển một ước muốn mãnh liệt để ngừng gây ra thêm buồn phiền cho Thượng Đế.

Dù chúng ta hiện đang đi hướng nào hoặc khoảng cách của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là bao xa đi nữa thì chúng ta cũng có thể chọn quay về với hai Ngài và đến gần hai Ngài hơn. Hai Ngài sẽ giúp chúng ta. Như Đấng Cứu Rỗi đã phán với dân Nê Phi sau khi Ngài phục sinh:

“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta, …

“Và cũng chính vì lý do đó mà ta đã bị treo lên; vậy nên, nhờ quyền năng của Đức Chúa Cha, ta sẽ thu hút tất cả mọi người đến cùng ta.”11

Để đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta cần phải gia tăng đức tin của mình nơi Ngài, lập và tuân giữ các giao ước, và có được Đức Thánh Linh ở với chúng ta. Chúng ta cũng phải hành động theo đức tin, đáp ứng theo sự hướng dẫn của Thánh Linh mà mình nhận được. Tất cả những yếu tố này đến với nhau trong Tiệc Thánh. Thật vậy, tôi biết cách tốt nhất để đến gần Thượng Đế hơn là chuẩn bị kỹ và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng mỗi tuần.

Một người bạn của chúng tôi ở Nam Phi đã chia sẻ cách chị ấy đã tiến đến việc nhận ra điều này như thế nào. Khi Diane mới cải đạo, chị tham dự một chi nhánh ở bên ngoài Johannesburg. Một ngày Chủ Nhật, khi chị ngồi với giáo đoàn, cách thiết kế của giáo đường làm cho thầy trợ tế không thấy chị khi Tiệc Thánh được chuyền đi. Diane thất vọng nhưng không nói gì cả. Một tín hữu khác nhận thấy điều thiếu sót đó và đề cập với chủ tịch chi nhánh sau buổi lễ. Khi Trường Chủ Nhật bắt đầu, Diane đã được mời đến một phòng học trống.

Một người nắm giữ chức tư tế bước vào. Người ấy quỳ xuống, ban phước bánh, và đưa cho chị ấy một miếng bánh. Chị ấy ăn. Người ấy quỳ xuống lần nữa và ban phước nước và đưa cho chị một ly nhỏ. Chị uống. Sau đó, Diane đã lần lượt có hai ý nghĩ: Trước hết, “Ồ, người ấy [người nắm giữ chức tư tế] đã làm điều này chỉ cho tôi.” Và sau đó là: “Ồ, Ngài [Đấng Cứu Rỗi] đã làm điều này chỉ cho tôi.” Diane đã cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng.

Chị nhận biết rằng sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi là chỉ dành cho chị và đã giúp chị cảm thấy gần gũi Ngài và tạo ra một ước muốn dâng tràn để gìn giữ cảm nghĩ đó trong lòng chị, chứ không phải chỉ vào ngày Chủ Nhật thôi, mà là mỗi ngày. Chị nhận biết rằng mặc dù chị ngồi với giáo đoàn để dự phần Tiệc Thánh, nhưng các giao ước chị đã lập một lần nữa mỗi ngày Chủ Nhật là riêng của chị. Tiệc Thánh đã giúp---và tiếp tục giúp---Diane cảm nhận được quyền năng của tình yêu thương của Thượng Đế, nhận ra ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của chị, và đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.

Đấng Cứu Rỗi đã nhận biết Tiệc Thánh là thiết yếu cho một nền tảng thuộc linh. Ngài phán:

“Và ta truyền lệnh cho các ngươi phải làm những việc này [dự phần Tiệc Thánh]. Và phước thay cho các ngươi nếu các ngươi luôn luôn làm những việc này, vì các ngươi được xây dựng trên đá của ta.

“Còn những kẻ nào trong các ngươi làm gì nhiều hơn hoặc ít hơn những điều này thì không được xây dựng trên đá của ta, mà xây dựng trên nền cát; và rồi khi mưa rơi xuống, khi lụt tràn tới, khi gió nổi lên, sẽ vùi dập chúng, khiến chúng sụp đổ.”12

Chúa Giê Su đã không phán là “nếu mưa rơi xuống, nếu lụt tràn tới, và nếu gió nổi lên”, mà là “khi nào.” Không ai được miễn trừ khỏi những thử thách của cuộc sống; chúng ta đều cần sự an toàn có được từ việc dự phần Tiệc Thánh.

Vào ngày Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi, hai môn đồ đi đến một ngôi làng tên là Em Ma Út. Họ không nhìn ra Chúa phục sinh đang cùng họ hành trình. Trong khi họ đang đi đường, Ngài đã dạy họ từ thánh thư. Khi đến nơi, họ mời Ngài ăn với họ.

“Đang khi Ngài ngồi ăn cùng hai người, thì lấy bánh, chúc tạ, đoạn, bẻ ra cho họ.

“Mắt họ bèn mở ra, mà nhìn biết Ngài; song Ngài thoạt biến đi không thấy.

“Hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?

“Nội giờ đó, họ liền đứng dậy, trở về thành Giê Ru Sa Lem, gặp [các sứ đồ] cùng các môn đồ khác đang nhóm lại.”

Và sau đó họ đã làm chứng cùng Các Sứ Đồ rằng “Chúa thật đã sống lại. …

“Rồi hai người thuật lại sự đã xảy đến khi đi đường, và nhìn biết Ngài lúc bẻ bánh ra là thể nào.”13

Tiệc Thánh thực sự giúp chúng ta biết được Đấng Cứu Rỗi. Tiệc Thánh cũng nhắc nhở chúng ta về nỗi đau khổ vô tội của Ngài. Nếu cuộc đời đã thực sự công bằng thì các anh chị em và tôi sẽ không bao giờ được phục sinh; các anh chị em và tôi sẽ không bao giờ có thể được trong sạch đứng trước mặt Thượng Đế. Khi nghĩ về điều này, tôi biết ơn là cuộc sống đã không công bằng.

Đồng thời, tôi có thể dứt khoát nói rằng, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên cuối cùng, với một sự hiểu biết vĩnh cửu về mọi sự việc, sẽ không có sự bất công. “Tất cả những điều không công bằng về cuộc sống đều có thể được làm cho ngay đúng.”14 Hoàn cảnh hiện tại của chúng ta có thể không thay đổi, nhưng nhờ vào lòng trắc ẩn, nhân từ và tình yêu thương của Thượng Đế, chúng ta sẽ đều nhận được nhiều hơn chúng ta xứng đáng nhận được, nhiều hơn chúng ta có thể từng đạt được, và nhiều hơn chúng ta có thể từng hy vọng được. Chúng ta được hứa rằng “Thượng Đế sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [chúng ta], sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi.”15

Cho dù mối quan hệ của các anh chị em với Thượng Đế hiện đang là thế nào đi nữa, tôi cũng mời các anh chị em đến gần hơn với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, là hai Đấng Hảo Tâm và Ban Cho Tột Bậc tất cả những điều tốt lành. Tôi mời các anh chị em tham dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần và dự phần vào các biểu tượng thiêng liêng của thể xác và máu của Đấng Cứu Rỗi. Tôi mời các anh chị em hãy cảm thấy sự gần gũi của Thượng Đế khi Ngài tự biểu hiện cho các anh chị em biết, như Ngài đã làm với các môn đồ thời xưa, trong “việc bẻ bánh.”

Khi các anh chị em làm như vậy, tôi hứa rằng các anh chị em sẽ cảm thấy gần Thượng Đế hơn. Những khuynh hướng tự nhiên để khóc nhè như trẻ con, được quyền bất mãn, và hoài nghi cùng nhạo báng về lẽ thật sẽ biến mất. Những thái độ đó sẽ được thay thế bằng những cảm nghĩ về tình yêu thương và lòng biết ơn sâu đậm hơn đối với sự ban cho Vị Nam Tử của Cha Thiên Thượng. Khi chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, quyền năng làm cho có khả năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến với cuộc sống của chúng ta. Và, cũng như các môn đồ trên đường đi Em Ma Út, chúng ta sẽ thấy rằng Đấng Cứu Rỗi đã luôn cận kề chúng ta. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 6.2. Từ trang 1 Việc Chu Cấp theo Cách của Chúa: Phần Tóm Lược Sách Hướng Dẫn của Vị Lãnh Đạo về Chương Trình An Sinh (cuốn sách nhỏ, 2009), chúng ta đọc: “Khi các tín hữu Giáo Hội đang làm hết sức mình để tự lo liệu cho bản thân họ nhưng không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, thì thường thường trước hết họ nên tìm đến gia đình họ để được giúp đỡ. Khi điều này là không đủ hoặc không thể làm được, thì Giáo Hội sẵn sàng giúp đỡ.”

  2. 1 Nê Phi 2:16.

  3. 1 Nê Phi 2:11, 12.

  4. 1 Nê Phi 1:20.

  5. Mô Si A 10:14.

  6. Xin xem 1 Nê Phi 17:23–50.

  7. 1 Nê Phi 15:3.

  8. 1 Nê Phi 15:9; xin xem thêm câu 8.

  9. Xin xem Lu Ca 15:2; xin xem thêm Joseph Smith, trong History of the Church, 5:260–62.

  10. Ca khúc Giáng Sinh do Abel Burckhardt (1805–1882) viết bằng tiếng Đức, là người đã phục vụ với tư cách là một phó giám mục ở Basel, Thụy Sĩ. Bản dịch Thụy Điển do Betty Ehrenborg-Posse thực hiện vào năm 1851. Tựa đề tiếng Thụy Điển là “När juldagsmorgon glimmar.” Nhiều bản dịch tiếng Anh đã được đưa ra nhằm làm cho ca khúc này được hát theo giai điệu dân gian Đức, là giai điệu thường được sử dụng. Bản dịch tiếng Anh được đưa ra ở đây là của em gái tôi (Anita M. Renlund) và của tôi.

    Khi buổi sáng Giáng Sinh mới đến

    Tôi muốn đi đến chuồng gia súc,

    |: Nơi có Thượng Đế ở ban đêm

    Đang nằm nghỉ ngơi trên rơm rạ.:|

    Ngài rất mong muốn

    Xuống thế gian!

    |: Bây giờ, tôi không muốn lãng phí

    Những tháng ngày thơ ấu trong tội lỗi nữa! :|

    Chúa Giê Su ơi, chúng con cần Ngài, Ngài là bạn thân của trẻ em.

    |: Con không còn muốn làm Ngài buồn

    Với các tội lỗi của con nữa. :|

    När juldagsmorgon glimmar,

    jag vill till stallet gå,

    |: där Gud i nattens timmar

    re’n vilar uppå strå. :|

    Hur god du var som ville

    till jorden komma ner!

    |: Nu ej i synd jag spille

    min barndoms dagar mer! :|

    Dig, Jesu, vi behöva,

    du käre barnavän.

    |: Jag vill ej mer bedröva

    med synder dig igen. :|

  11. 3 Nê Phi 27:14–15.

  12. 3 Nê Phi 18:12–13.

  13. Lu Ca 24:30–35; xin xem thêm các câu 13–29.

  14. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 52.

  15. Khải Huyền 21:4.