2010–2019
Tác Dụng Chữa Lành của Sự Tha Thứ
Tháng tư 2016


Tác Dụng Chữa Lành của Sự Tha Thứ

Sự tha thứ là một nguyên tắc vinh quang, chữa lành. Chúng ta không cần phải là một nạn nhân hai lần. Chúng ta có thể tha thứ.

Tất cả những gì thuộc vào Thượng Đế đều bao gồm tình yêu thương, ánh sáng, và lẽ thật. Tuy nhiên, là con người, chúng ta sống trong một thế giới sa ngã, đôi khi đầy tối tăm và hỗn loạn. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sẽ có lỗi lầm, bất công, và tội lỗi xảy ra. Do đó, không có một người nào trên trần thế mà sẽ, lúc này hay lúc khác, không phải là nạn nhân của các hành động bất cẩn, hành vi gây tổn thương, hoặc thậm chí hành vi tội lỗi của một người khác. Đó là một điều mà tất cả chúng ta đều có.

May thay, trong tình yêu thương và lòng thương xót dành cho con cái của Ngài, Thượng Đế đã chuẩn bị một cách để giúp chúng ta vượt qua những kinh nghiệm đôi khi khó khăn này của cuộc sống. Ngài đã cung cấp một lối thoát cho tất cả những ai là nạn nhân do những hành động xấu xa của người khác gây ra. Ngài đã dạy chúng ta rằng chúng ta có thể tha thứ! Mặc dù chúng ta có thể là nạn nhân một lần, nhưng chúng ta không cần phải là một nạn nhân hai lần khi mang gánh nặng của nỗi hận thù, cay đắng, đau đớn, oán giận, hoặc thậm chí trả thù. Chúng ta có thể tha thứ, và chúng ta có thể được giải thoát!

Cách đây nhiều năm, trong khi sửa sang lại hàng rào, một miếng dằm nhỏ đâm vào và nằm trong ngón tay tôi. Tôi đã cố gắng không ít để lấy cái dằm đó ra và nghĩ rằng tôi đã thành công, nhưng dường như tôi đã không lấy nó ra được. Thời gian trôi qua, miếng da mọc lên trên cái dằm đó, tạo thành một chỗ u ở trên ngón tay tôi. Thật là khó chịu và đôi khi đau đớn.

Nhiều năm sau, cuối cùng tôi quyết định phải hành động. Tôi chỉ cần bôi thuốc mỡ lên chỗ u đó và dán băng lên. Tôi lặp lại việc này thường xuyên. Các anh chị em không thể tưởng tượng được nỗi ngạc nhiên của tôi một ngày kia, khi tôi gỡ miếng băng ra, và cái dằm đã trồi lên trên ngón tay tôi.

Loại thuốc mỡ đó đã làm mềm da và tạo ra một lối thoát cho chính cái thứ mà đã gây ra đau đớn trong nhiều năm. Một khi cái dằm đã được gỡ bỏ, thì ngón tay được chữa lành nhanh chóng, và cho đến ngày nay, vẫn không còn bằng chứng nào về vết thương đó.

Tương tự như vậy, một tâm hồn không tha thứ chất chứa quá nhiều đau đớn vô ích. Khi chúng ta bôi thuốc mỡ chữa lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Ngài sẽ làm mềm lòng chúng ta và giúp chúng ta thay đổi. Ngài có thể chữa lành tâm hồn bị tổn thương (xin xem Gia Cốp 2: 8).

Tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều muốn tha thứ, nhưng chúng ta thấy điều đó rất khó để làm. Khi đã trải qua một sự bất công, chúng ta có thể nhanh chóng nói: “Người đó đã làm sai. Họ đáng bị trừng phạt. Công lý ở đâu rồi?” Chúng ta lầm tưởng rằng nếu chúng ta tha thứ, thì bằng cách nào đó công lý sẽ không được đáp ứng và hình phạt sẽ tránh được.

Trường hợp này hoàn toàn không phải là như vậy. Thượng Đế sẽ đưa ra một hình phạt công bằng, vì lòng thương xót không thể cướp đoạt công lý (xin xem An Ma 42:25). Thượng Đế nhân từ bảo đảm với các anh chị em và tôi rằng: “Hãy để một mình ta phán xét, vì sự phán xét là của ta, và ta sẽ báo ứng. [Hãy để] bình an cho các ngươi” (GLGƯ 82:23). Tiên tri Gia Cốp trong Sách Mặc Môn cũng hứa rằng Thượng Đế “sẽ an ủi các anh chị em trong những lúc đau khổ của mình, Ngài sẽ biện minh cho trường hợp của các anh em, và sẽ giáng công lý xuống những kẻ muốn tìm cách hủy diệt các anh em” (Gia Cốp 3:1).

Là nạn nhân, nếu trung tín, chúng ta có thể cảm thấy được an ủi nhiều khi biết rằng Thượng Đế sẽ đền bù cho chúng ta mọi điều bất công chúng ta đã gánh chịu. Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã nói: “Chúa đền bù cho người trung tín mọi sự mất mát. … Mỗi giọt lệ ngày hôm nay thì rốt cuộc sẽ được đền bù gấp trăm lần với những giọt lệ vui mừng và biết ơn.”1

Khi cố gắng tha thứ cho người khác, chúng ta cũng hãy cố gắng nhớ rằng chúng ta đều đang phát triển phần thuộc linh, nhưng chúng ta đều ở các mức độ khác nhau. Mặc dù rất dễ để quan sát những thay đổi và sự tăng trưởng trong thể xác, nhưng rất khó để nhìn thấy sự tăng trưởng trong phần thuộc linh của chúng ta.

Một bí quyết để tha thứ cho người khác là cố gắng để nhìn họ như Thượng Đế nhìn họ. Đôi khi, Thượng Đế có thể cho phép chúng ta thấy và hiểu tấm lòng, tâm hồn và tinh thần của một người khác đã xúc phạm đến mình. Sự thấu hiểu này thậm chí có thể dẫn đến một tình yêu thương mãnh liệt đối với người đó.

Thánh thư dạy chúng ta rằng tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài là hoàn hảo. Ngài biết tiềm năng của con cái Ngài là tốt, bất kể quá khứ của họ. Theo ý kiến chung, có thể chưa có một kẻ thù nào hung hãn hay tàn nhẫn đối với các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô hơn Sau Lơ ở Tạt Sơ. Tuy nhiên, một khi Thượng Đế cho Sau Lơ thấy ánh sáng và lẽ thật, thì chưa bao giờ có một môn đồ nào của Đấng Cứu Rỗi tận tụy, nhiệt tình, hoặc bạo dạn hơn của Đấng Cứu Rỗi. Sau Lơ trở thành Sứ Đồ Phao Lô. Cuộc đời của ông đưa ra một tấm gương tuyệt vời về cách Thượng Đế không những nhìn thấy con người hiện tại của người ta bây giờ mà còn nhìn thấy con người mà họ có thể trở thành nữa. Trong cuộc sống của mình, chúng ta đều có những người giống như Sau Lơ với tiềm năng giống như Phao Lô. Các anh chị em có thể tưởng tượng gia đình, cộng đồng và thế giới của chúng ta nói chung có thể thay đổi như thế nào nếu chúng ta đều cố gắng để nhìn nhau như Chúa nhìn chúng ta không?

Chúng ta thường nhìn người phạm tội theo cách chúng ta nhìn một tảng băng trôi---chúng ta chỉ thấy đầu tảng băng trên mặt nước chứ không thấy bên dưới nước. Chúng ta không biết tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống của một người. Chúng ta không biết quá khứ của họ; chúng ta không biết những nỗi vất vả của họ; chúng ta không biết những nỗi đau đớn mà họ đang mang. Thưa các anh chị em, xin đừng hiểu lầm. Tha thứ không phải là bỏ qua. Chúng ta không hợp lý hóa hành vi xấu hoặc cho phép người khác ngược đãi chúng ta những nỗi vất vả, đau đớn hoặc yếu kém của họ. Nhưng chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết và bình an lớn lao hơn khi chúng ta nhìn với một quan điểm rộng rãi hơn.

Chắc chắn là những người kém trưởng thành về phần thuộc linh có thể thực sự phạm những lỗi lầm nghiêm trọng---tuy nhiên không ai trong số chúng ta nên bị cá nhân hóa chỉ bởi điều tồi tệ nhất mà mình đã làm. Thượng Đế là quan tòa hoàn hảo. Ngài thấy ở dưới bề mặt. Ngài biết tất cả và thấy tất cả (xin xem 2 Nê Phi 2:24). Ngài đã phán: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” (GLGƯ 64:10).

Khi Ngài bị vô cớ buộc tội, rồi sau đó bị tấn công, bị đánh đập dã man, và bị bỏ đau đớn trên thập tự giá, chính Đấng Ky Tô đã phán trong giây phút đó: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34).

Với óc thiển cận của mình, đôi khi chúng ta có thể thấy là thật dễ dàng để nảy sinh lòng oán giận đối với những người khác mà không hành động hoặc suy nghĩ theo cách của mình. Chúng ta có thể tạo nên thái độ cố chấp dựa trên những điều chẳng hạn như ủng hộ việc chống đối các đội thể thao, giữ quan điểm chính trị khác nhau, hoặc có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời khuyên dạy khôn ngoan khi ông nói: “Cơ hội để lắng nghe những người khác tôn giáo hay khuynh hướng chính trị khác nhau có thể thúc đẩy lòng khoan dung và sự học hỏi.”2

Sách Mặc Môn đề cập đến một thời gian mà “dân của giáo hội đã bắt đầu dương dương tự đắc trong mắt mình, và … bắt đầu khinh bỉ lẫn nhau, và họ bắt đầu ngược đãi những ai không biết tin theo ý muốn và sở thích của mình” (An Ma 4:8). Chúng ta hãy đều nhớ rằng Thượng Đế không nhìn vào màu áo hoặc đảng phái chính trị. Thay vì thế, như Am Môn đã tuyên bố: “[Thượng Đế] ở trên cao nhìn xuống tất cả con cái loài người, và Ngài thấu hiểu hết mọi ý tưởng và dự định trong lòng mọi người” (An Ma 18:32). Thưa các anh chị em, trong các cuộc thi đua trong cuộc đời, nếu chúng ta chiến thắng, thì chúng ta hãy chiến thắng trong vinh dự. Nếu chúng ta thua, thì chúng ta hãy thua trong vinh dự. Vì nếu chúng ta sống với vinh dự đối với nhau, thì vinh dự sẽ là phần thưởng của chúng ta vào ngày sau cùng.

Tương tự như chúng ta đều là nạn nhân của những hành động xấu của người khác vào một thời điểm nào đó, thì đôi khi chúng ta cũng là những người phạm tội. Chúng ta đều phạm lỗi lầm và cần đến ân điển, lòng thương xót và sự tha thứ. Chúng ta phải nhớ rằng sự tha thứ tội lỗi và hành vi phạm tội của chúng ta tùy thuộc vào điều kiện của sự tha thứ của chúng ta đối với người khác. Đấng Cứu Rỗi phán:

“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi.

“Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma Thi Ơ 6:14–15).

Trong tất cả những điều mà Đấng Cứu Rỗi có thể đã nói trong Lời Cầu Nguyện của Chúa, là lời cầu nguyện khá ngắn, thì thật là thú vị để thấy rằng Ngài đã chọn gồm vào câu “Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma Thi Ơ 6:12; 3 Nê Phi 13:11).

Sự tha thứ chính là lý do mà Thượng Đế gửi Vị Nam Tử của Ngài đến, vì thế chúng ta hãy vui mừng vì Ngài muốn chữa lành tất cả chúng ta.Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi không phải chỉ dành cho những người cần phải hối cải; đó cũng là dành cho những người cần phải tha thứ. Nếu các anh chị đang gặp khó khăn trong việc tha thứ cho người khác hoặc thậm chí cho bản thân mình, thì hãy cầu xin Thượng Đế giúp đỡ. Sự tha thứ là một nguyên tắc vinh quang, chữa lành. Chúng ta không cần phải là một nạn nhân hai lần. Chúng ta có thể tha thứ.

Tôi làm chứng về tình yêu thương bền bỉ và lòng kiên nhẫn của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài và về ước muốn của Ngài rằng chúng ta yêu thương lẫn nhau như Ngài yêu thương chúng ta (xin xem Giăng 15:9, 12). Khi làm như vậy, chúng ta sẽ loại bỏ bóng tối của thế gian này để bước vào vinh quang và vẻ uy nghi của vương quốc của Ngài trên thiên thượng. Chúng ta sẽ được giải thoát. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Joseph B. Wirthlin, “Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó,”Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 28.

  2. Russell M. Nelson, “Listen to Learn,” Ensign, tháng Năm năm 1991, 23.