2010–2019
Nơi Chốn Thiêng Liêng của Sự Phục Hồi
Tháng tư 2016


Nơi Chốn Thiêng Liêng của Sự Phục Hồi

Palmyra là nơi chốn của Sự Phục Hồi, nơi mà tiếng nói của Đức Chúa Cha sẽ được nghe thấu sau gần hai thiên niên kỷ.

Trong nhiều năm, một người bạn tốt của tôi là một tín hữu của Giáo Hội đã cố gắng để giảng dạy cho tôi phúc âm về gia đình vĩnh cửu. Phải đến khi tham dự ngày mở cửa cho công chúng vào tham quan Đền Thờ São Paulo vào tháng 10 năm 1978, và bước vào căn phòng làm lễ gắn bó, thì giáo lý về gia đình vĩnh cửu mới thấm sâu vào lòng tôi, và tôi đã cầu nguyện nhiều ngày để biết đây có phải là Giáo Hội chân chính không.

Tôi không phải là người mộ đạo nhưng đã được nuôi dạy bởi cha mẹ mộ đạo và đã nhìn thấy điều tốt lành ở các tôn giáo khác. Vào thời điểm đó trong cuộc sống của mình, tôi nghĩ rằng tất cả mọi tôn giáo đều được Thượng Đế chấp nhận.

Sau chuyến đi tham quan đền thờ trong dịp mở cửa cho công chúng, tôi đã tìm ra một câu trả lời, tôi đã có đức tin và một sự tin tưởng chắc chắn rằng Thượng Đế sẽ trả lời cho tôi biết giáo hội nào là Giáo Hội của Ngài trên thế gian.

Sau khi đã vất vả vật lộn về phần thuộc linh, cuối cùng tôi đã nhận ra một câu trả lời rõ ràng. Tôi được mời chịu phép báp têm. Lễ báp têm của tôi đã diễn ra vào ngày 31 tháng Mười năm 1978, cái đêm trước một phiên lễ cung hiến Đền Thờ São Paulo.

Tôi nhận biết rằng Chúa biết và quan tâm đến tôi như Ngài đã đáp ứng những lời cầu nguyện của tôi.

Buổi sáng hôm sau, vợ chồng tôi đi đến São Paulo để tham dự một phiên lễ cung hiến đền thờ.

Chúng tôi có mặt ở đó, nhưng tôi thực sự chưa biết cách để biết ơn cơ hội tuyệt vời này. Ngày hôm sau, chúng tôi tham dự một đại hội giáo vùng.

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống của tín hữu trong Giáo Hội, và tìm được những người bạn tốt đã chào đón chúng tôi trong bước ngoặt này của cuộc đời.

Các lớp học vào ngày Chủ Nhật dành cho người mới cải đạo mà chúng tôi tham dự thật là tuyệt vời. Các lớp học giúp chúng tôi được tràn ngập sự hiểu biết và làm cho chúng tôi mong muốn tuần lễ trôi qua thật nhanh để có thể được nuôi dưỡng thêm về phần thuộc linh vào ngày Chủ Nhật.

Vợ chồng tôi khao khát mong đợi được bước vào đền thờ để gia đình chúng tôi được làm lễ gắn bó suốt thời vĩnh cửu. Điều đó đã xảy ra một năm và 7 ngày sau phép báp têm của tôi, đó là một giây phút tuyệt vời. Tôi cảm thấy như sự vĩnh cửu đã được chia ra tại bàn thờ giữa những điều trước và sau khi lễ gắn bó.

Vì đã sinh sống hợp pháp ở bờ biển phía Đông của Hoa Kỳ trong một vài năm, nên tôi quen thuộc với một số thành phố, và nói chung các thành phố đó đều nhỏ.

Khi tôi đọc hoặc nghe nói về các sự kiện dẫn đến Khải Tượng Thứ Nhất, những đám đông người được đề cập đến, và điều này không hợp lý đối với tôi.

Tôi bắt đầu thắc mắc. Tại sao Giáo Hội phải được phục hồi ở Hoa Kỳ chứ không ở Brazil hay nước Ý, quê hương của tổ tiên tôi?

Những đám đông dân chúng đó đã được đề cập đang ở đâu, những người đã tham gia vào những cuộc phục hưng và trong cảnh hoang mang về tôn giáo---tất cả những điều đó đã xảy ra ở một nơi yên tĩnh và êm đềm như vậy sao?

Tôi đã hỏi rất nhiều người về điều đó nhưng đã không có câu trả lời. Tôi đọc mọi thứ mà tôi có thể đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha và sau đó bằng tiếng Anh, nhưng không tìm thấy điều gì mà có thể thuyết phục tôi được. Tôi tiếp tục tìm kiếm.

Vào tháng 10 năm 1984, tôi tham dự đại hội trung ương với tư cách là cố vấn trong một chủ tịch đoàn giáo khu. Sau đó, tôi đi đến Palmyra, New York, mong muốn tìm ra câu trả lời.

Khi đến đó, tôi đã cố gắng để hiểu: Tại sao Sự Phục Hồi phải ở đây, và tại sao đã có một sự xáo trộn phần thuộc linh như vậy? Tất cả những người được đề cập đến trong câu chuyện của Joseph từ đâu tới? Tại sao lại là ở đây?

Vào lúc đó, câu trả lời hợp lý nhất đối với tôi là vì Hiến Pháp Hoa Kỳ đã bảo đảm sự tự do.

Sáng hôm đó tôi bắt đầu đến tham quan Tòa Nhà Grandin, nơi mà ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn đã được in ra. Tôi đi đến Khu Rừng Thiêng Liêng, ở đó tôi đã cầu nguyện rất nhiều.

Hầu như không có ai ở trên đường phố trong thị trấn Palmyra bé nhỏ đó. Đám đông người mà Joseph đã đề cập đến ở đâu rồi?

Buổi trưa đó, tôi quyết định đi đến trang trại Peter Whitmer, và khi đến đó tôi thấy một người đàn ông bên cửa sổ của một căn nhà gỗ. Đôi mắt ông ta sáng ngời. Tôi chào ông ta và rồi bắt đầu hỏi những câu hỏi tương tự đó.

Rồi ông hỏi tôi: “Ông có thời giờ không?” Tôi nói có.

Ông giải thích rằng hai Hồ Erie và Ontario, và ở xa về phía đông nữa là Sông Hudson nằm trong khu vực đó.

Đầu thập niên 1800, người ta quyết định đào một con kênh để tàu bè qua lại, ngang qua khu vực đó, kéo dài hơn 300 dặm (480 cây số) để đến Sông Hudson. Đó là một dự án quan trọng của thời đó, và họ chỉ có thể dựa vào sức lao động của con người và sức mạnh của động vật.

Palmyra là trọng tâm của một số công trình xây dựng đó. Những người xây cất cần những người dân, những kỹ thuật viên, gia đình có kỹ năng cùng bạn bè của họ. Nhiều người bắt đầu đổ xô đến từ các thị trấn lân cận, những nơi xa hơn nữa, chẳng hạn như Ireland, để làm việc trên con kênh.

Đó thật là một giây phút thiêng liêng và thuộc linh vì cuối cùng tôi đã tìm thấy đám đông. Họ mang đến các tập tục và tín ngưỡng của họ. Khi người đàn ông ấy đề cập đến tín ngưỡng của họ, tâm trí của tôi được soi sáng và mắt thuộc linh của tôi đã được Thượng Đế mở ra.

Vào lúc đó, tôi đã hiểu làm thế nào mà bàn tay của Thượng Đế, Đức Chúa Cha, trong sự thông sáng lớn lao của Ngài, đã chuẩn bị trong kế hoạch của Ngài một nơi để đem thiếu niên Joseph Smith đến, đặt ông ở giữa cảnh hoang mang về tôn giáo, vì ở đó trên Đồi Cumorah, các bảng khắc quý báu của Sách Mặc Môn đã được cất giấu.

Đây là nơi chốn của Sự Phục Hồi, nơi mà tiếng nói của Đức Chúa Cha sẽ được nghe thấu sau gần hai thiên niên kỷ, trong một khải tượng tuyệt vời, nói chuyện cùng thiếu niên Joseph Smith, khi ông đi đến Khu Rừng Thiêng Liêng để cầu nguyện và được nghe: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!”1

Ở đó, ông đã thấy hai Nhân Vật, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi không bút nào tả xiết. Vâng, Thượng Đế tự biểu hiện cho con người một lần nữa. Bóng tối bao phủ thế gian bắt đầu biến mất.

Những lời tiên tri về Sự Phục Hồi đã bắt đầu được ứng nghiệm. “Tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc.”2

Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi Joseph đã được dẫn đến các biên sử của những lời tiên tri, các giao ước và các giáo lễ do các vị tiên tri thời xưa để lại, Sách Mặc Môn yêu quý của chúng ta.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô không thể được phục hồi mà không có phúc âm vĩnh cửu, đã được mặc khải trong Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Chiên Con của Thượng Đế, là Đấng lấy đi tội lỗi của thế gian.

Đấng Ky Tô phán với dân Ngài ở Giê Ru Sa Lem:

“Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này.”3

“Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta.”4

Khi rời khỏi trang trại Whitmer, tôi không nhớ đã nói lời tạm biệt. Tôi chỉ nhớ dòng nước mắt chảy dài trên má. Hoàng hôn đang xuống trong một bầu trời rất đẹp.

Trong lòng tôi có một niềm vui to lớn và sự bình an xoa dịu lòng tôi. Lòng tôi tràn đầy biết ơn.

Bây giờ tôi hiểu rõ lý do tại sao. Một lần nữa Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết và ánh sáng.

Trong chuyến đi về nhà của tôi, thánh thư tiếp tục tuôn chảy vào tâm trí của tôi: những lời hứa được lập với Tổ Phụ Áp Ra Ham rằng ở nơi dòng dõi của ông mà tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước.5

Và để ban phước cho tất cả các gia đình trên thế gian, các đền thờ sẽ được dựng lên để quyền năng thiêng liêng có thể được truyền giao cho con người một lần nữa trên thế gian, để gia đình có thể được đoàn tụ, không phải cho đến khi cái chết làm cho chúng ta chia lìa nhưng ở cùng với nhau suốt thời vĩnh cửu.

“Sẽ xảy ra trong những ngày sau rốt, núi của nhà Đức Giê Hô Va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó.”6

Nếu các anh chị em đang nghe tôi nói và có bất cứ thắc mắc nào trong lòng mình thì xin đừng bỏ cuộc!

Tôi mời các anh chị em hãy noi theo tấm gương của Tiên Tri Joseph Smith khi ông đọc trong Gia Cơ 1:5: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi.”

Điều đã thực sự xảy ra ở Cumorah đóng một vai trò quan trọng của Sự Phục Hồi vì Joseph Smith đã nhận được các bản khắc chứa đựng Sách Mặc Môn. Cuốn sách này giúp chúng ta đến gần Đấng Ky Tô hơn bất cứ cuốn sách nào khác trên thế gian.7

Tôi làm chứng rằng Chúa đã kêu gọi các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải để hướng dẫn vương quốc của Ngài trong những ngày sau này và trong kế hoạch vĩnh cửu của Ngài, các gia đình phải được ở bên nhau vĩnh viễn. Ngài quan tâm đến con cái của Ngài. Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta.

Nhờ vào tình yêu thương vĩ đại của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã chuộc tội lỗi cho chúng ta. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Tôi làm chứng điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.