2010–2019
Hãy Hăng Say vì Đấng Ky Tô
Tháng Mười năm 2016


Hãy Hăng Say vì Đấng Ky Tô

Chúng ta đang hăng say vì Đấng Ky Tô khi phục vụ một cách trung tín, khiêm nhường chấp nhận, chịu đựng một cách cao thượng, cầu nguyện chân thành, và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.

Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn ngỏ lời cùng những người trẻ tuổi của Giáo Hội kể cả những người truyền giáo tuyệt vời của chúng ta. Dĩ nhiên, anh chị em nào còn có tâm hồn trẻ trung thì vẫn được chân thành mời lắng nghe.

Ngày 21 tháng Tám vừa qua, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm lễ cung hiến Đền Thờ Sapporo tuyệt đẹp—ngôi đền thờ thứ ba ở Nhật Bản. Đền Thờ Sapporo được xây cất ở miền bắc Nhật Bản tại một nơi được gọi là Hokkaido. Giống như Utah, Hokkaido có những người tiền phong siêng năng và chăm chỉ định cư.

Năm 1876, một nhà giáo dục nổi tiếng tên là Tiến Sĩ William Clark1 được mời đến dạy học ở Hokkaido. Ông chỉ sống ở Nhật Bản có tám tháng, nhưng tinh thần Ky Tô hữu của ông đã để lại một ấn tượng lâu dài đến các sinh viên trẻ tuổi của ông không phải là Ky Tô hữu. Trước khi về nước, ông đã đưa cho các sinh viên của mình một thông điệp chia tay mà đã trở nên bất tử trong bức tượng bằng đồng này.2 Ông nói: “Các em ơi, hãy hăng say lên!”—“Hãy hăng say vì Đấng Ky Tô.”3 Lời khuyên dạy của ông là “hãy hăng say vì Đấng Ky Tô” có thể giúp hướng dẫn những quyết định hàng ngày cho Các Thánh Hữu Ngày Sau trong thời nay.

Hình Ảnh
Tiến Sĩ William Clark

“Hãy hăng say vì Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì? Hãy hăng say vì Đấng Ky Tô có nghĩa là được thúc đẩy, tập trung, và tận tụy với công việc của Ngài. Hãy hăng say vì Đấng Ky Tô sẽ hiếm khi có nghĩa là chúng ta được chọn để có được vinh dự trước công chúng. Hãy hăng say vì Đấng Ky Tô có nghĩa là chúng ta phục vụ một cách trung tín và chuyên cần trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của mình mà không phàn nàn và với tấm lòng vui vẻ.

Những người truyền giáo của chúng ta đang phục vụ trên khắp thế giới là những tấm gương tuyệt vời của những người thực sự hăng say vì Đấng Ky Tô. Cách đây một vài năm, Chị Yamashita và tôi phục vụ tại Phái Bộ Truyền Giáo Japan Nagoya. Những người truyền giáo của chúng tôi đã hăng hái vì Đấng Ky Tô. Một trong những người truyền giáo đó là một thanh niên tên là Anh Cả Cowan.

Hình Ảnh
Anh Cả Cowan với Chủ Tịch và Chị Yamashita

Anh Cả Cowan không có chân phải vì một tai nạn xe đạp khi còn niên thiếu. Một vài tuần sau khi anh đến phái bộ truyền giáo, tôi nhận được điện thoại từ người bạn đồng hành của anh. Cái chân giả của Anh Cả Cowan đã bị gãy trong khi anh đang đạp xe đạp. Chúng tôi đưa anh ấy đến một cơ sở sửa chữa giỏi, và ở đó trong một phòng riêng, lần đầu tiên tôi nhìn thấy chân của anh ấy. Tôi nhận thấy là anh ấy đã đau đớn biết bao. Cái chân giả của anh ấy đã được sửa chữa, và anh trở về khu vực của mình.

Tuy nhiên, nhiều tuần lễ trôi qua, cái chân giả tiếp tục gãy đi gãy lại nhiều lần. Vị cố vấn y tế của khu vực đề nghị rằng Anh Cả Cowan nên trở về nhà để được chỉ định lại công việc truyền giáo. Tôi không nghe theo lời khuyên đó vì Anh Cả Cowan là người truyền giáo tài giỏi, và anh ấy có ước muốn mãnh liệt để được ở lại Nhật Bản. Tuy nhiên dần dần Anh Cả Cowan bắt đầu thấy sức khỏe của mình bị giới hạn. Mặc dù vậy, anh ấy vẫn không hề than phiền hay phàn nàn.

Một lần nữa, tôi được cho biết rằng Anh Cả Cowan được phép phục vụ ở một nơi mà không đòi hỏi anh ấy phải đi xe đạp. Tôi suy ngẫm về tình huống này. Tôi nghĩ về Anh Cả Cowan và tương lai của anh ấy, và tôi cầu nguyện về vấn đề này. Tôi cảm thấy có ấn tượng rằng, đúng thế, Anh Cả Cowan nên trở về nhà và chờ được chỉ định lại. Tôi gọi điện thoại cho anh ấy và bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm của tôi và nói với anh ấy về quyết định của tôi. Anh ấy không trả lời. Tôi chỉ có thể nghe anh ấy khóc ở bên kia đầu dây điện thoại. Tôi nói: “Anh Cả Cowan ơi, anh không cần phải trả lời tôi ngay bây giờ. Ngày mai tôi sẽ gọi lại. Xin hãy suy nghĩ và chân thành cầu nguyện về đề nghị của tôi nhé.”

Sáng hôm sau, khi tôi gọi lại, anh ấy khiêm nhường nói rằng sẽ tuân theo lời khuyên bảo của tôi.

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của tôi với anh ấy, tôi đã hỏi anh ấy câu hỏi này: “Anh Cả Cowan nè, trong đơn xin đi truyền giáo anh có yêu cầu là xin được gửi đến nơi nào mà anh sẽ không phải đi xe đạp không?”

Anh ấy nói: “Thưa Chủ Tịch, dạ có ạ.”

Tôi đáp: “Anh Cả Cowan, anh được kêu gọi đến Phái Bộ Truyền Giáo Japan Nagoya nơi mà anh sẽ phải đi xe đạp. Anh có nói điều này với chủ tịch giáo khu của anh không?”

Tôi rất ngạc nhiên trước câu trả lời của anh ấy. Anh ấy nói: “Không, tôi không có nói. Tôi quyết định rằng nếu đó là nơi mà Chúa đã kêu gọi tôi, thì tôi sẽ đi đến phòng tập thể dục và rèn luyện thân thể của mình để có thể đi xe đạp.”

Vào lúc kết thúc cuộc phỏng vấn của chúng tôi, anh ấy hỏi tôi câu hỏi này với đôi mắt ngấn lệ: “Thưa Chủ Tịch Yamashita, tại sao tôi đến Nhật Bản? Tại sao tôi lại ở đây?”

Tôi trả lời không chút do dự: “Anh Cả Cowan à, tôi biết có một lý do mà anh đã đến đây. Anh đến đây vì lợi ích của tôi. Tôi đã tiến đến việc hiểu được rằng tôi đã phục vụ chung với một thanh niên thật tuyệt vời như anh. Tôi được phước để quen biết anh.”

Tôi vui mừng báo cáo rằng Anh Cả Cowan đã trở về căn nhà yêu thương của mình và được tái chỉ định để phục vụ trong một phái bộ truyền giáo nơi mà anh ấy có thể đi lại bằng xe hơi. Tôi không những hãnh diện về Anh Cả Cowan mà còn về tất cả những người truyền giáo ở khắp thế giới là những người sẵn lòng phục vụ mà không hề than phiền hay phàn nàn. Xin cám ơn các anh cả và các chị truyền giáo, về đức tin, sự tập trung và lòng hăng say mãnh liệt của các anh chị vì Đấng Ky Tô.

Sách Mặc Môn ghi lại nhiều câu chuyện về những người hăng say vì Đấng Ky Tô. Khi còn thanh niên, An Ma Con đã ngược đãi Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội. Sau đó, ông đã trải qua một sự thay đổi mãnh liệt trong lòng và phục vụ với tư cách là người truyền giáo vững mạnh. Ông tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, và ông đã ban phước cho những người bạn đồng hành của mình trong khi phục vụ với họ. Chúa đã củng cố ông, và ông đã khắc phục được những thử thách mà ông gặp phải.

Cũng chính ông, An Ma Con này, đã cho con trai mình là Hê La Man lời khuyên sau đây:

“Kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình. ...

“...  Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. ...

“Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện.”4

Hầu hết những tháng năm niên thiếu của đứa con trai thứ hai của chúng tôi là ở ngoài Giáo Hội. Khi nó 20 tuổi, nó đã có một kinh nghiệm mà làm cho nó muốn thay đổi cuộc đời của nó. Với tình yêu thương, những lời cầu nguyện, và sự giúp đỡ từ gia đình của nó cùng các tín hữu của Giáo Hội, cuối cùng nhờ lòng trắc ẩn và ân điển của Chúa, nó đã trở lại Giáo Hội.

Về sau nó được kêu gọi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Washington Seattle. Lúc đầu, nó rất nản lòng. Mỗi đêm trong ba tháng đầu tiên, nó thường đi vào phòng tắm và khóc. Giống như Anh Cả Cowan, nó đã tìm cách để hiểu: “Tại sao tôi lại ở đây?”

Sau khi nó phục vụ được một năm, chúng tôi nhận được một email và đó chính là một sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của chúng tôi. Nó viết: “Bây giờ con thực sự có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế và Chúa Giê Su. Con sẽ làm việc chăm chỉ để trở nên giống như các vị tiên tri thời xưa. Mặc dù con cũng đang trải qua rất nhiều khó khăn nhưng con thực sự hạnh phúc. Phục vụ Chúa Giê Su thật là điều tuyệt vời nhất. Không có điều gì tuyệt vời như vậy. Con rất vui.”

Nó cảm thấy như An Ma: “Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy!”5

Trong cuộc sống của mình, chúng ta trải qua những thử thách, nhưng nếu chúng ta hăng say vì Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể tập trung vào Ngài và cảm nhận được niềm vui ngay cả ở giữa những thử thách đó. Đấng Cứu Chuộc của chúng ta là tấm gương tột bậc. Ngài hiểu sứ mệnh thiêng liêng của Ngài và tuân theo ý muốn của Thượng Đế Đức Chúa Cha. Thật là một phước lành chọn lọc để tưởng nhớ lại tấm gương tuyệt vời của Ngài mỗi tuần khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh.

Anh chị em thân mến, chúng ta đang hăng say vì Đấng Ky Tô khi phục vụ một cách trung tín, khiêm nhường chấp nhận, chịu đựng một cách cao thượng, cầu nguyện chân thành, và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.

Cầu xin cho chúng ta được hăng say vì Đấng Ky Tô khi chúng ta chấp nhận những khó khăn và thử thách của mình với lòng kiên nhẫn và đức tin cùng tìm thấy được niềm vui trên con đường giao ước của mình.

Tôi làm chứng rằng Chúa biết anh chị em. Ngài biết những nỗi vất vả và mối lo âu của anh chị em. Ngài biết ước muốn của anh chị em để phục vụ Ngài với lòng tận tụy, vâng, đó chính là lòng hăng say. Cầu xin Ngài hướng dẫn và ban phước cho anh chị em khi anh chị em làm như vậy. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. William Smith Clark (1826–86) là một giáo sư hóa học, thực vật học, và động vật học và phục vụ với tư cách là một đại tá trong Cuộc Nội Chiến Mỹ. Ông là vị lãnh đạo trong ngành giáo dục nông nghiệp và là chủ tịch trường Massachusetts Agricultural College. (Xin xem “William S. Clark,” wikipedia.com.)

  2. Bức tượng tọa lạc tại Sapporo Hitsujigaoka Observation Hill.

  3. William S. Clark, trong Ann B. Irish, Hokkaido: A History of Ethnic Transition and Development on Japan’s Northern Island (2009), 156.

  4. An Ma 36:3; 37:35, 37.

  5. An Ma 36:20.