2010–2019
Không Có Niềm Vui Nào Lớn Hơn Việc Biết Rằng Con Cái Chúng Ta Biết Đấng Cứu Rỗi
Tháng Mười năm 2016


Không Có Niềm Vui Nào Lớn Hơn Việc Biết Rằng Con Cái Chúng Ta Biết Đấng Cứu Rỗi

Tôi không biết là có bất cứ điều gì trên thế gian này mà có thể mang lại nhiều hạnh phúc và niềm vui hơn việc biết rằng con cái chúng ta biết Đấng Cứu Rỗi.

Thưa anh chị em, mới đây tôi đã suy ngẫm về câu hỏi này: “Nếu tất cả con cái của anh chị em biết về phúc âm là đến từ anh chị em—là nguồn gốc duy nhất của chúng—thì chúng sẽ biết được bao nhiêu?” Câu hỏi này áp dụng cho tất cả những người nào yêu thương, khuyên dạy, và có ảnh hưởng đến con cái.

Không có bất cứ ân tứ nào lớn lao mà chúng ta có thể truyền đạt cho con cái của mình hơn là một ký ức được ghi sâu vào lòng chúng rằng chúng ta biết là Đấng Cứu Chuộc hằng sống? Chúng có biết là chúng ta biết điều này không? Và quan trọng hơn nữa, chúng đã tiến đến việc tự mình biết rằng Ngài hằng sống chưa?

Khi còn bé, tôi là một đứa con khó dạy nhất của mẹ tôi. Tôi có dư thừa sức lực. Mẹ tôi nói với tôi rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của bà là tôi sẽ không sống cho đến lúc lớn khôn. Tôi là một đứa trẻ vô cùng hiếu động.

Tôi nhớ khi còn bé ngồi trong một buổi lễ Tiệc Thánh đặc biệt với gia đình chúng tôi. Mẹ tôi vừa mới nhận được một bộ thánh thư mới. Bộ thánh thư mới này kết hợp toàn bộ các tác phẩm tiêu chuẩn đóng thành một quyển, và có phần giấy trắng ở giữa để ghi chép.

Trong lúc Tiệc Thánh, tôi xin được cầm quyển thánh thư của mẹ tôi. Với hy vọng là sẽ khuyến khích được tôi nghiêm trang, bà đưa quyển thánh thư cho tôi. Trong khi đọc lướt qua quyển thánh thư của bà, tôi thấy rằng bà đã viết xuống một mục tiêu cá nhân trong phần giấy trắng. Để giải thích về mục tiêu của bà, tôi phải nói với anh chị em biết rằng tôi là đứa con thứ hai trong số sáu đứa con và tôi tên là Brett. Mẹ tôi đã viết bằng mực đỏ, chỉ một mục tiêu: “Kiên nhẫn với Brett!”

Thêm một bằng chứng nữa để giúp anh chị em hiểu được thử thách của cha mẹ tôi khi nuôi dạy gia đình chúng tôi, tôi xin nói cho anh chị em biết về việc đọc thánh thư chung của gia đình chúng tôi. Mỗi buổi sáng, mẹ tôi đọc Sách Mặc Môn cho chúng tôi nghe trong lúc ăn sáng. Trong thời gian này, anh trai tôi, Dave, và tôi thường ngồi yên nhưng không nghiêm trang. Nói thật, chúng tôi đâu có lắng nghe. Chúng tôi đang đọc những chữ in trên hộp đựng ngũ cốc.

Cuối cùng, vào một buổi sáng nọ, tôi quyết định hỏi mẹ tôi. Tôi kêu lên: “Mẹ ơi, tại sao mẹ làm điều này cho tụi con? Tại sao mẹ đọc Sách Mặc Môn mỗi buổi sáng?” Rồi tôi nói một câu mà tôi thực sự xấu hổ để thú nhận việc làm của mình. Thực ra, tôi cũng không thể tin rằng tôi đã thực sự nói thế. Tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ ơi, con đâu có nghe!”

Câu trả lời của bà là một giây phút đầy ý nghĩa trong cuộc đời tôi. Bà nói: “Con à, mẹ đã ở trong buổi họp mà Chủ Tịch Marion  G. Romney dạy về các phước lành của việc đọc thánh thư. Trong buổi họp này, mẹ đã nhận được một lời hứa rằng nếu mẹ chịu đọc Sách Mặc Môn cho các con nghe mỗi ngày, thì mẹ sẽ không bị mất các con.” Rồi mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và nói với một giọng đầy kiên quyết: “Và mẹ sẽ không mất con!”

Lời của bà xuyên thấu lòng tôi. Dù tôi có không hoàn hảo đến đâu, thì tôi cũng biết là mình vẫn đáng được cứu! Bà đã dạy cho tôi về lẽ thật vĩnh cửu rằng tôi là một đứa con của Cha Thiên Thượng nhân từ. Tôi đã biết được rằng cho dù hoàn cảnh có ra sao đi nữa thì tôi vẫn đáng được cứu. Đây là một thời điểm hoàn hảo cho một đứa bé không hoàn hảo.

Tôi mãi mãi biết ơn người mẹ giống như thiên thần của tôi và tất cả những người phụ nữ khác cũng giống như thiên thần đã yêu thương con cái một cách trọn vẹn, dù chúng có không hoàn hảo đến đâu. Tôi tin chắc rằng tất cả các chị em phụ nữ—mà tôi sẽ gọi họ là “thiên thần” —đều là những người mẹ trong Si Ôn, cho dù họ có lập gia đình hay không hoặc có con cái hay không trên trần thế này.

Cách đây nhiều năm, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn tuyên bố: “Vai trò làm mẹ là gần như thiêng liêng. Đó là sự phục vụ cao quý, thiêng liêng nhất mà loài người có thể thực hiện. Vai trò đó làm cho những người phụ nữ nào tôn trọng sự kêu gọi thiêng liêng và sự phục vụ giống như các thiên thần.”1

Tôi biết ơn các thiên thần ở khắp nơi trong Giáo Hội, là những người đã mạnh dạn và nhân từ tuyên bố về lẽ thật vĩnh cửu cho con cái của Cha Thiên Thượng nghe.

Tôi biết ơn về ân tứ của Sách Mặc Môn. Tôi biết rằng sách đó là chân chính! Sách đó chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi không biết bất cứ ai siêng năng đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày với ý định thực sự và với đức tin nơi Đấng Ky Tô mà lại bị mất chứng ngôn của mình và sa ngã. Lời hứa của tiên tri Mô Rô Ni mang đến câu trả lời về cách biết được lẽ thật của tất cả mọi sự việc—kể cả việc có được khả năng để phân biệt và tránh bị kẻ nghịch thù lừa gạt. (Xin xem Mô Rô Ni 10:4–5.)

Tôi cũng biết ơn Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã mang đến tấm gương hoàn hảo về cách sống trong một thế gian không hoàn hảo và không công bằng. “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (1 Giăng 4:19). Tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta là vô hạn. Ngài là người bạn chân thật nhất của chúng ta. Mồ hôi của Ngài đổ ra trở nên “như giọt máu lớn” cho anh chị em và cũng cho tôi nữa (Lu Ca 22:44). Ngài đã tha thứ cho những kẻ dường như không thể tha thứ được. Ngài yêu thương những kẻ không thể yêu thương được. Ngài đã làm điều mà con người trần thế không thể làm được: Ngài đã ban cho Sự Chuộc Tội để khắc phục những sự phạm giới, đau đớn, và bệnh tật của toàn nhân loại.

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể sống và có lời hứa rằng bất kể những khó khăn của chúng ta như thế nào đi nữa thì chúng ta cũng luôn luôn có thể có hy vọng nơi Ngài, là “Đấng có quyền năng cứu rỗi” (2 Nê Phi 31:19). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, chúng ta có thể có được niềm vui, sự bình an, hạnh phúc, và cuộc sống vĩnh cửu.

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Ngoại trừ một số rất ít đã chọn sự diệt vong ra thì không có thói quen, thói nghiện, sự phản nghịch, sự phạm giới, sự bội giáo, tội ác nào mà có thể cản trở một người nhận được lời hứa của sự tha thứ hoàn toàn. Đó là lời hứa của sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.”2

Một trong những sự kiện kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại là sự hiện đến phục sự của Đấng Cứu Rỗi cho những người dân thời xưa của châu Mỹ. Hãy tưởng tượng trong tâm trí điều đó sẽ như thế nào nếu anh chị em có mặt ở đó. Trong khi suy ngẫm về tình yêu thương chăm sóc dịu dàng của nhóm Thánh Hữu đó đang quy tụ lại ở đền thờ, thì tôi đã nghĩ về từng đứa con mà tôi yêu thương hơn cả chính cuộc sống. Tôi đã cố gắng tưởng tượng ra cảm giác của mình khi nhìn mấy đứa con của chúng tôi, được tận mắt chứng kiến ​​Đấng Cứu Rỗi mời mỗi đứa đến cùng Ngài, để chứng kiến ​​đôi tay dang rộng của Đấng Cứu Rỗi, để nhìn mỗi đứa con, từng đứa một, nhẹ nhàng chạm tay vào dấu đinh đóng trên tay chân Ngài, và rồi thấy mỗi đứa chúng nó đứng lên làm chứng rằng Ngài hằng sống! (Xin xem 3 Nê Phi 11:14–17; xin xem thêm 17:21; 18:25). Rồi để được mấy đứa con của chúng tôi quay lại và nói: “Mẹ ơi, Cha ơi, đây chính là Ngài!”

Hình Ảnh
Đấng Cứu Rỗi với trẻ em

Tôi không biết là có bất cứ điều gì trên thế gian này mà có thể mang lại nhiều hạnh phúc và niềm vui hơn việc biết rằng con cái chúng ta biết Đấng Cứu Rỗi, để biết rằng chúng biết “được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.” Đó là lý do tại sao, với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội, “chúng [ta] thuyết giảng về Đấng Ky Tô” và chúng ta làm chứng về Đấng Ky Tô (2 Nê Phi 25:26).

  • Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện với con cái của mình mỗi ngày.

  • Đó là lý do tại sao chúng ta đọc thánh thư với chúng mỗi ngày.

  • Đó là lý do tại sao chúng ta dạy chúng phục vụ người khác, để chúng có thể nhận được các phước lành của việc tự tìm lại mình khi hết lòng phục vụ người khác (xin xem Mác 8:35; Mô Si A 2:17).

Khi tận tâm với những khuôn mẫu đơn giản này của vai trò môn đồ, chúng ta làm cho con cái mình có quyền nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi và có được sự hướng dẫn và bảo vệ thiêng liêng khi chúng đương đầu với những cám dỗ đầy nguy hiểm của kẻ nghịch thù.

Phúc âm thật sự là về mỗi cá nhân, là về một con chiên bị thất lạc (xin xem Lu Ca 15:3–7); là về một người đàn bà Sa Ma Ri ở bên giếng nước (xin xem Giăng 4:5–30); là về một người con trai hoang phí (xin xem Lu Ca 15:11–32).

Và đó là về một cậu bé đã có thể nói là mình không lắng nghe.

Đó là về mỗi người chúng ta—mặc dù chúng ta không hoàn hảo—để trở nên hiệp một với Đấng Cứu Rỗi cũng như Ngài hiệp một với Cha Ngài (xin xem Giăng 17:21).

Tôi làm chứng rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng biết rõ tên của chúng ta! Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai hằng sống của Thượng Đế hằng sống. Ngài là Con Độc Sinh và Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Tôi cũng làm chứng rằng sự cứu rỗi đến trong Ngài và nhờ danh Ngài—chứ không có cách nào khác cả.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ hết lòng hết sức giúp đỡ tất cả con cái của Cha Thiên Thượng để biết Ngài và để cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Khi làm như vậy, Ngài hứa với chúng ta niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Message of the First Presidency,” trong Conference Report, tháng Mười năm 1942, 12–13; do Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr đọc.

  2. Boyd K. Packer, “The Brilliant Morning of Forgiveness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 20.