2010–2019
Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!
Tháng Mười năm 2016


Ôi Vĩ Đại Thay Kế Hoạch của Thượng Đế Chúng Ta!

Chúng ta được vây quanh bởi một số lượng lớn ánh sáng và lẽ thật kỳ diệu đến mức tôi tự hỏi liệu chúng ta có thực sự biết ơn điều mình có không.

Chúng ta được phước biết bao để được quy tụ một lần nữa trong đại hội trung ương toàn cầu này dưới sự hướng dẫn và lãnh đạo của vị tiên tri và Chủ Tịch yêu dấu của chúng ta Thomas S. Monson. Thưa Chủ Tịch, chúng tôi hết lòng yêu mến và tán trợ chủ tịch!

Trong nghề nghiệp của tôi là phi công, tôi đã dựa rất nhiều vào mức độ chính xác và tin cậy của hệ thống máy vi tính nhưng ít khi phải sử dụng máy vi tính cá nhân của tôi. Trong công việc văn phòng của tôi với tư cách là ủy viên ban chấp hành, tôi có những người phụ tá và thư ký là những người đã tử tế giúp tôi làm các nhiệm vụ.

Tất cả đã thay đổi vào năm 1994, khi tôi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Chức vụ kêu gọi của tôi bao gồm nhiều cơ hội tuyệt vời để phục sự nhưng cũng bao gồm rất nhiều công việc văn phòng của Giáo Hội—nhiều hơn tôi nghĩ có thể như vậy.

Trước nỗi kinh ngạc của tôi, công cụ chính để sắp xếp công việc của tôi là một máy vi tính cá nhân.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã phải làm quen với thế giới vi tính mà tôi đã không hề biết cách sử dụng.

Từ lúc đầu, tôi thấy việc sử dụng máy vi tính thật là khó.

Những người thông thạo công nghệ đã cố gắng dạy tôi cách sử dụng máy vi tính. Họ thật sự đứng đằng sau tôi, chồm qua vai tôi, những ngón tay của họ di chuyển nhanh chóng trong khi họ gõ trên bàn phím.

Họ thường hãnh diện nói: “Ông thấy đấy. Đó là cách ông phải làm.”

Tôi đã không thấy gì cả. Thật là một sự chuyển tiếp quá khó khăn.

Tôi đã gặp nhiều khó khăn khi học cách sử dụng máy vi tính.

Phải mất rất nhiều thời gian, phải lặp đi lặp lại, phải kiên nhẫn; phải có hy vọng và đức tin không nhỏ; những lời trấn an của vợ tôi; và nhiều lít nước ngọt ít đường mà tôi xin giấu tên.

Giờ đây, 22 năm sau, tôi được vây quanh bởi công nghệ máy vi tính. Tôi có một địa chỉ email, tài khoản Twitter, và một trang Facebook. Tôi sở hữu một cái điện thoại thông minh, một máy tính bảng, một máy vi tính xách tay, và một cái máy ảnh kỹ thuật số. Và mặc dù kỹ năng về công nghệ của tôi có thể không sánh nổi với một đứa trẻ bảy tuổi, nhưng đối với một người ở độ tuổi 70, tôi cũng khá giỏi về công nghệ.

Nhưng tôi đã nhận thấy một điều thú vị. Tôi càng thông thạo công nghệ thì tôi càng không có lòng biết ơn đối với công nghệ.

Đối với phần lớn lịch sử nhân loại, truyền thông đã xảy ra theo tốc độ nhanh như ngựa phi. Việc gửi một lá thư và nhận được hồi âm có thể đã phải mất nhiều ngày hoặc thậm chí vài tháng. Ngày nay, thư từ của chúng ta di chuyển hàng ngàn kilômét trên trời hoặc hàng ngàn mét dưới biển để đến tay một người nào đó ở bên nửa kia của thế giới, và nếu có chậm trễ cho dù chỉ trong một vài giây, thì chúng ta cũng trở nên bực mình và sốt ruột.

Dường như đó là bản tính con người: khi chúng ta trở nên quen thuộc hơn với một điều gì đó, thậm chí một điều gì kỳ diệu và đầy soi dẫn, thì chúng ta mất đi cảm giác kính phục và coi đó như là chuyện bình thường.

Chúng Ta Có Xem Thường Các Lẽ Thật Thuộc Linh Không?

Việc xem thường công nghệ và những tiện nghi hiện đại của chúng ta có thể là một vấn đề tương đối nhỏ. Nhưng buồn thay, đôi khi chúng ta có một thái độ tương tự đối với giáo lý vĩnh cửu và giáo lý làm mở rộng tâm hồn của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong Giáo Hội này, chúng ta đã được ban cho rất nhiều. Chúng ta được vây quanh bởi một số lượng lớn ánh sáng và lẽ thật kỳ diệu đến mức tôi tự hỏi liệu chúng ta có thực sự biết ơn điều mình có không.

Hãy nghĩ tới các môn đồ đầu tiên mà đã đi chung và trò chuyện với Đấng Cứu Rỗi trong thời gian giáo vụ của Ngài trên thế gian. Hãy tưởng tượng ra lòng biết ơn và tôn kính mà chắc hẳn đã tràn ngập tâm trí họ khi họ thấy Ngài sống lại từ ngôi mộ, khi họ sờ tay vào những vết thương ở tay Ngài. Cuộc sống của họ sẽ không bao giờ được như trước nữa!

Hãy nghĩ tới Các Thánh Hữu đầu tiên của gian kỳ này, là những người đã biết Tiên Tri Joseph và nghe ông thuyết giảng phúc âm phục hồi. Hãy tưởng tượng họ đã cảm thấy như thế nào khi biết rằng bức màn che giữa trời và đất một lần nữa đã được vén lên, mang lại ánh sáng và sự hiểu biết cho thế gian từ ngôi nhà thiên thượng của chúng ta ở trên cao.

Quan trọng hơn hết, hãy suy nghĩ về cảm giác của anh chị em khi lần đầu tiên anh chị em tin tưởng và hiểu rằng mình thực sự là con của Thượng Đế; rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẵn sàng chịu đau khổ vì tội lỗi của anh chị em để anh chị em có thể được sạch tội một lần nữa; rằng quyền năng của chức tư tế là có thật và có thể ràng buộc anh chị em với những người thân yêu của mình cho thời tại thế lẫn suốt vĩnh cửu; rằng có một vị tiên tri tại thế trên thế gian ngày nay.

Khi xem xét tất cả những điều này, thì có thể nào tất cả chúng ta lại không phấn khởi về việc tham dự các buổi lễ thờ phượng trong Giáo Hội của mình? Hoặc cảm thấy mệt mỏi vì đọc thánh thư? Tôi cho rằng điều này chỉ có thể có nếu chúng ta mất hết cảm giác để biết ơn và kính phục các ân tứ thiêng liêng và kỳ diệu mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Chúng ta dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với các lẽ thật làm thay đổi cuộc sống, nhưng đôi khi chúng ta không tích cực trên con đường của người môn đồ. Thông thường chúng ta để cho mình bị sao lãng bởi những điều không hoàn hảo của các bạn bè đồng tín hữu của mình thay vì noi theo gương của Đức Thầy. Chúng ta sống một cuộc sống tràn đầy những cơ hội kỳ diệu nhưng lại thường không nhận ra tầm quan trọng và ý nghĩa của những cơ hội này.

Một Sứ Điệp Quen Thuộc

Khi tôi còn trẻ, bạn bè tôi thường hỏi tôi về tôn giáo của tôi. Tôi thường bắt đầu giải thích những điểm khác biệt, như Lời Thông Sáng. Những lần khác, tôi nhấn mạnh đến những điểm tương đồng với các Ky Tô giáo khác. Không lời giải thích nào trong số này để lại nhiều ấn tượng cho họ. Nhưng khi tôi nói về kế hoạch hạnh phúc vĩ đại mà Cha Thiên Thượng dành cho chúng ta là con cái của Ngài, thì tôi có được sự chú ý của họ.

Tôi nhớ đã cố gắng vẽ kế hoạch cứu rỗi lên một tấm bảng đen trong một phòng học của giáo đường chúng tôi. Tôi đã vẽ các vòng tròn tượng trưng cho cuộc sống tiền dương thế, trần thế, và sự trở lại cùng Cha Mẹ Thiên Thượng của chúng ta sau cuộc sống này.

Khi còn niên thiếu, tôi đã thích chia sẻ sứ điệp thú vị này. Khi tôi giải thích những nguyên tắc này bằng những lời lẽ đơn giản của riêng tôi, lòng tôi tràn đầy biết ơn đối với Thượng Đế là Đấng yêu thương con cái của Ngài và một Đấng Cứu Rỗi đã cứu chuộc tất cả chúng ta khỏi cái chết và ngục giới. Tôi rất hãnh diện về sứ điệp về tình yêu thương, niềm vui và hy vọng này.

Một số bạn bè của tôi thường nói rằng họ cảm thấy sứ điệp này rất quen thuộc, mặc dù những điều như vậy chưa bao giờ được giảng dạy trong công cuộc học hỏi về tôn giáo của họ. Điều đó giống như họ luôn luôn biết những điều này là đúng; giống như tôi cho họ biết về điều gì đó mà họ đã biết rồi.

Chúng Ta Có Các Câu Trả Lời!

Tôi tin rằng mỗi người đều mang trong lòng mình một số câu hỏi cơ bản liên quan đến chính cuộc sống. Tôi từ đâu đến? Tại sao tôi ở đây? Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết?

Những loại câu hỏi này đã được con người đặt ra từ lúc khởi thủy. Các nhà triết học, các học giả và các chuyên gia đều đã dành ra cả cuộc đời cùng tài sản của họ để tìm kiếm câu trả lời.

Tôi biết ơn rằng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô có các câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp nhất trong cuộc sống. Những câu trả lời này đều được giảng dạy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những câu trả lời này là đúng thật, minh bạch và dễ hiểu. Những câu trả lời này thật đầy soi dẫn, và chúng ta giảng dạy cho các em nhỏ ba tuổi trong lớp Sunbeams về những câu trả lời đó.

Thưa anh chị em, chúng ta là những con người vĩnh cửu, không có ban đầu hay cuối cùng. Chúng ta luôn luôn hiện hữu.1 Chúng ta thực sự là con cái linh hồn của cha mẹ thiên thượng thiêng liêng, bất diệt và toàn năng!

Chúng ta đến từ các cung vua trên thiên thượng của Chúa Thượng Đế của chúng ta. Chúng ta thuộc vào hoàng gia của Đấng Ê Lô Him, Thượng Đế Tối Cao. Chúng ta sống chung với Ngài trong cuộc sống tiền dương thế. Chúng ta đã nghe Ngài phán bảo, chứng kiến vẻ ​​uy nghi của Ngài, và học về đường lối của Ngài.

Anh chị em và tôi đã tham gia vào một Đại Hội nơi mà Đức Chúa Cha yêu dấu đã trình bày kế hoạch của Ngài với chúng ta—rằng chúng ta sẽ đến thế gian, nhận được thể xác, học cách chọn lựa giữa thiện và ác, và có sự tiến triển mà sẽ không thể đạt được bằng cách nào khác.

Khi chúng ta đi qua bức màn che và bước vào cuộc sống hữu diệt này, chúng ta biết rằng mình sẽ không còn nhớ đến cuộc sống trên tiền dương thế nữa. Ở đây sẽ có sự tương phản và nghịch cảnh cùng cám dỗ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng việc có được một thể xác là vô cùng quan trọng. Ôi, chúng ta hy vọng biết bao rằng chúng ta sẽ nhanh chóng học cách lựa chọn đúng, chống lại những cám dỗ của Sa Tan, và cuối cùng trở về với cha mẹ yêu quý ở trên trời.

Chúng ta biết rằng mình sẽ phạm tội và lầm lỗi—có lẽ còn phạm tội nặng nữa. Nhưng chúng ta cũng biết rằng Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hứa sẽ đến thế gian, sống một cuộc sống vô tội, và tình nguyện phó mạng sống của Ngài bằng một sự hy sinh vĩnh cửu. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta dâng hiến lòng mình lên Ngài, tin cậy Ngài, và cố gắng với tất cả mãnh lực của lòng mình để bước đi theo con đường môn đồ, thì chúng ta có thể được tẩy sạch và một lần nữa bước vào nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng yêu quý.

Vì vậy, với đức tin nơi sự hy sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em và tôi đã tự nguyện chấp nhận kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Đó là lý do tại sao chúng ta đang ở trên hành tinh là trái đất tuyệt đẹp này đây—vì Thượng Đế đã ban cho chúng ta cơ hội, và chúng ta đã chọn chấp nhận cơ hội này. Tuy nhiên, cuộc sống hữu diệt của chúng ta cũng chỉ là tạm thời và sẽ kết thúc với cái chết của thể xác chúng ta. Nhưng bản chất con người của anh chị em và tôi sẽ không bị hủy diệt. Linh hồn của chúng ta sẽ tiếp tục sống và chờ đợi Sự Phục Sinh—một ân tứ ban không cho tất cả chúng ta bởi Cha Thiên Thượng nhân từ và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su.2 Vào lúc Phục Sinh, linh hồn và thể xác của chúng ta sẽ được tái hợp, được giải thoát khỏi nỗi đau đớn và thể xác không hoàn hảo.

Sẽ có một Ngày Phán Xét sau Sự Phục Sinh. Mặc dù tất cả mọi người cuối cùng sẽ được cứu rỗi và thừa hưởng một vương quốc vinh quang, nhưng những người tin cậy nơi Thượng Đế và tìm cách tuân theo các luật pháp và giáo lễ của Ngài thì sẽ thừa hưởng cuộc sống trong thời vĩnh cửu đầy vinh quang và tràn ngập vẻ uy nghi không thể tưởng tượng được.

Ngày Phán Xét sẽ là một ngày đầy thương xót và yêu thương—một ngày mà những tấm lòng đau khổ sẽ được chữa lành, những giọt lệ đau buồn được thay thế bằng giọt lệ biết ơn, khi tất cả mọi điều sẽ được làm cho đúng.3

Vâng, sẽ có nỗi đau đớn cùng cực vì tội lỗi. Vâng, sẽ có những điều tiếc nuối và thậm chí đau khổ vì những lỗi lầm, sự rồ dại, và bướng bỉnh của mình mà đã làm cho chúng ta bỏ lỡ cơ hội cho một tương lai sáng lạn hơn nhiều.

Nhưng tôi tin rằng chúng ta không những sẽ hài lòng với sự phán xét của Thượng Đế; mà sẽ còn ngạc nhiên và choáng ngợp bởi ân điển vô hạn, lòng thương xót, sự khoan hồng, và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, là con cái của Ngài. Nếu ước muốn và các việc làm của chúng ta là tốt lành, nếu chúng ta có đức tin nơi một Thượng Đế hằng sống, thì chúng ta có thể mong chờ điều mà Mô Rô Ni gọi là “rào phán xét dễ chịu của Đấng Giê Hô Va vĩ đại, là Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu.”4

Pro Tanto Quid Retribuamus

Các anh chị em yêu quý của tôi, các bạn thân mến của tôi, tâm trí của chúng ta chẳng phải tràn đầy kinh ngạc và kính phục để suy ngẫm về kế hoạch hạnh phúc vĩ đại mà Đức Chúa Cha đã chuẩn bị cho chúng ta hay sao? Anh chị em chẳng phải tràn đầy niềm vui không kể xiết để biết về tương lai vinh quang đã được chuẩn bị cho tất cả những người ngóng trông Chúa sao?

Nếu anh chị em chưa bao giờ cảm thấy kinh ngạc và vui sướng như vậy, thì tôi mời anh chị em hãy tìm kiếm, nghiên cứu, và suy ngẫm về những lẽ thật sâu sắc nhưng đơn giản của phúc âm phục hồi. “Hãy để cho sự trang nghiêm của vĩnh cửu an nghỉ trong tâm trí mình.”5 Hãy để cho họ chia sẻ chứng ngôn với anh chị em về kế hoạch thiêng liêng của sự cứu rỗi.

Nếu anh chị em đã từng cảm thấy như vậy thì ngày hôm nay tôi xin hỏi: “[anh chị em] có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”6

Thưa anh chị em, mới gần đây, tôi đã có cơ hội để đi đến Belfast, Ireland. Trong khi ở đó, tôi thấy phù hiệu của Belfast trong đó có câu phương châm “Pro tanto quid retribuamus,” tức là “Chúng ta sẽ lấy gì để báo đáp cho quá nhiều điều mình đã được ban cho?”7

Tôi xin mời mỗi người chúng ta nên suy ngẫm câu hỏi này. Chúng ta sẽ lấy gì để báo đáp cho nguồn hiểu biết dồi dào và lẽ thật mà Thượng Đế đã trút xuống lên chúng ta?

Đức Chúa Cha yêu dấu chỉ yêu cầu chúng ta nên sống theo lẽ thật mà mình đã nhận được, và nên tuân theo con đường mà Ngài đã ban cho. Vì thế, chúng ta hãy can đảm, tin cậy vào sự hướng dẫn của Thánh Linh, hãy chia sẻ bằng lời nói và bằng hành động với đồng loại của mình sứ điệp tuyệt vời và đầy soi dẫn về kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế. Hãy để cho động lực của chúng ta là tình yêu thương dành cho Thượng Đế và con cái của Ngài, vì họ là anh chị em của chúng ta. Đây là khởi đầu của những điều chúng ta có thể làm để đền đáp vì đã được ban cho quá nhiều.

Một ngày nào đó “mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận” rằng đường lối của Thượng Đế là công chính và kế hoạch của Ngài là hoàn hảo.8 Đối với anh chị em và tôi, chúng ta hãy làm ngày hôm đó thành ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng tuyên bố với Gia Cốp thời xưa: “Ôi vĩ đại thay kế hoạch của Thượng Đế chúng ta!”9

Tôi làm chứng về điều này, trong khi tôi để lại cho anh chị em phước lành của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.