2010–2019
Giáo Lý của Đấng Ky Tô
Tháng Mười năm 2016


Giáo Lý của Đấng Ky Tô

Giáo lý của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta tiếp cận với quyền năng thuộc linh mà sẽ nâng chúng ta lên từ trạng thái thuộc linh đến một trạng thái mà chúng ta có thể trở nên được toàn thiện.

Sự hiện đến của Chúa Giê Su cùng dân Nê Phi sau khi Ngài phục sinh đã được tổ chức kỹ lưỡng để dạy chúng ta những điều quan trọng nhất. Sự hiện đến này bắt đầu với Đức Chúa Cha làm chứng với dân chúng rằng Chúa Giê Su là “Con Trai Yêu Dấu của [Ngài], người mà [Ngài] rất hài lòng.”1 Sau đó, Chúa Giê Su giáng xuống và làm chứng về sự hy sinh Chuộc Tội của Ngài,2 mời gọi dân chúng “biết một cách chắc chắn” rằng Ngài là Đấng Ky Tô bằng cách tiến lên và sờ tay vào vết thương ở hông Ngài và vết đinh đóng ở tay chân Ngài.3 Những bằng chứng này xác minh một cách chắc chắn rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su đã được hoàn tất và rằng Đức Chúa Cha đã hoàn thành giao ước của Ngài để ban cho một Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, Chúa Giê Su đã dạy cho dân Nê Phi cách để có được tất cả các phước lành của kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha mà có sẵn cho chúng ta nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách dạy cho họ giáo lý của Đấng Ky Tô.4

Sứ điệp của tôi hôm nay tập trung vào giáo lý của Đấng Ky Tô. Thánh thư định nghĩa giáo lý của Đấng Ky Tô là thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì cho đến cùng.5

Giáo Lý của Đấng Ky Tô Cho Phép Chúng Ta Đạt Được các Phước Lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô

Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô tạo ra những điều kiện mà chúng ta có thể dựa vào “công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh,”6 “được toàn thiện trong [Đấng Ky Tô],”7 có được mọi điều tốt,8 và đạt được cuộc sống vĩnh cửu.9

Mặt khác, giáo lý của Đấng Ky Tô là phương tiện—phương tiện duy nhất—mà qua đó chúng ta có được tất cả các phước lành có sẵn cho chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su. Chính giáo lý của Đấng Ky Tô cho phép chúng ta tiếp cận với quyền năng thuộc linh mà sẽ nâng chúng ta lên từ trạng thái thuộc linh đến một trạng thái mà chúng ta có thể trở nên được toàn thiện như Đấng Cứu Rỗi.10 Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy về tiến trình sinh lại này: “Việc được sinh lại, không giống như sự ra đời với thân xác của chúng ta, mà là một tiến trình hơn là một sự kiện. Và việc tham gia vào tiến trình đó là mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế.”11

Chúng ta hãy cùng thảo luận về mỗi yếu tố của giáo lý của Đấng Ky Tô.

Trước hết, đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Các vị tiên tri đã dạy rằng đức tin bắt đầu bằng cách nghe lời của Đấng Ky Tô.12 Những lời của Đấng Ky Tô làm chứng về sự hy sinh chuộc tội của Ngài và cho chúng ta biết cách chúng ta có thể được tha thứ, có được các phước lành, và sự tôn cao.13

Khi nghe theo những lời của Đấng Ky Tô, chúng ta thực hành đức tin bằng cách chọn tuân theo những lời dạy và tấm gương của Đấng Cứu Rỗi.14 Để làm điều này, Nê Phi đã dạy rằng chúng ta phải trông cậy “hoàn toàn vào những công nghiệp của [Đấng Ky Tô] có quyền năng cứu rỗi.”15 Vì Chúa Giê Su là một Thượng Đế trong cuộc sống tiền dương thế,16 đã sống một cuộc sống vô tội,17 và trong khi chuộc tội, đã làm thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của công lý cho anh chị em và tôi,18 Ngài có quyền năng và các chìa khóa để mang lại sự phục sinh của tất cả mọi người,19 và Ngài đã làm cho lòng thương xót có thể thỏa mãn những đòi hỏi của công lý theo những điều kiện của sự hối cải.20 Một khi chúng ta hiểu rằng mình có thể đạt được lòng thương xót qua những công nghiệp của Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể có “được đức tin đưa đến sự hối cải.”21 Bấy giờ, việc trông cậy hoàn toàn vào những công nghiệp của Đấng Ky Tô là tin cậy rằng Ngài đã làm điều cần thiết để cứu rỗi chúng ta và sau đó hành động theo đức tin22 của chúng ta.

Đức tin cũng làm cho chúng ta ngừng lo lắng quá nhiều về điều người khác nghĩ về mình và bắt đầu quan tâm nhiều hơn về điều Thượng Đế nghĩ về mình.

Thứ hai, sự hối cải. Sa Mu Ên người La Man đã dạy: “Nếu các người tin nơi danh [Đấng Ky Tô], thì các người sẽ hối cải tất cả mọi tội lỗi của mình.”23 Sự hối cải là một ân tứ quý báu từ Cha Thiên Thượng mà có thể làm cho thực hiện được qua sự hy sinh của Con Trai Độc Sinh của Ngài. Đó là một tiến trình Đức Chúa Cha đã ban cho chúng ta mà qua đó chúng ta thay đổi, hoặc sửa đổi những ý nghĩ, hành động, và chính con người mình để trở thành càng giống Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn nữa.24 Đó không phải chỉ là về những tội lỗi nghiêm trọng không thôi, mà còn là một tiến trình hàng ngày để tự đánh giá và cải thiện25 nhằm giúp chúng ta khắc phục tội lỗi, những điều khiếm khuyết, yếu kém, và không thích đáng của chúng ta.26 Sự hối cải làm cho chúng ta trở thành “các tín đồ chân chính” của Đấng Ky Tô, mà làm cho lòng chúng ta tràn đầy tình yêu thương27 và loại bỏ những nỗi sợ hãi.28 Sự hối cải không phải là một kế hoạch dự phòng trong trường hợp kế hoạch của chúng ta để sống hoàn hảo bị thất bại.29 Sự hối cải liên tục là con đường duy nhất mà có thể mang lại cho chúng ta niềm vui lâu dài và cho phép chúng ta trở về sống với Cha Thiên Thượng.

Nhờ vào sự hối cải, chúng ta trở nên dễ phục tùng và biết tuân theo ý muốn của Thượng Đế. Điều này không được thực hiện một mình. Cần phải có một sự công nhận về lòng nhân từ của Thượng Đế và sự vô nghĩa của chúng ta,30 kết hợp với những nỗ lực tốt nhất của chúng ta để điều chỉnh hành vi của mình giống với ý muốn của Thượng Đế,31 sẽ mang ân điển vào cuộc sống của chúng ta.32 Ân điển “là phương tiện giúp đỡ thiêng liêng hay sức mạnh, được ban cho qua lòng thương xót và tình yêu thương dồi dào của Chúa Giê Su Ky Tô ... để làm những điều thiện mà [chúng ta] sẽ không thể nào duy trì nếu bị bỏ mặc với phương tiện riêng của [chúng ta].”33 Vì sự hối cải thực sự là về việc trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, mà điều đó không thể do chúng ta tự thực hiện được, nên chúng ta rất cần ân điển của Đấng Cứu Rỗi để có được những thay đổi cần thiết trong cuộc sống.

Khi hối cải, chúng ta thay thế những hành vi cũ, không ngay chính, những yếu kém, khuyết điểm, cùng nỗi sợ hãi bằng những hành vi mới và niềm tin mà mang chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và giúp chúng ta trở nên giống như Ngài.

Thứ ba, lễ báp têm và Tiệc Thánh. Tiên tri Mặc Môn đã dạy rằng “thành quả đầu tiên của sự hối cải là phép báp têm.”34 Để được trọn vẹn, sự hối cải phải được kết hợp với giáo lễ báp têm được thực hiện bởi một người nắm giữ thẩm quyền chức tư tế của Thượng Đế. Đối với các tín hữu của Giáo Hội, các giao ước được lập tại lễ báp têm và các dịp khác đều được tái lập khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh.35

Trong các giáo lễ báp têm và Tiệc Thánh, chúng ta giao ước phải tuân giữ các giáo lệnh của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, luôn luôn tưởng nhớ tới Đấng Ky Tô, và sẵn lòng mang danh của Đấng Ky Tô (hoặc công việc và các thuộc tính của Ngài36).37 Đổi lại, Đấng Cứu Rỗi giao ước sẽ tha thứ, hoặc xá miễn tội lỗi của chúng ta38 và “trút Thánh Linh của Ngài xuống [chúng ta] một cách dồi dào hơn.”39 Đấng Ky Tô cũng hứa sẽ chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu bằng cách giúp chúng ta trở nên giống như Ngài.40

Douglas D. Holmes, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên, đã viết rằng: “Các giáo lễ báp têm và Tiệc Thánh tượng trưng cho kết quả cuối cùng lẫn tiến trình được sinh lại. Trong lễ báp têm, chúng ta chôn xuống con người cũ của xác thịt và bước vào một cuộc sống mới.41 Trong Tiệc Thánh, chúng ta biết rằng sự thay đổi này là một tiến trình từng bước một, [nơi mà] dần dần, tuần này sang tuần khác, chúng ta được biến đổi khi hối cải, giao ước, và qua những sự ban cho được gia tăng của Thánh Linh [trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi].”42

Các giáo lễ và giao ước là thiết yếu trong giáo lý của Đấng Ky Tô. Chính là qua việc tiếp nhận một cách xứng đáng các giáo lễ của chức tư tế và tuân giữ các giao ước liên quan mà quyền năng tin kính được biểu hiện trong cuộc sống của chúng ta.43 Anh Cả D. Todd Christofferson giải thích rằng “‘quyền năng tin kính’ đến với con người và do ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.”44

Thứ tư, ân tứ Đức Thánh Linh. Sau khi phép báp têm, chúng ta được ban cho ân tứ Đức Thánh Linh qua giáo lễ xác nhận.45 Ân tứ này, nếu chúng ta nhận được, cho phép chúng ta có được sự đồng hành thường xuyên của một Thượng Đế46 và liên tục tiếp cận ân điển vốn là một phần thiết yếu của ảnh hưởng của Ngài.

Là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta, Đức Thánh Linh ban cho chúng ta thêm quyền năng hoặc sức mạnh để tuân giữ các giao ước.47 Ngài cũng thánh hóa chúng ta,48 có nghĩa là để làm cho chúng ta “được giải thoát khỏi tội lỗi, được thanh khiết, trong sạch, và thánh thiện nhờ vào sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”49 Tiến trình thánh hóa không những tẩy sạch chúng ta, mà còn ban phước cho chúng ta với các ân tứ thuộc linh cần thiết hoặc các thuộc tính thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi50 và thay đổi bản chất thật sự của chúng ta,51 khiến “chúng ta không còn ý muốn làm điều tà ác nữa.”52 Mỗi lần chúng ta nhận được Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình qua đức tin, sự hối cải, các giáo lễ, sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô, và các nỗ lực ngay chính khác, thì chúng ta đã thay đổi cho đến khi từng bước một, dần dần trở nên giống như Đấng Ky Tô.53

Thứ năm, kiên trì cho đến cùng. Tiên tri Nê Phi dạy rằng sau khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, chúng ta phải “kiên trì đến cùng bằng cách noi gương Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.”54 Anh Cả Dale G. Renlund đã mô tả tiến trình kiên trì đến cùng như sau: “Chúng ta có thể được hoàn hảo bằng cách liên tục ... thực hành đức tin nơi [Đấng Ky Tô], hối cải, dự phần Tiệc Thánh để tái lập các giao ước và phước lành của phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh với tư cách là một người bạn đồng hành thường xuyên với một mức độ nhiều hơn. Khi làm như vậy, chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn và có thể chịu đựng đến cùng, với tất cả những điều kèm theo.”55

Nói cách khác, việc tiếp nhận Đức Thánh Linh và sự thay đổi mà sự tiếp nhận này tạo ra nơi chúng ta tiếp tục xây đắp đức tin của chúng ta. Đức tin gia tăng dẫn đến sự hối cải nhiều hơn. Sau đó khi chúng ta hy sinh tâm hồn và tội lỗi của mình một cách tượng trưng tại bàn Tiệc Thánh, thì chúng ta nhận được Đức Thánh Linh với một mức độ nhiều hơn. Việc tiếp nhận Đức Thánh Linh với một mức độ nhiều hơn đưa chúng ta đi xa hơn trên con đường được sinh lại. Khi chúng ta tiếp tục trong tiến trình này và nhận được tất cả các giáo lễ cứu rỗi và các giao ước của phúc âm, thì chúng ta nhận được “từ ân điển này đến ân điển khác” cho đến khi chúng ta nhận được một sự trọn vẹn.56

Chúng Ta Phải Áp Dụng Giáo Lý của Đấng Ky Tô vào Cuộc Sống của Mình

Thưa anh chị em, khi áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của mình, thì chúng ta được ban phước về mặt vật chất lẫn thuộc linh, thậm chí trong các thử thách nữa. Cuối cùng chúng ta có thể “nắm vững được mọi điều tốt lành.”57 Tôi làm chứng rằng tiến trình này đã xảy ra và tiếp tục xảy ra trong cuộc sống của tôi, từng bước một và dần dần.

Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của mình vì giáo lý này cung cấp con đường duy nhất để trở lại với Cha Thiên Thượng. Đó là cách duy nhất để tiếp nhận Đấng Cứu Rỗi và trở thành con trai và con gái của Ngài.58 Thực ra, cách duy nhất để được cứu chuộc khỏi tội lỗi và được tiến triển về phần thuộc linh là phải áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của chúng ta.59 Ngoài ra, Sứ Đồ Giăng đã dạy rằng “Hễ ai ... chẳng bền lòng theo đạo Đấng Ky Tô, thì người ấy không có Đức Chúa Trời.”60 Và chính Chúa Giê Su đã phán cùng Mười Hai Sứ Đồ Nê Phi rằng nếu chúng ta không thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm, và kiên trì đến cùng, thì chúng ta sẽ bị “đốn đi và ném vào lửa, là nơi mà [chúng ta] không thể trở lại được nữa.”61

Vậy làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình? Một cách sẽ là thực hiện một nỗ lực có ý thức mỗi tuần để chuẩn bị cho Tiệc Thánh bằng cách dành ra một số thời gian để thành tâm xem xét liệu chúng ta cần phải cải thiện về mặt nào nhất. Sau đó, chúng ta có thể hy sinh ít nhất một điều mà ngăn cản chúng ta không được giống như Chúa Giê Su Ky Tô nơi bàn Tiệc Thánh, cầu khẩn với đức tin để được giúp đỡ, cầu xin có được các ân tứ của Thánh Linh, và giao ước để cải thiện trong tuần sắp tới.62 Khi làm như vậy, Đức Thánh Linh sẽ đi vào cuộc sống của chúng ta với một mức độ nhiều hơn, và chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để khắc phục những khuyết điểm của mình.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian và danh của Ngài là danh duy nhất mà qua đó chúng ta có thể được cứu.63 Tất cả những điều nào tốt lành chỉ có sẵn qua Ngài mà thôi.64 Nhưng để thực sự “nắm vững được mọi điều tốt lành,”65 kể cả cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta phải tiếp tục áp dụng giáo lý của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của chúng ta. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.