2010–2019
Phiên Họp Chức Tư Tế Trung Ương
Tháng Tư năm 2017


“Hãy Đi cùng Ta”

Lễ sắc phong chức tư tế của chúng ta là lời mời gọi từ Chúa để đi cùng với Ngài, làm điều Ngài làm, và phục vụ theo như cách Ngài phục vụ.

Các anh em yêu quý của tôi trong chức tư tế, mục đích của tôi hôm nay là để cam đoan cũng như thúc đẩy các anh em trong sự phục vụ của chức tư tế của mình. Trong một vài phương diện, điều này cũng giống với mục đích mà tôi tưởng tượng Đấng Cứu Rỗi đã có khi Ngài gặp một thanh niên giàu có mà đã hỏi: “Thưa thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” (Ma Thi Ơ 19:16). Có lẽ các anh em đã đến dự đại hội này, giống như người thanh niên đó đã đến với Đấng Cứu Rỗi, muốn biết liệu sự phục vụ của mình có thể được chấp nhận hay không. Đồng thời, các anh em cũng có thể cảm thấy rằng có nhiều việc phải làm hơn nữa—có lẽ còn có thêm nhiều hơn nữa! Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể truyền đạt sự chấp nhận đầy yêu thương của Chúa về những gì các anh em đã làm, đồng thời cũng đưa ra một cái nhìn thoáng qua đầy khích lệ với sự giúp đỡ của Ngài, về những gì các anh em có thể chưa hoàn tất với tư cách là một người nắm giữ thánh chức tư tế của Ngài.

Người thanh niên giàu có được yêu cầu bán mọi thứ anh ta có để ban phát cho người nghèo khó và đi theo Đấng Cứu Rỗi; sự tiến triển trong tương lai của các anh em có thể không đòi hỏi điều đó nhưng có thể sẽ đòi hỏi một mức độ hy sinh. Cho dù bằng cách nào đi nữa thì tôi cũng hy vọng sứ điệp của tôi không làm cho các anh em “[bỏ] đi, bộ buồn bực” giống như người thanh niên ấy. (Xin xem Ma Thi Ơ 19: 20–22). Thay vì thế, tôi tin rằng các anh em sẽ “hớn hở tiếp tục lên đường“ (GLGƯ 84: 105) vì các anh em muốn cải thiện và nghĩ mình có thể làm được.

Mặc dù vậy, nhưng là điều tự nhiên để cảm thấy không thích đáng khi chúng ta suy xét điều Chúa đã kêu gọi chúng ta phải làm. Thật ra, nếu các anh em nói với tôi rằng các anh em cảm thấy hoàn toàn có khả năng để làm tròn các bổn phận của chức tư tế của mình thì tôi có thể lo lắng rằng các anh em không hiểu các bổn phận này. Mặt khác, nếu các anh em nói với tôi rằng các anh em cảm thấy như muốn bỏ cuộc vì nhiệm vụ vượt quá xa khả năng của các anh em, thì tôi muốn giúp các anh em hiểu Chúa đã làm vinh hiển và củng cố những người nắm giữ chức tư tế của Ngài như thế nào để làm những việc mà họ không bao giờ có thể làm được một mình.

Điều này đúng đối với tôi trong chức vụ kêu gọi của tôi cũng như đúng với các anh em trong chức vụ kêu gọi của các anh em. Không một ai trong chúng ta có thể làm công việc của chức tư tế, và làm giỏi điều đó, mà chỉ dựa vào sự khôn ngoan và tài năng của mình cả. Bởi vì đây không phải là công việc của chúng ta—mà là công việc của Chúa. Vì vậy, cách duy nhất để thành công là trông cậy vào Ngài, cho dù các anh em là thầy trợ tế mới được kêu gọi và được tin cậy với nhiệm vụ mang lại một ít quyền năng thuộc linh cho giáo lễ Tiệc Thánh; hoặc một thầy giảng tại gia trẻ tuổi được Chúa chỉ định để yêu thương và phục sự cho một gia đình mà mình không biết và dường như gia đình này không muốn nhận tình yêu thương hay sự phục sự của các anh em; hoặc là một người cha biết rằng mình phải chủ tọa gia đình trong sự ngay chính, nhưng có lẽ các anh em không biết chắc cách để làm điều đó, và dường như không còn nhiều thời gian nữa, vì mấy đứa con đang lớn rất nhanh và thế gian dường như quá khắc nghiệt và thù nghịch.

Vì vậy, nếu các anh em cảm thấy có phần nào quá sức chịu đựng thì hãy coi đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó cho biết rằng các anh em có thể cảm nhận được tầm quan trọng của sự tin cậy mà Thượng Đế đã đặt vào nơi anh em. Điều đó có nghĩa là các anh em có một chút hiểu biết về chức tư tế thực sự là gì.

Có rất ít người trên thế giới có được sự hiểu biết đó. Ngay cả những người có thể đọc thuộc lòng một định nghĩa hợp lý cũng có thể không thực sự hiểu. Có một số câu thánh thư mà qua quyền năng của Thánh Linh chứa đựng bên trong những câu đó, có thể làm gia tăng cảm giác kinh ngạc của chúng ta về chức tư tế thánh. Sau đây là một số câu thánh thư đó:

“Quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế … Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, là nắm giữ các chìa khóa của tất cả các phước lành thuộc linh của giáo hội—

“Có đặc quyền nhận được những điều kín nhiệm thuộc vương quốc thiên thượng, có được các tầng trời mở ra cho họ thấy, và được giao tiếp với đại hội và giáo hội Con Đầu Lòng, và được hưởng sự giao tiếp cùng sự hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su, là Đấng trung gian của giao ước mới.

“Quyền năng và thẩm quyền của … Chức Tư Tế A Rôn, là nắm giữ các chìa khóa của sự phù trợ của các thiên sứ” (GLGƯ 107:18–20).

“Trong các giáo lễ [thuộc chức tư tế], quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt. …

“Vì nếu không có điều này thì chẳng ai có thể thấy mặt Thượng Đế, tức là Đức Chúa Cha, mà còn sống.” (GLGƯ 84:20, 22).

“Chức tư tế thượng phẩm này được lập theo ban của Vị Nam Tử của [Thượng Đế], là ban đã có từ lúc thế gian mới được tạo dựng, hay nói cách khác, đã có từ lúc không có ngày bắt đầu hay năm kết thúc, đã được chuẩn bị từ vĩnh cửu này tới suốt vĩnh cửu khác, theo sự hiểu biết trước của Ngài về mọi sự việc” (An Ma 13:7).

“Mọi người nào được sắc phong theo ban và sự kêu gọi này sẽ có quyền năng, qua đức tin, phá vở núi, rẽ đôi biển ra, làm các vùng nước khô cạn, khiến các dòng nước đổi hướng;

“Thách thức những đạo quân của các nước, chia cắt đất, bẻ gãy mọi xiềng xích, đứng trong chốn hiện diện của Thượng Đế; làm tất cả mọi điều theo ý muốn của Ngài, theo lệnh truyền của Ngài, chế ngự các bậc chấp chánh và quyền lực; và điều này do ý muốn của Vị Nam Tử của Thượng Đế có từ trước khi thế gian được tạo dựng” (Bản Dịch Joseph Smith, Sáng Thế Ký 14:30–31 [trong phần phụ lục Kinh Thánh]).

Một cách để đáp ứng với những điều mô tả tuyệt vời như vậy về quyền năng của chức tư tế là cho rằng điều này không áp dụng với chúng ta. Một cách khác để đáp ứng là những câu hỏi tự vấn lương tâm, được hỏi trong lòng mình, chẳng hạn như những câu hỏi này: Tôi có bao giờ cảm thấy rằng các tầng trời đã mở ra cho tôi không? Có ai sử dụng cụm từ “sự phù trợ của các thiên sứ” để mô tả sự phục vụ của chức tư tế của tôi không? Tôi có mang “quyền năng của sự tin kính” vào cuộc sống của những người tôi phục vụ không? Tôi có bao giờ phá vỡ một ngọn núi, thách thức một đạo quân, giúp một người nào đó bẻ gãy xiềng xích của vòng nô lệ thuộc linh của một người nào đó, hoặc khuất phục các quyền lực của thế gian—ngay cả chỉ mang tính ẩn dụ—để thực hiện ý muốn của Thượng Đế không?

Cách xem xét nội tâm như vậy luôn mang đến cảm giác rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn trong sự phục vụ của Chúa. Tôi hy vọng rằng điều đó cũng mang lại cho các anh em cảm giác rằng các anh em muốn làm nhiều hơn nữa—một nỗi khao khát để tham gia trọn vẹn hơn vào công việc kỳ diệu của Chúa. Những cảm giác như vậy là bước đầu tiên hướng tới việc trở thành con người mà sự phục vụ của chức tư tế có ý định tạo ra.

Bước kế tiếp được mô tả trong một sự tương tác giữa Giê Hô Va và Hê Nóc. Chúng ta biết Hê Nóc là một vị tiên tri vĩ đại đã thiết lập Si Ôn ở giữa sự tà ác lớn lao. Nhưng trước khi trở thành một vị tiên tri vững mạnh, thì Hê Nóc đã tự thấy mình “chỉ là một thiếu niên … nói năng chậm chạp,” và bị mọi người ghét bỏ (Môi Se 6:31). Hãy lắng nghe những lời mà Chúa đã dùng để khuyến khích Hê Nóc. Đó cũng là những lời của Ngài dành cho các anh em đã được kêu gọi để phục sự cho những người khác với tư cách là người nắm giữ chức tư tế:

“Và Chúa phán cùng Hê Nóc: Hãy đi và làm theo lời ta đã truyền lệnh cho ngươi, và chẳng có ai xuyên thủng được ngươi. Hãy mở miệng ngươi ra, và nó sẽ được tràn đầy, và ta sẽ ban cho ngươi lời nói, vì mọi xác thịt đều ở trong tay ta, và ta sẽ làm những gì ta thấy là tốt. …

“Này, Thánh Linh của ta ở trên ngươi, vậy nên tất cả những lời nói của ngươi sẽ được ta cho là chính đáng; và các núi sẽ chạy trốn trước mặt ngươi, và các sông sẽ đổi dòng của chúng; và ngươi sẽ ở trong ta, và ta sẽ ở trong ngươi; vậy nên hãy đi cùng với ta.” (Môi Se 6:32, 34).

Thưa các anh em, lễ sắc phong chức tư tế của chúng ta là lời mời gọi từ Chúa để đi cùng với Ngài. Vậy đi cùng với Chúa có nghĩa là gì? Câu này có nghĩa là làm điều Ngài làm, phục vụ theo như cách Ngài phục vụ. Ngài đã hy sinh sự an nhàn của Ngài để ban phước cho những người hoạn nạn, vậy thì đó là điều chúng ta cố gắng để làm. Ngài dường như đặc biệt chú ý đến những người bị bỏ quên và thậm chí còn bị xã hội xa lánh, vì vậy chúng ta cũng nên cố gắng làm điều đó. Ngài đã mạnh dạn làm chứng với tình yêu thương về giáo lý chân chính mà Ngài đã nhận được từ Đức Chúa Cha của Ngài, mặc dù giáo lý đó không được nhiều người ưa chuộng, và chúng ta cũng phải làm giống như vậy. Ngài phán với tất cả mọi người: “Hãy đến cùng ta” (Ma Thi Ơ 11:28), và chúng ta cũng nói với tất cả mọi người: “Hãy đến cùng Ngài.” Là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta là những người đại diện của Ngài. Chúng ta không hành động cho mình, mà cho Ngài. Chúng ta không nói lời của chính mình mà là lời của Ngài. Những người chúng ta phục vụ tiến đến việc biết Ngài rõ hơn nhờ vào sự phục vụ của chúng ta.

Ngay khi chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Chúa “Hãy đi cùng ta,” thì tính chất của sự phục vụ của chức tư tế của chúng ta thay đổi. Nó sẽ trở nên cao cả lẫn cao quý hơn nhưng cũng có thể đạt được nhiều hơn, vì chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn một mình. Tôi cảm nhận được điều này một cách mạnh mẽ nhất khi Chủ Tịch Thomas S. Monson đặt tay lên đầu tôi cách đây chín năm và ban phước cho tôi khi tôi bắt đầu phục vụ trong chức vụ kêu gọi hiện tại của mình. Trong phước lành đó, ông đã đọc những lời này của Đấng Cứu Rỗi: “Và kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi” (GLGƯ 84:88).

Tôi đã nhiều lần tin cậy vào lời hứa đó, và tôi đã thấy lời hứa đó được ứng nghiệm bằng nhiều cách trong suốt 72 năm phục vụ của tôi trong chức tư tế. Điều đó đã xảy ra khi tôi là một người mới nắm giữ chức Tư Tế A Rôn với công việc chỉ định phải chuyền Tiệc Thánh. Vì sợ rằng mình sẽ phạm phải lỗi lầm nên tôi đi ra bên ngoài giáo đường trước khi buổi họp bắt đầu và khẩn thiết cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ giúp đỡ tôi. Một sự đáp ứng đã đến. Tôi cảm thấy Chúa đang ở với tôi. Tôi cảm thấy có sự tin tưởng của Ngài trong tôi, và vì thế tôi tin tưởng vào phần vụ của tôi trong công việc của Ngài.

Điều đó đã xảy ra một lần nữa trong khi tôi phục vụ với tư cách là một giám trợ. Tôi nhận được một cú điện thoại từ một phụ nữ đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng và giờ đây phải đối mặt với một quyết định khó khăn. Khi đến thăm người ấy, tôi cảm thấy là mình đã biết câu giải đáp cho vấn đề của người ấy, nhưng tôi cũng có cảm nghĩ mạnh mẽ rằng tôi không nên đưa ra câu giải đáp cho người ấy—người ấy cần phải tự mình nhận câu giải đáp đó. Tôi nói với người ấy: “Tôi tin rằng Thượng Đế sẽ cho chị biết phải làm điều gì nếu chị chịu cầu vấn Ngài.” Về sau, người ấy kể lại rằng người ấy đã cầu vấn Ngài, và Ngài đã cho người ấy biết câu giải đáp.

Vào một dịp khác, khi tôi là giám trợ, tôi đã nhận được điện thoại—lần này là từ cảnh sát. Tôi được cho biết rằng một người say rượu đã lái xe đâm xuyên qua kính vào hành lang của một ngân hàng. Khi người lái xe bối rối thấy nhân viên bảo vệ chĩa súng vào mình thì đã kêu lên: “Đừng bắn! Tôi là người Mặc Môn!”

Người lái xe say rượu đã được khám phá ra là một tín hữu của tiểu giáo khu của tôi, chỉ vừa chịu phép báp têm mới gần đây. Khi tôi chờ để nói chuyện với anh ta trong văn phòng giám trợ, tôi đã hoạch định điều tôi sẽ nói để làm cho anh ta cảm thấy ân hận về cách anh ta đã vi phạm các giao ước của mình và làm xấu hổ Giáo Hội. Nhưng khi ngồi nhìn anh ta, tôi nghe một tiếng nói trong tâm trí tôi, tiếng nói đó rõ như có một người nào đó đang nói với tôi: “Ta sẽ để cho ngươi nhìn hắn như ta nhìn hắn.” Và rồi, trong một giây phút ngắn, cả diện mạo của anh ta đã thay đổi đối với tôi. Tôi không thấy một thanh niên say rượu mà là một người con trai sáng suốt, cao quý của Thượng Đế. Tôi chợt cảm nhận được tình yêu thương của Chúa dành cho anh ta. Tầm nhìn xa đó đã thay đổi cuộc nói chuyện của chúng tôi. Điều đó cũng thay đổi tôi.

Tôi đã học được những bài học quan trọng từ những kinh nghiệm này khi đi cùng với Chúa để làm công việc của Ngài. Tôi muốn chia sẻ với các anh em ba bài học này. Thứ nhất là Thượng Đế nhận biết và sẽ hỗ trợ ngay cả thầy trợ tế mới nhất và trẻ nhất. Các anh em không bao giờ cần cảm thấy rằng mình quá nhỏ bé hoặc quá tầm thường để Ngài phải chú ý đến các anh em và sự phục vụ mà các anh em đang thực hiện trong danh Ngài.

Bài học thứ hai là công việc của Chúa không phải chỉ để giải quyết vấn đề mà là để xây đắp con người. Vì vậy, khi đi cùng Ngài trong sự phục vụ của chức tư tế, các anh em có thể thấy rằng đôi khi điều dường như là giải pháp hiệu quả nhất lại không phải là giải pháp ưa thích của Chúa vì nó không cho phép mọi người phát triển. Nếu các anh em lắng nghe, Ngài sẽ dạy cho các anh em về cách thức của Ngài. Hãy nhớ rằng công việc và vinh quang của Thượng Đế không phải chỉ để điều hành một tổ chức hữu hiệu mà là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Xét cho cùng, đây là lý do tại sao Ngài ban thẩm quyền chức tư tế của Ngài cho những người trần thế không hoàn hảo như các anh em và tôi và mời chúng ta tham gia vào công việc của Ngài. Sự tiến triển của chúng ta công việc của Ngài!

Bây giờ là bài học thứ ba: Việc đi cùng Đấng Cứu Rỗi trong sự phục vụ của chức tư tế sẽ thay đổi cách nhìn của các anh em về người khác. Ngài sẽ dạy cho các anh em biết nhìn họ qua đôi mắt của Ngài, có nghĩa là nhìn xuyên qua diện mạo bên ngoài và nhìn vào trong lòng (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7). Đây là cách mà Đấng Cứu Rỗi đã có thể nhìn thấy Si Môn không phải là một ngư dân suy nghĩ hấp tấp, mà là Phi E Rơ, vị lãnh đạo vững chắc trong tương lai của Giáo Hội (xin xem Lu Ca 5:1–11). Đây là cách Ngài có thể nhìn Xa Chê không phải là kẻ thu thuế đồi bại như những người khác đã thấy mà là một người con trai lương thiện, ngay thẳng của Áp Ra Ham (xin xem Lu Ca 19:1–9). Nếu đi cùng Đấng Cứu Rỗi đủ lâu, thì các anh em sẽ học cách nhìn mọi người đều là một người con của Thượng Đế với tiềm năng vô hạn, cho dù quá khứ của họ có thể là gì đi nữa. Và nếu tiếp tục đi cùng Đấng Cứu Rỗi, thì các anh em sẽ phát triển một ân tứ khác mà Ngài có—khả năng để giúp người khác thấy được tiềm năng đó nơi họ và vì thế mà hối cải.

Các anh em chức tư tế thân mến, trong nhiều phương diện, chúng ta giống như hai môn đồ đi trên đường dẫn tới Em Ma Út vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh đầu tiên đó. Đó là buổi sáng lễ Phục Sinh, nhưng họ vẫn chưa chắc chắn là có sự phục sinh hay không hoặc thậm chí sự phục sinh còn có ý nghĩa gì nữa. Họ đã “trông mong [Chúa Giê Su ở Na Xa Rét] sẽ cứu lấy dân Y Sơ Ra Ên,” nhưng họ “có lòng chậm tin” tất cả những điều mà thánh thư giảng dạy về sự phục sinh. Khi họ đi trên đường và cố gắng cãi lẽ với nhau, “chính Đức Chúa Giê Su đến gần cùng đi đường với họ. Nhưng mắt hai người ấy bị che khuất không nhìn biết Ngài được” (xin xem Lu Ca 24:13–32).

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta đi trên con đường phục vụ của chức tư tế, thì Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ cùng đi với chúng ta, vì đó là con đường của Ngài, cách thức của Ngài. Ánh sáng của Ngài đi trước chúng ta, và các thiên sứ của Ngài ở xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể thiếu một sự hiểu biết trọn vẹn về ý nghĩa của chức tư tế hoặc cách để sử dụng chức đó như Ngài sử dụng. Nhưng nếu chúng ta chú ý kỹ đến những giây phút đó khi “lòng chúng ta … nóng nảy” (Lu Ca 24:32), thì mắt của chúng ta có thể được mở ra, và chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của Ngài trong cuộc sống và trong sự phục vụ của chúng ta. Tôi làm chứng rằng chúng ta nhận được một chứng ngôn về Ngài một cách tốt nhất bằng cách làm việc với Ngài và phục vụ Ngài trong công việc vĩ đại mang lại sự cứu rỗi cho con cái của Thượng Đế. “Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ, và là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?” (Mô Si A 5:13). Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Thầy của chúng ta. Đây là Giáo Hội của Ngài. Chính là chức tư tế của Ngài mà chúng ta nắm giữ. Cầu xin cho mỗi người chúng ta chọn đi cùng Ngài và nhận ra cách Ngài đi cùng chúng ta.

Tôi đưa ra cho các anh em lời chứng long trọng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Chúa Phục Sinh của chúng ta. Tôi chia sẻ chứng ngôn với các anh em rằng chức tư tế mà Ngài đã giao phó cho chúng ta chính là quyền năng để nói và hành động trong danh của Ngài. Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ, là Đấng đáp ứng cho những lời cầu nguyện của chúng ta và gửi Đức Thánh Linh đến để củng cố chúng ta trong mọi trách nhiệm của chức tư tế mà chúng ta được phước để lãnh nhận. Joseph Smith đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Ông đã nhận được các chìa khóa của chức tư tế mà đã được truyền cho Chủ Tịch Thomas S. Monson là người sử dụng chúng ngày nay. Tôi long trọng làm chứng trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.