2010–2019
Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả
Tháng Tư năm 2017


Người Biểu Chi, Hãy Vâng Theo Cả

Khi chọn làm “theo mọi lời Thượng Đế đã phán dạy”, thì chúng ta nghiêm túc cam kết chỉnh đốn hành vi hàng ngày của mình theo ý muốn của Thượng Đế.

Đấng Cứu Rỗi đã làm phép lạ đầu tiên được ghi lại của Ngài trong một bữa tiệc cưới tại Cana ở Ga Li Lê. Mẹ của Ngài là Ma Ri, và các môn đồ của Ngài cũng đều ở đó. Dường như Ma Ri cảm thấy có một trách nhiệm nào đó về sự thành công của bữa tiệc. Trong bữa tiệc, có xảy ra một vấn đề—những người tổ chức đám cưới hết rượu. Ma Ri lo lắng và đi tìm Chúa Giê Su. Ngài và Ma Ri nói chuyện rất ngắn; rồi Ma Ri quay sang các tôi tớ và nói:

“Người biểu chi, hãy vâng theo cả.

“Vả, tại đó có sáu cái ché đá. … [Mấy cái ché này không được dùng để chứa nước uống mà được dùng để làm nghi thức rửa sạch theo luật Môi Se.]

“Đức Chúa Giê Su biểu [các tôi tớ] rằng: Hãy đổ nước đầy những ché nầy; thì họ đổ đầy tới miệng.

“Ngài bèn phán rằng: Bây giờ hãy múc đi, đem cho kẻ coi tiệc. Họ bèn đem cho.

“[Rồi] lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu” và tỏ ra ngạc nhiên khi thấy rằng rượu ngon nhất được mang ra đãi muộn như vậy trong tiệc cưới.1

Chúng ta thường nhớ tới sự kiện này vì việc biến nước thành rượu là một sự chứng minh về quyền năng của Thượng Đế—đó là một phép lạ. Đó là một sứ điệp quan trọng, nhưng cũng có một sứ điệp quan trọng khác nữa trong lời tường thuật của Giăng. Ma Ri là một “bình chứa quý giá được chọn,”2 được Thượng Đế kêu gọi để sinh ra, nuôi dưỡng, và nuôi nấng chính Con Trai của Thượng Đế. Bà biết nhiều về Ngài hơn bất cứ ai khác trên thế gian. Bà biết sự thật về sự giáng sinh kỳ diệu của Ngài. Bà biết rằng Ngài không có tội lỗi và Ngài “không nói chuyện như những người khác, cũng như Ngài không thể được giảng dạy; vì Ngài không cần bất cứ một người nào giảng dạy Ngài.”3 Ma Ri biết về khả năng phi thường của Ngài để giải quyết các vấn đề, kể cả một vấn đề cá nhân như cung cấp rượu cho một bữa tiệc cưới. Bà có sự tin tưởng vững chắc nơi Ngài và nơi quyền năng thiêng liêng của Ngài. Lời chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu của bà cho các tôi tớ không hề có sự quy định, không có điều kiện, không có giới hạn nào: “Người biểu chi, hãy vâng theo cả.”

Ma Ri là một thiếu nữ khi thiên sứ Gáp Ri Ên hiện đến cùng bà. Thoạt tiên bà đã “bối rối” khi được gọi là “được ơn” và “được ban phước … trong số những người đàn bà … và tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa là gì.” Gáp Ri Ên trấn an bà rằng bà không có gì phải sợ cả—tin mà ông đã mang đến là tin lành. Bà “sẽ chịu thai … Con của Đấng Rất Cao … và sanh một con trai … [Ngài] sẽ trị vì đời đời nhà Gia Cốp.”

Ma Ri bèn thưa rằng: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?”

Thiên sứ giải thích, nhưng chỉ một cách vắn tắt, cùng khẳng định với bà rằng “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được.”

Ma Ri khiêm nhường đáp rằng bà sẽ làm bất cứ điều gì Thượng Đế phán bảo, mà không đòi hỏi phải biết chi tiết cụ thể và không chút ngờ vực mặc dù có vô số thắc mắc về những hệ quả đối với cuộc sống của bà. Bà đã tự cam kết mà không hiểu chính xác tại sao Ngài đòi hỏi bà làm điều đó hoặc mọi việc rồi sẽ ra sao. Bà chấp nhận lời Thượng Đế một cách vô điều kiện và trước tiên,4 chỉ với một chút hiểu biết về những gì trước mắt. Chỉ với lòng tin cậy nơi Thượng Đế, Ma Ri nói: “Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền.”5

Khi chọn làm “theo mọi lời Thượng Đế đã phán dạy” chúng ta, chúng ta nghiêm túc cam kết để chỉnh đốn hành vi hàng ngày của mình theo ý muốn của Thượng Đế. Những hành động đơn giản như vậy trong đức tin như nghiên cứu thánh thư hàng ngày, nhịn ăn thường xuyên, và cầu nguyện với chủ ý thực sự làm gia tăng năng lực thuộc linh của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trần thế. Qua thời gian, những thói quen đơn giản về niềm tin dẫn đến những kết quả kỳ diệu. Chúng biến đổi đức tin của chúng ta từ một điều nhỏ bé thành một điều đầy quyền năng tốt lành trong cuộc sống của chúng ta. Sau đó, khi những thử thách xảy đến với chúng ta, nền tảng của chúng ta trong Đấng Ky Tô mang đến sự kiên định cho linh hồn chúng ta. Thượng Đế củng cố những yếu kém của chúng ta, gia tăng niềm vui của chúng ta, và làm cho “mọi việc [sẽ] hiệp lại làm lợi ích cho [chúng ta].”6

Cách đây một vài năm, tôi đã nói chuyện với một vị giám trợ trẻ đang dành ra nhiều giờ mỗi tuần để tư vấn các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình. Vị ấy đã đưa ra một lời nhận xét đầy ấn tượng. Vị ấy nói rằng những vấn đề mà các tín hữu trong tiểu giáo khu của vị ấy đã gặp phải là những vấn đề mà các tín hữu Giáo Hội ở khắp mọi nơi đều gặp phải—các vấn đề như cách thiết lập một cuộc hôn nhân hạnh phúc; vất vả với việc cân bằng công việc làm, gia đình, và bổn phận trong Giáo Hội; những thử thách với Lời Thông Sáng, với công việc làm, hoặc với hình ảnh sách báo khiêu dâm; hoặc khó có thể cảm thấy yên tâm về một chính sách Giáo Hội hoặc một câu hỏi lịch sử mà họ không hiểu.

Lời khuyên của vị ấy cho các tín hữu trong tiểu giáo khu thường gồm có việc tập trung vào những thực hành đơn giản của đức tin, như là nghiên cứu Sách Mặc Môn —như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyên bảo chúng ta cần phải làm—đóng tiền thập phân và tận tâm phục vụ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, thường thì phản ứng của họ đối với vị ấy là nỗi hoài nghi. “Thưa Giám Trợ, tôi không đồng ý với giám trợ. Chúng ta đều biết rằng đó là những việc tốt để làm. Chúng ta luôn luônnói về những việc đó trong Giáo Hội. Nhưng tôi không chắc là giám trợ có hiểu tôi không. Có điều nào trong các việc đó có liên quan gì đến các vấn đề mà tôi đang đối phó đây chứ?”

Đó là một câu hỏi hợp lý. Theo thời gian, vị giám trợ trẻ đó và tôi đã quan sát thấy rằng những người đang cố ý làm “những chuyện nhỏ nhặt tầm thường”7—tuân theo những cách thức dường như không quan trọng—được ban phước với đức tin và sức mạnh để đi xa hơn các hành vi vâng phục thực sự và, trên thực tế, có thể dường như hoàn toàn không liên quan gì đến các hành vi đó. Có lẽ dường như khó để nhận ra được một mối liên kết giữa các hành vi cơ bản hàng ngày của sự vâng phục và giải pháp cho những vấn đề phức tạp lớn mà chúng ta gặp phải. Nhưng quả thật chúng liên quan với nhau. Theo kinh nghiệm của tôi, việc làm đúng các thói quen nhỏ nhặt hàng ngày của đức tin là một cách hay nhất để củng cố bản thân chúng ta chống lại những vấn đề rắc rối của cuộc sống cho dù chúng là gì đi nữa. Các hành vi nhỏ nhặt trong đức tin, ngay cả khi chúng dường như không quan trọng hoặc hoàn toàn không liên quan gì với các vấn đề cụ thể mà làm cho chúng ta đau khổ lại ban phước cho chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm.

Hãy xem Na A Man, một “quan tổng binh của … Sy Ri, … một người có quyền,” và một người bị bệnh phong. Một người tớ gái cho biết về một vị tiên tri ở Y Sơ Ra Ên mà có thể chữa lành Na A Man, và như vậy, ông đi cùng với các tôi tớ, binh lính, và quà cáp đến Y Sơ Ra Ên, cuối cùng đến nhà của Ê Li Sê. Tôi tớ của Ê Li Sê, chứ không phải là Ê Li Sê, nói cho Na A Man biết rằng lệnh truyền của Chúa là cần “tắm mình bảy lần dưới sông Giô Đanh.” Điều đó thật đơn giản. Có lẽ cách trị liệu đơn sơ này dường như đối với người chiến binh dũng mãnh thật là quá vô lý, đơn giản, hoặc không xứng đáng với phẩm giá của ông đến mức ông thấy rằng đó là lời đề nghị đầy xúc phạm. Ít nhất, lời chỉ dẫn của Ê Li Sê không hợp lý đối với Na A Man, nên ông “trở đi và giận dữ.”

Nhưng các tôi tớ của Na A Man đã dịu dàng tiến lại gần ông và nói rằng chắc hẳn ông sẽ làm “một việc khó” nếu Ê Li Sa đã bảo ông làm. Họ giải thích rằng vì ông được yêu cầu để làm chỉ một nhiệm vụ nhỏ nhặt, ông cũng nên làm theo cho dù không hiểu tại sao. Na A Man cân nhắc lại phản ứng của mình và có lẽ hoài nghi, nhưng vâng lời “xuống sông Giô Đanh, và tắm mình bảy lần” và được chữa lành một cách kỳ diệu.8

Một số phần thưởng của sự vâng lời đến nhanh chóng; những phần thưởng khác chỉ đến sau khi chúng ta được thử thách. Trong sách Trân Châu Vô Giá, chúng ta đã đọc về sự siêng năng không mệt mỏi của A Đam trong việc tuân giữ lệnh truyền phải dâng lễ vật hy sinh. Khi vị thiên sứ hỏi A Đam tại sao ông lại dâng lễ vật hy sinh, ông trả lời: “Tôi không biết, ngoại trừ Chúa đã truyền lệnh cho tôi.” Vị thiên sứ giải thích rằng những lễ vật hy sinh của ông là “biểu tượng cho sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha.” Nhưng lời giải thích đó chỉ đến sau khi A Đam đã cho thấy lòng cam kết để vâng lời Chúa trong “nhiều ngày” mà không biết tại sao ông phải dâng lễ vật hy sinh này.”9

Thượng Đế sẽ luôn luôn ban phước cho chúng ta vì sự vâng lời bền bỉ của chúng ta đối với phúc âm và sự trung thành với Giáo Hội của Ngài, nhưng hiếm khi Ngài cho chúng ta thấy trước thời gian biểu của Ngài để làm như vậy. Ngài không cho chúng ta thấy toàn bộ bức tranh ngay từ đầu. Đó là nơi mà cần có đức tin, hy vọng, và sự tin cậy nơi Chúa.

Thượng Đế yêu cầu chúng ta hãy kiên nhẫn với Ngài—tin cậy Ngài và đi theo Ngài. Ngài khẩn nài với chúng ta “chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được.” Ngài cảnh báo chúng ta rằng chúng ta không nên mong đợi những sự đáp ứng dễ dàng hay những sự chỉnh sửa nhanh chóng từ thiên thượng. Mọi việc sẽ được ổn thỏa khi chúng ta đứng vững vàng trong thời gian “đức tin [của chúng ta] được thử thách,” cho dù thử thách đó khó có thể chịu đựng hoặc làm chậm sự đáp ứng đang đến.10 Tôi không nói về “sự mù quáng vâng lời”11 mà về sự tin tưởng đầy thận trọng nơi tình yêu thương trọn vẹn và kỳ định trọn vẹn của Chúa.

Thử thách của đức tin chúng ta sẽ luôn luôn gồm có việc trung thành với cách thực hành đức tin đơn giản hàng ngày. Rồi sau đó, và chỉ khi đó thôi, Ngài mới hứa rằng chúng ta sẽ nhận được sự đáp ứng thiêng liêng mà chúng ta khao khát. Chỉ khi nào chúng ta đã chứng tỏ sự sẵn lòng của mình để làm theo điều Ngài phán bảo mà không đòi hỏi để biết khi nào, lý do tại sao, và bằng cách nào, thì chúng ta sẽ “gặt hái được phần thưởng của đức tin, sự chuyên tâm, sự kiên nhẫn và sự nhịn nhục [của chúng ta].”12 Sự vâng lời thực sự chấp nhận sớm các lệnh truyền của Thượng Đế một cách vô điều kiện.13

Mỗi ngày, cho dù vô tình hay cố ý, chúng ta đều chọn “ai mà [chúng ta] muốn phục sự.”14 Chúng ta cho thấy quyết tâm của mình để phục vụ Chúa bằng cách tham gia một cách trung tín vào các hành động tận hàng ngày. Chúa hứa sẽ hướng dẫn con đường của chúng ta,15 nhưng để cho Ngài làm được điều đó, thì chúng ta phải tiến bước, tin tưởng rằng Ngài biết con đường vì Ngài chính là “con đường.”16 Chúng ta cần phải đổ đầy những cái ché nước của riêng mình. Khi chúng ta tin cậy và tuân theo Ngài, thì cuộc sống của chúng ta được biến đổi như nước biến thành rượu. Chúng ta có thể trở thành một con người tốt hơn và có giá trị hơn bao giờ hết. Hãy tin cậy nơi Chúa, và “Ngài biểu chi hãy vâng theo cả.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.