2010–2019
Riêng Lẻ, nhưng Vẫn Hiệp Một
Tháng Mười năm 2017


Riêng Lẻ, nhưng Vẫn Hiệp Một

Trong Giáo Hội, bất kể sự khác biệt của chúng ta, Chúa kỳ vọng chúng ta trở nên hiệp một!

Vào tháng Sáu năm 1994 tôi đã rất nôn nóng lái xe đi làm về để xem truyền hình đội tuyển quốc gia của chúng tôi chơi cho giải vô địch bóng đá thế giới. Ngay sau khi bắt đầu lái đi thì tôi thấy từ xa bên lề đường một người đàn ông đang nhanh chóng đẩy chiếc xe lăn của mình mà tôi nhận thấy được trang trí với lá cờ nước Brazil của chúng tôi. Tôi biết là người ấy cũng đang đi về nhà để xem trận đấu!

Khi chúng tôi đi đến gần nhau và mắt chúng tôi giao nhau, trong một thoáng, tôi cảm thấy liên kết chặt chẽ với người đó! Chúng tôi đang đi hướng khác nhau, không hề biết nhau, và có điều kiện xã hội và vật chất khác nhau rõ ràng, nhưng cùng một niềm đam mê bóng đá và tình yêu thương đất nước của chúng tôi đã khiến chúng tôi cảm thấy hiệp một ngay trong giây phút đó! Tôi chưa gặp lại người đàn ông ấy kể từ khi đó, nhưng hôm nay, nhiều thập niên sau, song tôi vẫn có thể thấy được đôi mắt đó và cảm thấy mối liên kết mạnh mẽ đó với người ấy. Rốt cuộc chúng tôi đã thắng trận đấu và giành Cúp Vô Địch bóng đá Thế Giới năm đó!

Trong Giáo Hội, bất kể sự khác biệt của chúng ta, Chúa kỳ vọng chúng ta trở nên hiệp một! Ngài phán trong Giáo Lý và Giao Ước: “Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”1

Khi bước vào một nhà hội để thờ phượng chung với nhau, chúng ta nên bỏ lại sau lưng những khác biệt của chúng ta, kể cả chủng tộc, địa vị xã hội, sở thích chính trị, và thành tích học vấn và nghề nghiệp, và thay vì thế tập trung vào các mục tiêu thuộc linh chung của chúng ta. Chúng ta cùng nhau hát thánh ca, suy ngẫm về cùng các giao ước trong Tiệc Thánh, cùng đồng thanh nói tiếng “A Men” sau các bài nói chuyện, bài học và lời cầu nguyện —có nghĩa là chúng ta cùng đồng ý với nhau về những gì đã được chia sẻ.

Những điều này mà chúng ta cùng nhau thực hiện giúp tạo ra một ý thức hiệp nhất mạnh mẽ trong giáo đoàn.

Tuy nhiên, điều thực sự quyết định, củng cố, hoặc hủy hoại tình đoàn kết của chúng ta là cách chúng ta hành động khi không ở bên các tín hữu Giáo Hội của mình. Như chúng ta đều biết, điều bình thường và không thể tránh khỏi là cuối cùng chúng ta sẽ nói về nhau.

Tùy vào những gì chúng ta chọn nói về nhau, thì lời nói của chúng ta sẽ khiến chúng ta “đồng tâm đoàn kết,”2 như An Ma đã dạy những người mà ông làm báp têm bên Dòng Suối Mặc Môn, hoặc sẽ làm xói mòn tình yêu thương, sự tin cậy và thiện chí nên tồn tại ở giữa chúng ta.

Có những lời nhận xét dễ hủy hoại tình đoàn kết chẳng hạn như: “Vâng, ông ấy là một giám trợ tốt; nhưng anh chị mà thấy ông ấy khi còn trẻ thì ôi thôi!”

Một cách nói mang tính xây dựng hơn của câu này có thể là: “Vị giám trợ rất tốt, và ông ấy đã trở nên chín chắn và khôn ngoan hơn qua nhiều năm tháng.”

Chúng ta thường gán nhãn hiệu cho người khác vĩnh viễn bằng những câu nói như: “Chủ Tịch Hội Phụ Nữ của chúng ta là vô phương cứu chữa; chị ấy rất bướng bỉnh!” Ngược lại, chúng ta có thể nói: “Lâu nay, Chủ tịch Hội Phụ Nữ ít linh động; có lẽ chị ấy đang trải qua một thời gian khó khăn. Chúng ta hãy giúp đỡ và hỗ trợ chị ấy!”

Thưa các anh chị em, chúng ta không có quyền mô tả bất cứ người nào, kể cả trong số các tín hữu Giáo Hội của mình, là vô phương cứu chữa! Thay vì thế, những lời nói của chúng ta về đồng bào của mình nên phản ánh niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài và rằng nơi Ngài và qua Ngài, chúng ta luôn luôn có thể thay đổi để được tốt hơn!

Một số người bắt đầu chỉ trích và trở nên chia rẽ từ các vị lãnh đạo và tín hữu Giáo Hội vì những điều nhỏ nhặt.

Đó là trường hợp của một người tên là Simonds Ryder, đã trở thành tín hữu của Giáo Hội vào năm 1831. Sau khi đọc một điều mặc khải liên quan đến mình, ông đã ngạc nhiên khi thấy tên của ông bị viết sai thành Rider, với chữ i thay vì chữ y. Phản ứng của ông trước sự việc nhỏ nhặt này đã góp phần vào việc ông nghi ngờ vị tiên tri và cuối cùng dẫn đến việc ông ngược đãi Joseph và bỏ Giáo Hội.3

Có lẽ chúng ta cũng đều sẽ trải qua một số sửa chỉnh từ các vị lãnh đạo giáo hội của mình mà sẽ là một trắc nghiệm về việc chúng ta đoàn kết với họ như thế nào.

Tôi nhớ rằng cách đây 44 năm, khi tôi chỉ mới 11 tuổi, ngôi nhà hội nơi mà gia đình tôi đi dự lễ sắp được tu sửa nhiều. Trước khi công trình đó bắt đầu, một buổi họp được tổ chức mà trong đó các vị lãnh đạo địa phương và khu vực thảo luận về cách các tín hữu sẽ tham gia làm việc trong nỗ lực đó. Cha tôi, trước đây đã từng chủ tọa đơn vị đó trong nhiều năm, đã bày tỏ ý kiến ​​rất mạnh mẽ rằng công việc này nên được thực hiện bởi một nhà thầu chứ không phải bởi những người không chuyên.

Không những ý kiến ​​của ông đã bị bác bỏ, mà chúng tôi còn nghe nói rằng ông đã bị khiển trách nặng nề và công khai trong dịp đó. Đây là một người đã rất tận tâm với Giáo Hội và cũng là cựu chiến binh Thế Chiến Thứ Hai ở châu Âu, đã từng chống lại và đấu tranh cho những gì mà ông tin! Người ta có thể muốn biết phản ứng của ông là như thế nào sau sự kiện này. Liệu ông có khăng khăng với ý kiến ​​của mình và tiếp tục phản đối quyết định đã được đưa ra rồi không?

Chúng tôi đã thấy nhiều gia đình trong tiểu giáo khu của chúng tôi đã trở nên yếu kém hơn trong phúc âm và đã ngừng tham dự các buổi họp vì họ không thể hiệp một với những người lãnh đạo. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến ​​nhiều người bạn của mình từ Hội Thiếu Nhi đã không còn trung tín trong lúc còn trẻ vì cha mẹ họ luôn luôn bắt lỗi những người trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, cha tôi quyết định vẫn hiệp một với các những người bạn Thánh Hữu của chúng tôi. Vài ngày sau, khi các tín hữu trong tiểu giáo khu quy tụ lại để phụ giúp công việc xây cất, ông đã “mời” gia đình chúng tôi đi theo ông đến nhà hội nơi chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách.

Tôi cảm thấy tức giận. Tôi cảm thấy như muốn hỏi ông: “Cha ơi, tại sao chúng ta phụ giúp công việc xây cất này nếu cha đã chống lại việc các tín hữu làm công việc này vậy?” Nhưng nét mặt của ông đã làm tôi bỏ ý định đó. Tôi muốn được yên ổn cho buổi lễ tái cung hiến. Vì thế, may mắn thay, tôi đã quyết định im lặng và đi phụ giúp trong công việc xây cất!

Cha tôi đã không thấy được ngôi giáo đường mới vì ông qua đời trước khi công việc xây cất này hoàn thành. Nhưng gia đình chúng tôi, bấy giờ do mẹ tôi đứng đầu, vẫn tiếp tục làm phần vụ của mình cho đến khi hoàn tất, và điều đó đã giữ cho chúng tôi được hiệp một với cha tôi, với các tín hữu Giáo Hội, với các vị lãnh đạo, và quan trọng nhất là với Chúa!

Chỉ vài giây lát trước những kinh nghiệm đau đớn của Ngài ở Vườn Ghết Sê Ma Nê, khi Chúa Giê Su đang cầu nguyện lên Đức Chúa Cha cho các Sứ Đồ của Ngài và cho tất cả chúng ta, các Thánh Hữu, Ngài đã nói: “Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha.”4

Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng khi chúng ta quyết định trở nên hiệp một với các tín hữu và các vị lãnh đạo của Giáo Hội—cả khi chúng ta nhóm họp lại với nhau và nhất là khi chúng ta không ở bên cạnh nhau—thì chúng ta cũng sẽ cảm thấy hoàn toàn đoàn kết với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.