2010–2019
Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn
Tháng Mười năm 2017


Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn

Nếu chúng ta kiên trì, thì ở một nơi nào đó trong thời vĩnh cửu, sự tôi luyện của chúng ta sẽ được hoàn tất và đầy đủ.

Thánh thư được viết ra để ban phước và khuyến khích chúng ta, và chắc chắn là thánh thư đã làm được điều đó. Chúng ta tạ ơn thiên thượng về mỗi chương và mỗi câu chúng ta đã được ban cho từ trước đến giờ. Nhưng các anh chị em có nhận thấy rằng thỉnh thoảng một đoạn thánh thư sẽ chợt hiện ra để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không hoàn hảo không? Ví dụ, Bài Giảng trên Núi bắt đầu bằng những điều phúc lớn dịu dàng, nhẹ nhàng, nhưng trong các câu tiếp theo, chúng ta được phán bảo—trong số những điều khác—không những không được giết người mà còn không được tức giận nữa. Chúng ta được phán bảo không những không được phạm tội tà dâm mà còn không được có những ý nghĩ ô uế nữa. Đối với những người đòi hỏi, chúng ta phải đưa cho họ áo ngắn của mình rồi còn đưa luôn cả áo dài của mình nữa. Chúng ta phải yêu kẻ thù của mình, ban phước cho những kẻ rủa sả chúng ta, và làm điều thiện cho những kẻ ghét chúng ta.1

Nếu đó là buổi sáng học thánh thư của các anh chị em, và sau khi đọc đến chừng đó rồi, các anh chị em khá chắc chắn rằng mình sẽ không hoàn toàn làm theo được tất cả các lệnh truyền đó, thì chúng ta cũng chắc rằng không thể nào thi hành theo lệnh truyền cuối cùng này: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”2 Với lệnh truyền cuối cùng đó, chúng ta muốn đầu hàng vì không thể nào làm theo được. Dường như chúng ta không thể nào hoàn toàn đạt được các mục tiêu thượng thiên như vậy. Tuy nhiên, chắc chắn là Chúa sẽ không bao giờ ban cho chúng ta một lệnh truyền mà Ngài biết là chúng ta không thể tuân giữ được. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét vấn đề nan giải này sẽ đưa chúng ta đến đâu.

Trong Giáo Hội, tôi nghe nhiều người vật lộn với vấn đề này: “Tôi chưa đủ tốt.” “Tôi thật không hoàn hảo.” “Tôi sẽ không bao giờ đủ xứng đáng.” Tôi nghe những lời này từ các thanh thiếu niên. Tôi nghe từ những người truyền giáo. Tôi nghe từ những người mới cải đạo. Tôi nghe từ các tín hữu lâu năm. Một Thánh Hữu Ngày Sau hiểu biết nhiều, Chị Darla Isackson, đã nhận thấy rằng bằng cách nào đó Sa Tan đã tìm được cách để làm cho các giao ước và lệnh truyền giống như những lời nguyền rủa và kết án. Đối với một số người, nó đã biến những lý tưởng và sự soi dẫn của phúc âm thành sự tự ghê tởm và tự dày vò.3

Điều tôi nói bây giờ không hề phủ nhận hay làm giảm bớt bất cứ giáo lệnh nào mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta. Tôi tin nơi sự hoàn hảo của Ngài, và tôi biết rằng chúng ta là các con trai và con gái linh hồn của Ngài với tiềm năng thiêng liêng để trở nên giống như Ngài. Tôi cũng biết rằng, là con cái của Thượng Đế, chúng ta không nên tự coi thường hoặc tự trách móc mình, như thể việc tự trừng phạt mình sẽ bằng cách nào đó làm cho chúng ta trở thành con người mà Thượng Đế muốn chúng ta trở thành trong thời vĩnh cửu. Không đâu! Với sự sẵn lòng để hối cải và ước muốn có được sự ngay chính luôn luôn gia tăng ở trong lòng chúng ta, tôi hy vọng là chúng ta có thể theo đuổi việc cải thiện cá nhân theo cách mà không mang lại hậu quả tiêu cực về thể xác hoặc cảm xúc, gây chán nản hay hủy hoại lòng tự trọng của chúng ta. Đó không phải là điều Chúa muốn cho các em trong Hội Thiếu Nhi hoặc bất cứ người nào khác chân thành hát bài: “I’m trying to be like Jesus (Tôi đang cố gắng được giống như Chúa Giê Su).”4

Để giải thích thêm vấn đề này, tôi xin nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã và hiện giờ chúng ta là những người sa ngã. Chúng ta đang ở trong hạ thiên giới chứ không phải thượng thiên giới. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: sự hoàn hảo trên trần thế này “sẽ đạt được mai sau.”5

Vì vậy tôi tin rằng Chúa Giê Su đã không có ý định làm cho bài giảng của Ngài về đề tài này thành một lời khiển trách chúng ta về những thiếu sót của mình. Không, tôi tin rằng Chúa Giê Su có ý định để cho bài giảng của Ngài về đề tài này là một lời tôn vinh thiên tính của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và những gì chúng ta có thể đạt được trong thời vĩnh cửu với Ngài. Hơn nữa, tôi cảm kích khi biết rằng bất chấp những điều không hoàn hảo của tôi, ít nhất Thượng Đế là hoàn hảo—rằng, ví dụ, ít nhất Ngài có thể yêu kẻ thù của Ngài bởi vì quá thường xuyên, do “con người thiên nhiên”6 trong chúng ta, mà đôi khi các anh chị em và tôi lại chính là kẻ thù đó. Tôi biết ơn rằng ít nhất Thượng Đế có thể ban phước cho những người đã thù ghét Ngài vì, dù không muốn hoặc cố ý làm như vậy, tất cả chúng ta đôi khi đều thù ghét Ngài. Tôi biết ơn rằng Thượng Đế có lòng thương xót và là một Đấng hòa giải vì tôi cần lòng thương xót và thế giới cần hòa bình. Dĩ nhiên, tất cả những gì chúng ta nói về đức tính của Đức Chúa Cha thì chúng ta cũng nói về Con Độc Sinh của Ngài, là Đấng đã sống và chết trong cùng một sự hoàn hảo.

Tôi phải nói nhanh rằng việc tập trung vào những thành tựu của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con thay vì những thất bại của chúng ta không cho chúng ta một chút lời biện minh nào cho cuộc sống vô kỷ luật hoặc làm giảm bớt các tiêu chuẩn của chúng ta. Không đâu, từ lúc ban đầu, phúc âm đã nhằm mục đích “để các thánh đồ được trọn vẹn , … cho đến chừng chúng ta … thảy đều … nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô.”7 Tôi chỉ đề nghị rằng ít nhất một mục đích của một câu thánh thư hay một lệnh truyền có thể nhằm nhắc nhở chúng ta “tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô”8 là thật sự vinh quang như thế nào, soi dẫn cho chúng ta có được tình yêu thương và sự ngưỡng mộ lớn hơn đối với Ngài và một ước muốn mãnh liệt hơn để được giống như Ngài..

Mô Rô Ni khẩn nài: “Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài … , cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì … để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô.9 Hy vọng duy nhất của chúng ta để có được sự hoàn hảo thật sự là tiếp nhận điều đó như là một ân tứ từ thiên thượng—chúng ta không thể “giành được” điều đó. Như vậy, ân điển của Đấng Ky Tô ban cho chúng ta không chỉ là sự cứu rỗi khỏi buồn phiền và tội lỗi cùng cái chết mà còn là sự cứu rỗi khỏi sự tự chỉ trích dai dẳng.

Tôi xin sử dụng một trong những câu truyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi để nói về điều này theo một cách khác. Một người tôi tớ đã mắc nợ nhà vua số tiền là 10.000 ta lâng. Khi nghe người tôi tớ này cầu xin lòng kiên nhẫn và lòng thương xót, “chủ bèn động lòng thương xót, … tha nợ … cho.” Nhưng cũng người tôi tớ đó lại không tha nợ cho một người cũng là tôi tớ mắc nợ anh ta 100 đơ ni ê. Khi nghe chuyện này, nhà vua đã than với người mà nhà vua đã tha nợ: “Ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao?”10

Có một số ý kiến ​​khác nhau giữa các học giả về các giá trị tiền tệ được đề cập ở đây—và xin thứ lỗi cho việc lấy tiền tệ ở Hoa Kỳ làm ví dụ—nhưng để tính toán cho dễ hơn, nếu khoản nợ 100 đơ ni ê nhỏ hơn, mà không được tha, ví dụ là 100 đô la trong thời hiện tại, thì khoản nợ 10.000 ta lâng đã được sẵn lòng tha cho có thể là gần 1 tỉ đô la—hay hơn nữa!

Nếu là một khoản nợ cá nhân, thì đó là một con số khổng lồ—hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. (Không ai có thể mua sắm nhiều như thế!) Vâng, với mục đích của truyện ngụ ngôn này, con số này được cho là không thể hiểu được; nó được cho là vượt quá khả năng của chúng ta để hiểu, chưa nói là vượt quá khả năng của chúng ta để hoàn trả. Đây không phải là câu chuyện về hai người tôi tớ tranh cãi trong Kinh Tân Ước. Đây là câu chuyện về chúng ta, là các phần tử trong gia đình nhân loại đã sa ngã—những con nợ trên trần thế, những kẻ phạm giới, và những tù nhân. Mỗi người trong chúng ta đều là con nợ, lời phán quyết là mỗi người chúng ta đều bị cầm tù. Và chúng ta đều sẽ ở lại đó nếu không nhờ vào ân điển của Vua chúng ta đã giải thoát cho chúng ta được tự do vì Ngài yêu thương chúng ta và “lòng trắc ẩn của Ngài đoái hoài đến chúng [ta].”11

Chúa Giê Su sử dụng một cách đo lường vô tận ở đây vì Sự Chuộc Tội của Ngài là một ân tứ vô tận với một cái giá không thể hiểu nổi. Dường như đối với tôi, ít nhất đó là ý nghĩa đằng sau lệnh truyền của Chúa Giê Su là phải được hoàn hảo. Chúng ta có lẽ chưa thể cho thấy mức độ hoàn hảo 10.000 ta lâng mà Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đạt được, nhưng không phải là quá nhiều để Hai Ngài đòi hỏi chúng ta phải trở nên thánh thiện hơn một chút trong những điều nhỏ nhặt, mà chúng ta nói và hành động, yêu thương và tha thứ, hối cải và cải thiện ít nhất mức độ hoàn hảo 100 đơ ni ê trong cuộc sống của mình, mà hiển nhiên là trong vòng khả năng của chúng ta.

Thưa các anh chị em, ngoại trừ Chúa Giê Su ra, thì không có cuộc sống hoàn hảo nào trên trần thế này mà chúng ta đang theo đuổi, vì vậy trong khi ở trên trần thế, chúng ta hãy cố gắng để đạt được sự cải thiện bền vững mà không bị ám ảnh bởi những gì mà các nhà khoa học về hành vi gọi là “chủ nghĩa hoàn hảo độc hại.”12 Chúng ta nên tránh sự kỳ vọng độc hại đó nơi chính bản thân chúng ta, và nơi những người khác, và tôi có thể thêm vào, nơi những người được kêu gọi để phục vụ trong Giáo Hội—mà đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau thì có nghĩa là tất cả mọi người, vì chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ ở một nơi nào đó.

Về mặt đó, Leo Tolstoy đã từng viết về một linh mục đã bị một trong những người thuộc giáo đoàn chỉ trích vì đã không sống một cách kiên quyết như ông đáng lẽ phải sống, người chỉ trích kết luận rằng các nguyên tắc mà người thuyết giảng đầy lỗi lầm đó đã dạy do đó cũng phải là sai lầm.

Để đáp lại lời chỉ trích đó, vị linh mục nói rằng: “Hãy nhìn vào cuộc sống của tôi bây giờ và so sánh nó với cuộc sống trước đây của tôi. Bạn sẽ thấy rằng tôi đang cố gắng để sống theo lẽ thật mà tôi tuyên xưng.” Vì không thể sống theo những lý tưởng cao mà ông đã giảng dạy, nên vị linh mục thừa nhận rằng ông đã thất bại. Nhưng ông kêu lên rằng:

“Hãy tấn công tôi, [nếu muốn,] tôi tự làm điều này, nhưng [đừng] tấn công con đường tôi đi theo. … Nếu tôi biết con đường về nhà [nhưng] đang đi bộ dọc theo con đường trong lúc say rượu, thì liệu đường về có sai chỉ vì tôi đang đi lảo đảo không?

“… Đừng vui mừng hét lên: ‘Hãy nhìn ông ấy kìa! … Kìa ông ấy đang bò vào một vũng lầy!’ Không, đừng hả hê, mà hãy giúp đỡ [bất cứ người nào đang cố gắng đi trên con đường dẫn trở về với Thượng Đế.]”13

Thưa các anh chị em, mỗi người chúng ta mong muốn cuộc sống giống như Đấng Ky Tô nhiều hơn là việc chúng ta thành công để sống cuộc sống ấy. Nếu thừa nhận điều đó một cách trung thực và cố gắng để cải thiện, chúng ta không phải là kẻ đạo đức giả; chúng ta là con người. Cầu xin cho chúng ta có thể từ chối để cho những lỗi lầm điên rồ của chúng ta, và những thiếu sót không thể tránh được của những người nam và những người nữ tốt nhất quanh chúng ta làm cho chúng ta hoài nghi về các lẽ thật của phúc âm, lẽ trung thực của Giáo Hội, niềm hy vọng cho tương lai của chúng ta hoặc khả năng có được sự tin kính. Nếu chúng ta kiên trì, thì ở một nơi nào đó trong thời vĩnh cửu, sự tôi luyện của chúng ta sẽ được hoàn tất và đầy đủ—chính là ý nghĩa của từ hoàn hảo trong Kinh Tân Ước.14

Tôi làm chứng về số mệnh vĩ đại, có sẵn cho chúng ta nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà chính Chúa Giê Su đã tiếp tục “từ ân điển này đến ân điển khác”15 cho đến khi ở trong sự bất diệt của Ngài.16 Ngài nhận được một vinh quang thiên thượng hoàn hảo trọn vẹn.17 Tôi làm chứng rằng lúc nào Ngài cũng dang rộng đôi tay với vết đóng đinh để ban cho chúng ta cùng một ân điển, gìn giữ chúng ta và khuyến khích chúng ta, không chịu buông chúng ta ra cho đến khi chúng ta được an toàn trở về nhà trong vòng tay của Cha Mẹ Thiên Thượng. Vì khoảnh khắc hoàn hảo như vậy, nên tôi sẽ tiếp tục cố gắng, cho dù có vụng về. Vì một ân tứ hoàn hảo như vậy, nên tôi sẽ tiếp tục dâng lời tạ ơn, cho dù rất kém cỏi. Tôi làm như vậy trong danh của chính Đấng Hoàn Hảo, Ngài là Đấng chưa bao giờ vụng về hay kém cỏi nhưng yêu thương tất cả chúng ta, là những người vụng về và kém cỏi, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Ma Thi Ơ 5:1–47.

  2. Ma Thi Ơ 5:48.

  3. Xin xem Darla Isackson, “Satan’s Counterfeit Gospel of Perfectionism,” Meridian Magazine, ngày 1 tháng Sáu năm 2016, ldsmag.com.

  4. “I’m Trying to Be like Jesus,” Children’s Songbook, trang 78–79.

  5. Xin xem Russell M. Nelson, “Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86–88.

  6. Mô Si A 3:19.

  7. Ê Phê Sô 4:12–13.

  8. Ê Phê Sô 4:13.

  9. Mô Rô Ni 10:32; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 18:24–33.

  11. Giáo Lý và Giao Ước121:4.

  12. Xin xem Joanna Benson và Lara Jackson, “Nobody’s Perfect: A Look at Toxic Perfectionism and Depression,” Millennial Star, ngày 21 tháng Ba năm 2013, millennialstar.org.

  13. “The New Way,” Leo Tolstoy: Spiritual Writings, do Charles E. Moore tuyển chọn (năm 2006), trang 81–82.

  14. Để xem xét nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của từ Hy Lạp được sử dụng trong Kinh Tân Ước vềhoàn thiện (“teleios”), xin xem bài nói chuyện của Chủ Tịch Russell M. Nelson tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 1995 “Perfection Pending” (Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86–87).

  15. Giáo Lý và Giao Ước 93:13.

  16. Xin xem Lu Ca 13:32.

  17. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:13.