2010–2019
Nhật Thực về Phần Thuộc Linh
Tháng Mười năm 2017


Nhật Thực về Phần Thuộc Linh

Đừng để cho những điều xao lãng trong đời sống che khuất ánh sáng của thiên thượng.

Vào ngày 21 tháng Tám năm nay, đã xảy ra hai sự kiện hiếm hoi thu hút sự chú ý của mọi người trên thế giới. Sự kiện thứ nhất là lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Vào lúc đó, tôi đang đi công tác ở Khu Vực Thái Bình Dương và xúc động khi thấy các Thánh Hữu ở Úc, Vanuatu, New Zealand và Polynesia thuộc Pháp không những biết được dịp quan trọng này của cá nhân ông mà họ còn hân hoan ăn mừng nữa. Tôi cảm thấy may mắn được chia sẻ cách biểu lộ chân thành về đức tin và tình yêu thương của họ dành cho vĩ nhân này. Thật là một nguồn soi dẫn để thấy được mối liên hệ Các Thánh Hữu Ngày Sau chia sẻ với vị tiên tri của họ.

Dĩ nhiên, Chủ Tịch Monson, khi nhận biết những người muốn chúc mừng sinh nhật ông, đã mô tả một món quà sinh nhật lý tưởng: “Hãy tìm một người nào đó đang gặp khó khăn, bị bệnh hoặc cô đơn và làm điều gì đó giúp đỡ họ. Đó là tất cả những gì tôi muốn.”1 Thưa Chủ Tịch Monson, chúng tôi yêu mến và tán trợ chủ tịch.

Nhật Thực

Một sự kiện hiếm hoi và tuyệt vời khác xảy ra trong cùng một ngày đó và lôi cuốn hằng triệu người trên toàn cầu, là nhật thực toàn phần. Đây là lần đầu tiên một nhật thực như vậy đã di chuyển ngang qua cả Hoa Kỳ trong 99 năm.2 Anh chị em có bao giờ thấy nhật thực chưa? Có lẽ tôi có thể mô tả sự kiện này một cách chi tiết hơn.

Một nhật thực toàn phần xảy ra khi mặt trăng di chuyển giữa trái đất và mặt trời, gần như che khuất hết mọi ánh sáng từ mặt trời.3 Điều này thật là kỳ diệu đối với tôi. Nếu các anh chị em tưởng tượng mặt trời có kích thước của một bánh xe đạp thông thường—mặt trăng nếu được so sánh với mặt trời thì chỉ có kích thước của một viên sỏi nhỏ mà thôi.

Hình Ảnh
Bánh xe đạp và viên sỏi nhỏ

Làm thế nào mà nguồn gốc thực sự của hơi ấm, ánh sáng, và sự sống có thể bị che khuất rất nhiều bởi một vật gì đó có kích thước không đáng kể?

Mặc dù lớn hơn mặt trăng đến 400 lần, mặt trời cũng cách xa trái đất 400 lần.4 Từ góc nhìn của trái đất, vị trí này làm cho mặt trời và mặt trăng dường như có cùng kích thước. Khi hai thiên thể này ở vị trí thẳng hàng theo đúng góc độ thì mặt trăng dường như hoàn toàn che khuất mặt trời. Bạn bè và gia đình của tôi ở trong khu vực có nhật thực toàn phần đã mô tả cách ánh sáng đã được thay thế bằng bóng tối, các vì sao hiện ra, và chim ngừng hót. Không khí trở nên lạnh giá khi nhiệt độ trong khu vực xảy ra nhật thực có thể giảm hơn 20 độ F (11 độ C).5

Hình Ảnh
Đám đông với các cặp mắt kính dùng xem nhật thực

Họ đã mô tả một cảm giác kinh hoàng, ngạc nhiên, và thậm chí lo lắng vì biết rằng nhật thực gây ra một số mối nguy hiểm. Tuy nhiên, họ đều rất cẩn thận để ngăn ngừa mắt bị hỏng vĩnh viễn hoặc “bị mù lòa vì nhật thực” trong lúc xảy ra nhật thực. Họ đã được an toàn vì họ đeo kính được trang bị với các thấu kính lọc đặc biệt để bảo vệ mắt khỏi những tác hại có thể xảy ra.

Sự Tương Tự

Tương tự như mặt trăng rất nhỏ bé có thể che khuất mặt trời lộng lẫy, ngăn chặn ánh sáng và sự ấm áp của mặt trời, nhật thực về phần thuộc linh cũng có thể xảy ra khi chúng ta cho phép những trở ngại nhỏ nhặt và gây phiền toái—những trở ngại chúng ta gặp trong cuộc sống hằng ngày của mình—chiếm sự chú ý của chúng ta đến mức chúng ngăn chặn tầm quan trọng, vẻ sáng chói, và hơi ấm của ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Anh Cả Neal A. Maxwell bàn rộng thêm về lối suy diễn này khi ông nói: “Ngay cả một vật gì đó nhỏ như ngón tay cái của một người, khi được đặt rất gần mắt, thì có thể làm cho người ấy không thấy được mặt trời to lớn. Tuy nhiên, mặt trời vẫn còn đó. Người ấy đã tự làm cho mình không thấy. Khi tập trung quá nhiều vào những điều khác, đặt chúng đầu tiên thì chúng ta che khuất tầm nhìn của chúng ta hướng tới thiên thượng.”6

Rõ ràng là không ai trong chúng ta muốn cố tình che khuất tầm nhìn của mình hướng tới thiên thượng hoặc cho phép nhật thực về phần thuộc linh xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Tôi xin chia sẻ một số ý nghĩ mà có thể giúp chúng ta trong việc ngăn ngừa các nhật thực về phần thuộc linh mà gây tổn hại vĩnh viễn cho phần thuộc linh của chúng ta.

Cặp Kính Phúc Âm: Duy Trì một Quan Điểm về Phúc Âm

Các anh chị em có nhớ phần mô tả của tôi về kính mắt đặc biệt được sử dụng để bảo vệ những người xem nhật thực để khỏi bị hỏng mắt hoặc thậm chí còn mù lòa vì nhìn nhật thực không? Việc nhìn vào một nhật thực về phần thuộc linh qua thấu kính bảo vệ và làm dịu đi của Thánh Linh cung cấp một quan điểm phúc âm, do đó bảo vệ chúng ta khỏi sự mù quáng về phương diện thuộc linh.

Chúng ta hãy xem xét một số ví dụ. Với những lời của các vị tiên tri ghi khắc trong lòng mình và Đức Thánh Linh là Đấng tư vấn của mình, chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng thiên thượng bị ngăn chặn một phần bằng “cặp kính phúc âm” để tránh sự tai hại của nhật thực về phần thuộc linh.

Vậy thì chúng ta đeo mắt kính phúc âm lên như thế nào? Dưới đây là một số ví dụ: Mắt kính phúc âm cho chúng ta biết rằng Chúa muốn chúng ta dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, và Ngài muốn chúng ta học thánh thư và cầu nguyện hằng ngày. Mắt kính này cũng cho chúng ta biết rằng Sa Tan sẽ cám dỗ chúng ta không làm như thế. Chúng ta biết là nó tìm cách lấy đi quyền tự quyết của chúng ta qua những điều xao lãng và những cám dỗ của thế gian. Ngay cả trong thời của Giốp, có lẽ cũng có một số người kinh nghiệm nhật thực về phần thuộc linh, được mô tả là: khi “ban ngày [họ] gặp tối tăm, đang lúc trưa [họ] rờ đi như trong đêm tối.”7

Thưa các anh chị em, khi tôi nói đến việc nhìn xuyên qua cặp kính phúc âm, xin biết rằng tôi không ám chỉ là chúng ta không thừa nhận hoặc thảo luận những thử thách mà chúng ta gặp phải hoặc chúng ta vui vẻ bước đi không biết gì về những cái bẫy và những điều xấu xa mà kẻ thù đã đặt trước mắt chúng ta. Tôi không nói về việc mang lên vật che chắn— mà hoàn toàn trái lại. Tôi đề nghị chúng ta nên nhìn vào những thử thách qua những thấu kính phúc âm. Anh Cả Dallin H. Oaks đã nhận xét rằng “quan điểm là khả năng để nhìn thấy tất cả các thông tin liên quan trong một mối quan hệ có ý nghĩa.8 Một quan điểm phúc âm mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến một cái nhìn vĩnh cửu.

Khi đeo “cặp kính phúc âm” lên, các anh chị em thấy được quan điểm, sự tập trung và tầm nhìn gia tăng theo cách mà các anh chị em nghĩ về các ưu tiên, vấn đề, cám dỗ và thậm chí những lỗi lầm của mình. Các anh chị em sẽ thấy ánh sáng rực rỡ hơn mà các anh chị em không thể nhìn thấy nếu không có cặp kính đó.

Hình Ảnh
Cặp kính phúc âm

Trớ trêu thay, không phải chỉ điều tiêu cực mới có thể gây ra một nhật thực về phần thuộc linh trong cuộc sống cua chúng ta. Thường thường, những nỗ lực đáng khâm phục hay tích cực mà chúng ta tận tâm cống hiến đều có thể quá gần đến nỗi chúng ngăn chặn ánh sáng phúc âm và mang đến bóng tối. Những mối hiểm nguy hoặc điều xao lãng này có thể gồm có học vấn và sự thịnh vượng, quyền lực và ảnh hưởng, tham vọng, thậm chí tài năng và ân tứ.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf đã dạy rằng “bất cứ đức hạnh nào khi thái quá cũng đều có thể trở thành tội lỗi. ... Đến một mức nào đó, những thành tích có thể trở thành chướng ngại vật và tham vọng có thể trở thành sợi dây thòng lọng.”9

Tôi xin chia sẻ những ví dụ với chi tiết hơn mà có thể trở thành nguyên nhân để tránh các nhật thực về mặt thuộc linh của chúng ta.

Mạng Truyền Thông Xã Hội

Cách đây vài tháng, tôi đã nói chuyện tại Đại Hội Phụ Nữ ở trường BYU.10 Tôi đã mô tả công nghệ kể cả mạng truyền thông xã hội đã tạo điều kiện cho việc truyền bá “sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi … đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc.”11 Những công nghệ này gồm có các trang mạng Giáo Hội như là LDS.orgMormon.org; các ứng dụng di động như là Thư Viện Phúc Âm, Mormon Channel, LDS Tools và Cây Gia Phả; và các diễn đàn truyền thông xã hội gồm có Facebook, Instagram, Twitter và Pinterest. Các diễn đàn này tạo ra hằng trăm triệu lượt thích, chia sẻ, xem, retweets và pin và đã trở nên rất hiệu quả và gây ấn tượng trong việc chia sẻ phúc âm với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Bất kể mọi công dụng và cách sử dụng thích hợp các công nghệ này, cũng có những rủi ro liên quan đến chúng, mà khi đến quá gần, có thể đặt chúng ta vào một trạng thái nhật thực về phần thuộc linh và có thể cản trở vẻ rực rỡ và sự ấm áp của phúc âm.

Việc sử dụng mạng truyền thông xã hội, ứng dụng dành cho thiết bị di động và trò chơi điện tử có thể mất rất nhiều thời gian và có thể làm giảm bớt sự giao tiếp mặt đối mặt. Việc thiếu cuộc trò chuyện cá nhân như vậy có thể ảnh hưởng đến hôn nhân, thay thế các thực hành thuộc linh có giá trị, giảm bớt sự phát triển các kỹ năng xã hội, nhất là trong giới trẻ.

Hai rủi ro nữa liên quan đến phương tiện truyền thông xã hội đều là thực tế được lý tưởng hóa và sự so sánh gây suy yếu.

Nhiều (nếu không muốn nói là hầu hết) hình ảnh đăng trên phương tiện truyền thông xã hội có khuynh hướng mô tả đời sống ở mức tốt đẹp nhất—thường là không đúng thực tế. Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ về trang trí nhà cửa, những điểm nghỉ mát tuyệt vời, hình ảnh tươi cười, chuẩn bị thực phẩm công phu, và hình ảnh về thân thể dường như không thể đạt được.

Ví dụ, đây là một hình ảnh mà các anh chị em có thể thấy trên tài khoản phương tiện truyền thông xã hội của một ai đó. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn mô tả hình ảnh trọn vẹn về điều thật sự xảy ra trong cuộc sống thực.

Hình Ảnh
Đằng sau hậu trường của việc làm cái bánh nướng xốp

Việc so sánh đời sống dường như trung bình của mình với đời sống được chỉnh sửa tốt đẹp, được chế tác hoàn hảo trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể mang đến cho chúng ta cảm giác chán nản, ghen tị và thậm chí còn thất bại.

Một người đã chia sẻ vô số hình ảnh của mình nói, có lẽ nói đùa phần nào: “Hạnh phúc là gì nếu ta không đăng hình lên truyền thông xã hội?”12

Như Chị Bonnie L. Oscarson đã nhắc nhở chúng ta sáng hôm nay, thành công trong đời sống không đến từ việc có bao nhiêu lượt thích mình nhận được hoặc có bao nhiêu “bạn bè” hoặc người theo dõi trên truyền thông xã hội mà mình có. Tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc có được mối quan hệ đầy ý nghĩa với người khác và thêm ánh sáng vào cuộc sống của họ.

Hy vọng rằng, chúng ta có thể học được cách sống một cách thực tế hơn, tìm kiếm thêm óc hóm hỉnh và cảm thấy ít chán nản hơn khi nhìn thấy hình ảnh mà có thể mô tả thực tế được lý tưởng hóa và điều đó thường dẫn đến những so sánh gây suy yếu.

Sự so sánh dường như không phải chỉ là vấn đề của thời đại chúng ta mà còn trong thời xưa nữa. Sứ Đồ Phao Lô đã cảnh cáo những người trong thời của ông rằng “lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn.”13

Với quá nhiều cách sử dụng công nghệ thích hợp và đầy soi dẫn, chúng ta hãy sử dụng công nghệ này để giảng dạy, soi dẫn và nâng cao tinh thần mình cùng khuyến khích người khác để có thể trở thành con người tốt nhất—thay vì để mô tả bản thân ảo tưởng đã được lý tưởng hóa của chúng ta. Chúng ta cũng hãy giảng dạy và cho thấy cách sử dụng công nghệ ngay chính cho thế hệ đang vươn lên và cảnh cáo những mối nguy hiểm liên quan và cách sử dụng nó một cách nguy hại. Việc xem phương tiện truyền thông xã hội với quan điểm phúc âm có thể ngăn nó trở thành một nhật thực về phần thuộc linh trong cuộc sống của chúng ta.

Tính kiêu ngạo

Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về chướng ngại vật của tính kiêu ngạo có từ ngàn xưa. Tính kiêu ngạo đối nghịch với lòng khiêm nhường tức là "sẵn lòng tuân phục ý muốn của Chúa.”14 Khi có tính kiêu ngạo, chúng ta có khuynh hướng kính trọng bản thân mình hơn là kính trọng người khác, kể cả Chúa. Tính kiêu ngạo thường có tính chất đua tranh; đó là khuynh hướng tìm kiếm để có nhiều hơn và tin rằng chúng ta hay hơn người khác. Tính kiêu ngạo thường dẫn đến những cảm giác tức giận và oán ghét; nó khiến cho một người nuôi lòng oán giận hoặc không tha thứ. Tuy nhiên, tính kiêu ngạo có thể bị vô hiệu hóa bởi thuộc tính khiêm nhường giống như Đấng Ky Tô.

Những mối quan hệ, ngay cả với gia đình thân thiết và những người thân yêu, nhất là với gia đình thân thiết và những người thân yêu—thậm chí giữa vợ chồng—được nuôi dưỡng trong lòng khiêm nhường và bị cản trở bởi tính kiêu ngạo.

Cách đây nhiều năm, một viên giám đốc điều hành của một hệ thống bán lẻ lớn gọi điện cho tôi để nói về công ty của anh đã bị một trong những đối thủ cạnh tranh mua lại. Anh ta và nhiều nhân viên khác ở trụ sở chính đã vô cùng lo lắng rằng họ có thể bị mất việc làm. Vì biết rằng tôi quen biết nhiều với ban quản trị thâm niên của công ty sắp mua lại, nên anh ta hỏi liệu tôi có sẵn lòng giới thiệu lẫn gửi gắm giùm anh ta không, thậm chí còn yêu cầu sắp xếp một buổi họp cho anh ta. Rồi anh ta kết thúc với câu nói như sau: “Anh có biết người ta nói sao không? ‘Người nhu mì sẽ bị thiệt thòi!’”

Tôi hiểu câu nói của anh ấy dường như là hóm hỉnh. Tôi hiểu đó là câu nói đùa. Nhưng có một nguyên tắc quan trọng mà tôi cảm thấy cuối cùng có thể được sử dụng cho anh ta. Tôi đáp: “Thật ra, đó không phải là điều người ta nói. Trong thực tế, là hoàn toàn ngược lại. Người ta nói là ‘kẻ nhu mì … sẽ được thừa hưởng thế gian.’”15

Theo kinh nghiệm của tôi trong Giáo Hội cũng như trong suốt nghề nghiệp chuyên môn của mình, một số người vĩ đại và hiệu quả nhất mà tôi biết đều là trong số những người nhu mì và khiêm nhường nhất.

Lòng khiêm nhường và nhu mì tương quan chặt chẽ với nhau. Cầu xin cho chúng ta nhớ rằng “không ai được chấp nhận trước mặt Thượng Đế ngoài những người nhu mì và khiêm tốn trong lòng.”16

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cố tránh nhật thực về phần thuộc linh của tính kiêu ngạo bằng cách tiếp nhận đức tính khiêm nhường.

Kết luận

Để kết thúc, quả thật, nhật thực là một hiện tượng đáng chú ý của thiên nhiên trong đó vẻ đẹp, sự ấm áp và ánh nắng mặt trời có thể bị che khuất hoàn toàn bởi một vật thể tương đối không đáng kể, gây ra bóng tối và lạnh giá.

Một hiện tượng tương tự có thể được lặp lại theo ý nghĩa thuộc linh, khi mà các vấn đề nhỏ nhặt và không đáng kể đến quá gần và che khuất vẻ đẹp, sự ấm áp, và ánh sáng thiên thượng của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và thay thế bằng bóng tối lạnh giá.

Mắt kính được thiết kế để bảo vệ thị lực của những người trong khu vực của nhật thực toàn phần có thể ngăn ngừa tác hại vĩnh viễn và ngay cả sự mù lòa.17 Những cặp kính phúc âm bao gồm một sự hiểu biết và chứng ngôn về các nguyên tắc và giáo lễ phúc âm mang đến một quan điểm phúc âm mà có thể cũng mang đến sự bảo vệ thuộc linh lớn lao hơn và sự rõ ràng cho một người nào đó tiếp xúc với những mối nguy hiểm của nhật thực về phần thuộc linh.

Nếu khám phá ra điều gì mà dường như đang ngăn cản ánh sáng và niềm vui của phúc âm trong cuộc sống của các anh chị em, thì tôi mời các anh chị em nhìn theo quan điểm của phúc âm. Hãy nhìn qua thấu kính của phúc âm và hãy cảnh giác, đừng cho phép những vấn đề không quan trọng và vụn vặt trong đời sống ngăn cản tầm nhìn vĩnh cửu của các anh chị em về kế hoạch hạnh phúc vĩ đại. Nói tóm lại, đừng để cho những điều xao lãng trong đời sống che khuất ánh sáng của thiên thượng.

Chứng ngôn

Tôi làm chứng rằng bất kể sự cản trở nào có thể che khuất tầm nhìn của chúng ta đối với ánh sáng phúc âm, thì ánh sáng ấy vẫn còn đó. Nguồn ấm áp, lẽ thật và rực rỡ đó là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng về một Cha Thiên Thượng nhân từ; về Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và về vai trò của Con Trai Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, trong Sarah Jane Weaver, “What Gift Does President Monson Want for His 90th Birthday?” Deseret News, ngày 17 tháng Tám năm 2017, deseretnews.com.

  2. Xin xem Christina Zdanowicz và Judson Jones, “An Eclipse Will Cross the US for the First Time in 99 Years,” ngày 24 tháng Bảy năm 2017, cnn.com.

  3. Xin xem “Eclipse: Who? What? Where? When? and How?” eclipse2017.nasa.gov.

  4. Xin xem EarthSky in Space, “Coincidence That Sun and Moon Xin xemm Same Size?” earthsky.org.

  5. Xin xem Brian Lada, “5 Surprising Effects the Total Solar Eclipse Will Have besides Darkness,” accuweather.com.

  6. Neal A. Maxwell, Of One Heart: The Glory of the City of Enoch (năm 1975), trang 19.

  7. Gióp 5:14.

  8. Dallin H. Oaks, bài nói chuyện được đưa ra tại buổi họp đặc biệt fireside trong Giáo Khu Salt Lake Bonneville Young Single Adult, Salt Lake City, Utah, ngày 8 tháng Hai năm 2015.

  9. Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,”Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 20.

  10. Xin xem Gary E. Stevenson, “The Knowledge of a Savior” (Đại Hội Phụ Nữ tại trường Brigham Young University, ngày 5 tháng Năm năm 2017).

  11. Mô Si A 3:20.

  12. Jade, “The Obsession of Creating a Picture-Perfect Life on Social Media.”

  13. 2 Cô Rinh Tô 10:12.

  14. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (năm 2004), trang 120–21.

  15. Ma Thi Ơ 5:5; 3 Nê Phi 12:5.

  16. Mô Rô Ni 7:44.

  17. Xin xem “Solar Eclipse and Your Eyes,” preventblindness.org.