2010–2019
Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn
Tháng Mười năm 2017


Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn

Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của mọi sự chữa lành, bình an và sự tiến triển vĩnh cửu.

Thưa các anh chị em, thật là một niềm vui được hiện diện với các anh chị em. Và đó là điều tôi muốn nói chuyện với các anh chị em về buổi sáng hôm nay—việc có được niềm vui trọn vẹn.

Người ta đọc hàng tít của một bản tin gần đây: “Những thảm hoạ làm rung động đất nước [và] thế giới.”1 Từ những trận bão và lũ lụt đến những đợt nắng nóng và hạn hán, từ những vụ cháy rừng, động đất, đến chiến tranh và bệnh dịch thảm khốc, hình như “toàn thể thế gian [đang] ở trong sự xáo động.”2

Hàng triệu người đã phải bỏ nhà cửa ra đi, và vô số cuộc sống đã bị ảnh hưởng bởi những thử thách này. Mối bất hòa trong gia đình và cộng đồng cũng như những sự đấu tranh trong lòng với nỗi sợ hãi, nghi ngờ và những kỳ vọng không được đáp ứng cũng làm cho chúng ta bất an. Thật khó có thể cảm nhận được niềm vui mà Lê Hi đã dạy là mục đích của cuộc sống.3 Đôi khi chúng ta đều đã hỏi: “Tôi có thể tìm sự bình an ở đâu? Sự an ủi của tôi ở đâu … ?”4 Chúng ta tự hỏi làm sao tôi tìm được niềm vui bất kể những khó khăn của cuộc sống trần thế?

Câu trả lời có thể dường như quá đơn giản, nhưng nó đã được chứng minh là đúng từ thời A Đam. Niềm vui tràn ngập được tìm thấy trong việc tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và sống theo phúc âm như đã được Ngài cho thấy và giảng dạy. Chúng ta càng học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô, có đức tin nơi Ngài, và noi gương Ngài, thì chúng ta càng hiểu rằng Ngài là nguồn gốc của mọi sự chữa lành, bình an và sự tiến triển vĩnh cửu. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến cùng Ngài,5 một lời mời gọi mà Chủ Tịch Henry Henry B. Eyring B. Eyring đã mô tả là “lời mời gọi quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng có thể chấp nhận.”6

Học Hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô

Làm cách nào chúng ta đến cùng Ngài? Tháng Tư năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson và Anh Cả M. Russell Ballard đã khuyến khích chúng ta nghiên cứu tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống”7 như là một phần học hỏi về Đấng Cứu Rỗi. Nhiều tín hữu đã chấp nhận lời yêu cầu đó và đã được ban phước. Mới đây, một người bạn thân của tôi đã cho mỗi đứa con đã trưởng thành của chị một bản tài liệu đó với hình ảnh phúc âm để minh họa từng cụm từ. Chị đã khuyến khích con cái mình giúp các cháu mình hiểu và học thuộc lòng tài liệu đó. Một thời gian sau, người bạn của tôi chia sẻ một đoạn video về đứa cháu gái sáu tuổi của chị, tên Laynie, đọc thuộc lòng bản tài liệu với sự nhiệt tình và tự tin. Tôi nhận thấy rằng nếu một đứa trẻ lên ba có thể làm được điều đó, thì tôi cũng có thể làm được vậy!

Hình Ảnh
Laynie học thuộc lòng tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống”

Trong khi tôi học về cuộc đời và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô với sự tập trung hơn và thuộc lòng tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống,” thì lòng biết ơn và tình yêu thương của tôi dành cho Đấng Cứu Rỗi đã gia tăng. Mỗi câu của tài liệu đầy soi dẫn đó chứa đựng một bài giảng và đã làm tăng sự hiểu biết của tôi về vai trò thiêng liêng và sứ mệnh trên trần thế của Ngài. Điều tôi đã học được và cảm nhận được trong giai đoạn nghiên cứu và suy ngẫm này xác nhận rằng Chúa Giê Su thực sự là “sự sáng, sự sống và niềm hy vọng của thế gian.”8 Thánh thư thời xưa và những lời của các vị tiên tri ngày sau được viết hay nói ra để ngợi khen Ngài đều làm chứng rằng “Con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”9

Có Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Khi các anh chị em học về cuộc đời và những lời dạy của Đấng Ky Tô bằng đủ cách, đức tin của các anh chị em nơi Ngài sẽ gia tăng. Các anh chị em sẽ biết rằng Ngài hoàn toàn yêu thương và hiểu rõ mỗi anh chị em. Trong 33 năm sống trên trần thế, Ngài đã bị từ khước, ngược đãi, thể xác Ngài đói khát và mệt mỏi,10 cô đơn, bị hành hạ bằng lời nói và hành động, và cuối cùng là một cái chết đau đớn tột cùng dưới bàn tay của những người tội lỗi.11 Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự ở Đồi Sọ, Ngài đã cảm nhận tất cả những đau đớn, khổ sở, cám dỗ, bệnh hoạn và những sự yếu đuối của chúng ta12

Bất kể điều gì chúng ta đã chịu đựng, thì Ngài cũng là nguồn gốc chữa lành. Những người nào đã chịu đựng bất cứ hành vi lạm dụng, sự mất mát thảm khốc, bệnh tật kinh niên hoặc khổ sở vì tật nguyền, những lời cáo gian, sự ngược đãi tàn nhẫn, hoặc tổn thương phần thuộc linh vì tội lỗi hoặc sự hiểu lầm cũng đều có thể được Đấng Cứu Chuộc của thế gian chữa lành. Tuy nhiên, Ngài sẽ không làm điều đó nếu không được mời. Chúng ta phải đến cùng Ngài và để cho Ngài làm phép lạ.

Vào một ngày mùa xuân đẹp trời, tôi để cửa mở để tận hưởng không khí trong lành. Một con chim nhỏ đã bay vào chỗ cửa để mở và rồi nhận biết rằng đây không phải là nơi nó muốn vào. Nó tuyệt vọng bay khắp phòng, nhiều lần lao vào kính cửa sổ để cố gắng trốn thoát. Tôi cố gắng nhẹ nhàng hướng nó về phía cánh cửa mở, nhưng nó sợ hãi và tiếp tục bay tránh xa. Cuối cùng nó đậu lên trên màn cửa sổ và trông kiệt sức. Tôi lấy một cây chổi và từ từ đưa đầu chổi tới nơi con chim đầy lo lắng đang đậu. Trong khi tôi đưa phần đầu chổi đến bên cạnh chân của nó, con chim ngập ngừng bước lên. Tôi bước đi rất chậm đến bên cánh cửa mở, tay cố gắng hết sức không rung cây chổi. Ngay khi chúng tôi đến bên cánh cửa mở thì con chim nhanh chóng bay vào vùng trời tự do.

Giống như con chim đó, đôi khi chúng ta sợ tin cậy vì chúng ta không hiểu tình yêu thương tuyệt đối và ước muốn của Thượng Đế để giúp đỡ chúng ta. Nhưng khi nghiên cứu kế hoạch của Cha Thiên Thượng và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta hiểu được rằng mục tiêu duy nhất của hai Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu và sự tiến triển của chúng ta. 13 Hai Ngài thích giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa.14 Khi thực hành đức tin và khiêm nhường mở rộng lòng mình để nhận những sự đáp ứng của hai Ngài, thì chúng ta sẽ thoát khỏi những sự hạn chế của những hiểu lầm và giả định của mình, và chúng ta có thể được cho thấy con đường phía trước.

Chúa Giê Su Ky Tô cũng là nguồn bình an. Ngài mời gọi chúng ta “tựa vào sức mạnh [của Ngài]”15 và hứa ban cho “sự bình an … vượt quá mọi sự hiểu biết,”16 một cảm giác nảy sinh khi Thánh Linh của Ngài “phán sự bình an vào tâm hồn chúng ta”17 bất kể những thử thách bao quanh chúng ta. Cho dù đó là những đấu tranh của cá nhân, những khó khăn của gia đình hay những cuộc khủng hoảng trong cộng đồng, thì bình an cũng sẽ đến khi chúng ta tin tưởng rằng Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế có quyền năng để xoa dịu tâm hồn đau thương của chúng ta.

Hình Ảnh
Snježana Podvinski, một tín hữu ở Croatia

Snježana Podvinski, một trong số ít Thánh Hữu ở Karlovac, Croatia, đã tựa vào Đấng Cứu Rỗi khi người chồng lẫn cha mẹ của chị qua đời chỉ trong vòng sáu tháng năm ngoái. Lòng chị đau buồn, nhưng vì có chứng ngôn rằng gia đình sẽ mãi mãi bên nhau nên chị đã dùng hết số tiền dành dụm được để đi đến đền thờ, nơi mà chị đã được làm lễ gắn bó với chồng và cha mẹ của chị. Chị đã chia sẻ rằng những ngày ở trong đền thờ là thời gian tuyệt vời trong cuộc đời chị. Nhờ vào chứng ngôn vững mạnh của chị về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài nên chị đã cảm thấy bình an và trải qua sự chữa lành mà cũng là một sức mạnh cho những người xung quanh chị.

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô còn mang lại nhiều ân tứ hơn là sự chữa lành và bình an. Như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã chia sẻ: “Tôi đã cám ơn về rất nhiều cách mà Chúa đã đến với tôi với Đấng An Ủi khi tôi cần sự bình an. Nhưng Cha Thiên Thượng của chúng ta không chỉ quan tâm đến sự an ủi của chúng ta mà thôi mà còn nhiều hơn về sự tiến triển của chúng ta nữa.”18

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà gồm có các ân tứ về sự chuộc tội và phục sinh, chúng ta có thể hối cải, thay đổi, và tiến triển mãi mãi. Nhờ vào quyền năng mà Ngài ban cho khi chúng ta vâng lời, chúng ta có thể trở thành con người tốt hơn con người mà chúng ta có thể tự mình trở thành. Chúng ta có thể không hiểu hoàn toàn cách thức, nhưng mỗi người nào trong chúng ta đã cảm thấy đức tin nơi Đấng Ky Tô gia tăng đều cũng đã nhận được sự hiểu biết nhiều hơn về cá tính thiêng liêng và mục đích của chúng ta, dẫn chúng ta đến việc đưa ra những sự lựa chọn phù hợp với sự hiểu biết đó.

Mặc dù thế gian sẽ cố gắng hạ chúng ta xuống tới mức “chỉ là loài động vật,”19 việc biết rằng Thượng Đế là Cha chúng ta bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta có tiềm năng thiêng liêng và lời hứa thiêng liêng. Mặc dù thế gian nói với chúng ta rằng cuộc sống này không có mục đích, việc biết rằng Con Độc Sinh của Thượng Đế đã làm cho chúng ta có thể được cứu chuộc và phục sinh mang đến cho chúng ta hy vọng về sự tiến triển vĩnh cửu.

Noi theo Gương của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi học hỏi nhiều hơn về Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phát triển đức tin lớn lao hơn nơi Ngài và tất nhiên chúng ta muốn noi theo gương của Ngài. Việc tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trở thành ước muốn lớn lao nhất của chúng ta. Chúng ta có ước muốn xoa dịu nỗi đau khổ của người khác, như Ngài đã làm, và chúng ta muốn họ cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc mà chúng ta đã tìm thấy.

Tại sao việc cố gắng làm như Ngài đã làm lại mạnh mẽ đến vậy? Vì khi chúng ta biến đức tin của mình thành hành động, thì Đức Thánh Linh làm chứng về lẽ thật vĩnh cửu.20 Chúa Giê Su dạy các môn đồ của Ngài phải tuân giữ các lệnh truyền của Ngài vì Ngài biết rằng khi chúng ta noi theo gương Ngài, thì chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận được niềm vui, và khi chúng ta tiếp tục đi trên con đường của Ngài thì chúng ta sẽ tiến đến một niềm vui trọn vẹn. Ngài đã giải thích: “Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.”21

Chứng ngôn của chúng ta có được xây đắp trên nền tảng vững chắc của Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm của Ngài không? Khi những cơn bão tố của cuộc đời vây chặt chúng ta, liệu chúng ta có hốt hoảng đi tìm một quyển sách chỉ dẫn cách đối phó hay một bài đăng trên internet để có được sự giúp đỡ không? Việc dành ra thời gian để xây đắp và củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang lại những phần thưởng dồi dào trong thời gian thử thách và nghịch cảnh. Việc đọc thánh thư hằng ngày và suy ngẫm những lời của các vị tiên tri tại thế, dâng lên lời cầu nguyện riêng đầy ý nghĩa, dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần một cách chú tâm, phục vụ như Đấng Cứu Rỗi phục vụ—mỗi một sinh hoạt đơn giản này sẽ trở thành một nền tảng cho một cuộc sống vui vẻ.

Điều gì mang lại niềm vui cho các anh chị em? Hình ảnh của những người thân của các anh chị em vào cuối ngày dài đằng đẵng chăng? Sự hài lòng về một việc làm được thành công mỹ mãn chăng? Ánh mắt của một người nào đó khi các anh chị em chia sẻ gánh nặng của họ chăng? Những lời của một bài thánh ca ăn sâu vào trong lòng của các anh chị em chăng? Cái bắt tay của một người bạn thân chăng? Hãy dành ra một khoảnh khắc riêng để suy ngẫm về những phước lành của các anh chị em, và sau đó tìm cách chia sẻ chúng. Trong khi tìm đến phục vụ và nâng đỡ các anh chị em trong khu xóm của mình hoặc trên khắp thế giới đầy hỗn loạn này, các anh chị em sẽ cảm thấy sự bình an, sự chữa lành và thậm chí sự tiến triển nhiều hơn nữa.

Hãy đến cùng Ngài. Tôi làm chứng rằng khi tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô, thì các anh chị em sẽ tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh của các anh chị em, cho dù hoàn cảnh đó là gì đi nữa. Thật vậy, “Ngài, Đấng Chí Thánh,”22 là câu trả lời. Hãy dành thời gian để bắt đầu biết Chúa Giê Su Ky Tô qua việc siêng năng học hỏi, phát triển đức tin lớn lao hơn nơi Ngài và cố gắng để trở thành giống như Ngài hơn. Khi làm như vậy, chúng ta cũng sẽ được soi dẫn để cùng nói với bé Laynie: “Cảm tạ Thượng Đế đã ban cho ân tứ vô song về Vị Nam Tử thiêng liêng của Ngài.”23 Trong thánh danh được chúc tụng của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.