2010–2019
Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài
Tháng Mười năm 2017


Chúa Dẫn Dắt Giáo Hội của Ngài

Sự dẫn dắt của Chúa cho Giáo Hội của Ngài đòi hỏi đức tin lớn lao và vững vàng của tất cả những người phục vụ Ngài trên thế gian.

Các anh em nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế thân mến, tối nay tôi muốn nói về cách thức tuyệt diệu của Chúa dẫn dắt vương quốc của Ngài trên thế gian. Các anh em đã biết những nguyên tắc cơ bản. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ xác nhận các nguyên tắc ấy với các anh em.

Thứ nhất, Chúa Giê Su Ky Tô đứng đầu Giáo Hội trên toàn thế gian.

Thứ hai, Ngài dẫn dắt Giáo Hội của Ngài ngày nay bằng cách phán truyền với những người nam được kêu gọi với tư cách là các vị tiên tri, và Ngài làm vậy qua sự mặc khải.

Thứ ba, Ngài đã ban sự mặc khải cho các vị tiên tri của Ngài từ xưa, và vẫn đang, và sẽ tiếp tục làm như vậy.

Thứ tư, Ngài ban sự mặc khải xác nhận cho những ai phục vụ dưới sự lãnh đạo của các vị tiên tri của Ngài.

Từ những nguyên tắc cơ bản đó, chúng ta nhận ra rằng sự dẫn dắt của Chúa cho Giáo Hội của Ngài đòi hỏi đức tin lớn lao và vững vàng của tất cả những người phục vụ Ngài trên thế gian.

Ví dụ, cần có đức tin để tin rằng Chúa phục sinh đang trông coi những chi tiết hằng ngày trong vương quốc của Ngài. Cần có đức tin để tin rằng Ngài kêu gọi những người không hoàn hảo phục vụ ở các chức vụ tin cẩn. Cần có đức tin để tin rằng Ngài biết rõ những người Ngài kêu gọi, cả về khả năng lẫn tiềm năng của họ, và vì thế không có sai lầm nào trong những sự kêu gọi từ Ngài.

Điều đó có thể làm vài người trong cử tọa này cười nhạt hoặc lắc đầu nghi ngờ—cả những người nghĩ sự kêu gọi phục vụ của chính họ có thể là một sai lầm và những người hình dung một vài người họ biết dường như kém thích hợp với các chức vụ phục vụ của họ trong vương quốc của Chúa. Lời khuyên dạy của tôi cho cả hai nhóm là hãy hoãn lại những xét đoán như vậy cho đến khi các anh em có thể thấy tốt hơn điều Chúa thấy. Thay vì vậy, sự xét đoán các anh em cần đưa ra là liệu các anh em có khả năng để nhận sự mặc khải và hành động theo mà không sợ hãi.

Cần có đức tin để làm như vậy. Cần phải có đức tin mạnh mẽ hơn để tin rằng Chúa đã gọi những người tôi tớ không hoàn hảo để lãnh đạo các anh em. Mục đích của tôi tối nay là để xây đắp đức tin của các anh em rằng Thượng Đế chỉ dẫn các anh em trong sự phục vụ của các anh em cho Ngài. Và thậm chí quan trọng hơn, tôi hy vọng để xây đắp đức tin của các anh em rằng Chúa đang soi dẫn những người không hoàn hảo mà Ngài đã kêu gọi làm các vị lãnh đạo của các anh em.

Ban đầu, các anh em có thể nghĩ rằng một đức tin như vậy thì không quan trọng cho sự thành công của Giáo Hội và vương quốc của Chúa. Tuy nhiên, các anh em có thể khám phá ra—bất kể các anh em có sự kêu gọi nào trong chức tư tế, từ vị tiên tri của Chúa cho đến một người mới nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn—thì đức tin đó là cần thiết.

Chúng ta hãy bắt đầu với việc đức tin có ý nghĩa gì đối với một một vị chủ tịch nhóm túc số các thầy giảng hay các thầy trợ tế. Là điều quan trọng cho em ấy để có đức tin rằng Chúa đã kêu gọi chính Em Ấy, và Ngài biết được những điểm mạnh và yếu của người thầy giảng đó. Em ấy cần có đức tin rằng người đưa ra sự kêu gọi đó đã nhận được sự mặc khải bởi Thánh Linh của Thượng Đế. Các cố vấn và các thành viên của nhóm túc số của em ấy cần có cùng một đức tin đó để mạnh dạn đi theo em ấy với sự tin tưởng.

Tôi đã thấy sự tin tưởng như vậy khi một cậu bé ngồi với chủ tịch đoàn nhóm túc số các thầy trợ tế của mình vào một buổi sáng Chủ Nhật. Cậu bé vừa được kêu gọi làm thư ký cho họ. Chủ tịch đoàn trẻ tuổi đó đang cùng nhau bàn bạc. Họ nói về một vài phương cách để có thể hoàn thành lời kêu cầu từ vị giám trợ là mang một cậu bé kém tích cực quay trở lại giáo hội. Sau khi cầu nguyện và thảo luận, họ chỉ định cho em thư ký đến nhà của một cậu bé mà chưa bao giờ tham dự một buổi họp nào và mời cậu ấy.

Em thư ký không biết cậu bé đó, nhưng em ấy biết cha mẹ của cậu bé có một người là kém tích cực và người kia không phải là tín hữu và không thân thiện. Em thư ký cảm thấy lo lắng nhưng không sợ hãi. Em ấy biết rằng vị tiên tri của Thượng Đế đã yêu cầu những người nắm giữ chức tư tế mang trở về đàn chiên bị thất lạc. Và em ấy đã nghe lời cầu nguyện của chủ tịch đoàn của mình. Em ấy đã nghe họ đi đến việc đồng ý về tên của cậu bé cần được giải cứu và tên của chính em ấy.

Tôi đã quan sát em thư ký bước trên con đường hướng về căn nhà của cậu bé kém tích cực. Em ấy bước chầm chậm như thể em ấy đang đi vào nơi rất nguy hiểm. Nhưng trong vòng nửa giờ đồng hồ em ấy đã quay trở về trên con đường đó với cậu bé, mỉm cười hạnh phúc. Tôi không chắc khi ấy em ấy có biết không, nhưng em ấy đã đi với đức tin rằng em đang làm công việc cho Chúa. Đức tin đó đã ở cùng em ấy và đã tăng trưởng qua năm tháng khi em trở thành một người truyền giáo, một người cha, một vị lãnh đạo các thiếu niên, và một vị giám trợ.

Chúng ta hãy nói về việc đức tin như vậy có ý nghĩa gì đối với một vị giám trợ. Một vị giám trợ đôi khi được kêu gọi để phục vụ những người mà đã biết ông ấy rất rõ. Các tín hữu của tiểu giáo khu biết một điều gì đó về sự yếu kém của con người của ông và sức mạnh thuộc linh của ông, và họ biết những người khác trong tiểu giáo khu mà lẽ ra có thể được kêu gọi—những người đó dường như có học vấn cao hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, dễ chịu hơn, hoặc thậm chí đẹp trai hơn.

Những người tín hữu đó phải biết rằng sự kêu gọi để phục vụ với tư cách là một vị giám trợ đến từ Chúa, bằng sự mặc khải. Không có đức tin của họ, vị giám trợ, người được kêu gọi bởi Thượng Đế, sẽ gặp khó khăn hơn để nhận được sự mặc khải mà ông cần có để giúp đỡ họ. Ông sẽ không thành công khi không có đức tin của các tín hữu để tán trợ ông.

Vui mừng thay, điều ngược lại cũng đúng như vậy. Hãy nghĩ về người tôi tớ Vua Bên Gia Min của Chúa, là người đã đưa dân mình đến sự hối cải. Dân chúng trở nên mềm lòng hơn nhờ đức tin của họ rằng ông ấy đã được kêu gọi bởi Thượng Đế, mặc cho những yếu kém của con người ông, và rằng những lời nói của ông đến từ Thượng Đế. Các anh em nhớ rằng dân chúng đã nói: “Vâng, chúng tôi tin mọi lời mà vua đã nói với chúng tôi; … chúng tôi biết những lời ấy thật vững vàng và chân thật, vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện”(Mô Si A 5:2).

Để cho một vị lãnh đạo thành công trong công việc của Chúa, thì sự tin tưởng của người khác rằng người ấy được kêu gọi bởi Thượng Đế phải gạt bỏ quan điểm của họ về những yếu đuối và yếu kém hữu diệt của người ấy. Các anh em nhớ cách mà Vua Bên Gia Min đã giải thích vai trò lãnh đạo của chính ông:

“Tôi không ra lệnh cho các người đến đây để các người sợ hãi tôi hoặc để có ý nghĩ rằng, tôi là một người hữu diệt.

“Nhưng tôi cũng giống như các người, cũng phải chịu tất cả mọi thứ yếu đuối về thể xác và tâm trí; tuy nhiên, tôi đã được dân này lựa chọn, và đã được cha tôi lập lên, và cũng đã được bàn tay của Chúa chịu để cho tôi làm người cai trị và làm vua dân này; và tôi đã được gìn giữ và bảo vệ bởi quyền năng vô song của Ngài, để phục vụ các người với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh mà Chúa đã ban cho tôi” (Mô Si A 2:10–11).

Vị lãnh đạo của các anh em trong Giáo Hội của Chúa có thể dường như yếu kém và cảm tính con người đối với các anh em hoặc có vẻ mạnh mẽ và đầy soi dẫn đối với các anh em. Thực tế là mỗi vị lãnh đạo là một sự pha trộn của những đặc tính đó và còn nhiều nữa. Điều giúp cho các tôi tớ của Chúa khi được kêu gọi để lãnh đạo chúng ta là chúng ta có thể thấy họ giống như cách Chúa đã thấy khi Ngài kêu gọi họ.

Chúa thấy các tôi tớ của Ngài một cách hoàn hảo. Ngài thấy tiềm năng và tương lai của họ. Và Ngài biết cách làm cho bản tính rất thiên nhiên của họ có thể được thay đổi. Ngài cũng biết cách để họ có thể được thay đổi qua các kinh nghiệm của họ với những người họ sẽ lãnh đạo.

Các anh em có thể đã có kinh nghiệm khi được củng cố bởi những người mà các anh em được kêu gọi để phục vụ. Tôi đã có lần được kêu gọi với tư cách một giám trợ cho những người thành niên độc thân trẻ tuổi. Tôi không chắc liệu các mục đích của Chúa là thiên về những thay đổi tôi có thể giúp Ngài mang lại cho họ hay là những thay đổi Ngài biết họ có thể mang lại cho tôi.

Đến một mức độ mà tôi cũng không hiểu được, đa số những người trẻ đó trong tiểu giáo khu đó đã hành động như thể tôi đã được Thượng Đế kêu gọi dành riêng cho họ. Họ thấy những yếu kém của tôi nhưng không để ý đến.

Tôi nhớ một thanh niên đã hỏi xin lời khuyên về các lựa chọn học vấn của em ấy. Em ấy là sinh viên năm nhất tại một trường đại học rất tốt. Một tuần sau khi tôi cho em lời khuyên, em ấy xin một cuộc hẹn gặp tôi.

Khi em ấy bước vào văn phòng, thì em ấy đã làm tôi ngạc nhiên bằng cách hỏi: “Giám trợ ơi, chúng ta có thể cầu nguyện trước khi nói chuyện được không? Và chúng ta quỳ xuống chứ? Và em cầu nguyện nhé?”

Lời yêu cầu của em ấy làm tôi ngạc nhiên. Nhưng lời cầu nguyện của em ấy càng khiến tôi ngạc nhiên hơn. Em ấy đã cầu nguyện rằng: “Thưa Cha Thiên Thượng, Ngài biết rằng Giám Trợ Eyring đã cho con lời khuyên vào tuần trước, và nó không hiệu quả. Xin hãy soi dẫn ông ấy để biết điều con cần làm bây giờ.”

Các anh em có thể cười, nhưng tôi đã không cười được. Em ấy đã biết điều Chúa muốn em ấy làm. Nhưng em ấy tôn kính chức vụ của một vị giám trợ trong Giáo Hội của Chúa và có lẽ muốn tôi có cơ hội để tự tin hơn mà tiếp nhận sự mặc khải trong chức vụ kêu gọi đó.

Và cách đó đã hữu hiệu. Ngay khi chúng tôi đứng lên và rồi ngồi xuống, sự mặc khải đến với tôi. Tôi đã nói cho em ấy điều tôi cảm thấy Chúa muốn em ấy làm. Em ấy lúc đó tuy mới 18 tuổi, nhưng đã chín chắn về mặt thuộc linh.

Em ấy đã biết em ấy không cần phải gặp vị giám trợ về một vấn đề như vậy. Nhưng em ấy đã học cách tán trợ tôi tớ của Chúa ngay cả với những yếu kém con người của ông ấy. Cuối cùng em ấy trở thành một vị chủ tịch giáo khu. Em ấy đã mang theo bài học chúng tôi cùng nhau học: nếu các anh em có đức tin rằng Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua sự mặc khải cho những tôi tớ không hoàn hảo được Ngài kêu gọi đó, thì Chúa sẽ mở các cửa sổ thiên thượng cho họ, cũng như Ngài sẽ làm cho các anh em.

Từ kinh nghiệm đó, tôi mang theo bài học rằng đức tin của những người chúng ta phục vụ, đôi khi còn hơn cả đức tin của chính chúng ta, mang đến cho chúng ta sự mặc khải khi phục vụ Chúa.

Có một bài học khác cho tôi. Nếu cậu thanh niên đó đã xét đoán tôi vì thất bại trong việc cho em ấy lời khuyên tốt vào lần đầu tiên, em ấy sẽ không bao giờ đến hỏi lần nữa. Và vì vậy, bằng cách chọn không xét đoán tôi, em ấy nhận được sự xác nhận mà em ấy đã ao ước có được.

Tuy nhiên một bài học khác từ kinh nghiệm đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Như tôi biết, em ấy không bao giờ nói với bất cứ ai trong tiểu giáo khu rằng tôi đã không đưa ra lời khuyên tốt vào lần đầu. Nếu em ấy làm vậy, thì điều đó có thể làm giảm đức tin của những người khác trong tiểu giáo khu để tin cậy sự soi dẫn của vị giám trợ.

Tôi cố gắng không xét đoán những tôi tớ của Chúa hoặc nói ra những yếu kém hiển nhiên của họ. Và tôi cố gắng dạy các con tôi điều đó bằng tấm gương. Chủ Tịch James E. Faust đã chia sẻ một nguyên tắc mà tôi đang cố gắng áp dụng trong cuộc sống. Tôi chia sẻ nguyên tắc đó với các anh em:

“Chúng ta … cần phải hỗ trợ và tán trợ các vị lãnh đạo địa phương của chúng ta, bởi vì họ … được ‘kêu gọi và chọn lựa.’ Mỗi tín hữu của Giáo Hội này có thể nhận được lời khuyên từ vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh, vị chủ tịch giáo khu hay phái bộ truyền giáo, và Chủ Tịch Giáo Hội cùng những người cộng sự của ông. Không một ai trong số các anh em này hỏi xin sự kêu gọi của họ. Không một ai là hoàn hảo. Tuy nhiên, họ là các tôi tớ của Chúa, đã được Ngài kêu gọi qua những người được quyền có sự soi dẫn. Những người được kêu gọi, tán trợ và phong nhiệm đều được quyền có được sự ủng hộ tán trợ của chúng ta.

“… Sự thiếu tôn kính đối với các vị lãnh đạo tinh thần đã khiến cho nhiều người chịu sự suy yếu và suy sụp thuộc linh. Chúng ta phải bỏ qua bất cứ sự khiếm khuyết, lầm lỗi, hoặc sự thiếu sót hiển nhiên nào của những người được kêu gọi để lãnh đạo chúng ta, và hỗ trợ chức vụ mà họ nắm giữ” (“Được Kêu Gọi và Chọn Lựa,”Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 54–55).

Lời khuyên đó ban phước các tôi tớ của Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh.

Trong những ngày đầu của Giáo Hội của Chúa, các vị lãnh đạo thân với Tiên Tri Joseph Smith bắt đầu nói về các lỗi lầm của ông. Ngay cả với tất cả những điều họ đã thấy và biết về vị thế của ông với Chúa, thì tinh thần chỉ trích và ganh tị lây lan như bệnh dịch. Một trong Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chỉ ra cho chúng ta mọi tiêu chuẩn về đức tin và lòng trung thành mà chúng ta phải có khi phục vụ trong vương quốc của Chúa.

Đây là điều được thuật lại: “Một vài anh cả tổ chức một cuộc họp tại đền thờ cho tất cả những ai nghĩ rằng Joseph Smith là một tiên tri sa ngã. Họ dự tính chỉ định David Whitmer làm người lãnh đạo mới của Giáo Hội. … Sau khi lắng nghe các lý lẽ chống lại Vị Tiên Tri, Brigham [Young] đứng lên và làm chứng: ‘Joseph là một Vị Tiên Tri, và tôi biết điều đó, và rằng họ có thể xỉ vả và phỉ báng ông cho hả giận, họ không thể tiêu hủy việc chỉ định của Vị Tiên Tri của Thượng Đế, họ chỉ có thể tiêu hủy thẩm quyền của họ, cắt đứt mối liên hệ ràng buộc họ với Vị Tiên Tri và với Thượng Đế, và tự chìm vào ngục giới” (Church History in the Fulness of Times Student Manual [Church Educational System manual, 2003], ấn bản thứ 2, 174; xin xem thêm Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 79).

Có một sợi dây ràng buộc chúng ta với Chúa trong sự phục vụ của chúng ta. Sợi dây đó được nối từ bất kỳ chức vụ phục vụ nào chúng ta được kêu gọi trong vương quốc, và nối lên với những người được kêu gọi để chủ tọa chúng ta trong chức tư tế, và kết nối với vị tiên tri, là người được kết nối với Chúa. Cần có đức tin và lòng khiêm nhường để phục vụ trong các chức vụ chúng ta được kêu gọi, để tin tưởng rằng Chúa đã kêu gọi chúng ta và những người chủ tọa chúng ta, và để tán trợ họ với đức tin trọn vẹn.

Sẽ có những lúc, giống như ở Kirtland, khi chúng ta sẽ cần đức tin và sự liêm chính giống như Brigham Young để đứng lên tại nơi Chúa đã gọi chúng ta đến, trung thành với vị tiên tri của Ngài và với các vị lãnh đạo mà Ngài đã đặt vào.

Tôi đưa ra lời chứng long trọng nhưng vui mừng rằng Chúa Giê Su Ky Tô đang lèo lái Giáo Hội của Ngài. Ngài dẫn dắt Giáo Hội và các tôi tớ của Ngài. Tôi làm chứng rằng Thomas S. Monson là người duy nhất nắm giữ và sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế thánh trên thế gian vào lúc này. Và tôi cầu xin các phước lành cho tất cả các tôi tớ khiêm nhường đang sẵn lòng và tận tụy phục vụ trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Giáo Hội mà Ngài đính thân dẫn dắt. Tôi làm chứng rằng Joseph Smith đã nhìn thấy Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô. Hai Ngài đã ngỏ lời cùng ông. Các chìa khóa của chức tư tế đã được phục hồi để ban phước cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng. Đó là giáo vụ và sự tin cậy của chúng ta để phục vụ trong chức vụ của mình trong chính nghĩa của Chúa. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.