2010–2019
Các Nhu Cầu trước mặt Chúng Ta
Tháng Mười năm 2017


Các Nhu Cầu trước mắt Chúng Ta

Một số nhu cầu quan trọng nhất mà chúng ta có thể đáp ứng là ở bên trong gia đình, trong số bạn bè, trong các tiểu giáo khu và trong cộng đồng của chúng ta.

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thiên tai ở Mexico, Hoa Kỳ, Châu Á, Caribbean và Châu Phi. Điều này đã cho thấy sự tốt lành nhất nơi con người khi hàng ngàn người đã góp phần giúp đỡ những người đang lâm nguy hoặc gặp hoạn nạn và bị mất mát. Tôi đã rất xúc động khi thấy các thiếu nữ ở Texas và Florida, cùng với nhiều người khác, đã mặc chiếc áo thun màu vàng có hàng chữ Helping Hands (Những Bàn Tay Giúp Đỡ) và đang giúp dọn dẹp đống gạch vụn của các căn nhà do những cơn bão gần đây gây ra. Hàng ngàn người khác hẳn sẽ vui lòng đi đến những trung tâm cứu trợ nếu không vì xa xôi cách trở. Thay vì thế, các anh chị em đã hiến tặng một cách hào phóng để làm giảm bớt nỗi đau khổ. Lòng quảng đại và trắc ẩn của các anh chị em thật đầy soi dẫn và giống như Đấng Ky Tô.

Hình Ảnh
Các thiếu nữ với Chủ Tịch Eyring

Hôm nay tôi muốn đề cập đến một khía cạnh của sự phục vụ mà tôi cảm thấy là quan trọng đối với tất cả mọi người—bất kể là chúng ta ở đâu đi nữa. Đối với tất cả chúng ta mà đã theo dõi tin tức về các sự kiện gần đây và đã cảm thấy bất lực không biết phải làm gì, câu trả lời có thể thực sự là ngay trước mắt chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại.”1 Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói về câu thánh thư này: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi đang phán bảo rằng trừ phi chúng ta hy sinh bản thân để phục vụ những người khác, thì có rất ít mục đích trong cuộc sống của chúng ta. Những người chỉ sống cho bản thân họ thì cuối cùng sẽ hẹp hòi phần thuộc linh, và theo nghĩa bóng, sẽ đánh mất sự sống của họ, trong khi những người hy sinh phục vụ những người khác thì sẽ lớn mạnh và phát triển—và thực ra cứu mạng sống họ.”2

Chúng ta sống trong một nền văn hoá mà càng ngày chúng ta càng tập trung vào các thiết bị điện tử hơn là những người xung quanh chúng ta. Chúng ta đã coi việc gửi lời nhắn qua điện thoại và mạng xã hội có thể thay cho việc thực sự nhìn vào mắt một người nào đó và mỉm cười hoặc, còn hiếm hơn nữa, có một cuộc trò chuyện trực tiếp với nhau. Chúng ta thường quan tâm đến số lượng “người theo dõi” và “người thích” nhiều hơn việc choàng tay ôm một người bạn và cho thấy tình yêu thương, mối quan tâm và sự chú ý thật sự. Mặc dù công nghệ hiện đại có thể là tuyệt vời để truyền bá sứ điệp phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và giúp chúng ta giữ vững mối liên hệ với gia đình và bạn bè, nhưng nếu chúng ta không thận trọng trong cách sử dụng các thiết bị cá nhân của mình thì chúng ta cũng có thể bắt đầu tập trung vào bản thân mình và quên rằng thực chất của việc sống theo phúc âm là sự phục vụ.

Tôi có tình yêu thương và sự tin tưởng mãnh liệt nơi các em đang còn niên thiếu và những người thành niên trẻ tuổi. Tôi đã thấy và cảm nhận được những ước muốn của các em để phục vụ và tạo ra một sự khác biệt trên thế giới. Tôi tin rằng hầu hết các tín hữu xem sự phục vụ là trọng tâm của các giao ước và vai trò môn đồ của họ. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng đôi khi thật là dễ dàng bỏ lỡ một số cơ hội lớn nhất để phục vụ người khác vì chúng ta bị xao lãng hoặc vì chúng ta đang tham vọng tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài mà không thấy rằng một số nhu cầu quan trọng nhất mà chúng ta có thể gặp là ở bên trong gia đình, trong số bạn bè, trong các tiểu giáo khu và trong cộng đồng của chúng ta. Chúng ta xúc động khi thấy nỗi đau khổ và những nhu cầu lớn lao của những người ở bên kia nửa địa cầu, nhưng chúng ta có thể không thấy có một người cần tình bạn của chúng ta đang ngồi ngay bên cạnh chúng ta trong lớp học.

Chị Linda Burton đã kể câu chuyện về một chị chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu, là người đã làm việc cùng những người khác, để thu góp các tấm chăn mền cho những người đang gặp hoạn nạn trong thập niên 1990. “Chị và con gái của chị đã lái một chiếc xe tải chất đầy những tấm chăn mền đó từ Luân Đôn đến Kosovo. Trên đường trở về nhà, chị đã nhận được một ấn tượng rõ ràng từ Thánh Linh mà làm cho chị vô cùng xúc động. Ấn tượng đó là như sau: ‘Điều mà ngươi đã làm là rất tốt. Bây giờ hãy về nhà, băng qua đường và phục vụ người láng giềng của ngươi!’”3

Có ích gì chăng để cứu cả thế giới nếu chúng ta bỏ bê những nhu cầu của những người thân thiết nhất với chúng ta và những người mà chúng ta yêu thương nhất? Có bao nhiêu giá trị trong việc xây đắp thế giới nếu những người xung quanh chúng ta đang gặp khó khăn và chúng ta không nhận thấy? Cha Thiên Thượng có thể đã đặt những người cần chúng ta ở gần với chúng ta nhất, vì biết rằng chúng ta có khả năng nhất để đáp ứng nhu cầu của họ.

Hình Ảnh
Sarah và em gái của nó đang đi bộ

Mọi người đều có thể tìm cách phục vụ giống như Đấng Ky Tô. Người cố vấn của tôi, là Chị Carol McConkie mới kể cho tôi nghe về đứa cháu gái 10 tuổi tên Sarah của chị, khi biết rằng mẹ đang ốm, đã tự mình quyết định giúp đỡ. Con bé đã đánh thức em gái mình dậy, giúp nó mặc đồ, đánh răng cho nó, chải tóc cho nó và ăn sáng để mẹ con bé có thể nghỉ ngơi. Con bé lặng lẽ thực hiện hành động phục vụ đơn giản này mà không hề được yêu cầu vì thấy có một nhu cầu và muốn giúp đỡ. Không những Sarah ban phước cho mẹ mình mà tôi còn chắc chắn rằng con bé cũng cảm thấy vui khi biết rằng nó đã làm nhẹ bớt gánh nặng của người nó yêu thương và, đồng thời, đã củng cố mối quan hệ của nó với em gái của nó. Chủ Tịch James E. Faust đã nói: “Việc phục vụ người khác có thể bắt đầu hầu như ở mọi lứa tuổi. … Nó không cần phải đại quy mô, và nó là cao quý nhất nếu được thực hiện trong gia đình.”4

Hình Ảnh
Sarah và em gái của nó đang đọc một quyển sách

Là con cái, các em có nhận thấy rằng việc các em tìm cách để phục vụ ở nhà thì có ý nghĩa đối với cha mẹ và những người trong gia đình như thế nào không? Đối với các em ở tuổi niên thiếu, việc củng cố và phục vụ những người trong gia đình mình nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của các em khi các em tìm cách thay đổi thế giới. Việc cho thấy lòng tốt và mối quan tâm đối với các anh chị em và cha mẹ của các em sẽ giúp tạo ra một bầu không khí đoàn kết và mời Thánh Linh vào nhà. Việc thay đổi thế giới bắt đầu bằng việc củng cố gia đình của các em.

Một nơi khác cần sự tập trung phục vụ của chúng ta có thể là trong các gia đình của tiểu giáo khu chúng ta. Thỉnh thoảng, con cái chúng ta sẽ hỏi chúng ta câu hỏi: “Tại sao con phải đi họp Hội Hỗ Tương? Con không được lợi gì cả khi đi đến đó.”

Nếu có được một giây lát để làm cha mẹ tốt, tôi sẽ đáp: “Điều gì làm cho con nghĩ rằng con đi họp Hội Hỗ Tương vì con được lợi chứ?”

Các bạn trẻ thân mến, tôi có thể bảo đảm rằng sẽ luôn luôn có một người nào đó trong mỗi buổi họp Giáo Hội mà các em tham dự là người cô đơn, đang trải qua những thử thách và cần một người bạn, hoặc là người cảm thấy như họ không thuộc về nhóm. Các em có một điều quan trọng để đóng góp cho mỗi buổi họp hoặc sinh hoạt, và Chúa muốn các em phải nhìn xung quanh bạn bè mình và rồi phục sự giống như Ngài đã làm.

Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Một lý do chính yếu mà Chúa có một giáo hội là để tạo ra một cộng đồng Các Thánh Hữu mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong ‘con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.’ Ông cũng nói: “Tôn giáo này không phải chỉ tự quan tâm đến mình mà thay vì thế chúng ta đều được kêu gọi để phục vụ. Chúng ta là mắt, tay, đầu, chân, và các bộ phận khác của thân thể của Đấng Ky Tô.”5

Đúng là chúng ta đi đến các buổi họp hằng tuần của Giáo Hội là để tham dự vào các giáo lễ, học hỏi giáo lý, và được soi dẫn, nhưng có một lý do khác rất quan trọng để tham dự là, với tư cách là một gia đình tiểu giáo khu và là môn đồ của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, chúng ta trông nom, khuyến khích lẫn nhau, và tìm cách phục vụ và củng cố lẫn nhau. Chúng ta không phải chỉ là người nhận lấy những gì được đưa ra tại nhà thờ; chúng ta còn cần phải là người cho và người cung cấp nữa. Các thiếu nữ và các thiếu niên thân mến, lần tới khi các em tham dự Hội Hỗ Tương, thay vì cầm điện thoại của mình lên để xem những người bạn của mình đang làm gì, thì hãy dừng lại, nhìn xung quanh và tự hỏi: “Ai cần tôi hôm nay?” Các em có thể là mấu chốt để tìm đến và ảnh hưởng cuộc sống của một người đồng lứa hoặc để khuyến khích một người bạn đang âm thầm vật lộn với những khó khăn.

Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng cho các em thấy những người xung quanh đang cần sự giúp đỡ của các em và soi dẫn cho các em về cách tốt nhất để phục vụ họ. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi thường phục sự từng người một.

Hình Ảnh
Ethan và gia đình của cháu

Đứa cháu trai của chúng tôi là Ethan 17 tuổi. Vào mùa hè này, tôi đã xúc động khi cháu nói với tôi rằng vì đã được soi dẫn bởi tấm gương của mẹ mình, cháu đã cầu nguyện mỗi ngày để có cơ hội phục vụ một người nào đó. Khi chúng tôi đến thăm gia đình cháu, tôi đã quan sát cách Ethan cư xử với anh chị em của mình với sự kiên nhẫn, tình yêu thương và lòng nhân từ cùng giúp đỡ cha mẹ, và cháu tìm cách để tìm đến giúp đỡ người khác. Tôi rất ấn tượng với cách cháu để ý đến những người xung quanh và mong muốn được phục vụ họ. Cháu nêu gương cho tôi. Việc làm giống như Ethan—mời Chúa giúp chúng ta tìm cách để phục vụ, sẽ để cho Thánh Linh giúp chúng ta nhận biết các nhu cầu ở xung quanh mình, để thấy “một cá nhân” đang cần chúng ta ngày hôm đó, và biết cách để phục sự người ấy.

Hình Ảnh
Ảnh của Ethan

Ngoài việc phục vụ gia đình chúng ta và các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình, hãy tìm kiếm cơ hội phục vụ trong khu phố và cộng đồng của các em. Mặc dù đôi khi chúng ta được kêu gọi giúp đỡ sau một thảm họa lớn, nhưng hằng ngày chúng ta được khuyến khích tìm kiếm cơ hội trong các khu vực của mình để nâng đỡ và giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Gần đây tôi đã được một Vị Chủ Tịch Giáo Vùng đang phục vụ tại một nước có nhiều thử thách vật chất, dạy rằng cách tốt nhất để giúp những người đang hoạn nạn ở những nơi khác trên thế giới là rộng rãi đóng của lễ nhịn ăn, đóng góp vào Quỹ Trợ Giúp Nhân Đạo của Giáo Hội, và tìm cách phục vụ những người trong cộng đồng của mình bất cứ nơi nào các em đang sống. Hãy tưởng tượng rằng thế gian sẽ được ban phước biết bao nếu mọi người đều tuân theo lời khuyên này!

Thưa các anh chị em, nhất là giới trẻ, khi cố gắng trở thành giống như Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô hơn và sống theo các giao ước của mình, thì các anh chị em sẽ tiếp tục được ban phước với ước muốn làm giảm bớt nỗi đau khổ và giúp đỡ những người kém may mắn. Hãy nhớ rằng một số nhu cầu lớn nhất có thể là các nhu cầu ở ngay trước mặt mình. Hãy bắt đầu phục vụ trong nhà của mình và bên trong gia đình của mình. Đây là những mối quan hệ mà có thể tồn tại vĩnh cửu. Thậm chí nếu—và có lẽ đặc biệt nhất là nếu—hoàn cảnh gia đình của mình chưa hoàn hảo, thì các anh chị em có thể tìm cách phục vụ, nâng đỡ và củng cố. Hãy bắt đầu ở nơi các anh chị em đang ở, yêu thương con người thật của họ, và chuẩn bị cho gia đình mà các anh chị em muốn có trong tương lai.

Hãy cầu nguyện để được giúp nhận ra những người trong các gia đình của tiểu giáo khu mình là những người cần được yêu thương và khuyến khích. Thay vì tham dự nhà thờ với câu hỏi “Tôi sẽ được lợi gì khi đi tham dự buổi họp này?” thì hãy hỏi: “Ai cần tôi ngày hôm nay? Tôi phải đóng góp điều gì?”

Khi các anh chị em ban phước cho gia đình mình và các tín hữu trong tiểu giáo khu, thì cũng hãy tìm cách ban phước cho những người trong cộng đồng địa phương của các anh chị em nữa. Cho dù các anh chị em có nhiều thời gian để phục vụ hoặc chỉ có thể dành ra một vài giờ mỗi tháng, thì các nỗ lực của các anh chị em cũng sẽ ban phước cho nhiều người và cũng sẽ ban phước cho các anh chị em theo những cách mà các anh chị em không thể bắt đầu tưởng tượng được.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Thượng Đế quả thật lưu ý đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng thường là qua một người khác mà Ngài đáp ứng các nhu cầu của chúng ta.”6 Cầu xin cho mỗi người chúng ta nhận ra đặc ân và phước lành để tham dự vào việc thực hiện công việc của Cha Thiên Thượng khi chúng ta đáp ứng được nhu cầu của con cái Ngài là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.