2010–2019
Kìa, Xem Người Này!
Tháng Tư năm 2018


Kìa, Xem Người Này!

Những ai tìm được một cách để thật sự xem Người Này sẽ tìm thấy cánh cổng mở ra những niềm vui lớn lao nhất và nhũ hương chữa lành những tuyệt vọng nghiệt ngã nhất trong đời.

Anh chị em thân mến, các bạn thân mến, tôi biết ơn được có mặt với anh chị em trong ngày cuối tuần tuyệt vời của kỳ đại hội trung ương này. Harriet và tôi vui mừng cùng anh chị em để tán trợ Anh Cả Gong và Anh Cả Soares và nhiều anh chị em đã nhận được những sự kêu gọi mới quan trọng trong đại hội trung ương này.

Mặc dù tôi nhớ người bạn yêu quý Chủ Tịch Thomas S. Monson, nhưng tôi yêu mến, tán trợ, và ủng hộ vị tiên tri và Chủ Tịch của chúng ta, Russell M. Nelson, và các cố vấn cao quý của ông.

Tôi cũng biết ơn và vinh dự để được một lần nữa làm việc chặt chẽ hơn với các anh em thân mến của tôi trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.

Trên tất cả, tôi vô cùng khiêm nhường và rất vui sướng để làm một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nơi mà hàng triệu người nam, nữ, và trẻ em đang sẵn lòng nâng đỡ ngay tại nơi họ đang đứng—trong bất cứ khả năng hoặc sự kêu gọi nào—và nỗ lực với tất cả lòng thành của mình để phục vụ Thượng Đế và đồng bào mình, để xây dựng vương quốc của Ngài.

Hôm nay là một ngày thiêng liêng. Hôm nay là ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, là ngày chúng ta tưởng nhớ đến buổi sáng rực rỡ khi Đấng Cứu Rỗi của chúng ta cắt đứt những dây trói buộc của sự chết1 và trỗi dậy đầy đắc thắng từ mộ phần.

Ngày Vĩ Đại Nhất trong Lịch Sử

Gần đây tôi tìm kiếm trên mạng xem: “Ngày nào đã thay đổi dòng lịch sử nhiều nhất?”

Các câu trả lời được xếp từ những ý kiến bất ngờ và lạ lùng cho đến các ý kiến sâu sắc và đáng suy ngẫm. Trong số đó có cái ngày mà một tiểu hành tinh đâm vào Bán Đảo Yucatán vào thời tiền sử; hoặc cái ngày vào năm 1440 khi Johannes Gutenberg hoàn thành máy in của mình; và dĩ nhiên có cả cái ngày vào năm 1903 khi anh em nhà Wright chứng tỏ rằng con người thật sự có thể bay.

Nếu hỏi anh chị em cùng câu hỏi đó, thì anh chị em sẽ nói gì?

Trong tâm trí tôi câu trả lời thật rõ ràng.

Để tìm được ngày quan trọng nhất trong lịch sử, chúng ta phải quay lại buổi tối gần 2.000 năm trước trong Vườn Ghết Sê Ma Nê khi Chúa Giê Su Ky Tô quỳ xuống trong lời khẩn cầu mãnh liệt và tự dâng chính bản thân mình làm giá chuộc tội lỗi cho chúng ta. Chính trong sự hy sinh lớn lao và vô hạn để chịu nỗi đau đớn không gì sánh bằng cả về thể xác lẫn linh hồn mà Chúa Giê Su Ky Tô, dù là Thượng Đế, phải rớm máu từng lỗ chân lông. Bởi tình yêu thương, Ngài đã ban cho tất cả để chúng ta có thể nhận được tất cả. Sự hy sinh cao thượng của Ngài thật khó để hiểu thấu, mà chỉ có thể được cảm nhận với trọn tấm lòng và tâm trí chúng ta, đã nhắc chúng ta phải biết ơn Đấng Ky Tô xiết bao vì ân tứ thiêng liêng của Ngài.

Khuya đêm đó, Chúa Giê Su bị đưa ra trước những người cầm quyền về tôn giáo và chính trị mà đã nhạo báng, đánh đập, và kết án Ngài bằng cái chết nhục nhã. Ngài chịu thống khổ trên cây thập tự cho đến khi, cuối cùng, “mọi việc đã được trọn.”2 Thi hài của Ngài được đặt vào một ngôi mộ mượn. Và rồi, vào buổi sáng của ngày thứ ba, Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế Quyền Năng, đã trỗi dậy từ ngôi mộ đó với tư cách là một Đấng phục sinh vinh quang đầy huy hoàng, ánh sáng, và vẻ uy nghi.

Vâng, có nhiều sự kiện trong suốt lịch sử mà ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của các quốc gia và dân tộc. Nhưng dù có kết hợp tất cả lại, thì chúng vẫn không thể so sánh được với tầm quan trọng của điều đã xảy ra vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên đó.

Điều gì đã làm cho sự hy sinh vô hạn và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô trở thành sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử—có sức ảnh hưởng nhiều hơn các cuộc thế chiến, những vụ thiên tai tàn khốc, và các khám phá khoa học làm thay đổi cuộc sống?

Nhờ Có Chúa Giê Su, Chúng Ta Có Thể Sống Lần Nữa

Câu trả lời nằm trong hai thử thách lớn lao không thể vượt qua được mà mỗi người chúng ta phải đối mặt.

Thứ nhất, tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Bất kể anh chị em trẻ trung, xinh đẹp, khỏe mạnh, hay cẩn trọng như thế nào đi nữa, thì một ngày nào đó cơ thể anh chị em cũng sẽ không còn sự sống. Gia đình và bạn bè sẽ khóc thương cho anh chị em. Nhưng họ không thể mang anh chị em trở lại.

Tuy nhiên, nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, cái chết của anh chị em sẽ là tạm thời. Linh hồn của anh chị em đến một ngày nào đó sẽ tái hợp với thể xác. Cơ thể phục sinh này sẽ không thể chết được nữa,3 và anh chị em sẽ sống trong thời vĩnh cửu, thoát khỏi nỗi đau đớn và sự chịu đựng về thể xác.4

Điều này sẽ xảy ra nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng đã phó sự sống Ngài để có thể lấy nó lại.

Ngài đã làm điều này cho tất cả những ai tin nơi Ngài.

Ngài đã làm điều này cho tất cả những ai không tin nơi Ngài.

Ngài đã làm điều này thậm chí cho những kẻ chế nhạo, sỉ vả, và nguyền rủa danh Ngài.5

Nhờ Có Chúa Giê Su, Chúng Ta Có Thể Sống Với Thượng Đế

Thứ hai, tất cả chúng ta đều phạm tội. Những tội lỗi của chúng ta sẽ mãi mãi ngăn giữ chúng ta khỏi việc sống với Thượng Đế, bởi vì “không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của Ngài.”6

Do đó, mọi người nam, người nữ, và trẻ em không thể trở về nơi hiện diện của Ngài—cho đến khi Chúa Giê Su Ky Tô, Chiên Con không tỳ vết, dâng mạng sống Ngài làm giá chuộc tội lỗi cho chúng ta. Bởi vì Chúa Giê Su không mắc nợ công lý, nên Ngài có thể trả cái giá của tội lỗi cho chúng ta và làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý cho mỗi người. Và điều đó dành cho cả anh chị em và tôi.

Chúa Giê Su Ky Tô đã trả cái giá cho tội lỗi của chúng ta.

Tất cả các tội lỗi.

Vào ngày quan trọng nhất đó trong lịch sử, Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô mở các cánh cổng của sự chết và bỏ đi những rào chắn mà ngăn chặn chúng ta đi vào các sảnh chí thánh và thiêng liêng của cuộc sống đời đời. Nhờ có Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, anh chị em và tôi được ban cho ân tứ quý báu và vô giá nhất—bất kể quá khứ của chúng ta là gì, chúng ta có thể hối cải và đi theo con đường dẫn đến ánh sáng và vinh quang thượng thiên, được bao quanh bởi các con cái trung tín của Cha Thiên Thượng.

Lý Do Chúng Ta Vui Mừng

Đây là điều chúng ta ăn mừng vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh—chúng ta ăn mừng cuộc sống!

Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ trỗi dậy từ nỗi tuyệt vọng của cái chết và ôm lấy những người chúng ta yêu thương, rơi lệ với niềm vui khôn xiết và lòng biết ơn tràn ngập. Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ tồn tại trong hình thể của những con người vĩnh cửu, ở những thế giới vô tận.

Nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô, các tội lỗi của chúng ta không những có thể được xóa bỏ; mà còn có thể được quên đi.

Chúng ta có thể trở nên thanh sạch và được tôn cao.

Và trở nên thánh.

Nhờ có Đấng Cứu Rỗi yêu dấu của chúng ta, chúng ta có thể mãi mãi được uống nước sự sống chảy mãi cho đến cuộc sống vĩnh cửu.7 Chúng ta có thể ở mãi mãi trong các gian nhà của Vị Vua vĩnh cửu của chúng ta, trong vinh quang không thể tưởng tượng nổi và niềm hạnh phúc hoàn hảo.

Chúng Ta Có “Xem Người Này” Không?

Mặc dù với tất cả những điều này, có nhiều người trên thế gian ngày nay hoặc là không quan tâm hoặc là không tin vào ân tứ quý báu mà Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho chúng ta. Họ có lẽ đã nghe về Chúa Giê Su Ky Tô và biết Ngài như là một nhân vật lịch sử, nhưng họ không thấy được Ngài thật sự là ai.

Khi tôi nghĩ về điều này, tôi được gợi nhớ về Đấng Cứu Rỗi đứng trước quan tổng đốc La Mã của vùng Giu Đê, Phi Lát, chỉ vài giờ trước cái chết của Ngài.

Phi Lát nhìn Chúa Giê Su từ một khía cạnh hoàn toàn trần tục. Phi Lát có một công việc phải làm, và việc đó gồm có hai bổn phận chính: thu thuế cho La Mã và gìn giữ hòa bình. Giờ đây Tòa Công Luận Do Thái mang đến trước mặt ông ta một người đàn ông mà họ tuyên bố là đang cản trở cả hai việc đó.8

Sau khi tra hỏi người tù của mình, Phi Lát tuyên bố: “Ta chẳng thấy người có tội lỗi gì cả.”9 Nhưng vì cảm thấy mình phải xoa dịu những kẻ buộc tội Chúa Giê Su, nên Phi Lát đã nêu lên một tục lệ địa phương mà cho phép tha một tù nhân trong mùa lễ Vượt Qua. Liệu họ sẽ không để cho ông ta thả Chúa Giê Su thay vì tên trộm cướp và sát nhân khét tiếng Ba Ra Ba chăng?10

Nhưng đám đông ồn ào yêu cầu Phi Lát tha tên Ba Ra Ba và đóng đinh Chúa Giê Su.

Phi Lát hỏi: “Song người này đã làm điều ác gì?”

Nhưng họ chỉ kêu lớn tiếng hơn rằng: “Hãy đóng đinh nó vào thập tự giá!”11

Trong nỗ lực cuối cùng để làm thỏa mãn đám đông dân chúng, Phi Lát ra lệnh cho quân lính mình đánh Chúa Giê Su bằng roi.12 Bọn lính đã làm việc này, khiến cho Ngài chảy máu và bầm mình. Chúng chế nhạo Ngài, đội lên đầu Ngài một cái mão triều bằng gai, và mặc cho Ngài một cái áo điều.13

Có lẽ Phi Lát nghĩ rằng việc này sẽ làm thỏa mãn cơn khát máu của đám đông dân chúng. Có lẽ bọn họ sẽ thương hại người này. Phi Lát nói rằng: “Đây này, ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội lỗi chi. … Kìa, xem người này!”14

Vị Nam Tử của Thượng Đế đích thân đứng trước dân chúng ở thành Giê Ru Sa Lem.

Họ có thể nhìn thấy Chúa Giê Su, nhưng họ đã không thật sự xem Ngài.

Họ đã không có mắt để thấy được.15

Theo nghĩa bóng, chúng ta cũng được mời để “xem Người Này.” Các ý kiến về Ngài thì khác nhau trên thế gian. Các vị tiên tri thời xưa và ngày nay làm chứng rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi cũng làm chứng về điều này. Thật quan trọng và đầy ý nghĩa để mỗi người chúng ta tiến đến việc tự mình biết được điều này. Vì thế, khi anh chị em suy ngẫm về cuộc đời và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em thấy được gì?

Những ai tìm được một cách để thật sự xem Người Này sẽ tìm thấy cánh cổng mở ra những niềm vui lớn lao nhất và nhũ hương chữa lành những tuyệt vọng nghiệt ngã nhất trong đời.

Vì thế, khi anh chị em bị bao vây bởi nỗi sầu khổ và ưu phiền, hãy xem Người Này.

Khi anh chị em cảm thấy lạc lối hoặc bị quên lãng, hãy xem Người Này.

Khi anh chị em tuyệt vọng, bị ruồng bỏ, nghi ngờ, bị tổn thương, hay chán nản, hãy xem Người Này.

Ngài sẽ an ủi anh chị em.

Ngài sẽ chữa lành cho anh chị em và mang lại ý nghĩa cho cuộc hành trình của anh chị em. Ngài sẽ trút xuống Thánh Linh của Ngài và khiến trái tim anh chị em tràn ngập niềm vui.16

Ngài ban “sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức.”17

Khi chúng ta thật sự xem Ngài, chúng ta học hỏi từ Ngài và tìm cách làm cho cuộc sống chúng ta đúng với điều Ngài dạy. Chúng ta hối cải và nỗ lực cải thiện bản tính chúng ta và mỗi ngày trở nên gần Ngài hơn một chút. Chúng ta tin cậy Ngài. Chúng ta cho thấy tình yêu mến của chúng ta dành cho Ngài bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và bằng cách sống theo các giao ước thiêng liêng của chúng ta.

Nói cách khác, chúng ta trở thành các môn đồ của Ngài.

Ánh sáng tôi luyện của Ngài sẽ tràn ngập linh hồn chúng ta. Ân điển của Ngài sẽ nâng cao tinh thần chúng ta. Gánh nặng của chúng ta sẽ được nhẹ đi, sự bình an của chúng ta sẽ được gia tăng. Khi chúng ta thật sự xem Người Này, chúng ta có được lời hứa về một tương lai nhiều phước lành mà sẽ soi dẫn và gìn giữ chúng ta qua các thử thách và trở ngại của cuộc hành trình trong đời. Khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng có một mẫu mực thiêng liêng, rằng các sự việc xảy đến cho chúng ta đều kết nối với nhau.18

Khi anh chị em chấp nhận sự hy sinh của Ngài, trở thành môn đồ của Ngài, và cuối cùng đi đến cuối cuộc hành trình trần thế của mình, thì những đau buồn mà anh chị em đã chịu đựng trong cuộc đời sẽ trở thành gì?

Chúng sẽ biến mất.

Còn những nỗi thất vọng, sự phản bội, ngược đãi mà anh chị em từng đối mặt thì sao?

Không còn nữa.

Còn những chịu đựng, đau lòng, tội lỗi, xấu hổ, và khổ sở mà anh chị em đã trải qua thì sao?

Không còn nữa.

Đã quên hết rồi.

Có bất ngờ không khi “chúng ta nói về Đấng Ky Tô, chúng ta hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô, chúng ta thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng ta tiên tri về Đấng Ky Tô … để cho con cháu chúng ta có thể biết được nguồn gốc nào chúng ta có thể tìm kiếm một sự xá miễn các tội lỗi của mình”?19

Có bất ngờ không khi chúng ta nỗ lực với trọn tấm lòng để thật sự xem Ngài?

Các anh chị em thân mến, tôi làm chứng rằng ngày quan trọng nhất trong lịch sử loài người là ngày mà Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế, đã chiến thắng cái chết và tội lỗi cho tất cả con cái của Thượng Đế. Và ngày quan trọng nhất trong cuộc đời anh chị em và tôi là ngày mà chúng ta học để “xem Người Này”; khi chúng ta nhìn thấy được Ngài thật sự là ai; khi chúng ta dự phần vào quyền năng chuộc tội của Ngài với tất cả tâm trí và tấm lòng mình; khi bằng sức mạnh và nhiệt huyết được tái lập này, chúng ta cam kết noi theo Ngài. Cầu xin cho ngày đó sẽ xảy đến nhiều lần trong suốt cuộc đời chúng ta.

Tôi để lại cho anh chị em chứng ngôn và phước lành của tôi rằng khi chúng ta “xem Người Này,” chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa, niềm vui, và bình an trong cuộc sống trần thế và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Mô Si A 15:23.

  2. Giăng 19:30.

  3. Xin xem An Ma 11:45.

  4. Xin xem Khải Huyền 21:4.

  5. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–23.

  6. 3 Nê Phi 27:19.

  7. Xin xem Giăng 4:14.

  8. Xin xem Lu Ca 23:2.

  9. Giăng 18:38. Để tránh phải xét xử Chúa Giê Su, Phi Lát đã cố gắng chuyển vụ án này cho Hê Rốt An Ti Pha. Nếu Hê Rốt, là người đã ra lệnh hành quyết Giăng Báp Tít (xin xem Ma Thi Ơ 14:6–11), mà kết án Chúa Giê Su, thì Phi Lát có thể đồng tình với sự xét xử và tuyên bố rằng đó chỉ là một vấn đề địa phương mà ông ta đồng thuận theo để giữ được hòa bình. Nhưng Chúa Giê Su đã không nói lời nào với Hê Rốt (xin xem Lu Ca 23:6–12), và Hê Rốt đã gửi Ngài về cho Phi Lát.

  10. Xin xem Mác 15:6–7; Giăng 18:39–40. Một học giả về Kinh Tân Ước viết rằng: “Dường như là tục lệ, rằng vào ngày lễ Vượt Qua quan tổng đốc La Mã thả về cho dân Do Thái một tù nhân khét tiếng nào đó mà đã bị kết án tử hình” (Alfred Edersheim, The Life and Times of Jesus the Messiah [năm 1899], 2:576). Cái tên Ba Ra Ba có nghĩa là “con trai của người cha.” Thật là một sự mỉa mai thú vị khi trao cho người dân Giê Ru Sa Lem được lựa chọn giữa hai người đàn ông này.

  11. Xin xem Mác 15:11–14.

  12. Hình phạt đánh đòn bằng roi này rất khủng khiếp đến độ nó được gọi là “cái chết trung gian” (Edersheim, Jesus the Messiah, 2:579).

  13. Xin xem Giăng 19:1–3.

  14. Giăng 19:4–5.

  15. Trước đó, Chúa Giê Su đã nhận thấy “vì lòng dân nầy đã cứng cỏi; Đã làm cho nặng tai Và nhắm mắt mình lại, E khi mắt mình thấy được, Tai mình nghe được, Lòng mình hiểu được, Họ tự hối cải lại, Và ta chữa họ được lành chăng.” Và rồi với sự dịu dàng Ngài phán cùng các môn đồ của mình: “Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được; phước cho tai các ngươi, vì nghe được” (Ma Thi Ơ 13:15–16). Chúng ta sẽ cho phép tấm lòng mình cứng cỏi không, hay là chúng ta sẽ mở mắt và lòng mình để có thể thật sự xem Người?

  16. Xin xem Mô Si A 4:20.

  17. Ê Sai 40:29.

  18. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “The Adventure of Mortality” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 14 tháng Giêng năm 2018), broadcasts.lds.org.

  19. 2 Nê Phi 25:26.