2010–2019
Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế
Tháng Tư năm 2018


Chuẩn Bị để Gặp Thượng Đế

Việc làm tròn các trách nhiệm được Chúa quy định, trong sự ngay chính, tình đoàn kết, và sự bình đẳng sẽ chuẩn bị chúng ta để gặp Thượng Đế.

Eliza R. Snow, đã nói về lễ cung hiến Đền Thờ Kirkland (mà bà đã tham dự) như sau: “Các nghi lễ cung hiến đó có thể được thuật lại, nhưng không có lời lẽ nào của con người có thể mô tả những biểu hiện thiên thượng của cái ngày đáng ghi nhớ đó. Các thiên sứ đã hiện ra cho một vài người thấy, trong khi tất cả những người hiện diện đều có cảm giác về sự hiện diện thiêng liêng, và mỗi tấm lòng tràn đầy niềm vui không xiết kể và vinh hiển.”1

Những sự biểu lộ thiêng liêng xảy ra trong Đền Thờ Kirkland là nền tảng cho mục đích của Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô để mang lại sự cứu rỗi và tôn cao cho các con cái của Cha Thiên Thượng.2 Khi chuẩn bị để gặp Thượng Đế, chúng ta có thể biết những trách nhiệm được Chúa quy định cho chúng ta là gì bằng cách xem xét lại các chìa khóa thiêng liêng đã được phục hồi trong Đền Thờ Kirkland.

Trong lời cầu nguyện cung hiến, Tiên Tri Joseph Smith đã khiêm nhường thỉnh cầu Chúa “thu nhận ngôi nhà này … mà Ngài đã truyền lệnh cho chúng con phải xây dựng lên.”3

Một tuần sau, vào ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, Chúa đã hiện ra trong một khải tượng nguy nga và đã chấp nhận đền thờ của Ngài. Việc này xảy ra vào ngày 3 tháng Tư năm 1836, gần như chính xác 182 năm về trước vào đúng ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh này. Đây cũng là mùa lễ Vượt Qua—một trong những cơ hội hiếm có khi lễ Phục Sinh và lễ Vượt Qua trùng nhau. Sau khi khải tượng chấm dứt, ba vị tiên tri thời xưa, Môi Se, Ê Li A, và Ê Li, đã xuất hiện và trao các chìa khóa thiết yếu để hoàn thành mục đích của Chúa cho Giáo Hội phục hồi của Ngài trong gian kỳ này. Mục đích đó được vạch ra một cách đơn giản, nhưng hùng hồn, là quy tụ Y Sơ Ra Ên, gắn bó họ lại với tư cách là các gia đình, và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa.4

Việc cả Ê Li và Môi Se cùng xuất hiện là một “’sự tương đồng đáng kể” … [với] truyền thống của người Do Thái, theo đó Môi Se và Ê Li sẽ cùng hiện đến vào ‘lúc cuối cùng.’”5 Trong giáo lý của chúng ta, sự xuất hiện này đã hoàn thành sự phục hồi mang tính nền tảng của các chìa khóa nhất định “[được ban cho] … trong những ngày sau cùng và cho lần cuối, tức là gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn.”6

Đền Thờ Kirkland, cả về địa điểm lẫn kích thước, không được nhiều người biết đến. Nhưng về tầm quan trọng to lớn của nó đối với nhân loại, thì nó có ảnh hưởng vĩnh cửu. Các vị tiên tri thời xưa đã phục hồi các chìa khóa chức tư tế cho các giáo lễ cứu rỗi vĩnh cửu của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc này làm cho các tín hữu trung tín ngập tràn niềm vui.

Các chìa khóa này cung cấp “quyền năng từ trên cao”7 cho các trách nhiệm được Chúa quy định mà làm thành mục đích chính của Giáo Hội.8 Vào ngày lễ Phục Sinh tuyệt vời đó trong Đền Thờ Kirtland, ba chìa khóa đã được phục hồi:

Thứ nhất, Môi Se đã xuất hiện và trao các chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời, tức là công việc truyền giáo.9

Thứ hai, Ê Li A đã xuất hiện và trao các chìa khóa của gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham, bao gồm cả sự phục hồi giao ước của Áp Ra Ham.10 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng mục đích của các chìa khóa giao ước là để chuẩn bị các tín hữu cho vương quốc của Thượng Đế. Ông nói: “chúng ta biết mình là ai và [chúng ta biết] Thượng Đế trông mong điều gì nơi chúng ta.”11

Thứ ba, Ê Li đã xuất hiện và trao các chìa khóa về quyền năng gắn bó trong gian kỳ này, tức là công việc lịch sử gia đình và các giáo lễ đền thờ thay cho người chết để mang lại sự cứu rỗi cho cả người sống lẫn người chết.12

Dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai, ba hội đồng chấp hành tại trụ sở Giáo Hội giám sát ba trách nhiệm được Chúa quy định này dựa trên các chìa khóa mà đã được phục hồi trong Đền Thờ Kirkland. Đó là Hội Đồng Chấp Hành Công Việc Truyền Giáo, Hội Đồng Chấp Hành Chức Tư Tế và Gia Đình, và Hội Đồng Chấp Hành Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình.

Chúng Ta Đang Làm Gì Ngày Nay để Làm Tròn Các Trách Nhiệm được Chúa Quy Định Này?

Thứ nhất, với việc Môi Se phục hồi các chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên, ngày nay, gần 70.000 người truyền giáo được gửi đi khắp nơi trên thế giới để thuyết giảng phúc âm của Ngài và quy tụ những người chọn lọc của Ngài. Đây là khởi đầu của sự làm tròn của công việc vĩ đại và kỳ diệu Nê Phi đã tiên đoán sẽ ở trong cả Dân Ngoại và gia tộc Y Sơ Ra Ên. Nê Phi đã nhìn thấy thời của chúng ta khi Các Thánh Hữu của Thượng Đế sẽ có mặt trên khắp mặt đất, nhưng con số của họ sẽ rất ít vì những điều tà ác. Tuy nhiên, ông tiên đoán rằng họ sẽ được “trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại13 Khi xem xét qua lịch sự vắn tắt của Giáo Hội phục hồi, thì nỗ lực truyền giáo là đáng kể nhất. Chúng ta đang nhìn thấy sự làm tròn khải tượng của Nê Phi. Tuy con số tín hữu của chúng ta khá ít, nhưng chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực của mình và tìm đến những ai sẽ tiếp nhận sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi.

Thứ hai, Ê Li A đã xuất hiện và trao gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham và tuyên bố rằng, trong chúng ta và dòng dõi chúng ta gồm tất cả các thế hệ sau chúng ta sẽ được phước. Trong đại hội này, những hướng dẫn đáng kể đã được đưa ra để phụ giúp trong việc làm hoản hảo Các Thánh Hữu và chuẩn bị họ cho vương quốc của Thượng Đế.14 Thông báo trong Phiên Họp Chức Tư Tế về các nhóm túc số các anh cả và các thầy tư tế thượng phẩm sẽ cho phép chúng ta tận dụng quyền năng và thẩm quyền chức tư tế. Việc giảng dạy tại gia và thăm viếng giảng dạy, bây giờ là “việc phục sự,” như được giảng dạy một cách hùng hồn trong phiên họp này sẽ chuẩn bị Các Thánh Hữu Ngày Sau để gặp Thượng Đế.

Thứ ba, Ê Li trao các chìa khóa gắn bó của gian kỳ này. Đối với chúng ta là những người sống trong thời kỳ này, sự gia tăng số đền thờ và công việc lịch sử gia đình thật là phi thường. Tốc độ này sẽ tiếp tục và tăng nhanh hơn cho đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi, kẻo cả thế gian này sẽ “bị tận diệt khi Ngài đến.”15

Công việc lịch sử gia đình, được thiên thượng ban phước qua công nghệ, đã đột ngột gia tăng trong một vài năm qua. Chúng ta thật thiếu khôn ngoan nếu chúng ta trở nên tự thỏa mãn về trách nhiệm được Chúa quy định này và trông chờ ông chú bà dì hay những họ hàng tâm huyết khác sẽ thực hiện công việc này. Cho phép tôi chia sẻ lời phê bình thẳng thắn của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith: “Không ai được miễn trừ khỏi bổn phận vĩ đại này. Điều này được đòi hỏi nơi các vị sứ đồ cũng như các anh cả [hay các chị em] khiêm nhường nhất. Địa vị, hay danh hiệu, hay sự phục vụ lâu dài trong Giáo Hội … sẽ không cho phép một ai bỏ qua sự cứu rỗi của người chết của họ.”16

Chúng ta hiện có các đền thờ ở khắp nơi trên thế giới và các nguồn trợ giúp từ quỹ hỗ trợ người đi đền thờ để giúp đỡ những ai khốn khó mà sống xa một ngôi đền thờ.

Với tư cách là các cá nhân, chúng ta nên đánh giá nỗ lực của bản thân trong công việc truyền giáo, công việc đền thờ và lịch sử gia đình, và sự chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

Sự Ngay Chính, Tình Đoàn Kết, và Sự Bình Đẳng trước Chúa Là Nền Tảng của Các Trách Nhiệm Thiêng Liêng Này

Về sự ngay chính, cuộc sống này là thời gian cho tất cả chúng ta chuẩn bị để gặp Thượng Đế.17 Sách Mặc Môn cung cấp nhiều ví dụ về các hậu quả bi thảm khi các cá nhân hay các nhóm không tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.18

Trong cuộc đời tôi, các vấn đề và các mối bận tâm của thế gian đã biến chuyển từ cực điểm này qua cực điểm kia—từ những mưu cầu phù phiếm và tầm thường đến những sự trái đạo đức nghiêm trọng. Đáng khen ngợi là sự trái đạo đức không được ưng thuận đã được vạch trần và lên án.19 Sự trái đạo đức không được ưng thuận như vậy là ngược lại với các luật pháp của Thượng Đế và của xã hội. Những ai hiểu được kế hoạch của Thượng Đế cũng phải chống đối sự trái đạo đức được ưng thuận, vì đó cũng là một tội lỗi. Bản tuyên ngôn về gia đình của chúng ta khuyến cáo rằng “những cá nhân nào đã vi phạm các giao ước về sự trinh khiết, ngược đãi người hôn phối hay con cái [hay bất cứ ai khác] … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”20

Khi nhìn xung quanh mình, chúng ta sẽ thấy được sự tàn phá của sự tà ác và nghiện ngập ở khắp mọi nơi. Nếu, với tư cách là các cá nhân, chúng ta thật sự quan tâm về sự xét đoán cuối cùng của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, thì chúng ta nên tìm kiếm sự hối cải. Tôi e rằng nhiều người đã không còn cảm thấy mình có trách nhiệm trước Thượng Đế và không tìm đến thánh thư hay các vị tiên tri để được hướng dẫn. Nếu chúng ta, với tư cách là một xã hội, suy ngẫm về các hậu quả của tội lỗi, thì sẽ có một sự chống đối gay gắt đối với các hình ảnh sách báo khiêu dâm và thái độ xem thường phụ nữ như một món đồ vật.21 Như An Ma đã bảo con trai ông Cô Ri An Tum trong Sách Mặc Môn: “Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.”22

Về tình đoàn kết, Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán: “Nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”23 Chúng ta biết rằng tinh thần tranh chấp là thuộc về quỷ dữ.24

Trong thời của chúng ta, mệnh lệnh trong thánh thư phải đoàn kết thường bị làm ngơ, và đối với nhiều người thì chủ nghĩa bộ lạc lại được nhấn mạnh,25 thường là dựa trên địa vị, giới tính, chủng tộc, và sự giàu nghèo. Ở nhiều, nếu không phải là hầu hết, các quốc gia, con người bị chia rẽ một cách nặng nề về lối sống. Trong Giáo Hội của Chúa, văn hóa duy nhất chúng ta sống theo và giảng dạy là văn hóa phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tình đoàn kết mà chúng ta tìm kiếm là được hiệp nhất cùng Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài.26

Khi chúng ta xem xét các mục đích chính của Giáo Hội, chúng đều dựa trên sự bình đẳng trước Chúa27 và việc sống theo văn hóa phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Về công việc truyền giáo, các điều kiện chính của phép báp têm là biết hạ mình trước Thượng Đế và đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.28 Trình độ học vấn, sự giàu nghèo, chủng tộc, hay quốc gia xuất xứ thậm chí đều không được xem xét đến.

Thêm vào đó, những người truyền giáo khiêm nhường phục vụ nơi họ được kêu gọi. Họ không tìm cách phục vụ vì các tiêu chuẩn thế gian như địa vị hay để chuẩn bị cho các nghề nghiệp trong tương lai. Họ phục vụ với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh ở bất cứ nơi đâu họ được chỉ định. Họ không chọn người bạn đồng hành của mình, và họ chuyên cần tìm kiếm để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô;29 điều này là trọng tâm của văn hóa của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thánh thư đưa ra sự hướng dẫn về các mối quan hệ quan trọng nhất của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi giảng dạy rằng lệnh truyền thứ nhất là “hãy … yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” Và lệnh truyền thứ hai là hãy “yêu kẻ lân cận như mình.”30

Đấng Cứu Rỗi giải thích thêm rằng tất cả mọi người đều là kẻ lân cận của chúng ta.31 Sách Mặc Môn nói rõ rằng không được có một sắc dân, bộ lạc, hay tầng lớp xã hội nào riêng biệt.32 Chúng ta phải đoàn kết và bình đẳng trước Thượng Đế.

Các giáo lễ thiêng liêng và các trách nhiệm thiêng liêng đều được xây dựng trên nền tảng này. Tôi cho rằng các kinh nghiệm của riêng anh chị em cũng sẽ giống như của tôi. Khi tôi rời khỏi thế giới thường ngày ở San Francisco và đến Đền Thờ Oakland, tôi cảm nhận được một cảm giác ngập tràn tình yêu thương và sự bình an. Một phần lớn lý do của cảm giác đó là vì tôi ở gần Thượng Đế và các mục đích của Ngài hơn. Các giáo lễ cứu rỗi là tập trung chính của tôi, nhưng một phần đáng kể của những cảm giác đẹp đẽ ấy là sự bình đẳng và đoàn kết tràn ngập ngôi đền thờ. Mọi người đều mặc bộ đồ trắng. Ở đó không có bằng chứng gì của sự giàu nghèo, cấp bậc, hay trình độ học vấn; tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau và đều tự hạ mình trước Thượng Đế.

Trong căn phòng làm lễ gắn bó thiêng liêng, giáo lễ về hôn nhân vĩnh cửu đều như nhau cho tất cả mọi người. Tôi thích việc cặp đôi xuất thân từ hoàn cảnh khiêm nhường nhất và cặp đôi xuất thân từ hoàn cảnh cao sang nhất đều có kinh nghiệm giống nhau. Họ mặc cùng một loại áo và lập cùng những giao ước ở cùng một bàn thờ. Họ cũng nhận được cùng những phước lành chức tư tế vĩnh cửu. Điều này được thực hiện trong một ngôi đền thờ đẹp đẽ được xây nên bởi tiền thập phân của Các Thánh Hữu với tư cách là ngôi nhà thiêng liêng của Chúa.

Việc làm tròn các trách nhiệm được Chúa quy định, dựa trên sự ngay chính, tình đoàn kết, và sự bình đẳng trước Chúa, mang lại niềm hạnh phúc và sự bình an cá nhân trong thế gian này và chuẩn bị chúng ta cho cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.33 Điều này chuẩn bị chúng ta để gặp Thượng Đế.34

Chúng tôi cầu nguyện rằng mỗi anh chị em, bất kể hoàn cảnh hiện tại của anh chị em như thế nào, sẽ hội ý cùng vị giám trợ của mình và xứng đáng để có được giấy giới thiệu vào đền thờ.35

Chúng tôi biết ơn rằng có nhiều tín hữu hơn nữa đang chuẩn bị để vào đền thờ. Trong nhiều năm qua đã có một sự gia tăng đáng kể trong số người thành niên xứng đáng nắm giữ giấy giới thiệu đi đền thờ. Số giấy giới thiệu có giới hạn cho các em thiếu niên xứng đáng đã gia tăng đột ngột trong hai năm qua. Rõ ràng là các tín hữu trung tín nòng cốt của Giáo Hội chưa bao giờ vững mạnh hơn.

Để kết thúc, xin anh chị em hãy tin chắc rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội thâm niên đang chủ tọa các mục đích của Giáo Hội được Chúa quy định đều nhận được sự trợ giúp của thiên thượng. Sự hướng dẫn này đến từ Thánh Linh và đôi khi trực tiếp từ Đấng Cứu Rỗi. Cả hai loại hướng dẫn thuộc linh đều được ban cho. Tôi biết ơn vì đã nhận được sự trợ giúp như thế. Nhưng sự hướng dẫn được ban cho trong thời gian của Chúa, từng hàng chữ một và từng lời chỉ giáo một,36 khi “Đấng Chúa thông suốt mọi sự có ý muốn giảng dạy chúng ta.”37 Sự hướng dẫn cho toàn thể Giáo Hội chỉ đến với vị tiên tri của Ngài.

Chúng ta đều đã có đặc ân để tán trợ Chủ Tịch Russell M. Nelson với tư cách là vị tiên tri và Chủ Tịch Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trong đại hội này. Mười Hai Vị Sứ Đồ, với tư cách là một nhóm túc số và từng cá nhân riêng biệt, đã có kinh nhiệm thuộc linh đáng kể khi chúng tôi đặt tay mình lên đầu Chủ Tịch Nelson và Chủ Tịch Dallin H. Oaks, là người thay mặt để phát ngôn, đã sắc phong và phong nhiệm ông với tư cách là Chủ Tịch Giáo Hội. Tôi làm chứng rằng ông đã được tiền sắc phong và được chuẩn bị trong suốt cuộc đời ông để trở thành vị tiên tri của Chúa trong thời kỳ của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Eliza R. Snow, trong Janiece Johnson and Jennifer Reeder, The Witness of Women: Firsthand Experiences and Testimonies from the Restoration (năm 2016), trang 124; cũng xin xem Edward Tullidge, The Women of Mormondom (năm 1877), trang 65.

  2. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (năm 2010), mục 2.2.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 109:4.

  4. Xin xem Russell M. Nelson, “Epistles of the Lord” (bài nói chuyện được đưa ra tại buổi hội thảo dành cho các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 25 tháng Sáu năm 2015), trang 1–2.

  5. Stephen D. Ricks, “The Appearance of Elijah and Moses in the Kirtland Temple and the Jewish Passover,” BYU Studies, quyển 23, tập 4 (năm 1983), trang 485.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 112:30.

  7. Giáo Lý và Giao Ước 38:38; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 43:16; 84:20-21.

  8. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2, mục 2.2. Trách nhiệm thứ tư, chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, không cần các chìa khóa phục hồi nhưng vẫn dựa vào tổ chức được thiên thượng soi dẫn của Giáo Hội.

  9. Hội Đồng Chấp Hành Truyền Giáo giám sát trách nhiệm được Chúa quy định này. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11.

  10. Hội Đồng Chấp Hành Chức Tư Tế và Gia Đình giám sát trách nhiệm được Chúa quy định này. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:12.

  11. Russell M. Nelson, “Các Giao Ước,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 88.

  12. Hội Đồng Chấp Hành Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình giám sát trách nhiệm được Chúa quy định này. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:13-16.

  13. 1 Nê Phi 14:14; xin xem thêm 1 Nê Phi 14:5, 7, 12.

  14. Xin xem Mô Si A 18:9; An Ma 6:1; 32:37; xin xem thêm Jeffrey R. Holland, “Những Người Đại Diện của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 61.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 2:3.

  16. Joseph Fielding Smith, Doctrines of Salvation,Bruce R. McConkie biên soạn (năm 1955), 2:148–49.

  17. Xin xem An Ma 34:32.

  18. Một đề tài lặp đi lặp lại trong Sách Mặc Môn là nếu dân chúng tuân giữ các lệnh truyền thì họ sẽ được thịnh vượng trong xứ, nhưng nếu họ không còn tuân giữ các lệnh truyền thì họ sẽ bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Chúa. Xin xem 2 Nê Phi 1:9; 4:4; An Ma 9:13, và nhiều đoạn thánh thư khác.

  19. Điều này đã xảy ra trong phong trào #MeToo.

  20. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

  21. Xin xem Ross Douthat, “Let’s Ban Porn,” New York Times, ngày 11 tháng Hai năm 2018, trang SR11.

  22. An Ma 41:10.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  24. Xin xem 3 Nê Phi 11:29.

  25. Xin xem David Brooks, “The Retreat to Tribalism,” New York Times, ngày 2 tháng Một năm 2018, trang A15.

  26. Xin xem Giăng 17:21–22.

  27. Xin xem 2 Nê Phi 26:33: “[Tất cả mọi người] đều như nhau trước mặt Thượng Đế,” “dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ.”

  28. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37.

  29. Xin xem Thuyến Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (năm 2004), chương 6.

  30. Xin xem Ma Thi Ơ 10:36–39.

  31. Xin xem Lu Ca 10:29–37.

  32. Xin xem 4 Nê Phi 1:17.

  33. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  34. Xin xem An Ma 34:32.

  35. Các câu hỏi phỏng vấn vào đền thờ là một bản đánh giá tốt về việc chúng ta đang sống theo phúc âm như thế nào.

  36. Xin xem 2 Nê Phi 28:30; Giáo Lý và Giao Ước 98:12; 128:21.

  37. Neal A. Maxwell, All Things Shall Give Thee Experience (năm 2007), trang 31.