2010–2019
Chọn Đức Thánh Linh là Đấng Hướng Dẫn của Anh Chị Em
Tháng Tư năm 2018


Chọn Đức Thánh Linh là Đấng Hướng Dẫn của Anh Chị Em

Thật là một ân tứ tuyệt vời được ban cho những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ân tứ đó là Đức Thánh Linh.

Vào ngày Chủ Nhật Lễ Phục Sinh này, ý nghĩ của chúng ta hướng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô và về ngôi mộ trống mà mang đến hy vọng cho mọi tín đồ vào sự chiến thắng của Đấng Ky Tô đối với cái chết, mà nếu không có sự chiến thắng đó thì họ cũng mất đi hy vọng về việc được phục sinh. Tôi tin rằng, giống như lời của Sứ Đồ Phao Lô, là Thượng Đế “làm cho Đức Chúa [Giê Su Ky Tô] sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài ở trong [chúng ta] mà khiến thân thể hay chết của [chúng ta] lại sống.”1

Lại sống có nghĩa là ban cho sự sống. Giống như Đấng Ky Tô làm cho cơ thể chúng ta sống lại sau cái chết thể xác qua quyền năng của Sự Phục Sinh của Ngài, thì Ngài cũng có thể làm cho chúng ta lại sống, hay là ban cho chúng ta sự sống từ cái chết thuộc linh.2 Trong sách Môi Se, chúng ta đã đọc về việc A Đam trải qua sự lại sống này: “[A Đam] được làm phép báp têm như vậy, và Thánh Linh của Thượng Đế giáng xuống ông, và ông được sinh ra bởi Thánh Linh như vậy, và được trở nên sống động trong lòng.”3

Thật là một ân tứ tuyệt vời được ban cho những ai đặt đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ân tứ đó chính là được ban cho Đức Thánh Linh, mà Kinh Tân Ước gọi là “sự sống nhờ Đức Chúa [Giê Su Ky Tô].”4 Nhưng có phải chúng ta đôi khi không thực sự biết ơn về ân tứ đó không?

Thưa các anh chị em, thật là một đặc ân lớn lao để “chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn [của chúng ta],”5 như được cho thấy trong câu chuyện sau đây.

Hình Ảnh
Thiếu Úy Frank Blair

Trong Chiến Tranh Triều Tiên, Thiếu Úy Frank Blair đã phục vụ trên một con tàu chở lính đóng quân ở Nhật Bản.6 Con tàu đó không đủ lớn để có một giáo sỹ chính thức, vì thế vị thuyền trưởng đã yêu cầu Anh Blair làm giáo sỹ không chính thức trên tàu, vì đã thấy được người thanh niên đó là một người có đức tin và nguyên tắc, cùng được toàn thể thủy thủ đoàn kính trọng.

Hình Ảnh
Thiếu Úy Blair

Thiếu Úy Blair đã viết: “Con tàu của chúng tôi đã gặp phải một cơn bão rất lớn. Những con sóng cao khoảng 14 mét. Lúc đó là ca trực của tôi … trong thời gian đó, một trong ba động cơ bị ngừng hoạt động và tôi được báo cáo về một vết nứt ở đường trung tâm của con tàu. Chúng tôi chỉ còn hai động cơ, một cái thì chỉ hoạt động được nửa mức công suất. Chúng tôi đã gặp phải rắc rối nghiêm trọng.”

Khi Thiếu Úy Blair hết ca trực và đang định đi ngủ thì thuyền trưởng gõ cửa phòng. Ông ấy hỏi: “Cậu có thể cầu nguyện cho con tàu này được không?” Thiếu Úy Blair đã đồng ý làm như vậy.

Vào lúc đó, Thiếu Uý Blair có thể chỉ cần cầu nguyện đơn giản như là: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin hãy ban phước cho con tàu của chúng con và cho chúng con được an toàn,” và rồi đi ngủ. Thay vì thế, anh ấy đã cầu nguyện để biết điều gì anh ấy có thể làm để bảo đảm cho sự an toàn của con tàu. Đáp lại lời cầu nguyện của Anh Blair, Đức Thánh Linh đã thúc giục anh ấy đi tới đài chỉ huy để nói chuyện với vị thuyền trưởng và tìm hiểu thêm. Anh ấy đã thấy vị thuyền trưởng đang cố gắng xác định xem phải chạy những động cơ còn lại nhanh đến mức nào. Thiếu Úy Blair quay lại ca-bin để cầu nguyện lần nữa.

Anh đã cầu nguyện: “Con có thể làm gì để giúp giải quyết các vấn đề với những cái động cơ đó?”

Đức Thánh Linh đã đáp lại bằng việc thúc giục anh cần phải đi xung quanh con tàu để quan sát và thu thập thêm thông tin. Anh ấy một lần nữa quay lại chỗ vị thuyền trưởng và xin phép đi xung quanh boong tàu. Với một dây an toàn được buộc chặt vào thắt lưng, anh ấy tiến vào cơn bão.

Đứng ở đuôi tàu, anh ấy đã nhìn thấy các chân vịt khổng lồ lúc chúng rời khỏi mặt nước khi tàu nhấp lên đỉnh ngọn sóng. Chỉ có một cái chân vịt là hoạt động trọn vẹn, và nó đang quay rất nhanh. Sau khi quan sát những điều này, Thiếu Úy Blair đã cầu nguyện một lần nữa. Sự đáp ứng rõ ràng mà anh nhận được là cái động cơ còn tốt đang phải hoạt động quá mức và cần phải cho chạy chậm lại. Vì thế, anh ấy đã quay lại chỗ vị thuyền trưởng và đưa ra lời đề nghị đó. Vị thuyền trưởng đã rất ngạc nhiên, nói với anh ấy rằng kỹ sư tàu mới đề nghị điều ngược lại—là họ muốn gia tăng tốc độ của cái động cơ còn tốt đó để chạy thoát khỏi cơn bão. Tuy nhiên, vị thuyền trưởng đã chọn làm theo đề nghị của Thiếu Úy Blair và cho động cơ chạy chậm lại. Trước bình minh, con tàu đã được an toàn trong vùng biển lặng.

Chỉ hai tiếng sau, cái động cơ còn tốt đó đã hoàn toàn ngừng chạy. Chỉ với cái động cơ còn lại mà hoạt động được nửa công suất, con tàu đã có thể từ từ đi về cảng.

Vị thuyền trưởng đã nói với Thiếu Úy Blair rằng: “Nếu chúng ta không cho động cơ đó chạy chậm lại, thì chúng ta có lẽ đã làm hỏng nó ở giữa cơn bão.”

Không có động cơ đó, chúng ta sẽ chẳng có cách nào để lái được tàu. Con tàu sẽ bị lật ngược và chìm xuống. Vị thuyền trưởng đã cảm ơn sỹ quan THNS trẻ tuổi và nói rằng ông tin việc làm theo ấn tượng thuộc linh của Thiếu Úy Blair đã cứu con tàu và thủy thủ đoàn.

Câu chuyện này thật gây ấn tượng sâu sắc. Mặc dầu chúng ta có thể không đối diện với những hoàn cảnh khốc liệt như vậy, nhưng câu chuyện này chứa đựng những chỉ dẫn quan trọng về cách thức chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn của Thánh Linh một cách thường xuyên hơn.

Thứ nhất, nói đến sự mặc khải, chúng ta cần phải điều chỉnh chính xác máy tiếp nhận của mình với tần số của thiên thượng. Thiếu Úy Blair đã sống một cuộc sống thanh sạch và trung tín. Nếu anh ấy không vâng lời, anh ấy đã không có được sự tự tin thuộc linh cần thiết để cầu nguyện như cách anh ấy đã cầu nguyện cho sự an toàn của con tàu và để tiếp nhận sự hướng dẫn cụ thể đó. Mỗi người chúng ta phải nỗ lực điều chỉnh cuộc sống của mình đúng theo các lệnh truyền của Thượng Đế để được Ngài chỉ dẫn.

Đôi khi chúng ta không thể nhận được sự thúc giục của Thánh Linh bởi vì chúng ta không xứng đáng. Sự hối cải và vâng lời là cách thức để có được sự giao tiếp rõ ràng một lần nữa. Từ hối cải trong Kinh Cựu Ước có nghĩa là “trở lại” hoặc “quay lại.”7 Khi anh chị em cảm thấy xa rời Thượng Đế, anh chị em chỉ cần quyết định tránh khỏi tội lỗi và đối diện với Đấng Cứu Rỗi, là nơi anh chị em sẽ thấy Ngài đang đợi anh chị em, và cánh tay Ngài đã giang ra. Ngài háo hức hướng dẫn cho anh chị em, và anh chị em chỉ cần cầu nguyện để tiếp nhận sự chỉ dẫn đó một lần nữa.8

Thứ hai, Thiếu Úy Blair đã không cầu xin Chúa giải quyết vấn đề của anh ấy. Anh ấy đã cầu xin để biết mình có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó. Giống như vậy, chúng ta có thể cầu xin: “Thưa Chúa, con cần làm gì để trở thành một phần của giải pháp này?” Thay vì chỉ liệt kê các vấn đề của chúng ta trong lời cầu nguyện và cầu xin Chúa giải quyết chúng, chúng ta nên tìm kiếm các cách thức tiếp nhận sự giúp đỡ của Chúa một cách chủ động hơn và cam kết hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Có một bài học quan trọng thứ ba trong câu chuyện của Thiếu Úy Blair. Nếu trước đây anh ấy chưa từng nhận được sự hướng dẫn từ Thánh Linh thì liệu anh ấy có thể cầu nguyện với sự chắc chắn và điềm tĩnh như vậy không? Lúc bão tố ập đến thì không phải là thời điểm để bắt đầu tìm lại ân tứ Đức Thánh Linh cùng tìm cách sử dụng ân tứ đó. Người thanh niên này rõ ràng đã làm theo mẫu mực mà anh ấy đã sử dụng nhiều lần, kể cả khi là một người truyền giáo toàn thời gian. Chúng ta cần Đức Thánh Linh là Đấng hướng dẫn trong những lúc mặt nước phẳng lặng để có thể nhận ra tiếng nói của Ngài trong những lúc bão tố dữ dội nhất của cuộc sống.

Một số người có thể nghĩ chúng ta không nên trông đợi sự hướng dẫn hàng ngày của Thánh Linh bởi vì “điều không đúng cho [Thượng Đế] khi phải ra lệnh về mọi việc,” để chúng ta không trở thành những tôi tớ biếng nhác.9 Tuy nhiên, câu thánh thư này được ban cho những người truyền giáo từ thuở ban đầu, là những người đã yêu cầu Joseph Smith tiếp nhận sự mặc khải mà họ cần nhận được cho bản thân họ. Trong một câu trước đó, Chúa đã phán bảo họ đi đến nơi truyền giáo “vì họ sẽ phải hội ý với nhau và với ta.” 10

Những người truyền giáo này đã muốn có được một điều mặc khải cụ thể về chuyến đi của họ. Họ đã chưa học cách tìm kiếm sự chỉ dẫn cho riêng họ trong các vấn đề của cá nhân. Chúa gọi thái độ này là: biếng nhác. Các tín hữu ban đầu của Giáo Hội có thể đã rất vui mừng khi có một vị tiên tri chân chính, nhưng họ ở trong trạng thái nguy hiểm khi không học cách tiếp nhận được sự mặc khải cho chính bản thân họ. Việc tự lực về mặt thuộc linh là nghe được tiếng nói của Chúa qua Thánh Linh của Ngài cho chính cuộc sống của mỗi người.

An Ma đã khuyên bảo con trai của ông “hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình.”11 Việc sống theo cách thức này—điều mà chúng ta thường gọi là “sống theo Thánh Linh”—là một đặc ân lớn lao. Nó mang lại một cảm giác yên bình và tin chắc cùng các trái của Thánh Linh như lòng yêu thương, sự vui mừng và bình an.12

Khả năng tiếp nhận sự mặc khải của Thiếu Úy Blair đã cứu sống anh và những người bạn thuỷ thủ của mình khỏi một cơn bão dữ dội. Ngày nay, các loại bão tố khác cũng đang vô cùng mãnh liệt. Truyện ngụ ngôn về cây sự sống trong Sách Mặc Môn13 cung ứng một hình ảnh mạnh mẽ về cách tiếp nhận sự an toàn thuộc linh trong một thế giới đầy lo lắng như vậy. Giấc mơ này nói về đám sương mù tối đen bỗng nhiên nổi lên để mang sự hủy diệt thuộc linh đến các tín hữu của Giáo Hội mà đang đi trên con đường trở về với Thượng Đế.14

Hình Ảnh
Giấc mơ của Lê Hi

Khi suy nghĩ về hình ảnh này, tôi tưởng tượng về đám đông những người đang đi trên con đường đó, một vài người bám chặt tay vào thanh sắt, nhưng nhiều người khác chỉ đơn thuần là đi theo bước chân của những người đi trước họ. Cách tiếp cận sau hầu như không cần suy nghĩ hay nỗ lực. Anh chị em có thể chỉ cần làm và suy nghĩ điều người khác đang làm và suy nghĩ. Điều này là hữu hiệu khi không gặp phải thử thách nghiệm trọng. Nhưng các cơn bão của sự dối trá và đám sương mù của sự giả dối sẽ nổi lên mà không hề báo trước. Trong những tình huống như vậy, việc quen thuộc với tiếng nói của Đức Thánh Linh là vấn đề quan trọng của sự sống và cái chết thuộc linh.

Lời hứa hùng hồn của Nê Phi là “những ai biết nghe theo lời của Thượng Đế và … giữ vững lời ấy … sẽ không bao giờ bị diệt vong; và họ cũng không bị mù quáng bởi những cám dỗ cùng những tên lửa của kẻ thù nghịch khiến họ phải đi vào con đường hủy diệt.”15

Việc đi theo bước chân của người đi trước trên con đường đó là không đủ. Chúng ta không thể chỉ làm và suy nghĩ điều người khác đang làm và đang suy nghĩ; chúng ta phải sống một cuộc sống được hướng dẫn. Mỗi người chúng ta phải tự tay mình nắm vào thanh sắt. Sau đó, chúng ta có thể đi đến với Chúa bằng sự tin tưởng khiêm nhường, và biết rằng Ngài “sẽ nắm tay dẫn dắt [chúng ta], và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của [chúng ta].”16 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.