Thánh Thư
Lời Giới Thiệu


Lời Giới Thiệu

Giáo Lý và Giao Ước là một sưu tập các điều mặc khải thiêng liêng và các tuyên ngôn đầy soi dẫn được ban ra để thiết lập và điều hành vương quốc của Thượng Đế trên thế gian trong những ngày sau cùng. Mặc dù đa số các tiết được nhắm vào các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng các sứ điệp, những lời cảnh cáo và những lời khuyên nhủ là vì lợi ích của tất cả nhân loại và chứa đựng lời mời tất cả mọi người ở khắp mọi nơi hãy lắng tai nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô, phán bảo họ vì sự an sinh thế tục của họ và sự cứu rỗi vĩnh viễn của họ.

Đa số những điều mặc khải trong sưu tập này được nhận qua Joseph Smith, Jr. là vị tiên tri và chủ tịch đầu tiên của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Những điều mặc khải khác được phổ biến qua một số những người kế vị ông trong Chủ Tịch Đoàn (xem các tiêu đề của GLGƯ 135, 136138, và Các Tuyên Ngôn Chính Thức 12).

Giáo Lý và Giao Ước là một trong các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn và sách Trân Châu Vô Giá. Tuy nhiên, sách Giáo Lý và Giao Ước thì độc nhất vô nhị vì nó không phải là bản dịch tài liệu thời xưa, nhưng nó được phát xuất trong thời hiện đại và được Thượng Đế ban qua các vị tiên tri được chọn của Ngài để phục hồi công việc thiêng liêng của Ngài, và thiết lập vương quốc của Thượng Đế trên thế gian trong thời đại này. Trong những điều mặc khải, người ta nghe tiếng nói dịu dàng nhưng cứng rắn của Chúa Giê Su Ky Tô, phán bảo một lần nữa trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn này; và công việc được bắt đầu ở đây là để chuẩn bị cho Sự Tái Lâm của Ngài, để làm ứng nghiệm và phù hợp với những lời nói của tất cả các thánh tiên tri kể từ lúc thế gian mới bắt đầu.

Joseph Smith Jr. sinh ngày 23 tháng Mười Hai năm 1805 tại Sharon, Hạt Windsor, Vermont. Trong cuộc đời thơ ấu của ông, ông di chuyển cùng với gia đình đến Manchester hiện nay, ở phía tây New York. Chính trong thời gian ông đang sống ở đó vào mùa xuân năm 1820, lúc ông được mười bốn tuổi, ông kinh nghiệm được khải tượng thứ nhất, trong đó, Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và Con của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô, đã đích thân viếng thăm ông. Ông được phán bảo trong khải tượng này rằng Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được thiết lập trong thời Tân Ước, và đã cung ứng phúc âm trọn vẹn, không còn ở trên thế gian nữa. Có những sự biểu hiện thiêng liêng khác tiếp theo mà trong đó ông đã được nhiều thiên sứ giảng dạy. Ông được cho thấy rằng Thượng Đế có một công việc đặc biệt để cho ông làm trên thế gian và rằng qua ông Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ được phục hồi trên thế gian.

Sau một thời gian, Joseph Smith được sự giúp đỡ thiêng liêng nên có thể phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn. Trong lúc đó, ông và Oliver Cowdery được Giăng Báp Tít sắc phong Chức Tư Tế A Rôn vào tháng Năm năm 1829 (xem GLGƯ 13), và không lâu sau đó họ cũng được các Vị Sứ Đồ thời xưa là Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xem GLGƯ 27:12). Có những cuộc sắc phong kế tiếp khác mà qua đó các chìa khóa chức tư tế được Môi Se, Ê Li, Ê Li A và nhiều vị tiên tri thời xưa truyền giao (xem GLGƯ 110; 128:18, 21). Thật vậy, những cuộc sắc phong này là sự phục hồi lại thẩm quyền thiêng liêng cho loài người trên thế gian. Vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, dưới sự hướng dẫn của thiên thượng, Tiên Tri Joseph Smith đã tổ chức Giáo Hội, và do đó Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa hoạt động như là một tổ chức ở giữa loài người, với thẩm quyền giảng dạy phúc âm và thực hành các giáo lễ cứu rỗi. (Xem GLGƯ 20 và Trân Châu Vô Giá, Joseph Smith—Lịch Sử 1.)

Những điều mặc khải thiêng liêng này được tiếp nhận để đáp ứng lời cầu nguyện, vào lúc cần thiết, và đến từ những tình huống thật sự xảy ra trong cuộc sống có liên quan đến những con người thật sự. Vị Tiên Tri và những người cộng sự của ông tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng, và những điều mặc khải này chứng nhận rằng họ đã nhận được. Trong những điều mặc khải, người ta nhìn thấy sự phục hồi và sự tiết lộ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sự mang lại gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Việc di chuyển về miền tây của Giáo Hội từ New York và Pennsylvania, đến Ohio, đến Missouri, đến Illinois, và cuối cùng đến vùng Great Basin của miền tây nước Mỹ, và những gian khổ của các Thánh Hữu trong việc cố gắng xây đắp Si Ôn trên thế gian ở thời hiện đại cũng được cho thấy trong những điều mặc khải này.

Một số tiết đầu tiên nói về những vấn đề có liên quan đến việc phiên dịch và việc xuất bản Sách Mặc Môn (xem các tiết 3, 5, 10, 17, và 19). Một số tiết về sau cho thấy công việc của Vị Tiên Tri Joseph Smith khi ông phiên dịch Kinh Thánh qua sự soi dẫn, trong thời gian ấy nhiều tiết giáo lý vĩ đại đã được nhận (ví dụ như xem các tiết 37, 45, 73, 76, 77, 86, 91132, mỗi trong số những tiết này có liên hệ trực tiếp với sự phiên dịch Kinh Thánh).

Trong những điều mặc khải, các giáo lý của phúc âm được trình bày với những giải thích về những vấn đề căn bản như đặc tính của Thiên Chủ Đoàn, nguồn gốc của loài người, sự hiện thực của Sa Tan, mục đích của sự hữu diệt, sự cần thiết của sự vâng lời, sự cần thiết của sự hối cải, những tác động của Đức Thánh Linh, các giáo lễ và những việc làm có liên hệ đến sự cứu rỗi, số phận của thế gian, các tình trạng tương lai của loài người sau Sự Phục Sinh và Sự Phán Xét, sự vĩnh cửu của mối liên hệ hôn nhân và tính chất vĩnh cửu của gia đình. Cũng như vậy, sự tiết lộ dần dần về cơ cấu quản trị của Giáo Hội được cho thấy qua sự kêu gọi các giám trợ, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Hội Đồng Mười Hai Vị và Thầy Bảy Mươi và sự thiết lập các chức vụ chủ tọa và các nhóm túc số khác. Cuối cùng, chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô mà đã được đưa ra—thiên tính của Ngài, sự uy nghi của Ngài, sự hoàn hảo của Ngài, tình thương yêu của Ngài và quyền năng cứu chuộc của Ngài—đã làm cho cuốn sách này có giá trị lớn lao cho gia đình nhân loại và “có giá trị cho Giáo Hội hơn của cải của cả Thế Gian” (xem tiêu đề của GLGƯ 70).

Những điều mặc khải được ghi lại đầu tiên bởi những người biên chép của Joseph Smith, và các tín hữu Giáo Hội nhiệt tình chia sẻ các bản viết bằng tay với nhau. Để tạo ra một bản ghi chép lâu bền hơn, chẳng bao lâu những người biên chép sao chép lại những điều mặc khải này vào những tập ghi chép bản thảo, và các vị lãnh đạo Giáo Hội sử dụng những tập sách này trong việc chuẩn bị những điều mặc khải để được in ra. Joseph và các Thánh Hữu ban đầu xem những điều mặc khải này giống như cách họ xem Giáo Hội năng động, hiện hữu, và tùy thuộc vào sự tôi luyện thêm điều mặc khải. Họ cũng công nhận rằng những lỗi không cố ý có thể xảy ra qua tiến trình sao chép những điều mặc khải và chuẩn bị cho việc xuất bản. Do đó một đại hội của Giáo Hội đã yêu cầu Joseph Smith vào năm 1831 “sửa những lỗi đó hoặc những lỗi lầm mà ông có thể khám phá ra qua Thánh Linh.”

Sau khi những điều mặc khải đã được duyệt lại và sửa chỉnh, các tín hữu của Giáo Hội ở Missouri bắt đầu in một cuốn sách có tựa đề là A Book of Commandments for the Government of the Church of Christ (Sách Giáo Lệnh để Quản Trị Giáo Hội của Đấng Ky Tô) có chứa đựng nhiều điều mặc khải ban đầu của Vị Tiên Tri. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên đó để xuất bản những điều mặc khải đã chấm dứt khi một đám đông hỗn tạp phá hủy văn phòng ấn loát của các Thánh Hữu ở Hạt Jackson vào ngày 20 tháng Bảy năm 1833.

Khi nghe về hành động phá hủy văn phòng ấn loát ở Missouri, Joseph Smith và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội bắt đầu chuẩn bị để xuất bản các điều mặc khải ở Kirtland, Ohio. Một lần nữa, để sửa chỉnh các lỗi, làm sáng tỏ cách viết, và công nhận những phát triển trong giáo lý và tổ chức của Giáo Hội, Joseph Smith giám sát việc hiệu chỉnh văn bản của một số điều mặc khải để chuẩn bị những điều mặc khải này cho việc xuất bản trong năm 1835 với tựa đề Doctrine and Covenants of the Church of Jesus Christ of the Latter Day Saints (Giáo Lý và Giao Ước của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô). Joseph Smith cho phép một ấn bản khác của Giáo Lý và Giao Ước, mà đã được xuất bản chỉ mấy tháng sau sự tuẫn đạo của Vị Tiên Tri vào năm 1844.

Các Thánh Hữu Ngày Sau ban đầu quý trọng và xem những điều mặc khải như là các sứ điệp từ Thượng Đế. Trong một dịp nọ, vào cuối năm 1831, vài anh cả của Giáo Hội đã đưa ra chứng ngôn long trọng rằng Chúa đã làm chứng với tâm hồn của họ về lẽ thật của những điều mặc khải đó. Chứng ngôn này đã được xuất bản trong ấn bản Giáo Lý và Giao Ước năm 1835 vởi tính cách là một chứng ngôn bằng văn bản của Mười Hai Sứ Đồ.

Chứng Ngôn của
Mười Hai Vị Sứ Đồ về Sự Xác Thật của
Sách Giáo Lý và Giao Ước

Chứng ngôn của các Nhân Chứng về Sách Giáo Lệnh của Chúa, là những giáo lệnh mà Ngài đã ban cho Giáo Hội của Ngài qua Joseph Smith, Jr., là người đã được tiếng nói của toàn thể Giáo Hội đề cử cho mục đích này:

Vậy nên, chúng tôi cảm thấy sẵn lòng làm chứng cùng toàn thể thế giới của nhân loại, cùng mọi tạo vật trên mặt đất, rằng Chúa đã làm chứng với tâm hồn chúng tôi, qua Đức Thánh Linh được đổ ra trên chúng tôi, rằng các giáo lệnh này được ban ra nhờ sự soi dẫn từ Thượng Đế, và là có ích cho tất cả mọi người và rất xác thật.

Chúng tôi mang lời chứng này đến cùng thế giới với sự giúp đỡ của Chúa, và nhờ ân điển của Thượng Đế, Đức Chúa Cha, cùng Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô mà chúng tôi được phép có vinh dự này để làm chứng cùng thế giới, mà qua đó chúng tôi vô cùng hân hoan và luôn luôn cầu nguyện lên Chúa rằng con cái loài người có thể được sự lợi ích từ sách này.

Tên của Mười Hai Vị là:

  • Thomas B. Marsh

  • David W. Patten

  • Brigham Young

  • Heber C. Kimball

  • Orson Hyde

  • William E. McLellin

  • Parley P. Pratt

  • Luke S. Johnson

  • William Smith

  • Orson Pratt

  • John F. Boynton

  • Lyman E. Johnson

Trong các lần ấn hành sách Giáo Lý và Giao Ước kế tiếp, các điều mặc khải cùng những sự việc khác về tài liệu biên sử đã được thêm vào, mỗi khi được tiếp nhận và chấp thuận trong những cuộc họp hay các đại hội có thẩm quyền của Giáo Hội. Ấn bản năm 1876, do Anh Cả Orson Pratt chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của Brigham Young, sắp xếp những điều mặc khải theo thứ tự thời gian và cung cấp các tiêu đề mới với những lời giới thiệu lịch sử.

Từ ấn bản năm 1835 trở đi, một loạt bảy bài học về thần học cũng được gồm vào; các bài học này có tựa đề là Lectures on Faith (Các Bài Thuyết Giảng về Đức Tin). Các bài học đó đã được soạn ra để dùng trong Trường Tiên Tri ở Kirtland, Ohio, từ năm 1834 đến 1835. Mặc dù có ích lợi cho giáo lý và việc giảng dạy, nhưng các bài thuyết trình này không được gồm vào trong sách Giáo Lý và Giao Ước từ ấn bản năm 1921, vì chúng không được đưa ra hay trình bày như là các điều mặc khải cho toàn thể Giáo Hội.

Trong ấn bản sách Giáo Lý và Giao Ước bằng tiếng Anh năm 1981, có ba tài liệu được gồm vào lần đầu tiên. Những tài liệu này là các tiết 137138, đưa ra các nguyên tắc cơ bản về sự cứu rỗi người chết; và Tuyên Ngôn Chính Thức 2, loan báo rằng tất cả các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội có thể được sắc phong chức tư tế bất kể chủng tộc hay màu da.

Mỗi lần ấn hành sách Giáo Lý và Giao Ước mới đều có sửa những lỗi trong quá khứ và thêm vào thông tin mới, nhất là các phần lịch sử của các tiêu đề của tiết. Ấn bản hiện tại tiếp tục tinh chỉnh các ngày tháng và các địa danh cùng thực hiện các sửa chỉnh khác. Những thay đổi này đã được thực hiện để làm cho tài liệu phù hợp với thông tin lịch sử chính xác nhất. Những điểm đặc trưng khác của ấn bản mới nhất này bao gồm các bản đồ đã được sửa lại để cho thấy đa số các địa điểm địa lý mà nơi đó các điều mặc khải đã nhận được, cộng với các hình ảnh của các địa điểm lịch sử của Giáo Hội đã được cải tiến, các tham khảo chéo, các tiêu đề của tiết và các tóm lược chủ đề, mà tất cả những điều này là nhằm mục đích giúp độc giả hiểu và vui hưởng sứ điệp của Chúa như đã được ban cho trong Giáo Lý và Giao Ước. Các thông tin cho các tiêu đề của tiết được lấy từ Bản Thảo Lịch Sử của Giáo Hội và History of the Church (Lịch Sử của Giáo Hội) đã được xuất bản (được đề cập chung trong các tiêu đề là lịch sử của Joseph Smith) và Joseph Smith Papers (Các Bài Viết của Joseph Smith).