2013
Làm Thế Nào Tôi Có Thể Là một Người Truyền Giáo Thành Công?
Tháng Mười năm 2013


Làm Thế Nào Tôi Có Thể Là một Người Truyền Giáo Thành Công?

Tác giả sống ở Maine, Hoa Kỳ.

Bất kể người bạn đồng hành của tôi và tôi đã làm việc khó nhọc đến đâu đi nữa thì mọi người cũng đều khước từ sứ điệp của chúng tôi. Chúng ta có thể làm gì để trở thành những người truyền giáo thành công?

Tôi phục vụ truyền giáo chỉ được hơn một năm thì tôi đã gặp phải một thời gian đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đang ở giữa một mùa ảm đạm, xám ngắt—chỉ mới vừa qua khỏi một mùa đông lạnh lẽo và sắp tới mùa xuân. Và dù người bạn đồng hành của tôi và tôi đã làm việc khó nhọc đến đâu đi nữa thì mọi người mà chúng tôi nói chuyện cũng đều thẳng thắng khước từ sứ điệp của chúng tôi. Khi họp với những người truyền giáo khác, chúng tôi được biết rằng công việc của họ đang tiến triển mạnh. Tôi không thể nghĩ ra được bất cứ lý do tại sao chúng tôi đã không thành công như vậy. Tôi đã đi phục vụ truyền giáo đủ lâu để nói thành thạo ngôn ngữ đó, người bạn đồng hành của tôi và tôi là hai người bạn thân, chúng tôi đã được các tín hữu tin tưởng, và chúng tôi đã cố gắng noi theo Thánh Linh và tuân theo chính xác các luật lệ truyền giáo.

Nhưng dù đã làm điều gì, thì chúng tôi đều đối mặt với cảnh bị khước từ đối với mọi điều chúng tôi làm. Sau khi bị khước từ tuần này đến tuần khác, tôi đã để lộ ra thái độ bất mãn nơi bản thân mình. Trong một phiên họp lập kế hoạch, cuối cùng tôi đã thốt lên: “Lập kế hoạch để làm gì? Không ai chịu lắng nghe chúng ta cả.” Người bạn đồng hành của tôi, vì có một tầm nhìn xa hơn tôi, chỉ nói: “Chúng ta đặt mục tiêu để cho thấy đức tin của mình. Chúng ta theo dõi các mục tiêu để đếm các phước lành của mình.”

Trong khi suy ngẫm về sự hiểu biết sâu sắc của chị ấy, tôi nhận ra rằng tôi đã không sử dụng đúng thước đo để đánh giá thành công của tôi với tư cách là một người truyền giáo. Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo cung ứng một bản liệt kê về các hành vi của những người truyền giáo thành công,1 và tôi nhận ra rằng tất cả các hành vi đó đều thuộc vào vòng điều khiển của người truyền giáo. Tôi không thể điều khiển những người trong khu vực truyền giáo của tôi để chấp nhận hay không chấp nhận sứ điệp phúc âm, nhưng tôi có thể điều khiển loại người truyền giáo tôi đã chọn để làm. Người đồng hành của tôi đã cho tôi thấy rằng đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và lòng biết ơn đối với các phước lành của Ngài sẽ cho phép tôi nhận ra những cách tôi đã là một người truyền giáo thành công.

Đức Tin Giúp Chúng Ta Thấy Được Phép Lạ

Thật là điều khiêm nhường để nhận ra rằng tôi đang thiếu đức tin. Tôi tìm kiếm những lĩnh vực tôi có thể củng cố đức tin của mình và thấy rằng khi mọi điều đã không đi theo đúng kế hoạch, thì tôi đã cho phép mình nản lòng. Sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta dạy rằng: “Sự chán nản sẽ làm suy yếu đức tin của các anh chị em. Nếu các anh chị em hạ thấp kỳ vọng của mình, thì hiệu quả của các anh chị em sẽ giảm bớt, ước muốn của các anh chị em sẽ suy yếu đi, và các anh chị em sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để noi theo Thánh Linh.”2 Tôi nhận ra rằng tôi đã cho phép thất bại làm suy yếu đức tin của chúng tôi.

Tôi bắt đầu bằng cách cầu nguyện để có được một sự thay đổi trong lòng và có nhiều đức tin hơn. Tôi cũng dựa vào lời hứa được đưa ra trong Mặc Môn 9:21: “Người nào biết tin ở Đấng Ky Tô mà không nghi ngờ gì, thì bất cứ điều gì người đó cầu xin nơi Đức Chúa Cha qua danh Đấng Ky Tô đều sẽ được ban cho; và lời hứa này được ban ra cho tất cả mọi người dù họ ở các nơi tận cùng của trái đất.” Lời hứa này dẫn tôi đến việc cầu nguyện khẩn thiết hơn về các phước lành và phép lạ mà người bạn đồng hành của tôi và tôi đã cảm thấy là chúng tôi cần, luôn luôn thêm vào câu: “Ý Ngài được nên.” Những lời cầu nguyện này đã giúp tôi chấp nhận những kế hoạch thay đổi và những thất bại với nhiều đức tin hơn, vì biết rằng Cha Thiên Thượng luôn luôn đáp ứng lời cầu nguyện với đức tin—cho dù câu trả lời đến trong cách mà chúng tôi không đoán trước được. Tôi trở nên có nhiều khả năng hơn để nhận ra những cách mà Chúa đã hướng dẫn chúng tôi trong suốt cả ngày của chúng tôi.

Trong khi đang cố gắng củng cố đức tin của mình, thì tôi thấy hình thức tích cực của lời phát biểu từ sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta là đúng: nếu ta nâng cao kỳ vọng của mình, thì hiệu quả của ta sẽ gia tăng, ước muốn của chúng ta sẽ phát triển, và ta sẽ có khả năng để noi theo Thánh Linh chính xác hơn. Ngoài ra, tôi đã lạc quan hơn về công việc truyền giáo và sự phục vụ truyền giáo của mình khi tôi có thể nhận ra và biết ơn các phép lạ đã xảy ra hàng ngày.

Lòng Biết Ơn Chống Lại Tính Ganh Tị

Chúa bắt đầu cho tôi thấy rằng Ngài đã làm các phép lạ cho chúng ta mỗi ngày—nhưng tôi đã không thể nhận ra các phép lạ này cho đến khi tôi đã cố gắng một cách có ý thức để thực sự biết ơn. Việc bày tỏ lòng biết ơn không những là một thói quen tốt hay cách cư xử tử tế mà còn hơn thế nữa. Khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa và với những người khác, thì tôi được làm cho có khả năng. Tôi thấy mình được phấn khởi thay cho những người truyền giáo khác khi họ được thành công thay vì ganh tị (xin xem An Ma 29:14, 16). Tôi đã có khả năng hơn để tập trung vào điều tôi đã có và điều xảy ra đúng theo ý muốn hơn là điều tôi thiếu và điều xảy ra không đúng theo ý muốn.

Tôi đã biết được rằng lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta tránh tự so sánh mình với những người khác. Những lúc mà tôi không cảm thấy như là một người truyền giáo thành công thì thường đến vì tôi đã tự nói với mình: “Tôi không làm hay bằng họ,” hoặc, “Họ làm điều này hay hơn tôi.” Tôi cũng biết được rằng mặc dù đó là mẫu mực của Chúa để ban cho chúng ta các tấm gương ngay chính để bắt chước làm theo, thì đó cũng là sự giả mạo của Sa Tan nhằm cám dỗ chúng ta để tự so sánh mình với họ nhằm xác định giá trị hoặc thành công của chúng ta. Nhưng sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta nói rõ về điều này: “Hãy tránh tự so sánh mình với những người truyền giáo khác và đo lường kết quả bên ngoài của các nỗ lực của ta với kết quả của họ.”3 Cuối cùng, lòng biết ơn đã giúp tôi tránh được tính kiêu ngạo và nhắc nhở tôi rằng Chúa phụ trách công việc của Ngài. Tôi không cần phải ganh tị vì các bạn cùng truyền giáo với tôi dường như có nhiều thành công hơn.4

Thước Đo Đích Thực của Sự Thành Công

Trước khi có sự thay đổi này về viễn cảnh, tôi đã tập trung vào một loại phước lành cụ thể mà tôi đã quên không nhận thức những cách khác Chúa đã đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng tôi và ban phước cho công việc truyền giáo của chúng tôi. Cuối cùng, Chúa bắt đầu ban phước cho công việc truyền giáo trong khu vực của chúng tôi trong những cách tuyệt vời và bất ngờ. Chúng tôi quả thật đã tìm thấy những người sẵn lòng chấp nhận sứ điệp của chúng tôi, nhưng tôi đã biết vào lúc đó là không phải đo lường sự thành công của mình bằng những sự lựa chọn của người khác.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley (1910–2008) đã chia sẻ lời khuyên bảo của một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo về công việc truyền giáo: “Hãy làm việc hết sức mình. Dâng lên lời cầu nguyện của các anh chị em và hãy để cho Chúa chịu trách nhiệm về kết quả thu hoạch được.”5 Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta giảng dạy một điều gì đó tương tự về những người truyền giáo thành công: “Hãy làm việc hết sức mình để mang những người khác lại cùng Đấng Ky Tô, và tha thiết tìm cách học hỏi và cải tiến.”6

Miễn là tôi sẵn lòng hối cải, miễn là tôi có thể chân thành giải thích lên Chúa rằng tôi đã làm hết sức mình, thì tôi có thể cảm thấy tự tin rằng mình là một người truyền giáo thành công—bất kể người ta có chấp nhận sứ điệp của chúng tôi hay không. Trong nhiều cách, thước đo lường về sự thành công của tôi với tư cách là một người truyền giáo có thể được đánh giá bằng sự sẵn lòng của tôi để hối cải và quyết tâm của tôi để tiếp tục làm việc.

Tôi có nhiều phép lạ được ghi lại trong nhật ký của mình từ thời gian này trong công việc truyền giáo của tôi. Trong khi cố gắng để được trung tín và biết ơn hơn, tôi đã có một viễn cảnh tốt hơn, tôi tránh được tình trạng chán nản, và tôi cảm nhận Thánh Linh một cách dồi dào hơn trong công việc truyền giáo. Tôi thấy rằng điều giảng dạy trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta là đúng: “Khi đã làm hết sức mình, thì các anh chị em vẫn có thể trải qua nỗi thất vọng, nhưng các anh chị em sẽ không thất vọng nơi bản thân mình. Các anh chị em có thể cảm thấy chắc chắn rằng Chúa hài lòng khi các anh chị em cảm nhận được Thánh Linh đang tác động qua các anh chị em.”7 Và khi cảm thấy Chúa hài lòng với mình, thì tôi có thể chịu đựng bất cứ thử thách nào.

Ghi Chú

  1. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo (2004), 10–11.

  2. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 10.

  3. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 10.

  4. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” Liahona, tháng Năm năm 2012, 31.

  5. Gordon B. Hinckley, “Find the Lambs, Feed the Sheep,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 120.

  6. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 11.

  7. Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 11.

Trong nhiều cách, thước đo lường về sự thành công của tôi với tư cách là một người truyền giáo có thể được đánh giá bằng sự sẵn lòng của tôi để hối cải và quyết tâm của tôi để tiếp tục làm việc.

Hình ảnh do Del Benson minh họa