2013
Tại Sao và Điều Gì Tôi Cần Phải Thú Tội với Vị Giám Trợ của Tôi?
Tháng Mười năm 2013


Tại Sao và Điều Gì Tôi Cần Phải Thú Tội với Vị Giám Trợ của Tôi?

Hình Ảnh
Anh Cả C. Scott Grow

Việc giúp các em hối cải là một phần đặc biệt của sự kêu gọi của vị giám trợ. Lương tâm của các em sẽ cho các em biết khi nào các em cần phải nói chuyện với ông ấy.

Các em có thể tự hỏi tại sao các em được dạy phải thú nhận tội lỗi với vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của mình khi các em đã phạm tội nghiêm trọng. Các em có thể tự nói: “Sự hối cải không phải là một điều riêng tư giữa tôi và Chúa sao? Nếu tôi ngừng không làm hành vi sai trái của mình nữa và đã thú nhận điều đó với Thượng Đế thì tại sao tôi cần phải nói chuyện với vị giám trợ của tôi?”

Hình Ảnh
A young woman seated across the desk from her bishop.

Hình ảnh do Christina Smith minh họa

Tại sao Phải Là Các Vị Giám Trợ chứ Không Phải là Một Người Nào Khác?

Nhiều thiếu niên thiếu nữ cảm thấy thoải mái hơn khi thú nhận những lỗi lầm của mình với cha mẹ hay những người lãnh đạo của giới trẻ. Mặc dù cha mẹ và những người lãnh đạo của các em có thể giúp đỡ và đưa ra lời khuyên bảo cần thiết nhưng Chúa đã phán rằng vị giám trợ là một vị phán quan thông thường ở Y Sơ Ra Ên (xin xem GLGƯ 107:72, 74). Ông có trách nhiệm để xác định sự xứng đáng của các tín hữu trong tiểu giáo khu của ông. Qua sự sắc phong và cuộc sống ngay chính, vị giám trợ được quyền mặc khải từ Đức Thánh Linh về các tín hữu trong tiểu giáo khu của ông, kể cả các em.

Vị giám trợ có thể giúp các em qua tiến trình hối cải trong những cách mà cha mẹ hoặc những người lãnh đạo khác của các em không thể cung ứng được. Nếu tội lỗi đủ nghiêm trọng, thì ông có thể xác định rằng các đặc ân của các em trong Giáo Hội nên bị giới hạn. Ví dụ, là một phần của tiến trình hối cải của các em, ông có thể yêu cầu các em không dự phần Tiệc Thánh hoặc sử dụng chức tư tế trong một thời gian. Ông sẽ làm việc với các em và xác định khi nào thì các em được xứng đáng một lần nữa để tiếp tục các sinh hoạt thiêng liêng đó.

Vị giám trợ của các em sẽ khuyên bảo các em về những việc phải làm để củng cố khả năng của các em nhằm chống lại sự cám dỗ. Ông có thể khuyến khích các em nghiên cứu một đề tài giáo lý, như sự hối cải, và rồi chia sẻ với ông điều các em đã học được. Ông có thể yêu cầu các em đến gặp ông mỗi tuần để báo cáo tình trạng của các em như thế nào trong việc tự loại bỏ mình khỏi những tình huống cám dỗ.

Tôi Nên Nói Chuyện với Giám Trợ Vào Lúc Nào?

Các em có thể nghĩ: “Tất cả những điều đó nghe hay lắm, nhưng làm thế nào tôi có thể biết rằng những gì tôi đã làm là đủ nghiêm trọng để tôi cần phải nói chuyện với vị giám trợ?” Câu trả lời ngắn: “Lương tâm của các em sẽ cho các em biết.” Khi nào các em cảm thấy lương tâm cắn rứt, thì hãy hành động ngay lập tức (xin xem An Ma 34:31–34).

Vua Bên Gia Min đã dạy về sự hối cải: “Tôi không thể kể hết tất cả những điều mà bởi đó các người có thể phạm tội được; vì có nhiều đường lối và nhiều cách thức khác nhau, nhiều đến đỗi tôi không thể đếm được” (Mô Si A 4:29). Vì vậy, thay vì đưa ra một bản liệt kê chi tiết những điều các em phải thú nhận với vị giám trợ của mình, thì tôi xin chia sẻ một số nguyên tắc sẽ giúp các em đưa ra quyết định đó.

Tôi Cần Phải Thú Nhận Điều Gì?

Tôi biết rằng các em đã cố gắng để vâng lời, nhưng có lẽ các em đã phạm phải một số lỗi lầm —thậm chí một số lỗi lầm nghiêm trọng nữa. Hầu hết các lỗi lầm mà người ta phạm phải có thể được giải quyết qua lời cầu nguyện cá nhân và sự hối cải chân thành. Một số lỗi lầm, nhất là những lỗi lầm về sự vô luân, đòi hỏi phải thú tội với vị giám trợ trước khi các em có thể nhận được sự tha thứ của Chúa.

Khi nghĩ về những lỗi lầm mình đã làm, các em có thể cảm thấy có tội, không an tâm, không vui vẻ, hoặc thậm chí còn đau khổ nữa. Nếu đang trải qua bất cứ những cảm nghĩ nào như thế, thì có lẽ các em cần phải nói chuyện với vị giám trợ của mình về những lỗi lầm đó.

Đừng cố gắng để bào chữa cho mình hoặc hợp lý hóa tội lỗi của mình. Các em có thể nghĩ: “Thật là quá ngượng ngùng để nói với vị giám trợ điều tôi đã làm. Ông ta nghĩ rằng tôi là một người tốt hơn thế. Ông ta sẽ sửng sốt nếu tôi nói cho ông ta biết điều tôi đã làm. Ông ta sẽ không thích tôi nữa.”

Tôi hứa với các em là ông sẽ không kết án các em đâu. Là một tôi tớ của Chúa, ông sẽ nhân từ và thông cảm khi ông lắng nghe các em. Sau đó, ông sẽ giúp các em trải qua tiến trình hối cải. Ông là sứ giả với lòng thương xót của Chúa để giúp các em trở nên trong sạch nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúa đã phán: “Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”

“Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó” (GLGƯ 58:42–43).

Khi các em thú nhận và từ bỏ tội lỗi của mình thì Chúa sẽ tha thứ cho các em. Các em sẽ không phải giải trình với Ngài về các tội lỗi khi đến lúc các em được phán xét.

Nếu Tôi Không Thú Tội thì Sao?

Đôi khi một người sẽ ngừng làm điều sai nhưng không bao giờ thú nhận với vị giám trợ của mình, khi cần. Do đó người ấy một mình tiếp tục mang gánh nặng tội lỗi, thay vì để cho Đấng Cứu Rỗi cất đi gánh nặng ấy.

Tôi xin đưa ra một ví dụ. Một buổi tối cách đây một vài năm, tôi đã phỏng vấn những người lớn để gia hạn giấy giới thiệu đi đền thờ của họ. Một phụ nữ trung niên đến gặp tôi cho cuộc phỏng vấn của chị. Chị đã kết hôn trong đền thờ và suốt đời tích cực hoạt động trong Giáo Hội.

Tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn của chị. Trong khi diễn ra cuộc phỏng vấn, tôi nhận được một ấn tượng thuộc linh. Tôi nói với chị ấy: “Thưa chị, tôi có ấn tượng rằng chị đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng khi còn là một thiếu nữ mà chị đã không thú nhận với một vị lãnh đạo chức tư tế. Chị có sẵn sàng để nói cho tôi biết về điều đó không?”

Chị lập tức bắt đầu khóc. Chị ấy nói với tôi rằng quả thật như vậy, nhưng chị luôn luôn cảm thấy quá ngượng ngùng để thú tội với một vị giám trợ. Trong khi thú nhận điều mình đã làm, chị chia sẻ đầy đủ chi tiết cho tôi để xác định sự xứng đáng của chị.

Lời thú tội của chị với một vị lãnh đạo chức tư tế đánh dấu sự kết thúc tiến trình hối cải của chị thay vì là sự khởi đầu. Chị đã mang gánh nặng và nỗi buồn của tội lỗi đó một cách không cần thiết trong hơn 30 năm.

Vì chị ấy đã hoàn thành bước cuối cùng của sự hối cải nên tội lỗi của chị đã được tẩy sạch. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường thấy chị ấy sau buổi tối phỏng vấn đó. Vẻ mặt của chị trở nên sáng ngời, và chị trông vui vẻ.

Tôi muốn các em biết rằng tôi không nhớ tên của chị ấy. Chúa có thể loại bỏ những ký ức như vậy từ các giám trợ. Điều tôi nhớ là qua lời thú tội với vị lãnh đạo chức tư tế của chị, một phụ nữ trung niên đã được giải thoát khỏi cảm giác tội lỗi mà chị đã mang trong quá nhiều năm.

Xin đừng mắc phải lỗi lầm đó. Nếu các em có cảm nghĩ tội lỗi nhưng không chắc chắn là các em cần phải thú nhận với vị giám trợ không, thì hãy đi gặp ông. Hãy để ông giúp đỡ các em. Đừng liều lĩnh mang một gánh nặng không cần thiết trong suốt cuộc đời của các em, điều đó sẽ làm cho các em cảm thấy đau khổ. Qua lời thú tội của các em với vị giám trợ và sự hối cải của các em, Chúa sẽ nâng gánh nặng đó ra khỏi tâm hồn của các em (xin xem Ê Sai 1:18).

Tại Sao Tôi Cần Phải Hối Cải?

Hình Ảnh
A young woman seated across the desk from her bishop.

Chúa Giê Su Ky Tô đã trả giá cho các tội lỗi của tất cả nhân loại qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Ngài mời gọi các em phải hối cải và tránh nỗi buồn phiền và đau khổ thêm. “Hãy hối cải … bằng không thì nỗi đau khổ của ngươi sẽ lớn lao vô cùng–lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy. …

“Vậy nên một lần nữa, ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải, … và rằng ngươi phải thú nhận những tội lỗi của mình, kẻo ngươi phải chịu những hình phạt mà ta đã nói tới” (GLGƯ 19:15–17, 20).

Tôi làm chứng rằng qua nỗi đau khổ của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã trả giá cho tội lỗi của các em rồi. Các em có thể được tha thứ nếu các em hối cải. Đừng cố gắng trả giá cho tội lỗi của các em. Không có số lượng đau khổ nào của riêng các em sẽ cứu chuộc các em đâu; chỉ qua Sự Chuộc Tội các em mới nhận được sự tha thứ mà thôi.

Cầu xin cho các em sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi làm chứng rằng qua sự hối cải, kể cả lời thú tội với vị giám trợ của các em khi cần, thì các em sẽ trở nên trong sạch. Ngoài ra, nhờ ân điển của Đấng Cứu Rỗi—quyền năng làm cho có khả năng của Ngài—các em cũng có thể được củng cố trong khả năng của các em để chống lại cám dỗ trong tương lai. Vì vậy, các em sẽ có cảm giác yên tĩnh trong tâm hồn và hạnh phúc trong cuộc sống này, và các em sẽ thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.