2020
Phục Sự qua sách Hãy Đến Mà Theo Ta
Tháng Chín năm 2020


“Phục sự qua sách Hãy Đến Mà Theo Ta,” Liahona, tháng Chín năm 2020

Hình Ảnh
phục sự

Các Nguyên Tắc Phục Sự, tháng Chín năm 2020

Phục Sự qua sách Hãy Đến Mà Theo Ta

Làm thế nào mà tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta có thể giúp anh chị em tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của người khác?

Cho dù anh chị em học thánh thư cùng với gia đình mình, trong một lớp học Trường Chủ Nhật với tư cách là giảng viên hay học viên, hay là ở trường học, ở sở làm hay ở bất cứ nơi đâu, thì việc học tập thánh thư qua sách Hãy Đến Mà Theo Ta tạo ra rất nhiều cơ hội để phục sự người khác. Xét cho cùng thì việc giảng dạy có ý nghĩa “nhiều hơn là dẫn dắt một cuộc thảo luận vào ngày Chủ Nhật; nó bao gồm việc phục sự với tình yêu thương và ban phước cho người khác với phúc âm”1

Kết Nối với Các Học Viên

Khi Ofelia Trejo de Cárdenas được kêu gọi để giảng dạy các thành niên trẻ tuổi trong tiểu giáo khu Mexico City của chị, chị cảm thấy rằng việc có được mối quan hệ mật thiết với mỗi học viên trong lớp Trường Chủ Nhật của chị sẽ gia tăng khả năng của chị để giảng dạy và củng cố họ.

Chị nói: “Nếu tôi không có mối quan hệ mật thiết với các học viên của tôi và nếu họ không cảm thấy tình yêu thương của tôi, thì họ có thể không tin tưởng tôi khi tôi giảng dạy trong lớp hoặc chia sẻ chứng ngôn của tôi. “Họ có thể cảm thấy rằng tôi chỉ là một giảng viên của Trường Chủ Nhật thôi.”

Vậy thì làm thế nào Chị Cárdenas tạo ra được mối quan hệ như thế khi mà chị chỉ dạy hai tuần một lần? Chị tìm thấy câu trả lời qua công nghệ. Sử dụng ứng dụng điện thoại di động WhatsApp, chẳng mấy chốc chị và các học viên của chị đã kết nối mỗi ngày bằng tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại. Bây giờ, mỗi ngày trước buổi học kế tiếp của Trường Chủ Nhật, một học viên trong lớp tình nguyện gửi cho các học viên khác một câu thánh thư từ bài học kế tiếp kèm theo ý nghĩ liên quan của riêng cá nhân. Sau khi đọc câu thánh thư và ý nghĩ, các học viên trả lời với ý nghĩ của riêng họ.

Chị Cárdenas nói: “Khi họ đọc thánh thư, họ gửi một hình gương mặt vui vẻ để cho tôi biết rằng họ đã đọc hoặc học câu thánh thư đó và họ đã suy nghĩ về câu đó. Đến lúc diễn ra bài học kế tiếp của ngày Chủ Nhật, các học viên đều đã sẵn sàng để tham dự.

Gần đây, sự kết nối hằng ngày này đã ban phước cho một người thành niên trẻ tuổi có cha mẹ không tích cực trong Giáo Hội.

“Tôi rất thích khi thấy em ấy tới nhà thờ vì tôi biết rằng để đến được nhà thờ, em ấy phải trải qua một số thử thách,” Chị Cárdenas nói. “Tôi chắc rằng những câu thánh thư và ý nghĩ mà các bạn trong lớp của em ấy gửi ra và các câu thánh thư cũng như những ý nghĩ mà em ấy đã gửi ra khi đến lượt em ấy đã củng cố em ấy rất nhiều.”

Chị Cárdenas nói rằng việc phục sự qua thánh thư không ngừng lại với buổi học ngày Chủ Nhật của chị và sự kết nối với thánh thư hằng ngày của lớp học của chị.

Chị nói: “Sự chuẩn bị của tôi gồm có cầu nguyện cho các học viên của tôi. Tôi không chỉ nghĩ đến họ vào ngày Chủ Nhật mà còn cả mỗi ngày trong tuần nữa. Mỗi học viên đều có những nhu cầu cụ thể và khác nhau. Mỗi em đều là con của Thượng Đế. Tôi nghĩ về các em ấy trong khi tôi chuẩn bị bài học.”

Và khi chị giảng dạy, chị lắng nghe—cả các học viên của chị lẫn Đức Thánh Linh.

“Giảng viên là Thánh Linh,” là điều mà chị thường nghe học viên của mình nói thế. “Tôi phải chú ý vì những gì mà các em ấy nói là sự mặc khải mà Thánh Linh ban cho họ.”

Lớp Học của Chúng Tôi “Giống Như Buổi Họp Tối Gia Đình”

Carla Gutiérrez Ortega Córdoba cảm thấy có phước được là thành viên trong Lớp Trường Chủ Nhật của Chị Cárdenas vì môi trường dưỡng dục và phục sự của lớp học. Carla quy cho môi trường như thế là nhờ một vài yếu tố, gồm có:

  • Chuẩn bị: Việc chia sẻ thánh thư và chia sẻ ý nghĩ giúp các học viên chuẩn bị cho buổi học kế tiếp. Chị giải thích: “Thánh thư nuôi dưỡng chúng tôi hằng ngày và mở mang sự hiểu biết của chúng tôi.”

  • Tham Gia: “Chúng tôi đều nói. Làm như thế cho phép tôi biết rõ các bạn cùng lớp của tôi hơn, như là bạn bè, anh em và chị em.”

  • Tình Yêu Thương: “Chị Cárdenas nắm lấy tay tôi. Lớp học của chúng tôi giống như là buổi họp tối gia đình, với một vài anh em và chị em. Nó rất đặc biệt.”

  • Đức Thánh Linh: “Chúng tôi có một tinh thần thoải mái, ấm cúng trong lớp học vì chúng tôi đều ở trong vị thế mà Thánh Linh có thể hiện diện.”

  • Chứng Ngôn: “Sách Hãy Đến Mà Theo Ta đã giúp tôi chuẩn bị sẵn sàng để chia sẻ chứng ngôn của tôi. Tôi có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về Sách Mặc Môn và Kinh Thánh. Điều đó cho phép tôi chia sẻ những gì tôi đang học được với các bạn cùng lớp ở trường và mọi người ở nơi làm việc.”

Phục Sự cho Những Nhu Cầu Thuộc Linh

Khi Greg và Nicky Christensen, sống ở Kentucky, Hoa Kỳ, đọc về giao ước Áp Ra Ham trong thánh thư cùng với ba đứa con của họ, thì họ thấy thật là khó để giải thích cho chúng. Gia đình họ quyết định là mỗi người sẽ tự mình học về giao ước Áp Ra Ham rồi sau đó chia sẻ những gì họ tìm được.

Greg nói: “Chúng tôi có những nhận xét rất thú vị.” “Đứa con tám tuổi của chúng tôi học được rằng cái tên Áp Ra Ham từng được gọi là Áp Ram. Tên của ông được đổi thành Áp Ra Ham vì ông đã hứa với Chúa là ông sẽ rời bỏ tội lỗi và sống một cuộc sống ngay chính. Tôi thật sự ngạc nhiên là nó có thể có được nhận xét như thế.”

Các con tôi đều học được một điều gì đó mới mẻ và có một cuộc thảo luận bổ ích về giao ước Áp Ra Ham là gì và ý nghĩa của giao ước đó đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau hiện nay.

Nicky nói: “Trước đây, trong lúc học thánh thư chung với gia đình, chúng tôi chỉ thay phiên nhau đọc các câu thánh thư. Sách Hãy Đến Mà Theo Ta đang hướng chúng tôi đến việc giảng dạy bằng Thánh Linh. Bây giờ, khi chúng tôi cùng học với nhau, tôi cảm thấy có sự thúc giục nho nhỏ từ Thánh Linh để dẫn dắt cuộc thảo luận của chúng tôi sang một hướng khác tùy theo nhu cầu của gia đình chúng tôi.”

Việc sử dụng sách Hãy Đến Mà Theo Ta không những đã giúp gia đình họ tham gia và quan tâm nhiều hơn đến việc học phúc âm chung với gia đình, mà nó còn giúp Greg và Nicky phục sự cho những nhu cầu thuộc linh của con cái họ.

Hãy Đến Mà Theo Ta giúp tôi giảng dạy cho con cái tôi,” Nicky nói. “Nó cũng giúp tôi đối phó với những thử thách khác nhau mà tôi thỉnh thoảng gặp phải với con cái tôi. Tôi cảm thấy hòa hợp với Thánh Linh hơn, tôi lắng nghe kỹ hơn, và tôi đã nhận được những sự thúc giục về cách để giúp đỡ mỗi đứa con của tôi.”

Greg yêu thích những cuộc thảo luận dài về phúc âm mà sách Hãy Đến Mà Theo Ta giúp tạo ra trong gia đình anh ấy. Anh nói: “Các con trai của chúng tôi có mức độ hiểu biết khác nhau về phúc âm.”. “Sách Hãy Đến Mà Theo Ta đã cung ứng cách thức để cho chúng tôi giúp đỡ từng đứa con của mình dựa vào nhu cầu của chúng. Việc thấy chúng phát triển tình yêu mến đối với phúc âm và chứng kiến chúng tìm cách để áp dụng sự hiểu biết phúc âm trong cuộc sống của chúng thật là một phước lành tuyệt diệu.”

Ghi Chú

  1. Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2019), trang 19.