Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ
Tôi Là một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Một năm 2024


“Tôi Là một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Một năm 2024.

Chủ Đề Giới Trẻ năm 2024

Tôi Là một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô

Các em có thể noi theo Đấng Cứu Rỗi và rao truyền lời của Ngài cho người khác.

Hình Ảnh
Logo Chủ Đề Giới Trẻ năm 2024

Các em có bao giờ tự hỏi, sau khi chữa lành cho mọi người, tại sao Chúa Giê Su lại phán bảo một số người trong số họ đừng nói cho ai biết không (xin xem Mác 7:36)? Một lý do có thể là liên quan đến kiểu mẫu tín đồ mà Ngài cần. Các em có thể nghĩ rằng nếu người ta nói về sự chữa lành của họ thì điều đó sẽ là một cách tốt để Chúa Giê Su thu hút những tín đồ. Tuy nhiên, Chúa Giê Su không chỉ đơn thuần cần những tín đồ. Ngài cần các môn đồ.

Chúa Giê Su phán cùng Phi E Rơ và Anh Rê: “Các ngươi hãy theo ta” (Ma Thi Ơ 4:19). Bản dịch Joseph Smith này có ghi: “Ta là Đấng mà các vị tiên tri đã ghi chép về Ngài; hãy theo ta” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 4:18 [trong Ma Thi Ơ 4:19, cước chú a]). Lời mời không phải là đi chơi với Ngài trong một thời gian. Ngài muốn họ trở thành môn đồ của Ngài mãi mãi.

Ngài không chỉ muốn họ xem Ngài giảng dạy dân chúng, yêu thương mọi người, và thực hiện các phép lạ. Ngài muốn họ cũng làm như vậy. Ngài muốn công việc của Ngài trở thành công việc của họ. Việc chọn Đấng Ky Tô có nghĩa là họ sẽ học cách phục vụ như Ngài đã phục vụ và suy nghĩ giống như Ngài. Họ sẽ tập sống như Ngài đã sống, và Ngài sẽ giảng dạy cho họ và ban cho họ sự giúp đỡ họ cần để trở nên giống như Ngài hơn.

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô

Từ môn đồ trong tiếng Hy Lạp là mathetes. Từ này có nhiều ý nghĩa hơn là tín đồ hoặc học viên. Từ này thường được dịch là người học việc. Trong thời của Đấng Ky Tô, các môn đồ thường chọn người thầy mà họ muốn học hỏi với ý định chính để họ trở thành những người thầy. Đấng Ky Tô đã không làm theo lối thực hành tiêu biểu đó. Thay vì thế, Ngài làm ngược lại và tìm kiếm các môn đồ của Ngài. Ngày nay, Đấng Ky Tô kêu gọi chúng ta đến cùng Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta làm môn đồ của Ngài và rao truyền lời của Ngài ở giữa dân Ngài để họ có thể có được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 3 Nê Phi 5:13).

Một thiếu nữ đến từ Haiti ở Vùng Biển Caribbean đã thể hiện ước muốn của mình để làm môn đồ của Đấng Ky Tô bằng cách mời người bạn của em mà không phải là tín hữu của Giáo Hội đi cùng với em ấy đến một đại hội FSY. Thoạt đầu, cha của bạn ấy không muốn cho phép con gái của mình đi. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã giải thích về những kinh nghiệm tích cực sẽ có và các cố vấn thành niên trẻ tuổi tuyệt vời là những người sẽ trông nom em ấy. Người cha đã cho phép con gái của mình tham dự, và sau khi nhận thấy sự khác biệt trong cuộc sống của em ấy, ông cũng cho phép em ấy tham dự các buổi họp của Giáo Hội và—sáu tháng sau—chịu phép báp têm.

Một thanh niên từ Argentina ở Nam Mỹ đã thể hiện ước muốn của mình để làm môn đồ của Đấng Ky Tô bằng cách chia sẻ một ít kẹo của mình với một người bạn khi họ đi xe buýt đến trường. Khi cậu ấy cầm lên một viên kẹo có hương vị cà phê, cậu ấy giải thích rằng mình chẳng hề thích nếm hương vị đó vì không có ai trong gia đình của cậu ấy uống cà phê. Điều đó dẫn đến một cuộc trò chuyện về Giáo Hội, mà dẫn đến một lời mời đến các buổi họp, và cuối cùng dẫn đến việc người bạn của cậu gia nhập Giáo Hội và phục vụ truyền giáo ở Chile.

Không phải tất cả mọi người mà các em nói chuyện về Giáo Hội hoặc mời đến một sinh hoạt của Giáo Hội đều sẽ muốn tham gia. Điều đó là BÌNH THƯỜNG. Không phải tất cả mọi người mà Đấng Ky Tô đã nói chuyện trong suốt giáo vụ trần thế của Ngài đều tham gia. Tuy nhiên, khi chúng ta chọn làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và rao truyền lời của Ngài, Ngài sẽ ban cho chúng ta lòng can đảm và sự giúp đỡ thiêng liêng. Chúng ta sẽ học cách trở nên giống như Ngài hơn, và đó là điều mà các môn đồ làm.