2010–2019
Sự Tin Cậy Kiên Định và Kiên Cường
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


Sự Tin Cậy Kiên Định và Kiên Cường

Việc tin tưởng nơi Thượng Đế bao gồm cả việc tin tưởng vào thời gian của Ngài và đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Đứa con trai Dan của chúng tôi đã bị bệnh nặng khi đang phục vụ truyền giáo ở Châu Phi và được đưa đến một cơ sở y tế với trang thiết bị hạn chế. Khi đọc bức thư đầu tiên nó gửi về sau khi bị bệnh, chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ rất chán nản, nhưng trái lại, nó đã viết: “Ngay cả khi nằm trong phòng cấp cứu, con vẫn thấy bình an. Con chưa bao giờ hạnh phúc một cách kiên định và kiên cường như vậy trong cuộc đời con.”

Khi đọc những lời này, vợ chồng tôi đã rất xúc động. Hạnh phúc một cách kiên định và kiên cường. Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy hạnh phúc được mô tả như vậy, nhưng lời của nó dường như đúng. Chúng tôi biết rằng niềm hạnh phúc mà nó mô tả không chỉ là niềm vui hay tâm trạng cao trào mà là sự bình an và niềm vui đến khi chúng ta phó thác bản thân mình cho Chúa và đặt sự tin tưởng nơi Ngài trong tất cả mọi việc.1 Chúng ta cũng có những lúc như thế trong cuộc sống của mình khi Thượng Đế đã phán sự bình an vào tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta hy vọng nơi Đấng Ky Tô, kể cả khi cuộc sống khó khăn và vô định.2

Lê Hi đã dạy rằng nếu A Đam và Ê Va không sa ngã thì “họ ở mãi trong trạng thái ngây thơ, không có sự vui sướng, vì họ đâu biết sự khổ sở; …

“Nhưng này, mọi sự việc đã được thực hiện theo sự thông sáng của Đấng thông hiểu mọi sự việc.

“A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui.”3

Nghịch lý thay, những nỗi đau khổ và buồn rầu chuẩn bị chúng ta để có được niềm vui nếu chúng ta tin cậy vào Chúa và kế hoạch của Ngài dành cho chúng ta. Lẽ thật này được một nhà thơ ở thế kỷ 13 diễn tả rất hay: “Sự buồn rầu dẫn lối ta đến niềm vui. Nó xua đi những thứ không cần thiết, để niềm vui có chỗ tràn vào. Nó lay rụng những chiếc lá úa của lòng ta, để những chiếc lá xanh non nảy nở. Nó nhổ lên những chiếc rễ mục, để rễ mới ẩn bên dưới có chỗ lan tràn. Những gì sự buồn rầu lấy đi khỏi chúng ta, thì những điều tốt lành sẽ thay thế vào.”4

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Niềm vui mà Đấng Cứu Rỗi ban cho [chúng ta] … là liên tục, bảo đảm với chúng ta rằng ‘những nỗi thống khổ [của chúng ta] sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi’ [Giáo Lý và Giao Ước 121:7] và là nhằm cho sự lợi ích của chúng ta.”5 Những thử thách và nỗi thống khổ của chúng ta có thể nhường chỗ cho niềm vui lớn lao hơn.6

Tin lành của phúc âm không chỉ là lời hứa về một cuộc sống không có đau khổ và hoạn nạn mà còn là một cuộc sống đầy mục đích và ý nghĩa—một cuộc sống mà những sự buồn rầu và đau khổ của chúng ta có thể “bị nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”7 Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”8 Phúc âm của Ngài là một sứ điệp về niềm hy vọng. Sự buồn rầu kết hợp với niềm hy vọng nơi Chúa Giê Su Ky Tô chứa đựng lời hứa về niềm vui lâu dài.

Câu chuyện về cuộc hành trình của dân Gia Rết đến vùng đất hứa có thể được sử dụng như một phép ẩn dụ cho cuộc hành trình của chúng ta trên trần thế. Chúa đã hứa với anh của Gia Rết và dân của ông rằng Ngài sẽ “đi trước dẫn đường cho [họ] tới một vùng đất chọn lọc hơn hết thảy mọi vùng đất khác trên thế gian này.”9 Ngài truyền lệnh cho họ đóng những chiếc thuyền, và họ nghe lời đi đóng thuyền theo sự hướng dẫn của Chúa. Tuy nhiên, khi công việc tiến triển, anh của Gia Rết đã bày tỏ lo lắng rằng thiết kế của Chúa cho những chiếc thuyền là chưa đủ. Ông đã kêu lên:

“Hỡi Chúa, con đã hoàn thành công việc Ngài truyền lệnh cho con. Con đã đóng xong những chiếc thuyền theo như Ngài đã chỉ dẫn con.

“Và này, thưa Chúa, trong thuyền không có ánh sáng.”10

“Này, thưa Chúa, Ngài chịu để cho chúng con phải vượt biển cả trong bóng tối sao?”11

Anh chị em đã bao giờ dâng hết tâm hồn mình lên Thượng Đế như thế chưa? Khi việc cố gắng sống như Chúa truyền lệnh và những kỳ vọng ngay chính không được đáp ứng, liệu anh chị em có từng nghĩ rằng mình phải trải qua cuộc sống này mà không có sự hướng dẫn của Chúa chưa?12

Sau đó, anh của Gia Rết đã bày tỏ một nối lo lắng còn lớn lao hơn về khả năng sống sót của họ trong những chiếc thuyền. Ông nói: “Và hơn nữa chúng con sẽ chết vì trong thuyền chúng con không thể thở được, trừ phần không khí có sẵn trong thuyền.”13 Những khó khăn trong cuộc sống có từng làm cho anh chị em cảm thấy ngột ngạt và khiến anh chị em tự hỏi liệu mình có thể vượt qua ngày hôm nay, chứ đừng nói đến việc trở về ngôi nhà thiên thượng, chưa?

Sau khi Chúa giúp anh của Gia Rết giải quyết tất cả những nỗi lo lắng của ông, Ngài đã giải thích: “Các ngươi không thể vượt qua vực sâu này, nếu ta không chuẩn bị [một cách thức] cho các ngươi chống lại những đợt sóng của biển cùng những trận gió thổi tới và những trận lụt dâng lên.”14

Chúa đã nói rõ rằng dân Gia Rết hoàn toàn không thể nào đến được vùng đất hứa nếu không có Ngài. Họ không nắm quyền kiểm soát, và cách duy nhất họ có thể vượt qua vực sâu là đặt niềm tin của họ nơi Ngài. Những kinh nghiệm và sự chỉ bảo từ Chúa dường như đã làm gia tăng đức tin của anh của Gia Rết và củng cố sự tin cậy của ông nơi Chúa.

Hãy để ý cách mà những lời cầu nguyện của ông thay đổi từ những câu hỏi và nỗi lo lắng thành sự bày tỏ đức tin và sự tin tưởng:

“Và hỡi Chúa, con biết Ngài là Đấng toàn năng, và Ngài có thể làm tất cả những gì Ngài muốn vì lợi ích cho loài người; …

“Này, thưa Chúa, Ngài có thể làm được việc này. Chúng con biết Ngài có thể biểu lộ quyền năng lớn lao trong những việc mà đối với sự hiểu biết của loài người cho là nhỏ bé.”15

Biên sử ghi chép lại rằng dân Gia Rết sau đó “bèn lên thuyền … rồi tiến ra khơi, và phó mặc mạng sống mình cho Chúa, Thượng Đế của họ.”16 Phó mặc có nghĩa là giao phó. Dân Gia Rết đã không lên thuyền vì họ biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong cuộc hành trình của họ. Họ đã lên thuyền vì họ biết tin tưởng nơi quyền năng, sự tốt lành, và lòng thương xót của Chúa, và họ sẵn lòng giao phó bản thân mình và bất kỳ sự nghi ngờ hay sợ hãi nào mà họ có thể có cho Chúa.

Gần đây, đứa cháu trai Abe của chúng tôi cảm thấy sợ không muốn cưỡi những con thú đu quay mà di chuyển lên xuống. Nó thích những con không di chuyển hơn. Bà của nó cuối cùng cũng thuyết phục được nó rằng đu quay rất an toàn nên nó đã lên cưỡi với lòng tin nơi bà. Sau đó, nó đã nói với một nụ cười rất tươi: “Cháu không cảm thấy an toàn, nhưng cháu thật sự an toàn.” Có lẽ, những người dân Gia Rết đã cảm thấy như vậy. Việc tin cậy Thượng Đế có thể không phải lúc nào cũng cảm thấy an toàn vào lúc ban đầu, nhưng niềm vui sẽ đi theo.

Hình Ảnh
Abe ở trên đu quay

Cuộc hành trình đã không hề dễ dàng đối với những người dân Gia Rết. “Họ đã nhiều lần bị chôn vùi dưới đáy biển sâu, vì những đợt sóng cao như núi chụp lên thuyền họ.”17 Và biên sử ghi chép lại rằng: “gió không ngớt thổi [họ] hướng về đất hứa.”18 Thật khó hiểu, đặc biệt là vào những lúc trong cuộc sống của chúng ta khi mà những cơn gió thổi mạnh và biển động, nhưng chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng Thượng Đế, với lòng nhân từ vô biên của Ngài, luôn giúp chúng ta hướng về ngôi nhà thiên thượng.

Biên sử tiếp tục ghi chép: “Họ trôi giạt đi; và không một con thủy quái nào làm vỡ thuyền họ được, ngay cả cá voi cũng không làm hại họ được; và họ luôn luôn có ánh sáng, dù khi thuyền ở trên mặt nước hay ở dưới mặt nước.”19 Chúng ta sống trong một thế giới mà những đợt sóng cao của sự chết chóc, sự đau ốm về thể chất và tâm thần, và tất cả những thử thách và đau khổ đè ập lên chúng ta. Nhưng qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và việc chọn tin tưởng nơi Ngài, thì chúng ta cũng có thể luôn luôn có được sự hướng dẫn của Ngài trong những lúc tốt đẹp hay khó khăn. Chúng ta có thể có sự bảo đảm rằng Thượng Đế không bao giờ ngừng giúp đỡ chúng ta tiến triển đến ngôi nhà thiên thượng của chúng ta.

Trong khi bị chao đảo trong thuyền, dân Gia Rết “đã hát lên những lời ca ngợi Chúa; … và [họ] tạ ơn và ca ngợi Chúa suốt ngày; và khi đêm xuống, họ cũng không ngừng ca ngợi Chúa.”20 Họ đã cảm thấy niềm vui và sự cảm tạ ngay cả trong những khổ đau của mình. Họ chưa đến được vùng đất hứa, nhưng họ vẫn vui mừng trong phước lành được hứa nhờ sự tin cậy kiên địnhkiên cường của họ nơi Ngài.21

Dân Gia Rết đã trôi dạt trên mặt nước trong 344 ngày.22 Các anh chị em có thể tưởng tượng được điều đó không? Việc tin tưởng nơi Thượng Đế bao gồm cả việc tin tưởng vào thời gian của Ngài và đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.23

Cuối cùng, dân Gia Rết đã “đến được bờ biển đất hứa. Và khi vừa đặt chân lên bờ biển đất hứa, họ liền cúi rạp sát mặt đất, và biết hạ mình trước mặt Chúa, và rơi lụy vì sung sướng trước mặt Chúa, vì Ngài đã ban cho họ biết bao lòng thương xót dịu dàng của Ngài.”24

Nếu chúng ta trung tín tuân giữ các giao ước của mình thì một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ trở về nhà an toàn và cúi đầu trước Chúa, và rơi những giọt nước mắt vui mừng vì vô số những sự thương xót dịu dàng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, kể cả những nỗi đau khổ mà đã dành chỗ cho nhiều niềm vui hơn.25

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta giao phó bản thân mình cho Chúa cùng kiên định và kiên cường tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những mục đích thiêng liêng của Ngài trong cuộc sống của chúng ta thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sự đảm bảo, phán sự bình an vào tâm hồn chúng ta, và giúp chúng ta “hy vọng vào sự giải thoát nơi Ngài.”26

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui.27 Ân điển của Ngài là đủ, và Ngài có quyền lực để giải cứu.28 Ngài là sự sáng, sự sống, và hy vọng của thế gian.29 Ngài sẽ không để chúng ta phải bị diệt vong.30 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.