2009
Giảng Dạy Giáo Lý Chân Chính
Tháng Tư năm 2009


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn

Giảng Dạy Giáo Lý Chân Chính

Hình Ảnh
President Henry B. Eyring

Có một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa điều tốt và điều xấu, kể từ khi thế gian được tạo dựng. Cuộc chiến vẫn còn diễn ra ác liệt, và số thương vong dường như đang gia tăng. Tất cả chúng ta đều có những người trong gia đình mà chúng ta yêu thương bị vùi dập bởi các lực lượng của kẻ phá hoại, là kẻ sẽ làm cho tất cả con cái của Thượng Đế khổ sở. Đối với nhiều người chúng ta, thì có những đêm không ngủ. Chúng ta đã cố gắng gia tăng mọi sức mạnh tốt lành mà chúng ta có thể có được vào các lực lượng đang vây quanh những người đang trong cơn nguy khốn. Chúng ta đã yêu thương họ. Chúng ta đã nêu tấm gương tốt nhất mà chúng ta có thể có. Chúng ta đã khẩn nài trong lời cầu nguyện cho họ. Cách đây rất lâu, có một vị tiên tri khôn ngoan đã đưa ra cho chúng ta lời khuyên về một sức mạnh khác mà đôi khi chúng ta có thể đánh giá thấp và do đó rất ít sử dụng sức mạnh đó.

An Ma là người lãnh đạo một dân tộc đang đối phó với sự hủy diệt của những kẻ thù hung bạo. Trước cơn nguy khốn đó, ông đã không thể làm hết mọi việc, nên ông đã phải chọn lựa. Ông đã có thể xây dựng các pháo đài hoặc huấn luyện các đạo quân hay chế tạo vũ khí. Nhưng hy vọng duy nhất của ông để chiến thắng là nhận được sự giúp đỡ của Thượng Đế, và vì thế ông biết rằng dân chúng cần phải hối cải. Vậy nên trước hết ông đã chọn làm thử một điều thuộc linh: “Và bấy giờ, vì việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ điều gì khác, đã xảy đến cho họ—vậy nên, An Ma nghĩ rằng họ cần phải thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế” (An Ma 31:5).

Mở Rộng Tâm Trí

Lời của Thượng Đế là giáo lý đã được Chúa Giê Su Ky Tô và các vị tiên tri của Ngài giảng dạy. An Ma biết rằng những lời giáo lý đó có được quyền năng lớn lao. Những lời này có thể mở rộng tâm trí của dân chúng để thấy được những sự việc thuộc linh mà không thể thấy được bằng con mắt trần. Và họ có thể mở rộng lòng để đón nhận những tình cảm yêu thương của Thượng Đế và tình yêu mến lẽ thật. Đấng Cứu Rỗi sử dụng cả hai nguồn sức mạnh đó để mở mắt và mở lòng chúng ta, trong tiết 18 sách Giáo Lý và Giao Ước khi Ngài giảng dạy giáo lý của Ngài cho những người mà Ngài muốn họ phục vụ Ngài với tư cách là những người truyền giáo. Khi các anh chị em lắng nghe, hãy nghĩ về người thiếu niên đó trong gia đình mình giờ đây đang lưỡng lự trong việc tự chuẩn bị cho một công việc truyền giáo. Đây là cách mà Đức Thầy đã giảng dạy hai trong số các tôi tớ của Ngài và cách mà các anh em có thể giảng dạy giáo lý của Ngài cho người thiếu niên mà các anh em yêu mến:

“Và giờ đây, hỡi Oliver Cowdery, ta nói với ngươi và luôn cả David Whitmer, bằng giáo lệnh; vì này, ta truyền lệnh cho tất cả mọi người ở khắp nơi phải hối cải; và ta nói với các nguơi, giống như ta nói với Phao Lô, sứ đồ của ta vậy, vì các ngươi được kêu gọi cũng cùng một chức vụ mà hắn đã được kêu gọi.

“Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (GLGƯ 18:9–10).

Ngài bắt đầu bằng cách nói rằng Ngài tin cậy họ biết bao. Rồi Ngài thu hút lòng họ lại cùng Ngài bằng cách nói rằng Cha Ngài và Ngài yêu thương mọi người biết bao. Rồi Ngài nói đến nền tảng của giáo lý Ngài. Ngài mô tả việc chúng ta có biết bao chính nghĩa để yêu mến Ngài:

“Vì này, Chúa, Đấng Cứu Chuộc của các ngươi, đã chịu chết trong xác thịt; do đó Ngài đã chịu sự đau đớn của tất cả mọi người, để cho tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài.

“Và Ngài đã từ cõi chết sống lại, để Ngài có thể dẫn tất cả mọi người về cùng Ngài, qua những điều kiện của sự hối cải.

“Và sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải!” (GLGƯ 18:11–13).

Sau khi đã đưa ra giáo lý về sứ mệnh của Ngài để mở rộng lòng của họ, Ngài ban cho họ lệnh truyền của Ngài: “Vậy nên các ngươi được kêu gọi để đi rao truyền sự hối cải cho dân này” (GLGƯ 18:14).

Cuối cùng, Ngài mở mắt của họ ra để họ thấy được bên kia bức màn che. Ngài mang họ và chúng ta đến một cuộc sống tương lai, đã được mô tả trong kế hoạch cứu rỗi vĩ đại, nơi mà chúng ta có thể sống ở đó. Ngài phán bảo chúng ta về những mối giao hảo tuyệt vời, đáng hy sinh để vui hưởng:

“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!” (GLGƯ 18:15–16).

Trong một vài đoạn đó, Ngài giảng dạy giáo lý để mở rộng lòng của chúng ta cho tình yêu thương của Ngài. Và Ngài giảng dạy giáo lý để mở mắt cho chúng ta nhằm thấy tính xác thật thuộc linh, mà vô hình đối với bất cứ tâm trí nào mà không được Thánh Linh Lẽ Thật soi sáng.

Chúng Ta Cần Phải Giảng Dạy Như Thế Nào

Sự cần thiết để mở rộng đôi mắt và tấm lòng cho chúng ta biết cách mà chúng ta cần phải giảng dạy giáo lý. Giáo lý đạt được quyền năng của nó khi Đức Thánh Linh xác nhận rằng giáo lý đó là chân chính. Chúng ta làm hết khả năng của mình để chuẩn bị cho những người mà chúng ta giảng dạy để nhận được những thúc giục âm thầm của tiếng nói êm nhẹ. Điều đó cần phải có một chút ít đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó cần phải có một chút ít sự khiêm nhường, một chút ít sự sẵn lòng để tuân phục ý muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Người mà các anh chị em sẽ giúp đỡ có thể có một ít đức tin hoặc sự khiêm nhường, nhưng các anh chị em có thể khuyến khích để người ấy muốn tin. Hơn thế nữa, các anh chị em có thể nói về sự tin tưởng của người khác về quyền năng của giáo lý. Lẽ thật có thể chuẩn bị đường lối cho một người chấp nhận lẽ thật đó. Chỉ cần nghe những lời giáo lý cũng có thể gieo vào lòng hạt giống đức tin. Và ngay cả một hạt giống đức tin nhỏ nơi Chúa Giê Su Ky Tô cũng mời gọi Thánh Linh được.

Chúng ta kiểm soát được sự chuẩn bị của riêng mình hơn. Chúng ta nuôi dưỡng lời của Thượng Đế trong thánh thư và học hỏi những lời của các vị tiên tri tại thế. Chúng ta nhịn ăn và cầu nguyện để mời gọi Thánh Linh đến với chúng ta và người mà chúng ta sẽ giảng dạy.

Vì chúng ta cần Đức Thánh Linh, chúng ta cần phải thận trọng và cẩn thận đừng đi xa khỏi việc giảng dạy giáo lý chân chính. Đức Thánh Linh là Thánh Linh Lẽ Thật. Những sự xác nhận của Ngài được mời gọi bằng cách chúng ta tránh sự suy đoán hoặc sự giải thích cá nhân. Điều đó có thể khó làm. Các anh chị em yêu thương người mà mình đang cố gắng ảnh hưởng. Người ấy có thể không để ý đến giáo lý đã nghe được trước đó. Rất dễ bị cám dỗ để thử một điều gì đó mới mẻ hoặc khác lạ. Nhưng chúng ta mời gọi Đức Thánh Linh với tư cách là bạn đồng hành của mình khi chúng ta cẩn thận chỉ giảng dạy giáo lý chân chính mà thôi.

Một trong những cách thức chắc chắn nhất để tránh ngay cả việc gần đề cập đến giáo lý sai lầm là chọn điều giản dị trong sự giảng dạy của chúng ta. Sự an toàn có được nhờ vào sự giản dị đó, thì sẽ không bị sai lạc nhiều. Chúng ta biết điều đó vì Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo chúng ta phải giảng dạy giáo lý quan trọng nhất cho các trẻ nhỏ. Hãy lắng nghe lệnh truyền của Ngài: “Và lại nữa, nếu những bậc cha mẹ trong Si Ôn, hay ở trong bất cứ một giáo khu nào của Si Ôn đã được tổ chức, có con cái đã lên tám tuổi mà không dạy chúng biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô; Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh bởi phép đặt tay, thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy” (GLGƯ 68:25).

Chúng ta có thể giảng dạy ngay cả cho một đứa trẻ để nó hiểu giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Vì vậy việc giảng dạy giáo lý cứu rỗi một cách giản dị với sự giúp đỡ của Thượng Đế là điều có thể thực hiện được.

Hãy Bắt Đầu Sớm

Chúng ta có cơ hội lớn nhất đối với trẻ em. Thời gian tốt nhất để giảng dạy là bắt đầu sớm, trong khi trẻ em còn chưa bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ của kẻ thù hữu diệt của chúng và rất lâu trước khi những lời của lẽ thật có thể khó khăn hơn đối với chúng để lắng nghe trong khi chúng đang có những khó khăn riêng của mình.

Một người cha, mẹ sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội để quy tụ con cái lại để học hỏi về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Những giây phút như vậy là rất hiếm khi so sánh với các nỗ lực của kẻ nghịch thù. Đối với mỗi giờ mà quyền năng của giáo lý được đưa vào cuộc sống của một đứa trẻ, thì có lẽ có hằng trăm giờ với những thông điệp và hình ảnh chối bỏ hoặc làm ngơ các lẽ thật cứu rỗi.

Vấn đề không phải là việc chúng ta quá mệt mỏi để chuẩn bị giảng dạy giáo lý hoặc là điều tốt hơn để kéo một đứa con lại gần hơn qua sự vui đùa hoặc đứa con đang bắt đầu nghĩ rằng chúng ta thuyết giảng quá nhiều. Vấn đề phải là: “Với thời giờ quá ít ỏi và cơ hội quá hiếm hoi như vậy, thì những lời của giáo lý do tôi nói ra sẽ củng cố chúng chống lại những sự tấn công đức tin của chúng mà chắc chắn sẽ đến không?” Những lời mà các anh em thốt ra ngày hôm nay có thể là những lời mà chúng sẽ ghi nhớ. Và ngày hôm nay rồi sẽ chóng qua đi.

Năm tháng trôi qua, chúng ta làm hết khả năng của mình để giảng dạy giáo lý, tuy nhiên sẽ có một số người vẫn không đáp ứng. Có nỗi đau buồn trong việc đó. Nhưng có hy vọng trong đoạn thánh thư ghi chép về gia đình. Hãy nghĩ về An Ma Con và Ê Nót. Trong những giây phút khủng hoảng của mình, họ đã nhớ đến những lời của cha họ, những lời về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Ê Nót 1:1–4; An Ma 36:16–19). Điều đó đã cứu họ. Lời giảng dạy của các anh em về giáo lý thiêng liêng đó sẽ được ghi nhớ.

Những Tác Dụng Dài Lâu của Việc Giảng Dạy

Hai nỗi ngờ vực có thể len vào trong tâm trí của các anh chị em. Các anh chị em có thể tự hỏi mình có biết giáo lý giỏi, đủ để giảng dạy giáo lý đó không. Và nếu đã cố gắng giảng dạy giáo lý đó, thì các anh em có thể tự hỏi tại sao các anh em không thể thấy nhiều hiệu quả tốt.

Trong gia đình tôi, có câu chuyện về một thiếu nữ đã có can đảm để bắt đầu giảng dạy giáo lý khi bà chỉ là một người mới cải đạo với chút ít học thức. Sự kiện mà những hiệu quả về sự giảng dạy của bà đã không kết thúc mang đến cho tôi lòng kiên nhẫn để chờ đợi những kết quả của các nỗ lực của mình.

Mary Bommeli là bà cố của tôi. Tôi chưa hề gặp bà. Cháu ngoại gái của bà đã nghe bà kể câu chuyện của bà và đã ghi xuống câu chuyện đó.

Mary sinh vào năm 1830. Những người truyền giáo giảng dạy gia đình của bà ở Thụy Sĩ khi bà 24 tuổi. Bà vẫn còn sống ở nhà, dệt vải và bán vải để giúp nuôi sống gia đình mình trong một nông trại nhỏ của họ. Khi gia đình của bà nghe giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, họ biết giáo lý đó là chân chính. Họ chịu phép báp têm. Các anh em của Mary được kêu gọi đi truyền giáo, mà không có túi hành trang hay tiền bạc. Những người còn lại trong gia đình bán tài sản của họ để đi đến Châu Mỹ quy tụ với Các Thánh Hữu.

Không đủ tiền cho tất cả mọi người đi. Mary tình nguyện ở lại vì bà cảm thấy rằng bà có thể kiếm đủ tiền từ việc dệt vải để sống và dành dụm cho chuyến đi của mình. Bà đi đến Berlin và đến nhà của một phụ nữ là người đã mướn bà để dệt vải cho gia đình người ấy. Bà sống trong một căn phòng dành cho gia nhân và đặt khung cửi dệt vải trong phòng khách của gia đình đó.

Lúc bấy giờ việc giảng dạy giáo lý của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là trái phép ở Berlin. Nhưng Mary không thể giữ tin lành cho riêng mình. Người phụ nữ trong nhà và bạn bè của người ấy thường tụ họp lại quanh khung cửi để nghe người thiếu nữ Thụy Sĩ giảng dạy. Bà nói về sự hiện đến của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cùng Joseph Smith, về cuộc viếng thăm của các thiên sứ, và về Sách Mặc Môn. Khi bà nói đến những câu chuyện về An Ma, bà giảng dạy giáo lý về Sự Phục Sinh.

Điều đó gây ra phiền toái cho việc dệt vải của bà. Trong thời kỳ đó, có nhiều trẻ em chết khi còn rất nhỏ. Các phụ nữ đứng quanh khung cửi đều đã có con chết, một số người còn có vài đứa con chết. Khi Mary giảng dạy lẽ thật rằng các trẻ nhỏ sẽ thừa tự thượng thiên giới và rằng các phụ nữ đó có thể sống với các đứa trẻ này một lần nữa và với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của chúng ta, thì những giọt nước mắt lăn dài trên mặt các phụ nữ đó. Mary cũng khóc. Tất cả những giọt lệ rơi xuống làm ướt vải mà Mary đã dệt.

Lời giảng dạy của Ma Ri gây ra một vấn đề nghiêm trọng hơn. Mặc dù Mary đã nài nỉ các phụ nữ đừng nói lại điều mà bà kể cho họ nghe, nhưng họ vẫn làm. Họ chia sẻ giáo lý vui mừng đó với bạn bè của họ. Vậy nên, một đêm nọ có tiếng gõ cửa. Đó là cảnh sát. Họ giải Mary đến nhà giam. Trên đường đi, bà đã hỏi viên cảnh sát tên của vị quan tòa mà bà phải trình diện sáng hôm sau. Bà hỏi vị ấy có gia đình không. Bà hỏi vị ấy có phải là một người cha và một người chồng tốt không. Viên cảnh sát mỉm cười khi ông mô tả rằng vị quan tòa đó là một người ưa thích vật chất thế gian.

Tại nhà giam, Mary hỏi xin một cây bút chì và mấy tờ giấy. Bà viết thư cho vị quan tòa. Bà viết về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được mô tả trong Sách Mặc Môn, về thế giới linh hồn, và về việc vị quan tòa sẽ suy nghĩ và suy ngẫm về cuộc sống của mình bao lâu trước khi đối phó với sự phán xét cuối cùng. Bà viết rằng bà biết vị quan tòa sẽ phải hối cải nhiều về điều đã làm đau lòng gia đình của vị ấy và mang đến nỗi buồn phiền lớn lao cho vị ấy. Bà viết suốt đêm. Vào buổi sáng, bà nhờ viên cảnh sát mang lá thư của bà đến cho vị quan tòa. Viên cảnh sát đã làm theo.

Sau đó, viên cảnh sát được vị quan tòa gọi vào văn phòng của mình. Lá thư mà Mary viết là bằng chứng hiển nhiên rằng bà đang giảng dạy phúc âm và như vậy đã phạm luật. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì viên cảnh sát trở lại buồng giam của Mary. Viên cảnh sát cho bà biết rằng tất cả những lời buộc tội đã bị bác bỏ và bà được tự do. Lời giảng dạy của bà về giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đã mở mắt và mở lòng đủ để bà bị tống giam. Và lời tuyên bố của bà về giáo lý hối cải cho vị quan tòa đã thả bà ra khỏi tù.1

Ảnh Hưởng Con Cháu của Mình

Lời giảng dạy của Mary Bommeli đã tác động nhiều người hơn là các phụ nữ chung quanh khung cửi và vị quan tòa. Cha tôi, cháu ngoại của bà, đã nói với tôi trong những đêm mà ông gần kề cái chết. Ông nói về sự trùng phùng vui vẻ sắp đến trong thế giới linh hồn. Tôi gần như đã có thể thấy được ánh nắng rực rỡ và nụ cười nơi chốn thiên đàng đó khi ông nói về điều đó với sự quả quyết như vậy.

Có lần tôi đã hỏi ông là ông có sự hối cải nào để thực hiện không. Ông mỉm cười. Ông cười khẽ khi ông nói: “Không, Hal à, cha đã hối cải mỗi ngày.” Giáo lý về thiên đàng mà Mary Bommeli đã giảng dạy cho các phụ nữ đó thì rất thật đối với cháu ngoại trai của bà. Và ngay cả giáo lý mà Mary giảng dạy cho vị quan tòa cũng đã ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của cha tôi. Điều đó sẽ không phải là sự kết thúc của lời giảng dạy của Mary Bommeli. Sự ghi chép về những lời của bà sẽ gửi giáo lý chân chính đến cho nhiều thế hệ của gia đình bà dù chưa sinh ra. Vì bà tin rằng ngay cả một người mới cải đạo cũng biết đủ giáo lý để giảng dạy giáo lý đó, cho nên tâm trí của con cháu của bà sẽ được mở rộng, và họ sẽ được củng cố trong trận chiến.

Các con cháu của các anh chị em sẽ giảng dạy giáo lý cho nhau vì các anh chị em đã giảng dạy giáo lý đó. Giáo lý có thể làm nhiều hơn là mở rộng tâm trí cho các sự việc thuộc linh và tâm hồn cho tình yêu thương của Thượng Đế. Khi mang đến niềm vui và sự bình an, giáo lý đó cũng có quyền năng mở các cửa miệng ra để chia sẻ. Giống như các phụ nữ đó ở Berlin, con cháu của các anh chị em sẽ không thể giữ tin lành cho riêng mình.

Tôi biết ơn được sống trong một thời kỳ mà chúng ta và gia đình mình có được phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi. Tôi biết ơn về sứ mệnh yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta và về những lời nói về cuộc sống mà Ngài đã ban cho chúng ta. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể chia sẻ những lời nói đó với những người mà chúng ta yêu thương. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và yêu thương tất cả con cái của Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai Độc Sinh của Ngài trong xác thịt và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi biết rằng Ngài đã sống lại, và tôi biết rằng chúng ta có thể được tẩy sạch qua sự tuân theo các luật pháp và giáo lễ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Ghi Chú

  1. Xin xem Theresa Snow Hill, Life and Times of Henry Eyring and Mary Bommeli (1997), 15–22.

Tranh ảnh do Michael T. Malm minh họa

Hình ảnh do Christina Smith chụp