2011
Các Câu Hỏi Thường Đặt Ra về Sách Mặc Môn
Tháng Mười năm 2011


NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG ĐƯỢC Đặt Ra về Sách Mặc Môn

Cho dù từ bạn bè, gia đình, những người thật sự thích thú, hay chống đối, chúng ta cũng đều nhận được những câu hỏi về Sách Mặc Môn. Đây là một số câu trả lời có thể có.

Sách Mặc Môn là gì và sách ấy được so sánh với Kinh Thánh như thế nào?

Sách Mặc Môn là quyển thánh thư tương tự như Kinh Thánh. Sách ấy là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.1 Kinh Thánh chủ yếu thảo luận về cuộc sống và những lời giảng dạy của Y Sơ Ra Ên thời xưa. Sách Mặc Môn chứa đựng những điều ghi chép của vài nhóm người đã đến Châu Mỹ, kể cả một gia đình đã rời bỏ Giê Ru Sa Lem vào năm 600 trước công nguyên. Những người này cũng là con cháu của gia tộc Y Sơ Ra Ên. Do đó, Kinh Thánh và Sách Mặc Môn được viết bởi những người thuộc cùng di sản nhưng ở những phần đất khác nhau trên thế giới.

Giống như Kinh Thánh, Sách Mặc Môn còn nhiều hơn là một biên sử. Sách này chứa đựng “phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô” (GLGƯ 20:9): những lời giảng dạy, các giáo lý, và những lời tiên tri mà làm chứng về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô.

Tiên Tri Joseph Smith giải thích rằng Sách Mặc Môn “cho chúng ta biết rằng Đấng Cứu Rỗi hiện đến lục địa này [Châu Mỹ] sau khi Ngài phục sinh; rằng Ngài đã thiết lập Phúc Âm ở nơi đây với tất cả sự trọn vẹn, phong phú, quyền năng và phước lành của phúc âm này. Rằng họ có Các Vị Sứ Đồ, Tiên Tri, Giám Trợ, Thầy Giảng, và Các Vị Rao Giảng Phúc Âm, cùng một thứ tự, cùng một chức tư tế, cùng các giáo lễ, ân tứ, quyền năng, và phước lành, như đã được thụ hưởng trên lục địa phương đông; … rằng các vị tiên tri cuối cùng còn sống ở giữa họ đã được truyền lệnh phải viết bản tóm lược những lời tiên tri, lịch sử của họ, v.v., và chôn giấu dưới đất, và rằng nó sẽ ra đời và được kết hợp với Kinh Thánh để hoàn tất các mục đích của Thượng Đế trong những ngày sau cùng.”2

Các tín hữu của Giáo Hội học Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn. Thực vậy, hai trong bốn năm của chương trình giảng dạy trong Trường Chúa Nhật chúng ta là dành cho việc học Kinh Thánh. (Để biết thêm về đề tài này, xin xem các trang 16, 24, và 52 trong số báo này.)

Ai viết Sách Mặc Môn?

Các vị tiên tri thời xưa, như Nê Phi, Gia Cốp, Mặc Môn và con trai của Mặc Môn là Mô Rô Ni là các tác giả chính. Mặc Môn biên soạn và tóm lược các biên sử do các vị tiên tri lưu giữ về lịch sử, lời tiên tri và những điều giảng dạy của họ. Ông cũng gồm vào một số kinh nghiệm riêng của ông. Mặc Môn khắc biên sử này lên trên các tấm kim loại được đóng lại với nhau—màu vàng—mà thường được nói đến như là các bảng khắc bằng vàng.

Sau khi Mặc Môn qua đời, Mô Rô Ni hoàn tất biên sử và chôn nó trên một ngọn đồi để bảo tồn nó cho thời kỳ chúng ta. Vào năm 1823, Mô Rô Ni hiện đến cùng Joseph Smith với tư cách là một thiên sứ và chỉ cho ông thấy biên sử đó được chôn giấu ở đâu. Bốn năm sau, Joseph được phép lấy các biên sử. “Nhờ vào ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, ông đã phiên dịch biên sử đó” ra tiếng Anh từ ngôn ngữ cổ xưa là ngôn ngữ được dùng để viết biên sử đó.3 Sau đó ông xuất bản và phân phối Sách Mặc Môn. (Để biết thêm về đề tài này, xin xem các trang 22 và 72 trong số báo này.)

Điều gì đã xảy ra cho biên sử gốc—các bảng khắc bằng vàng?

Joseph Smith nhận được các bảng khắc vào tháng Chín năm 1827 và giữ chúng cho đến mùa xuân năm 1829. Khi viết tiểu sử của mình vào năm 1838, ông giải thích điều đã xảy ra cho các bảng khắc: “Theo như đã dự định, khi vị sứ giả [Mô Rô Ni] đến lấy, tôi giao hoàn cho ông; và ông vẫn gìn giữ chúng cho đến ngày nay, tức là ngày hai tháng Năm, năm một ngàn tám trăm ba mươi tám” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:60).

Có những ai khác đã nhìn thấy các bảng khắc bằng vàng?

Ngoài Joseph Smith ra còn có vài người nam và người nữ khác đã nhìn thấy các bảng khắc và làm chứng về sự hiện hữu của các bảng khắc này. Đặc biệt có mười một người đàn ông được biết là Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng đã ghi lại chứng ngôn của họ về việc nhìn thấy các bảng khắc và, trong trường hợp của Tám Nhân Chứng, đã cầm các bảng khắc. Các chứng ngôn của họ được in ở phía trước của mỗi quyển Sách Mặc Môn.

Những người này đứng làm nhân chứng hùng hồn về Sách Mặc Môn, có lẽ còn hơn thế nữa vì một số họ đã “có lúc căm ghét Joseph,” Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã quả quyết như vậy. Tuy nhiên, họ “đã làm chứng cho đến khi chết rằng họ đã nhìn thấy một thiên sứ và chạm tay vào các bảng khắc. Họ đã tuyên bố: ‘Những bảng khắc này đã được biểu lộ cho chúng tôi trông thấy bằng quyền năng của Thượng Đế, chứ không phải bằng quyền năng của loài người.’ ‘Vậy nên, chúng tôi biết chắc chắn rằng tác phẩm này có thật.’”4

Có một bằng chứng vật chất rằng Sách Mặc Môn là chân chính không?

Mặc dù chúng ta không đặt đức tin của mình lên trên bằng chứng vật chất, nhưng có bằng chứng ngôn ngữ học, lịch sử và khảo cổ học về Sách Mặc Môn. Ví dụ, ý tưởng về việc viết trên các bảng kim loại đã từng bị nhạo báng, nhưng trong những năm gần đây, người ta đã tìm thấy vô số các bài viết thiêng liêng trên các bảng kim loại—một số các bài viết thiêng liêng này được giấu trong các hộp bằng đá.

Các nhà ngôn ngữ học đã ghi nhận những từ và cụm từ trong Sách Mặc Môn nghe có vẻ ngượng nghịu trong tiếng Anh nhưng lại có ý nghĩa hoàn hảo trong tiếng Hê Bơ Rơ và các ngôn ngữ liên hệ mà những người trong Sách Mặc Môn đều biết đến—là các ngôn ngữ thiếu niên Joseph Smith không hề biết.

Nhưng những loại bằng chứng này không phải là điều thuyết phục chúng ta về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Đây là vấn đề đức tin và sự mặc khải cá nhân.

Làm thế nào tôi có thể biết được Sách Mặc Môn là chân chính?

Cách chắc chắn duy nhất để tự mình biết được là qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Chương cuối cùng trong Sách Mặc Môn mời gọi bất cứ người nào đọc, suy ngẫm sách và chân thành muốn biết xem sách có chân chính không thì hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Những người làm theo cách này sẽ biết nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh rằng sách này là chân chính (xin xem Mô Rô Ni 10:3–5). Hằng triệu tín hữu của Giáo Hội đã cầu nguyện và biết được qua sự làm chứng của Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính. (Để biết thêm về đề tài này, xin xem các trang 4, 60 và 80 trong số báo này.)

Tôi cảm thấy hoang mang vì sách Khải Huyền 22:18–19 bảo chúng ta không được thêm bất cứ điều gì vào lời của Thượng Đế.

Một trong những sự tin tưởng chủ yếu của chúng ta là Thượng Đế đã luôn luôn mặc khải ý muốn của Ngài cho con cái của Ngài trên thế gian biết và Ngài sẽ luôn luôn làm như vậy. Chúng ta tin Kinh Thánh là lời của Thượng Đế nhưng không tin rằng Kinh Thánh chứa đựng tất cả sự mặc khải mà Thượng Đế đã hay sẽ ban cho các vị tiên tri của Ngài. Ngay cả ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục mặc khải ý muốn của Ngài qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế, chính là nền tảng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Ê Phê Sô 2:20).

Khi Sứ Đồ Giăng viết sách Khải Huyền, sách này không phải là quyển sách cuối cùng của Kinh Thánh. Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước đã không được đóng thành một quyển thánh thư duy nhất—mà hiện giờ được gọi là Kinh Thánh—cho đến thế kỷ thứ ba sau công nguyên.

Tương tự như vậy, sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:2 bảo chúng ta không được thêm điều gì vào những lời của Môi Se. Dĩ nhiên, lúc ban đầu trong Kinh Cựu Ước, câu này không làm cho phần còn lại của Kinh Thánh bị mất hiệu lực. Môi Se lẫn Giăng không thể nói đến việc sửa đổi một quyển kinh mà chưa ra đời; thay vì thế họ cảnh báo chống lại việc sửa đổi những điều giảng dạy chân thực của phúc âm.

Sách Mặc Môn là sách chứa đựng phúc âm trọn vẹn, không hề sửa đổi mà tái khẳng định lời của Thượng Đế. (Để biết thêm về đề tài này, xin xem các trang 24 và 38 trong số báo này.)

Tôi đã nghe nói rằng có những điều thay đổi trong Sách Mặc Môn kể từ khi sách được xuất bản lần đầu. Điều gì đã được thay đổi và tại sao?

Câu trả lời cho câu hỏi này tùy thuộc vào việc hiểu biết chút ít về quá trình phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn.

1. Khi Joseph Smith phiên dịch các bảng khắc bằng vàng bởi quyền năng của Thượng Đế, ông đã đọc những lời dịch cho một người ghi chép. Thỉnh thoảng những người ghi chép mắc lỗi chính tả và ngữ pháp khi họ viết xuống những lời của ông. Ví dụ, trong 1 Nê Phi 7:20từ “hối hận” đã viết sai chính tả. Những người ghi chép không phải là những người ít học, nhưng vì chính tả đã không được tiêu chuẩn hóa vào thời đó.

2. Bản thảo gốc viết tay của bản dịch đã được sao chép lại để làm một bản thảo viết tay mới cho người thợ in. Ở giai đoạn này, một số lỗi chính tả và ngữ pháp đã được sửa lại và phép chấm câu đã được thêm vào. Nhưng cũng có một số lỗi mới khi những từ ngữ bị sao chép sai.

3. Người thợ in cũng hết sức cố gắng để sắp chữ một cách chính xác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ấy cũng mắc phải những lỗi khác. Ví dụ, trong An Ma 57:25 người ấy đọc sai từ “vui mừng” và thay vì thế sắp chữ “kẻ thù.”

4. Tiên Tri Joseph Smith xem rất kỹ ba ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn, và ông tiếp tục giúp điều chỉnh và làm cho sách chính xác hơn. Nhưng một số lỗi đã không thấy được cho đến khi có các ấn bản sau này. Vào năm 1981, một lỗi của thợ in trong An Ma 16:5 cuối cùng đã được sửa lại cho phù hợp với bản thảo gốc như khi Vị Tiên Tri đã phiên dịch từ ấy từ các bảng khắc bằng vàng.

5. Những điều thay đổi khác gồm có chương mới cùng các chỗ ngắt câu và cước chú với phần tham khảo chéo.

Chia Sẻ một Quyển Sách

Bất cứ ai đặt ra câu hỏi nào hoài nghi về Sách Mặc Môn thì chính quyển sách này tự nó bênh vực là hữu hiệu nhất. Các anh chị em có thể làm chứng về sách ấy, chia sẻ một quyển và mời những người khác tự cầu nguyện về sách ấy. Nếu một người có tấm lòng chân thành và ước muốn chân thật để biết sách ấy có chân chính hay không thì Chúa “sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho [người ấy] biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:4).

Ghi Chú

  1. Ví dụ, xin xem Boyd K. Packer, “The Book of Mormon: Another Testament of Jesus Christ,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 71.

  2. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 64.

  3. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, 60.

  4. Jeffrey R. Holland, “Sự An Toàn cho Linh Hồn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 90.

Hình ảnh do Robert Casey minh họa