2012
Sống một Cuộc Sống Dư Dật
January 2012


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Giêng năm 2012

Sống một Cuộc Sống Dư Dật

Vào đầu năm mới, tôi khuyến khích Các Thánh Hữu Ngày Sau ở khắp mọi nơi nên có một công cuộc tìm kiếm cá nhân, đầy sốt sắng, đầy ý nghĩa về điều mà tôi gọi là cuộc sống dư dật—một cuộc sống đầy dẫy thành công, điều tốt lành, và ơn phước. Cũng giống như cách chúng ta học hỏi kiến thức cơ bản trong trường học, tôi xin đề nghị các nguyên tắc cơ bản của tôi để giúp tất cả chúng ta đạt được cuộc sống dư dật.

Hãy Có một Thái Độ Lạc Quan

Nguyên tắc đầu tiên là thái độ. William James, một nhà tâm lý học và triết học tiền phong Mỹ, đã viết: “Cuộc cách mạng quan trọng nhất của thế hệ chúng ta là khám phá ra rằng loài người, qua việc thay đổi những thái độ bên trong đầu óc của họ, có thể thay đổi các khía cạnh bên ngoài của cuộc sống họ.”1

Có rất nhiều điều trong cuộc sống tùy thuộc vào thái độ của chúng ta. Cách chúng ta chọn để nhìn những sự việc và đáp ứng với những điều khác đều ảnh hưởng đến mọi điều. Nếu chúng ta hết sức cố gắng và rồi chọn sống vui vẻ với hoàn cảnh của mình, thì dù hoàn cảnh đó có ra sao đi nữa, thì chúng ta cũng có thể mang đến sự bình an và niềm mãn nguyện cho cuộc sống của mình.

Charles Swindoll—một tác giả, nhà sư phạm và mục sư Ky Tô Giáo—nói: “Đối với tôi, thái độ còn quan trọng hơn… quá khứ, … hơn tiền bạc, hơn hoàn cảnh, hơn nỗi thất bại, hơn sự thành công, hơn cả điều những người khác nghĩ hoặc nói hay làm. Thái độ còn quan trọng hơn cả diện mạo, năng khiếu, hoặc kỹ năng. Thái độ sẽ xây đắp hoặc phá hủy một công ty, một giáo hội, một mái ấm gia đình. Điều đáng kể là chúng ta có được sự chọn lựa mỗi ngày về thái độ mình sẽ có cho ngày đó.”2

Chúng ta không thể điều khiển hướng gió, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh cánh buồm được. Để có được hạnh phúc, bình an, và niềm mãn nguyện tối đa, mong sao chúng ta chọn một thái độ lạc quan.

Tin tưởng nơi Bản Thân Mình

Nguyên tắc thứ nhì là tin tưởng—nơi bản thân mình, nơi những người xung quanh mình, và nơi các nguyên tắc vĩnh cửu.

Hãy thành thật với bản thân mình, với những người khác và với Cha Thiên Thượng. Một người không thành thật với Thượng Đế cho đến khi quá trễ là Giáo Chủ Hồng Y Wolsey là người, theo như Shakespeare, đã dành một đời phục vụ ba quốc vương cùng thụ hưởng của cải và quyền lực. Cuối cùng, ông đã bị một vị vua thiếu kiên nhẫn tước hết quyền lực và của cải. Giáo Chủ Hồng Y Wolsey kêu lên:

Nếu tôi đã phục vụ Thượng Đế của tôi chỉ với một nửa bầu nhiệt huyết

Mà tôi đã phục vụ vua tôi, thì bây giờ, Ngài đã không

Để tôi sa vào tay kẻ thù của tôi.3

Thomas Fuller, một giáo sĩ và nhà sử học Anh sống vào thế kỷ thứ 17, đã viết về lẽ thật này: “Người nào không sống theo niềm tin tưởng của mình thì không thật sự tin tưởng.”4

Đừng giới hạn mình và đừng để những người khác thuyết phục các anh chị em rằng các anh chị em bị giới hạn trong điều mình có thể làm. Hãy tin nơi mình và rồi sống sao để đạt đến khả năng của mình.

Các anh chị em có thể đạt được điều các anh chị em tin là mình có thể đạt được. Hãy tin cậy và tin tưởng cùng có đức tin.

Hãy Đối Phó với Những Thử Thách với Lòng Can Đảm

Lòng can đảm trở thành một đức hạnh xứng đáng và quan trọng khi được xem là không phải sẵn lòng chết một cách táo bạo mà là quyết tâm sống một cách tao nhã.

Nhà văn tiểu luận và thi sĩ Mỹ Ralph Waldo Emerson nói: “Bất cứ điều gì ta làm, thì ta đều cần có lòng can đảm. Bất cứ hướng đi nào ta đã quyết định thì luôn luôn có một người nào đó nói với ta rằng ta đã sai lầm. Lúc nào cũng có những khó khăn xảy đến để cám dỗ các anh chị em tin rằng những người chỉ trích mình là đúng. Việc vạch ra một chiều hướng hành động và tuân theo chiều hướng đó cho đến cùng đòi hỏi phải có lòng can đảm giống như một người lính cần phải có. Hòa bình có những chiến thắng của nó, nhưng cần phải có những người nam nữ dũng cảm mới đạt được những chiến thắng đó.”5

Sẽ có những lúc các anh chị em cảm thấy sợ hãi và nản lòng. Các anh chị em có thể cảm thấy rằng mình đã bị đánh bại. Cơ may đạt được chiến thắng có thể dường như quá nhỏ nhoi. Đôi khi các anh chị em có thể cảm thấy giống như Đa Vít cố gắng đánh lại Gô Li Át. Nhưng hãy nhớ rằng—Đa Vít quả thật đã chiến thắng!

Cần phải có lòng can đảm để thực hiện một bước đẩy mạnh đầu tiên nhắm vào mục tiêu đầy khao khát của một người, nhưng cần phải có nhiều can đảm hơn khi một người vấp ngã và cần phải cố gắng lần thứ hai để đạt được mục tiêu của mình.

Hãy có quyết tâm để cố gắng, sẵn lòng làm việc để hướng đến một mục tiêu xứng đáng, và có lòng can đảm không những để đối phó với những thử thách chắc chắn sẽ đến mà còn phải cố gắng lần thứ hai, nếu cần phải làm như vậy. “Đôi khi lòng can đảm là tiếng nói nhỏ nhẹ vào cuối ngày: ‘Ngày mai tôi sẽ cố gắng lần nữa.’”6

Cầu xin cho chúng ta ghi nhớ ba nguyên tắc cơ bản này khi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của mình trong năm mới, trau dồi một thái độ lạc quan, tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được các mục tiêu và quyết tâm của mình, cùng lòng can đảm để đối phó với bất cứ thử thách nào có thể xảy đến trên đường đời. Rồi cuộc sống dư dật sẽ thuộc vào chúng ta.

Ghi Chú

  1. William James, trong Lloyd Albert Johnson, biên soạn, A Toolbox for Humanity: More Than 9000 Years of Thought (2003), 127.

  2. Charles Swindoll, trong Daniel H. Johnston, Lessons for Living (2001), 29.

  3. William Shakespeare, King Henry the Eighth, màn 3, cảnh 2, dòng 456–58.

  4. Thomas Fuller, trong H. L. Mencken, chủ bút, A New Dictionary of Quotations (1942), 96.

  5. Ralph Waldo Emerson, trong Roy B. Zuck, The Speaker’s Quote Book (2009), 113.

  6. Mary Anne Radmacher, Courage Doesn’t Always Roar (2009).

Giảng Dạy từ Sứ Điệp Này

Hãy cân nhắc việc mời những người trong gia đình các anh em giảng dạy chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân khi một thái độ lạc quan, niềm tin tưởng nơi bản thân họ hoặc lòng can đảm đã giúp họ. Hoặc mời họ tìm ra những ví dụ về ba nguyên tắc này trong thánh thư. Các anh em có thể chuẩn bị giảng dạy bằng cách thành tâm suy nghĩ về các câu thánh thư và những kinh nghiệm của riêng mình.