2014
Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau Cung Cấp Viện Trợ
Tháng Mười Một năm 2014


Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau Cung Cấp Viện Trợ

Kể từ những ngày đầu của Thời Kỳ Phục Hồi, các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã được biết đến vì quyết tâm của họ để tiếp cận và nâng đỡ những người đang đau khổ.

Trong những năm gần đây, các tín hữu Giáo Hội và những người khác, qua những khoản đóng góp rộng rãi, đã cung cấp phương tiện cho các chương trình Dịch Vụ Nhân Đạo của Giáo Hội để ban phước cho cuộc sống của những người trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2013, các chương trình nhân đạo Thánh Hữu Ngày Sau đã giúp hơn 10,5 triệu người ở 130 quốc gia.

Nỗ lực này mở rộng từ việc cung cấp tiện nghi và những nhu yếu phẩm đến việc làm cho nước sạch có sẵn; đến việc huấn luyện các nữ hộ sinh và các bác sĩ cứu sống hàng ngàn trẻ sơ sinh; đến việc cung cấp xe lăn. Ngoài ra, Giáo Hội phụ giúp trong việc chăm sóc thị lực cùng huấn luyện, chủng ngừa, và phụ giúp các cộng đồng trồng trọt và chăn nuôi thực phẩm bổ dưỡng.

Phụ Giúp Người Tị Nạn

Giáo Hội đã thực hiện nỗ lực kiên định và đáng kể để giúp đỡ những người tị nạn cũng như những người khác bị lâm vào cảnh xung đột và tình trạng thiếu thức ăn. Gần đây:

  • Giáo Hội đã hiến tặng hàng ngàn căn lều và cung cấp lương thực cần thiết cho các gia đình ở Chad và xây giếng nước bơm bằng tay, nhà vệ sinh, và các nhà tắm trong các trại tị nạn ở Burkina Faso.

  • Ở Jordan, Syria, Lebanon, Iraq, và khu vực người Kurd, Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau đang phân phát các gói thực phẩm, chăn mền, đồ tiếp liệu y tế, dụng cụ vệ sinh, các bộ đồ giường, và quần áo mùa đông. Tại Iraq và khu vực của người Kurd, xe lăn và các thiết bị di chuyển khác đã được trao tặng cho những người bị thương trong các cuộc xung đột.

  • Ở Gaza, các đồ tiếp liệu dược phẩm, y tế, và sữa bột đã được hiến tặng cho bệnh viện trung ương.

  • Ở Y Sơ Ra Ên, thiết bị siêu âm đã được hiến tặng cho một cơ sở y tế.

  • Ở Ukraine và Nga, Giáo Hội đã hợp tác với Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc để cung cấp thức ăn, các bộ đồ giường, quần áo và đồ dùng vệ sinh cá nhân cho 30.000 người phải bỏ lại nhà cửa trong tình trạng bất ổn dân sự.

Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau cố gắng duy trì quan điểm trung lập về chính trị và giúp đỡ mọi người thuộc bất cứ tín ngưỡng nào.

Các Nỗ Lực Cứu Trợ

Giáo Hội cũng đáp ứng khi thiên tai xảy ra.

  • Ở Sierra Leone và Liberia, Giáo Hội đã sử dụng 1.600 tình nguyện viên địa phương để cung cấp sự huấn luyện về cách tránh bệnh Ebola và cung cấp thực phẩm và những đồ tiếp liệu vệ sinh cơ bản và y tế.

  • Giáo Hội đã cung cấp thực phẩm, dụng cụ vệ sinh và đồ tiếp liệu y tế ở Pakistan và Ấn Độ sau khi trận lũ lụt do một cơn gió mùa lớn gây ra.

  • Ở Tonga, một cơn lốc xoáy phá hủy hàng trăm ngôi nhà, kể cả nhà của 116 gia đình là tín hữu. Các tín hữu sẽ phụ giúp trong việc xây cất lại nhà của họ. Họ được huấn luyện về cách xây cất nơi trú ngụ của mình và sau đó được yêu cầu để phụ giúp ít nhất là bốn người khác trong việc xây cất nhà của họ. Giáo Hội cũng khôi phục lại mùa màng và cung cấp huấn luyện về cách trồng trọt.

  • Ở Mexico, khi một cơn bão đã khiến hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, thì các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương cung cấp thực phẩm và nước cho các tín hữu bị ảnh hưởng, và Giáo Hội đã làm việc với chính quyền tiểu bang để cung cấp những bộ dụng cụ thực phẩm.

Điều Các Anh Chị Em Có Thể Làm

Những Khoản Hiến Tặng cho Quỹ Viện Trợ Nhân Đạo cho phép Giáo Hội đáp ứng ngay lập tức với các cuộc khủng hoảng. Ngoài ra, bất cứ nơi nào họ sinh sống, các tín hữu đều có thể cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, phục vụ, và xây đắp lòng kính trọng cho tất cả mọi người. Việc nhận thấy những người tị nạn và di dân trong cộng đồng của chúng ta, hoặc những người chịu đựng thảm họa cá nhân, và tạo cho họ tình bạn, mối quan tâm, và một môi trường thân thiện đều là một hành động giống như Đấng Ky Tô mà sẽ không bao giờ là vô ích.

Qua tổ chức nhân đạo của mình, Giáo Hội cố gắng áp dụng lời dạy của Chủ Tịch Thomas S. Monson rằng “chúng ta có thể củng cố lẫn nhau; chúng ta có khả năng để nhận thấy điều bị làm ngơ. Khi chúng ta có mắt để thấy, tai để nghe, và tấm lòng để biết và cảm nhận, thì chúng ta có thể tìm đến và giải cứu” (“The Call to Serve,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 58).

Chủ Tịch Giáo Hạt Amman Jordan và con gái của ông gặp gỡ những người tị nạn.

SARAH JANE WEAVER, CHURCH NEWS