2015
Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Nhu Mì và Khiêm Nhường
tháng tám 2015


Sứ Điệp Thăm Viếng Giảng Dạy của Hội Phụ Nữ, tháng Tám năm 2015

Các Thuộc Tính của Chúa Giê Su Ky Tô: Nhu Mì và Khiêm Nhường

Thành tâm nghiên cứu tài liệu này và tìm cách biết phải chia sẻ điều gì. Làm thế nào việc hiểu biết về cuộc sống và vai trò của Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng đức tin của các chị em nơi Ngài và ban phước cho những người mà các chị em trông nom chăm sóc qua việc thăm viếng giảng dạy? Để biết thêm chi tiết, xin mời vào trang mạng reliefsociety.lds.org.

Đức tin, Gia đình, Trợ giúp

Chúa Giê Su đã phán rằng, “song ai lớn hơn trong các ngươi phải như kẻ rất nhỏ, và ai cai trị phải như kẻ hầu việc. Vì một người ngồi ăn với một người hầu việc, ai là lớn hơn? Có phải là kẻ ngồi ăn không? Nhưng ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy.” (Lu Ca 22:26-27).

“Đấng Cứu Rỗi là một tấm gương tôn cao về quyền năng của lòng khiêm nhường và sự phục vụ. Sau cùng, việc Ngài tuân phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha đã mang đến sự kiện vĩ đại nhất, và thậm chí mạnh mẽ nhất, trong toàn bộ lịch sử. Có lẽ một trong số các từ thiêng liêng nhất trong tất cả các thánh thư chỉ là ‘xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!’ (Lu Ca 22:42).”1

Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta luôn luôn tìm cách để được giống như Ngài. Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Thầy Bảy Mươi đã nói “Tính nhu mì là thiết yếu cho chúng ta để trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn,” Nếu không có tính nhu mì, chúng ta sẽ không thể phát triển các đức tính quan trọng khác. Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối, mà nó có nghĩa là cư xử với lòng nhân từ và tử tế, cho thấy sức mạnh, sự thanh thản, lòng tự trọng lành mạnh, và sự tự chủ.”2 Khi chúng ta cố gắng phát triển thuộc tính này, chúng ta sẽ thấy rằng “việc khiêm nhường dâng ý muốn của chúng ta lên Đức Chúa Cha sẽ mang đến cho chúng ta quyền năng của Thượng Đế—quyền năng của lòng khiêm nhường. Đó là quyền năng để đối phó với những nghịch cảnh của cuộc sống, quyền năng của bình an, quyền năng của hy vọng, quyền năng của một trái tim đập rộn ràng với một tình thương yêu và chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, thậm chí là quyền năng của sự cứu chuộc.”3

Các Câu Thánh Thư Bổ Sung

Ma Thi Ơ 26:39; Giăng 5:30; Mô Si A 3:19; Hê La Man 3:35

Từ Thánh Thư

Một trong những khoảnh khắc ngọt ngào và mạnh mẽ nhất trong giáo vụ của Đấng Ky Tô là khi Ngài rửa chân cho các môn đồ của Ngài. “[Ngài] đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho” (Giăng 13:4-5).

Khi Đấng Cứu Rỗi đưa ra giáo lễ này, các môn đồ có thể đã bị choáng ngợp bởi vì Chúa và Đức Thầy của họ đã quỳ gối trước họ và thực hiện một sự phục vụ đầy nhu mì. Chúa Giê Su sau đó đã giải thích các bài học mà Ngài muốn họ và tất cả chúng ta học hỏi:

“Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau.

“Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:14-15).

Ghi Chú

  1. Richard C. Edgley, “The Empowerment of Humility,” Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 99).

  2. Ulisses Soares, “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2013, 9.

  3. Richard C. Edgley, “The Empowerment of Humility,” 99.

Hãy Suy Nghĩ về Điều Này

Việc có lòng khiêm nhường có thể giúp chúng ta yêu thương giống như Đấng Cứu Rỗi như thế nào?